CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng nghiên cứu
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
( Nguồn Văn phòng đất đai TX. Quảng Trị) Hình 3.1. Bản đồ đất đai thuộc Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị
3.1.1.1. Địa hình
Địa hình thị xã Quảng Trị được chia làm 2 vùng rõ rệt:
- Phía Nam là vùng đồi núi với những thảm rừng có hệ sinh thái phong phú, cao độ 30 - 300 m thoải dần về phía Bắc, độ dốc trung bình 10 - 25%, bị chia cắt bởi nhiều khe suối. Vùng này thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp và trồng cây công nghiệp lâu năm, ngoài ra hệ thống khe suối tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác vào mục đích du lịch sinh thái.
- Phía Bắc là vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, cao độ trung bình 5 - 8 m, đây là nơi tập trung mật độ dân cư cao cùng với các cơ sở hạ tầng kinh tế chủ yếu của thị xã, thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ và quy hoạch xây dựng đô thị nhỏ. Ngoài ra, vùng này thường xảy ra ngập lụt, hàng năm được bồi đắp phù sa nên thuận lợi cho việc trồng lúa và các loại cây ăn quả lâu năm.
3.1.1.2. Điều kiện khí hậu, thời tiết
Thị xã Quảng Trị nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng, mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao là những thuận lợi cơ bản cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, thị xã được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió tây nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 8 thường gây nên hạn hán; từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kèm theo mưa nên thường xảy ra lũ lụt.
- Nhiệt độ
Nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng 23 - 250C; nhiệt độ thấp nhất vào tháng 01, dao động từ khoảng 18 - 200C; nhiệt độ cao nhất vào tháng 7, dao động từ 32 - 350C. Nhiệt độ thấp nhất là 19,30C, cao nhất là 29,60C.
- Chế độ mưa
Hàng năm thị xã Quảng Trị nhận được một lượng mưa khá lớn, lượng mưa trung bình khoảng 300 mm. Phân bố mưa quan hệ với chế độ hoàn lưu, có một mùa mưa tập trung và một mùa ít mưa. Phần lớn lãnh thổ có mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau chiếm khoảng 76,9% tổng lượng mưa hàng năm. Từ tháng 3 đến tháng 8 là thời kỳ ít mưa, tổng lượng mưa thời kỳ này chiếm 23,1% tổng lượng mưa hàng năm.
Số ngày mưa trung bình năm vào khoảng 175 ngày. Trong những tháng mùa mưa, số ngày mưa nhiều nhất từ 60 - 76% số ngày trong tháng.
Cường độ mưa tương đối lớn, trong khi đó lớp thực vật che phủ không còn nhiều nên hiện tượng xói mòn đất diễn ra mạnh.
- Độ ẩm không khí
Thị xã Quảng Trị nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung, mùa mưa là mùa lạnh, mùa nóng là mùa khô.
Thời kỳ ẩm ướt nhất xảy ra vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, không khí ở trạng thái bảo hoà hơi nước và trời thường mưa nhỏ hay mưa phùn. Trong các tháng mùa hạ độ ẩm tương đối trung bình từ 78 - 85% nhưng có thời điểm xuống đến 27 - 41% (từ tháng 4 đến tháng 8).
Nhìn chung, độ ẩm tương đối trung bình có trị số cao nhất kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, trùng hợp với mùa mưa và thời kỳ hoạt động của không khí lạnh cực đới.
- Chế độ gió
Thị xã Quảng Trị chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, gió tây nam khô nắng đã làm tăng đáng kể tính khắc nghiệt của thời kỳ khô hạn ở đây, làm tăng lượng bốc hơi, giảm độ ẩm không khí, góp phần gây cạn kiệt nguồn nước mặt, hạ thấp mặt nước ngầm và hạn chế lớn sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và cuộc sống của con người.
Số ngày trung bình có gió tây nam khô nóng là 50,9; có thời điểm trong những ngày có gió tây nam, nhiệt độ không khí cao nhất 41,00C; độ ẩm không khí thấp nhất 30%.
Vào mùa đông khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 hướng gió thịnh hành chủ yếu là hướng đông và đông bắc gây ra mưa và lụt.
