Sự cố môi trường biển

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp phục hồi sinh kế của các hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển formosa ở huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 25 - 30)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4 Sự cố môi trường biển

Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

(Điều 3- Luật bảo vệ môi trường 2014).

1.4.1 Quá trình ảnh hưởng:

Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4/2016, Thừa Thiên Huế ngày 15/4/2016, Quảng Trị ngày 16/4/2016 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04/5/2016. Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 06-07/4/2016, tỉnh Quảng Bình từ ngày 14-15/4/2016, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 16-17/4/2016 và tỉnh Quảng Trị từ ngày 18-19/4/2016.

Ngày 04/5/2016 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình, ngày 06/5/2016 xuất hiện vệt nước màu đen xẫm ở Hà Tĩnh và ngày 12/5/2016 xuất hiện vệt nước màu đỏ xẫm tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tỉnh.

Dựa trên ghi nhận các sự kiện sinh vật biển chết hàng loạt trên thế giới và ở Việt Nam cùng với các kết luận nguyên nhân gây ra sự cố kèm theo, phương pháp tiếp cận là theo từng nhóm vấn đề trên nguyên tắc loại trừ dần nhưng không bỏ sót nguyên nhân nào. Các nhóm nguyên nhân cụ thể được tiếp cận gồm: nguyên nhân do tràn dầu;

nguyên nhân do tai biến địa chất; nguyên nhân do dịch bệnh; nguyên nhân do tảo gây hại; nguyên nhân do tác nhân hóa học.

Từ các kết quả phân tích và các diễn biến hiện tượng cá chết, vệt nước bất thường theo không gian và thời gian, Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để đưa ra kết luận mang tính chính xác, khoa học và khách quan. Độc tố hóa học (Phenol, Xyanua…) là nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung năm 2016. Các kết quả thí nghiệm, kết quả phân tích ảnh mây vệ tinh, kiểm toán chất thải và những mẫu vật thu được tại hiện trường cùng các kết quả phân tích đã đủ cơ sở để chứng minh nguồn thải từ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được kết hợp với Hydroxit sắt tạo thành một dạng phức sắt dạng keo (Mixel) chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loại cá tầng đáy.[1]

1.4.2 Mức độ ảnh hưởng:

Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Trên bờ biển Quảng Đông, Vũng Chùa có đến hàng trăm cá thể cá mú loại từ 40 – 50 kg trôi dạt vào bờ và chết. Đến ngày 25 tháng 4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng trị 30 tấn, đến ngày 29 tháng 4 Quảng Bình hơn 100 tấn cá biển bất ngờ chết dạt

bờ. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. VNExpress dẫn thông tin từ cơ quan du lịch quốc gia trong tháng 11/2016 cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%.Chính phủ cho rằng chất thải mà nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn công bố chi tiết những thiệt hại cả kinh tế và xã hội việc hải sản chết hàng loạt. Về kinh tế, riêng số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn. Chính phủ cho biết, đến nay, mức độ ô nhiễm bởi các độc tố như Sắt, Phenol, Amoni… đã giảm dần, đảm bảo an toàn cho người tắm biển. Tuy nhiên, khó xử lý hơn cả là đáy biển vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, đá cứng… cần tiếp tục đánh giá tính chất, mức độ độc hại.[39]

Tuy nhiên, lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân. “Hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - thừa nhận thực tế trên, Chính phủ xác định có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo.Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng.

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá cũng bị thiệt hại. Hoạt động du lịch thì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở 4 tỉnh miền Trung vì theo Chính phủ, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội và TP.HCM cũng bị thiệt hại khi khách dự định đến 4 tỉnh miền Trung hủy tour, khiến công suất sử dụng phòng tại bốn tỉnh trên mất 40-50%.Riêng Hà Tĩnh sau sự cố, công suất phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.

Về xã hội, Chính phủ thừa nhận sự việc đã khiến giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường.

Một bộ phận không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo… Sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản.[3]

1.4.3 Các chính sách, giải pháp ứng phó:

(Theo Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển).[1]

- Hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định 772/QĐ-TTg và Quyết định 1138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Hỗ trợ gạo 19.335,374 tấn gạo (tương đương 181 tỷ đồng). Đã có 214.840 người thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển được hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 06 tháng; Hỗ trợ tiền khẩn cấp là 101,36 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ giống 16,984 tỷ đồng, hỗ trợ một lần cho chủ tàu cá dưới 90CV:

76,669 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để mua tạm trữ thủy sản: 767 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện để dự trữ hàng tồn kho: 561 triệu đồng, hỗ trợ 70% giá trị hàng hải sản tiêu hủy: 6,379 tỷ đồng.[1]

- Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại:

Thủ tường Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 772/QĐ-TTg, Quyết định số 1388/QĐ-TTg, Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định 309/QĐ-TTg và Công văn số 1826/TTg-NN của Thủ tướng. Trong đó đã tạm cấp (5 lần) cho 04 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng số tiền 6.969,0 tỷ đồng.

