CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.6 Một số khái niệm liên quan
Lao động là yếu tố đầu vào không thể thiếu trong quá trình sản xuất, lao động giữ vai trò quan trọng làm môi giới cho sự trao đổi.
Lao động chính là việc sử dụng sức lao động của các đối tượng lao động. Sức lao động là toàn bộ trí lực và sức lực của con nguời được sử dụng trong quá trình sản xuất lao động. Sức lao động là yếu tố tích cực nhất, hoạt động nhiều nhất để tạo ra sản phẩm. Nếu coi sản xuất là một hệ thống bao gồm ba bộ phận tạo thành (các nguồn lực, quá trình sản xuất, sản phẩm hàng hoá) thì sức lao động là một trong các nguồn lực khởi đầu của một quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hoá, lực lượng lao động bao gồm toàn bộ những người đủ 15 tuổi trở lên đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu làm việc.
1.6.2. Khái niệm về việc làm
Theo Bộ Luật lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 23/6/1994 thì việc làm được định nghĩa như sau: “Mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật nghiêm cấm đều được thừa nhân là việc làm”. Với khái niệm trên, các hoạt động được xác định là việc làm bao gồm:
+ Làm những công việc được trả công dưới dạng tiền hoặc hiện vật.
+ Những công việc tự làm để mang lại lợi ích cho bản thân hoặc tạo ra thu nhập cho gia đình mình nhưng không được trả công cho công việc đó.
1.6.3. Khái niệm về thu nhập.
Có nhiều khái niệm khác nhau về thu nhập. Ở phạm vi đề tài này dùng khái niệm “Thu nhập là khoản thù lao cần thiết (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp mang tính chất tiền lương) và phần có được từ thặng dư từ hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Các thuật ngữ sinh kế và thu nhập có liên hệ khắng khít vì thành phần và mức thu nhập của một hộ hay cá nhân tại một thời điểm là kết quả trực tiếp và dễ đo lường nhất của quá trình sinh kế. Thu nhập đóng góp bằng tiền mặt và phi tiền mặt vào an sinh vật chất của cá nhân hoặc hộ, thu nhập đó có được là nhờ các hoạt động sinh kế mà thành viên hộ có tham gia vào. Phần tiền mặt trong thu nhập gồm những loại như doanh thu cây trồng hoặc vật nuôi, lương, tiền cho thuê, và các khoản thu nhận khác.
Phần phi tiền mặt trong thu nhập chỉ sự tiêu thụ sản phẩm trên nông trại, các khoản chi tiêu (như thực phẩm), và chuyển nhượng hay trao đổi vật tiêu thụ giữa các hộ trong
cộng đồng nông thôn, hoặc giữa các hộ nông thôn và hộ thành thị.
Những ai không phải là nhà kinh tế có thể không quen với định nghĩa thu nhập theo kiểu kinh tế mà lại xem - ngoài phần thu nhập tiền mặt ra - những đóng góp phi tiền mặt vào tiêu thụ của hộ là thu nhập. Cách hay nhất để hiểu định nghĩa này là lấy ví dụ một túi ngô do nông hộ sản xuất, nó có thể đùng tiêu thụ trực tiếp trong gia đình hoặc bán lấy tiền. Dù tiêu thụ hay bán thì đóng góp thực của nó vào tiêu chuẩn đời sống vật chất của hộ vẫn là giá trị của nó trên thị trường trừ đi phần chi tiêu tiền mặt (để mua phân, trả công lao động, v.v) mà hộ phải trả để sản xuất ra nó. Các nhà kinh tế dùng cách này để tính toán thu nhập, tức là, định giá tất cả mặt hàng theo giá thị trường, rồi trừ đi chi phí sản xuất, để tính tổng được giá trị của các mặt hàng khác nhau như gạo, dưa, lương, củi.
