CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.5 Khái niệm về thảm hoạ
Trong những tác động xấu của môi trường, có những tác động chỉ ảnh hưởng đến số ít cá thể, trong một phạm vi hẹp mà cộng động có thể tự phòng chống được nhưng cũng có những tác động ảnh hưởng đến nhiều người, trên phạm vi rộng, cần đến sự phối hợp của toàn thể cộng đồng, đôi khi còn cần phải kết hợp nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, nhiều quốc gia mới có thể khắc phục được. Đó chính là các loại thảm họa.
Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc về thập kỷ thế giới giảm nhẹ thiên tai: “Thảm họa là các tác động nghiêm trọng đến chức năng hoạt động của xã hội, gây ra các thiệt hại to lớn về môi trường, nhân lực, vật lực, vượt quá khả năng khắc phục của con người bằng chính nguồn lực của bản thân họ”. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Thảm họa là sự phá vỡ môi trường sinh thái, vượt quá khả năng chịu đựng của từng cộng đồng mà cần phải kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài’’.
Khái niệm “hỗ trợ từ bên ngoài” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nghĩa là vượt quá khả năng tự khắc phục của bản thân mỗi người, mỗi địa phương nhỏ và cần phải có sự hỗ trợ của một cộng đồng lớn hơn ở các địa phương, các quốc gia khác.
Nếu một trận mưa to làm vỡ một con mương nhỏ trên đồng ruộng, nhân dân sống chung quanh đó có thể tự hàn gắn được, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái thì không phải là thảm họa. Một một đợt lũ lớn gây vỡ đê, nước ngập tràn trên diện rộng và dài ngày làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; nhân dân sống tại chỗ không tự khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ của toàn huyện, toàn tỉnh, toàn quốc mới có thể khắc phục được thì đó là “thảm họa”. Có những thảm họa xảy ra rất lớn như động đất, núi lửa phun gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng, cần phải phối hợp hành động của nhiều quốc gia mới khắc phục được. Một loại thảm họa tồi tệ nhất do con người gây ra là chiến tranh.
* Phân loại thảm họa và hướng xử trí
Thảm họa được phân loại theo nguyên nhân hay hậu quả về môi trường do thảm
họa gây nên.
- Về nguyên nhân:
Các thảm họa do thiên nhiên gây ra, còn gọi là thiên tai do những biến đổi bất thường của thiên nhiên về thời tiết, khí hậu có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, cho đời sống của con người như cơn bão, lốc tố, vòi rồng, ngập lụt, động đất, núi lửa phun, mưa đá, bão tuyết, sóng thần, khô hạn... Các loại thiên tai thường xảy ra đột ngột, ngoài khả năng cảnh báo hoặc có cảnh báo được thì cũng chỉ phòng tránh nhằm giảm bớt thiệt hại về người và tài sản. Ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật đã phát triển tới mức độ khá cao nhưng con người chỉ mới có khả năng phá hủy được các cơn mưa đá trên diện hẹp, làm mưa nhân tạo chống khô hạn trên một vùng có quy mô nhỏ... nhưng chưa có cách nào để di chuyển được một cơn bão lớn ra khỏi khu vực đông dân cư hoặc chống được động đất, núi lửa... Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là đôi khi do phát triển quá mức của khoa học kỹ thuật nhưng không tính toán kỹ đến yếu tố môi trường lại tác động xấu đến môi trường, làm cho thiên tai có thể xảy ra nhiều hơn như do thủng tầng ozone, do hiệu ứng nhà kính... đã làm cho trái đất nóng lên, dẫn đến áp suất khí quyển tăng, khả năng bão, lốc nhiều hơn; do nhiệt độ nước biển tăng đã làm tan các tảng băng tại hai cực của trái đất, làm tăng mực nước biển và có thể gây nên ngập lụt ở nhiều nơi. Việc chặt phá cây rừng bừa bãi đã làm tăng sự xói mòn, cạn kiệt nguồn nước ngầm gây khô hạn, hiện tượng sa mạc hóa. Khi có mưa lớn, do không còn lớp thảm thực vật che phủ nên lượng nước đổ dồn nhanh xuống vùng thấp trũng hơn gây nên lũ quét, ngập lụt nhiều nơi trên diện rộng.