Tính đến ngày 10/5/2018, tổng kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.516,0 tỷ đồng. Cụ thể: Hà Tĩnh 1.748,1 tỷ đồng, Quảng Bình 2.784,8 tỷ đồng, Quảng Trị 1.017,1 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 966,0 tỷ đồng.[1]

* Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội:

- Về sản xuất thủy sản:

Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn khôi phục sản xuất về nuôi trồng, khai thác thủy sản, sản xuất muối và giám sát ATTP tại 04 tỉnh miền Trung; điều động tàu Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với 04 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào từ bờ biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tầng đáy và đặc biệt là hệ sinh thái thủy sinh vừa mới bị tổn thương và khu vực có thủy sản còn non, đồng thời giúp cho người tiêu dung yên tâm sử dụng sản phẩm hải sản khai thác trong vùng biển 04 tỉnh.

- Cho vay vồn khôi phục sản xuất:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay 208,93 tỷ

đồng để thu mua tạm trữ 7.302 tấn hải sản theo Quyết định 772/QĐ-TTg và đến cuối tháng 02/2017 các khách hàng đã được vay vốn đều trả hết nợ vay cho ngân hàng.

Tính đến 31/3/2018, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khan trong việc trả nợ vay ngân hàng. Kết quả là các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.996 khách hàng với số tiền 223,7 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho 570 khách hàng với dư nợ 897,6 tỷ đồng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,86 tỷ đồng), đồng thời tiếp tục cho vay mới đối với 5.624 khách hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh với số tiền 627,7 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện khoanh nợ cho 34 khách hàng với số tiền 709 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng về hồ sơ, thủ tục khoanh nợ, thực hiện kéo dài thời gian giải ngân được hỗ trợ lãi suất của chính sách cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề đến ngày 31/12/2019 theo Quyết định 2124/QĐ-TTg. Đến nay các tổ chức tín dụng đã khoanh nợ theo Quyết định 12/QĐ-TTg số tiền 570 triệu đồng với số tiền lãi đề nghị cấp bù là 22 triệu đồng.[1]

- Hỗ trợ bảo hiểm y tế và hỗ trợ học phí:

Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 04 tỉnh thiệt hại đề xuất tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ bảo hiểm y tế của 04 tỉnh là 211,185 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 20/3/2018, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ đã được cấp 237.781 thẻ bảo hiểm y tế; Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổng hợp, thẩm tra nhu cầu kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học trong thời gian 02 năm học từ 2016-2018 của 04 tỉnh thiệt hại với mức đề nghị là 175,718 tỷ đồng.[1]

- Hỗ trợ tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân:

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động của 04 tỉnh đi làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung vào các nghề:

thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình. Đến ngày 31/01/2018, đã đưa 32.231 người đi lao động theo hợp đồng, kinh phí hỗ trợ được duyệt là 647,779 tỷ đồng; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách lien quan cho hàng chục nghìn lượt người; tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn, vùng biển. Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho 2.384 dự án vay vốn tạo công ăn việc làm cho 3.279 người lao động.[1]

- Khôi phục và phát triển du lịch:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khôi

phục hoạt động du lịch tại 04 tỉnh bị thiệt hại. Kinh phí từ các chương trình khác đã được điều chuyển để tổ chức các đoàn khảo sát kích cầu du lịch nội địa, cung cấp thông tin thực tế cho khách du lịch, tọa đàm bàn giải pháp khắc phục hậu quả sự cố môi trường đối với du lịch; tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch kêu gọi người dân, khách du lịch, các doanh nghiệp quan tâm đến Bắc Trung Bộ.

Năm 2017, du lịch tại 04 tỉnh bắt đầu phục hồi, khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghĩ dưỡng, giải trí trong dịp nghĩ lễ, tết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2017 đều tăng cao so với năm 2016.[1]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp phục hồi sinh kế của các hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển formosa ở huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)