- Bão và lũ lụt
Sự khắc nghiệt của chế độ khí hậu ở thị xã Quảng Trị càng trở nên khắc nghiệt hơn, bên cạnh thời kỳ khô hạn gay gắt lại đến thời kỳ chịu ảnh hưởng của bão lụt nặng nề. Bão lụt thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11. Mùa bão thường là mùa mưa, khi có bão mưa càng lớn, nước từ thượng nguồn các con sông suối đổ về đồng thời nước biển dâng lên gây nên lụt lội.
Nhìn chung khí hậu thời tiết thị xã Quảng Trị khá khắc nghiệt đối với sản xuất và đời sống dân cư, hạn chế khả năng hoạt động của một số ngành khai thác, xây dựng và nông nghiệp.
3.1.1.3. Chế độ thủy văn
Mạng lưới sông suối ở thị xã Quảng Trị khá nhiều, hàng năm mang một lượng phù sa lớn bồi đắp cho vùng đồng bằng của thị xã đặc biệt là các vùng đất canh tác ven sông Thạch Hãn. Hai con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định chảy qua thị xã là nguồn nước tưới quan trọng của người dân nơi đây, không những góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẽ về mùa hè mà còn là tuyến đường thủy nối liền thị xã với các vùng lân cận.
3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất đai
Theo số liệu thống kê năm 2017, thị xã Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên là 7282,29 ha chiếm 1,54% diện tích toàn tỉnh. Trong đó:
- Đất nông nghiệp: 5.758,70 ha, chiếm 79,08% tổng diện tích tự nhiên.
- Đất phi nông nghiệp: 1.356,65 ha, chiếm 18,63% tổng diện tích tự nhiên.
- Đất chưa sử dụng: 166,95 ha, chiếm 2,29% tổng diện tích tự nhiên.
Theo bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Quảng Trị tỷ lệ 1/50.000, trên địa bàn thị xã Quảng Trị có 3 nhóm đất chính, bao gồm: Đất phù sa, Đất xám và Đất xói mòn trơ sỏi đá.
b. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2017, diện tích đất lâm nghiệp của thị xã Quảng Trị 4.760,31 ha chiếm 65,37% diện tích tự nhiên. Trong đó có 1.886,25 ha đất rừng phòng hộ đóng một vai trò tích cực trong việc điều hoà khí hậu, bảo đảm nguồn nước cho hệ thống thuỷ lợi Nam Thạch Hãn.
c. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Thị xã Quảng Trị có nguồn nước mặt tương đối dồi dào, diện tích đất có mặt nước sông suối, ao, hồ khá lớn, bao gồm sông Thạch Hãn, Sông Vĩnh Định, Sông Nhùng, Kênh Nam Thạch Hãn. Hàng năm, tổng lưu lượng dòng chảy lên tới hàng chục ngàn m3 nước kết hợp với lượng mưa hàng năm khá lớn tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm. Nhìn chung, nguồn nước mặt cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Nguồn nước ngầm: Chưa có điều tra chính thức, song qua khảo sát thăm dò sơ bộ, nguồn nước ngầm ở thị xã Quảng Trị tương đối dồi dào có khả năng đáp ứng nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên chất lượng nguồn nước không cao.
d. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản ở thị xã Quảng Trị không nhiều, chủ yếu là đất sét làm gạch ngói phân bổ ở những vùng ruộng lúa trữ lượng không lớn, phân bố rãi rác, không cho phép xây dựng cơ sở sản xuất quy mô lớn. Cát sạn xây dựng trên sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thị xã, trữ lượng hạn chế, chỉ phù hợp với kiểu khai thác thủ công và bán thủ công.
e. Tài nguyên du lịch
Hệ thống di tích của thị xã Quảng Trị khá đa dạng, phản ánh rõ nét bức tranh lịch sử, văn hoá và là mạch nguồn gắn kết bền chặt các thế hệ, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, thăm viếng. Trên địa bàn thị xã hiện có các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia như: Thành cổ Quảng Trị, Nhà thờ Trí Bưu, Trường Bồ Đề, Bến sông Thạch Hãn. Trong đó, Di tích Thành Cổ Quảng Trị được xếp hạng di tích đặ biệt quan trọng cấp Quốc gia, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, hoài niệm, về nguồn, hành hương.