Các thảm họa do con người gây ra do trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật, vì một lý do nào đó không kiểm tra, chủ động khống chế được độ an toàn và có thể gây ra thảm họa như nổ lò phản ứng hạt nhân nhà máy điện nguyên tử, rò rỉ hóa chất độc hại, tai nạn giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không... Ngoài ra, các thảm họa do cháy, nổ cũng ngày càng phổ biến như cháy rừng và khói bụi do cháy rừng; cháy nhà, cháy chợ... Ngày nay, các công trình xây dựng nhà cao tầng ngày càng nhiều thì nguy cơ cháy, nổ cũng có thể xảy ra gây nên những thảm họa không thể lường trước được. Một vấn đề cần chú ý là việc khai thác, vận chuyển dầu, khí không bảo đảm an toàn có thể gây ra các vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Khác với thảm họa do thiên nhiên gây ra như thiên tai, các thảm họa do con người gây nên có thể dự báo và phòng tránh được, kể cả loại thảm họa chiến tranh tồi tệ nhất.[24]
-Về hậu quả môi trường:
Thảm họa do hậu quả môi trường gồm các loại thảm họa gây nên tác động ngay tới môi trường, thảm họa gây nên tác động lâu dài tới môi trường và thảm họa vừa gây nên tác động ngay vừa gây nên tác động lâu dài tới môi trường.
Loại thảm họa gây nên tác động ngay tới môi trường là các loại thảm họa có tác động ngay tức khắc tới môi trường, gây thiệt hại nặng cho con người và môi trường nhưng tác động xấu về môi trường không kéo dài như cháy nhà gây thiệt hại nặng về người và tài sản nhưng khi đã dập tắt được đám cháy thì không tiếp tục gây tai họa nữa. Các loại thiên tai như lũ quét, lốc tố, vòi rồng, sóng thần... cũng gây thiệt hại ngay tức khắc nhưng không tiếp tục tác động nhiều tới môi trường khi đã chấm dứt đợt thiên tai. Cần phòng tránh những thiệt hại về người và tài sản ngay khi thảm họa xảy ra, việc khắc phục hậu quả về môi trường thì không phải là vấn đề lớn.
Loại thảm họa gây nên tác động lâu dài tới môi trường với đặc điểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, dễ làm phát sinh dịch bệnh với các yêu cầu cần can thiệp như chủ động khống chế dịch bệnh không để phát sinh và lan rộng, thanh khiết môi trường, phục hồi lại sức khỏe của nhân dân sau thảm họa, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, nơi ở tạm thời... của người dân. Sau các trận lũ lụt lớn, hạn hán kéo dài, ngành y tế tổ chức các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả tương đối lâu dài và trên phạm vi rộng. Hoạt động này sẽ không đạt được kết quả tốt nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn thể nhân dân.
Loại thảm họa vừa tác động ngay, vừa tác động lâu dài tới môi trường phần lớn là các loại thảm họa thường hay xảy ra tại nước ta như bão, lụt lớn, lốc tố, mưa đá với nhiều đặc điểm khác nhau. Với yêu cầu cấp cứu hàng loạt nạn nhân đòi hỏi các cơ sở y tế phải hoạt động tối đa, có chi viện tốt cả về nhân lực, phương tiện, thuốc men và sự phối hợp tốt với lực lượng công an, quân đội, người tình nguyện trong việc tìm kiếm, cứu nạn, sơ cứu nạn nhân bước đầu ngay tại hiện trường trước khi chuyển đến các cơ sở y tế. Việc phổ biến các kỹ thuật cấp cứu ban đầu cho cộng đồng và các lực lượng tham gia cứu hộ rất quan trọng vì trên thực tế cho thấy trên 90% nạn nhân do cộng đồng và các lực lượng cứu hộ phát hiện, sơ cứu trước khi chuyển đến các cơ sở y tế.
Vấn đề phát hiện sớm, sơ cứu đúng kỹ thuật đã góp phần tích cực làm giảm số tử vong, giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt, giảm được các di chứng sau điều trị. Khi môi trường bị ô nhiễm nặng do thiên tai, thảm họa, các loại dịch bệnh có nguy cơ phát sinh và phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng người dân.
