CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đánh giá chung về tình hình quản lý và sử dụng đất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Trị
3.4.1. Những mặt đã đạt được
- Việc hình thành các cụm công nghiệp trên địa bàn Thị xã Quảng Trị đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, mở rộng sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; thúc chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội theo hướng công nghiệp hóa.
- Nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho các cụm công nghiệp chưa nhiều nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
- Công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp hiệu quả sẽ góp phần khai thác được các lợi thế về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương; đồng thời phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng các mối liên kết kinh tế trong khu vực, vùng, cả nước sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
3.4.2. Những mặt chưa đạt được
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì các CCN trên địa bàn Thị xã Quảng Trị cũng còn rất nhiều những hạn chế, cụ thể:
- Khả năng dự báo, tính toán nhu cầu quy hoạch và khả năng đáp ứng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế, chưa phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Một số cụm công nghiệp được quy hoạch trên cơ sở hiện trạng đã có doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, nên phần diện tích đất sử dụng còn lại không đáng kể. Bên cạnh đó, do có vị trí không thuận lợi về giao thông, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém... nên các cụm công nghiệp còn gặp hạn chế trong việc kêu gọi vốn đầu tư.
- Việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm. Tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN phải đảm bảo theo quy trình, bao gồm: Giới thiệu địa điểm (đã bỏ từ ngày 03/7/2017 theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh), thành lập cụm công nghiệp, cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp phép quy hoạch, quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, … Trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 3 -
4 năm, chưa kể nhiều cụm phải mất nhiều thời gian hơn do gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau đó, chủ đầu tư mới thực hiện khởi công xây dựng khoảng 02 năm. Sau khi hoàn tất hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật môi trường), chủ đầu tư mới được tiếp nhận dự án sản xuất kinh doanh vào đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân làm kéo dài tiến độ xây dựng cụm công nghiệp.
- Vấn đề bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp chưa được các địa phương, chủ đầu tư quan tâm, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; đa số các cụm công nghiệp trên địa bàn chưa xây dựng khu vực tập trung rác thải, hệ thống xử lý nước thải.
3.4.3. Cơ sở đề xuất giải pháp
3.4.3.1. Cơ hội đối với việc phát triển các cụm công nghiệp
Thị xã Quảng Trị có vị trí tương đối thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Thị xã Quảng Trị có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam đi qua, có hệ thống giao thông phát triển thuận lợi.
Quỹđất của thị xã quảng Trị còn nhiều, dễ dàng thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp vừa và nhỏ.
Có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ tương đối; các chính sách rộng mở, ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư đổ vốn vào xây dựng các nhà máy, xí nghiệp.
3.4.3.2. Thách thức đối với việc phát triển các cụm công nghiệp
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thách thức đối với việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Trị là:
Tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp còn rất chậm, chưa được quan tâm, việc đầu tư dự án chủ yếu vẫn do doanh nghiệp thuê đất tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư.
Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tích lũy còn thấp không đủ đầu tư phát triển mở rộng các cụm công nghiệp thành các khu công nghiệp vừa và lớn.
Nguồn nhân lực chưa qua đào tạo thì nhiều, nhân lực qua đào tạo thì ít hoặc chưa cao.
Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư song vẫn còn yếu kém, quá trình xây dựng các cụm công nghiệp còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến khả năng thu hút vốn đầu tự.
Có một số hộ dân và mồ mả xen lẫn trong các cụm công nghiệp do đó giá trị đền bù giải phóng mặt bằng lớn dẫn đến vốn đầu tư cao, ảnh hưởng tới việc thu hút nhà đầu tư.
3.4.4 Các giải pháp đề xuất 3.4.4.1. Giải pháp về đất đai
Tạo quỹ đất sạch, tiến hành giao đất và cho thuê đất cho các doanh nghiệp, công ty đầu tư vào thị xã Quảng Trị theo đúng quy định của nhà nước.