Tổng thu nhập hộ nên tách ra thành nhiều nhóm và phân nhóm theo nguồn thu nhập hoặc hoạt động, những hoạt động này phản ánh những đặc tính của những tài nguyên cần để sinh ra thu nhập đó, mùa vụ, và khả năng tiếp cận các tài nguyên đó tuỳ vào tài sản và kĩ năng, và vị trí gần hoặc xa. Ở các cộng đồng nông thôn, các cá nhân có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các hoạt động khác nhau, do vậy mà các nguồn thu nhập khác nhau nói lên các mức độ tác động lên nghèo và phân phối thu nhập. Cách phân loại cơ bản là phân biệt các nguồn thu nhập trang trại với thu nhập ngoài trang trại và phi trang trại (xem Saith, 1992; Leones và Feldman, 1998)
Thu nhập nông trại. Đây là thu nhập sinh ra từ chính hoạt động nông trại của hộ, có thể là trên ruộng đất sở hữu, hoặc là trên ruộng đất có được do thuê hoặc chung sở hữu. Nói rộng thì thu nhập nông trại bao gồm thu nhập vật nuôi và cây trồng, và gồm cả tiêu thụ nông sản tự làm cũng như là tiền mặt có được do bán sản phẩm. Trong mọi trường hợp, thu nhập ở đây là phần thu nhập đã trừ ra mọi chi phí sản xuất. Các khoản chi phí trong phép tính này khác nhau tùy theo cách tính thu nhập. Thông thường thì lấy tổng thu nhập trừ đi những khoản tiền mặt hoặc phi tiền mặt chi vào thuê ruộng đất, các đầu vào biến thiên (như phân bón, v.v) và công lao động để có được con số thu nhập thực. Nếu mục tiêu là mô tả đóng góp thực của hoạt động làm nông vào thu nhập hộ thì không trừ các đầu vào lao động gia đình theo cách này.
Thu nhập ngoài nông trại. Thu nhập này thường là tiền công hoặc trao đổi lao động với các nông trại khác (tức là cùng trong ngành nông nghiệp). Nó bao gồm các khoản chi trả lao động bằng phi tiền mặt, như là các hệ thống chia sẻ hoa lợi hoặc các hợp đồng lao động không lương vẫn còn đang phổ biến ở nhiều nước đang phát triển.
Mặc dù các cách phân loại có thể khác nhau về điểm này, loại thu nhập ngoài nông trại cũng bao gồm thu nhập từ tài nguyên môi trường địa phương như gỗ, than, vật liệu xây
dựng, thảo vật, v.v; trong môi trường đó, những tài nguyên này có thể đo lường và định giá.
Thu nhập phi nông trại. Thu nhập này chỉ các nguồn thu nhập phi nông nghiệp.
Có một số nhóm thu nhập phi nông trại thứ cấp thường xác định như sau: (1) làm thuê ăn lương phi nông trại ở vùng nông thôn; (2) việc tự làm phi nông trại ở vùng nông thôn, còn gọi là thu nhập công việc; (3) thu nhập có được từ việc cho thuê đất hoặc tài sản; (4) các khoản thu nhận từ thành thị gửi về nông thôn trong biên giới quốc gia; (5) các khoản luân chuyển khác từ thành thị về hộ nông thôn, chẳng hạn, lương hưu; (6) các khoản thu nhận từ quốc tế và từ người thân di cư ra nước ngoài.
1.6.4. Khái niệm về mức sống
Tác giả Nguyễn Thị Vân Hạnh trong bài “Sự hài lòng về cuộc sống của người Việt Nam hiện nay xét trên góc độ nghề nghiệp, việc làm và mức sống” đăng trên tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 29, Số 3 (2013) 10-18 đã phân tích sự hài lòng về cuộc sống đối với 2 khía cạnh là việc làm và mức sống. Mức sống là một khái niệm, liên quan đến sự phát triển và thỏa mãn nhu cầu của xã hội nói chung và nhu cầu của con người nói riêng. Có thể có những hệ thống tiêu chí khác nhau để đo lường mức sống của cá nhân hay hộ gia đình ở những thời điểm nhất định. Những tiêu chí cơ bản thường gặp là thu nhập, chi tiêu, tiện nghi sinh hoạt, nhà ở, giáo dục, y tế, các mối quan hệ và sự tương tác/hỗ trợ với chính quyền hay tổ chức, đoàn thể mà cá nhân hay hộ gia đình đó đang liên quan [28].
Trong khi đó, tác giả Nguyễn Thu Hoàn trong bài “Mức sống dân cư tỉnh Tuyên Quang - Thực trạng và giải pháp” có nêu: “Mức sống được hiểu chung nhất là tổng giá trị hàng hóa và các dịch vụ sinh hoạt mà với cơ cấu của sản xuất ra các tư liệu có khả năng thỏa mãn nhu cầu vật chất và văn hóa của người dân tại một thời điểm kinh tế - xã hội của đất nước”.