Đối với ngành y tế, việc can thiệp biện pháp còn căn cứ vào các loại thảm họa xảy ra. Khi bị bão, lốc tố, mưa đá, động đất, núi lửa phun... yêu cầu phải tìm kiếm nạn nhân trước, sau đó mới đến công tác thanh khiết môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Nếu lụt úng chủ yếu gây tác động đến môi trường, số nạn nhân nếu có cũng xuất hiện dần theo thời gian; vì vậy cần tổ chức chăm sóc sức khỏe nhân dân tại nơi xảy ra thảm họa và phải đặc biệt lưu ý đến công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Trường hợp gặp tai nạn giao thông, hỏa hoạn thì ưu tiên trước hết là tìm kiếm, cấp cứu nạn nhân, sau đó mới đến các công tác vệ sinh môi trường. Việc ổn định tinh thần, động viên gia đình nạn nhân, tìm cách tạo cho họ điều kiện ổn định được cuộc sống sau khi có những mất mát, thiệt hại lớn về người thân, nguồn sống... phải là trách nhiệm của cộng đồng, của lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp.
Trong khi thảm họa xảy ra, ngành y tế cũng chịu những thiệt hại nặng. Vì vậy sau thảm họa, phải tìm mọi cách nhanh chóng đưa các hoạt động y tế trở lại bình thường. Chính quyền các cấp cần ưu tiên các phương tiện vật tư cho các cơ sở y tế như vật liệu xây dựng, cung cấp điện, nước cho các cơ sở y tế. Trường hợp thảm họa xảy ra gây thiệt hại quá sức tự giải quyết của ngành y tế địa phương, phải báo cáp kịp thời với y tế tuyến trên để tiếp nhận chi viện. Mọi thông tin cung cấp phải bảo đảm sự chính xác, cụ thể như hiện có bao nhiêu nạn nhân cần cấp cứu, các loại vết thương, chấn thương, bệnh tật; nhu cầu cần chi viện về người, phương tiện vật chất, phương tiện vận chuyển nạn nhân... Cần lưu ý theo phương châm “4 tại chỗ”, ý nghĩa chủ yếu là tuyến trên chi viện cho tuyến dưới, chỉ vận chuyển nạn nhân trong điều kiện cho phép, tránh vận chuyển ồ ạt nạn nhân lên các cơ sở y tế tuyến trên gây ùn tắc, quá tải cho tuyến trên. Trường hợp có nhiều nạn nhân trong tai nạn, cháy nổ... người chỉ huy cần xem xét để ra quyết định phân loại và chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế phù hợp với khả năng chuyên môn để nhanh chóng giải phóng hiện trường. Một vấn đề cũng cần được quan tâm thực hiện là công tác thống kê, báo cáo, ghi chép tình trạng nạn nhân cụ thể trước khi chuyển về các cơ sở y tế; đây là điều rất quan trọng để tiếp tục theo dõi, giải đáp những thắc mắc của người nhà nạn nhân khi cần tìm kiếm sau thảm họa.
-Hướng xử trí
Một địa phương, một khu vực, một đất nước thường xuyên có những nguy cơ về thiên tai, thảm họa như nước ta thì công tác chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa phải là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp và cả cộng đồng nhân dân. Các địa phương, đơn vị phải căn cứ vào đặc điểm tình hình thiên tai, thảm họa có thể xảy ra tại địa phương, đơn vị mình để xây dựng kế hoạch chủ động đối phó với thiên tai, thảm họa nhằm mục đích giảm tới mức thấp nhất các thiệt hại, thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả do thiên tai, thảm họa gây ra.
Phục hồi: Phục hồi đề cập đến những hành động được thực hiện sau thảm hoạ nhằm đưa các dịch vụ cơ bản của xã hội hoạt động trở lại, nhằm trợ giúp những người bị ảnh hưởng tự lực khắc phục thiệt hại vất chất và cơ sở vật chất của cộng đồng, phục hồi các hoạt động kinh tế và hỗ trợ về mặt phúc lợi xã hội cho những người sống sót.
Trong khi việc khôi phục tập trung vào việc tạo khả năng cho thành phần dân cư bị ảnh hưởng ít nhiều trờ lại nhịp sống bình thường (như trước khi thảm hoạ xảy ra), cũng phải luôn nỗ lực để giảm bớt các yếu tố dễ bị ảnh hưởng và cải thiện điều kiện
sống. Nó có thể được coi là giai đoạn chuyển tiếp giữa cứu trợ khẩn cấp và tiếp tục phát triển không ngừng.