Thực hiện cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến công tác giao đất, cho thuê đất, gia hạn đất nhằm từng bước rút ngắn, đơn giản hóa thời gian tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành dự án thuận lợi nhất.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong các cụm công nghiệp và trong các doanh nghiệp để tránh có hiện trạng chậm thi công đồng thời phát hiện tình trạng sử dụng đất sai mục đích nhưng vẫn được giao đất cho thuê đất.
Thực hiện quy hoạch trong các cụm công nghiệp sao cho hợp lý, kịp thời với quy hoạch chung phục vụ cho hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai gần.
3.4.4.2. Giải pháp về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp và giao thông Chú trọng đầu tư, rót vốn vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp trên địa bàn, tranh thủ các nguồn vốn nhà nước và nước ngoài.
Tập trung cao trong công tác giải phóng mặt bằng, chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân sống gần các cụm công nghiệp đang có, xây dựng tường rào, hàng chắn cao xung quanh các nhà máy, xí nghiệp .
Định kỳ rà soát và đánh giá lại nhu cầu sử dụng mặt bằng sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất để điều chỉnh, bổ sung hợp lý với tình hình thực tế.
Chú trọng đầu tư, nhanh chóng thúc đẩy công tác xây dựng các công trình đầu mối trên địa bàn như đường giao thông liên tỉnh; cống rảnh thoát nước,...
3.4.4.3. Giải pháp về thu hút vốn đầu tư, tiếp cận khoa học công nghệ
Hình thành một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hình thành môi trường thân thiện với các nhà đầu tư, lấy lợi ích các doanh nghiệp làm trọng tâm, không phân biệt thành phần kinh tế.
Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình nhà đầu tư tiếp xúc.
Khai thác hình thức quảng bá xúc tiến đầu tư thông qua mối quan hệ rộng rãi của lãnh đạo thị xã, một số cơ quan ban ngành với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thường xuyên trao đổi, đối thoại gặp mặt với các chủ doanh nghiệp để lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng chung của họ qua đó dễ dàng xử lý, điều phối hài hòa.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu xuất lao động và cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh.
3.4.4.4. Giải pháp về chính sách và thủ tục hành chính
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cải cách đồng bộ trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, các thủ tục hành chính về đất đai, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng,...
Kịp thời ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư đồng thời phải quy định rõ ràng, minh bạch, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện, tỉnh đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
3.4.4.5. Giải pháp về vốn và thị trường
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát huy cao nguồn năng lực.
Vốn của nhà nước tập trung cho hổ trợ kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, đèn thao thông, điện, nước, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ. Tâp trung cao nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hoàn thành các công trình hạ tầng, cơ sở kỹ thuật và các công trình đầu mối.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phân biệt vốn đầu tư.
Rà soát lại các mục tiêu đầu tư, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư và chỉ đạo đầu tư phục vụ chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng.
Tăng cường công tác điều tra, giám sát việc sử dụng vốn để đầu tư phát triển đặc biệt là các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước để kịp thời đưa vào hoạt động và không chậm trễ.
Xác định được thị trường đang trên đà tiềm năng và phát triển, tập trung đầu tư vào những mặt hàng thiết yếu.
3.4.4.6. Giải pháp về môi trường
Không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên, vật liệu.
Tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong
các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động trong việc phòng ngừa và bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về lĩnh vực môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính,...
Xử phạt mạnh đối với các doanh nghiệp không tuân thủ và vi phạm về vấn đền ô nhiễm môi trường, không đủ điều kiện đảm bảo về môi trường,...
Cần có những biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời, hợp lý khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng về môi trường đồng thời hạn chế tối đa mức thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Cần xây dựng các cụm công nghiệp cách xa khu dân cư đang sinh sống, cần nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung của các cụm công nghiệp và khu công nghiệp để đảm bảo nước thải được xử lý và không tràn ra ngoài môi trường xung quanh gây ô nhiễm.