Tại huyện A lưới - Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng tại huyện a lưới tỉnh thừa thiên huế (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.2. Thực trạng về công tác quản lý tài nguyên rừng có sự tham gia của cộng đồng

1.2.3. Tại huyện A lưới - Thừa Thiên Huế

A Lưới là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm ở phía Tây, cách TP. Huế khoảng 70 km. Là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất của tỉnh, hơn 83% diện tích đất của A Lưới là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%. Với hơn 70% diện tích đất lâm nghiệp của huyện A Lưới là rừng tự nhiên và diện tích đất rừng này hiện do 8 chủ thể quản lý, gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ, Khu bảo tồn Sao La, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điển, Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa, UBND xã, cộng đồng và hộ gia đình. Trong 8 chủ thể trên, UBND các xã đang quản lý số lượng rừng lớn nhất (chiếm 35,7%). Tuy nhiên, UBND xã chỉ quản lý vế mặt hành chính, chứ không phải là chủ rừng. Tiếp đến, khoảng 30% diện tích rừng tự nhiên ở A Lưới do các Ban quản lý rừng quản lý. Trong khi diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, hiện cộng đồng chỉ được quản lý 7,24% rừng tự nhiên.

Nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng trong việc quản lý rừng, từ năm 2003, A Lưới bắt đầu tiến hành giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý, dưới ba hình thức: giao cho cộng đồng thôn, cho hộ gia đình và cho nhóm hộ. Các chương trình được triển khai rộng rãi ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, mỗi xã được tiến hành với những phương thức và thời gian hoàn toàn khác nhau, tùy theo nội dung của các chương trình đưa về địa phương.

Giao rừng cho hộ gia đình: Rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình quản lý lần đầu tiên được tiến hành thí điểm tại A Lưới theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó 15 hộ gia đình thuộc 2 thôn Ta Lo và A Hố của xã Hồng Vân được giao vào năm 2003, với tổng diện tích là 209,5 ha. Rừng được giao là rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Hiện tại rừng giao cho các hộ gia đình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có Quyết định giao đất của UBND huyện A Lưới và bản khế ước giao kèo về việc nhận đất rừng được ký giữa 2 bên: Một bên là UBND huyện A Lưới - người đại diện là Chủ tịch huyện và một bên là chủ hộ - đại diện cho hộ gia đình. Thời hạn của khế ước là 25 năm.

Giao rừng cho cộng đồng thôn quản lý: Tính đến cuối năm 2011, A Lưới đã giao 6.940,2 ha rừng tự nhiên cho 23 cộng đồng thôn thuộc 7 xã trên địa bàn quản lý.

Một số cộng đồng thôn đã có Quyết định giao đất giao rừng do UBND huyện cấp, một số cộng đồng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Thẻ đỏ). Các cộng đồng thôn khác đang được tiến hành đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rừng được giao thuộc rừng phòng hộ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện A Lưới cấp cho người sử dụng là Cộng đồng thôn với thời hạn sử dụng là 50 năm nhưng không có khế ước.

Giao rừng cho nhóm hộ gia đình quản lý: Theo đánh giá của cán bộ kiểm lâm tại địa bàn thì hình thức giao rừng cho nhóm hộ quản lý được xem là hiệu quả nhất hiện nay. Do nhóm hộ nhỏ hơn cộng đồng nhưng gồm nhiều hộ gia đình, họ có chung sở thích, tập hợp với nhau cùng làm thì sẽ hiệu quả hơn là giao cho từng hộ hoặc giao cho cộng đồng. Chính vì vậy năm 2012, Kiểm lâm huyện đã tiến hành giao rừng cho 75 nhóm hộ/6 xã.

Mặc dù A Lưới đã triển khai giao rừng cho các chủ thể quản lý từ 10 năm nay nhưng diện tích và chất lượng rừng tự nhiên vẫn đang trên đà đi xuống. Kết quả khảo sát cho thấy 45% người được hỏi cho rằng, diện tích rừng tự nhiên đã bị suy giảm;

71,4% cho rằng chất lượng đất rừng đang bị xấu đi. Từ kết quả khảo sát thực địa tại 4 xã, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một số bất cập và các nguyên nhân khiến cho việc quản lý tài nguyên rừng ở địa phương đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Không rõ ràng về quyền hưởng lợi từ rừng được giao: Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Chính phủ được ban hành nhằm tạo động lực kinh tế khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tăng nguồn thu nhập từ rừng. Người dân được hưởng lợi từ rừng được giao hay không phụ thuộc vào việc xác định trữ lượng rừng từ các cơ quan lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì hệ thống phần loại rừng và xác định hiện trạng rừng của nhà nước rất phức tạp, chỉ có những người được đào tạo chuyên môn lâm nghiệp mới hiểu được.

Cách phân loại rừng của nhà nước cũng hoàn toàn khác với cộng đồng, do vậy người dân cũng như chính quyên địa phương hoàn toàn đứng ngoài cuộc, không thể tham gia ý kiến. Ngoài chuyên môn thì việc xác định trữ lượng rừng cũng cần phải có các khoản kinh phí để thực hiện. Khi chưa có kinh phí thì chưa thể tổ chức đánh giá trữ lượng rừng và cũng vì thế người dân cũng chưa được hưởng lợi.

Số liệu khảo sát cho thấy, sự hưởng lợi của người dân từ rừng được giao vẫn còn rất hạn chế. Sau 10 năm nhận rừng, đến nay người dân hầu như chưa được hưởng lợi (chiếm đến 67,8% người trả lời) bất kể dưới loại hình thức giao nào.

Lý giải tại sao các hộ gia đình chưa được hưởng lợi, một cán bộ kiểm lâm cho biết: "Những hộ dân được giao rừng theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg vẫn chưa được hưởng lợi vì cần phải thuê người đánh giá lại xem trữ lượng rừng sau khi bảo vệ có tốt hơn không, nếu tốt hơn thì người dân mới được hưởng lợi nhưng hiện nay chưa đánh giá được nên người dân chưa được hưởng lợi". Người dân thì không biết về việc đánh giá trữ lượng của các cơ quan lâm nghiệp, họ chỉ biết chờ đợi. Tuy nhiên, sự chờ đợi của người dân cũng có hạn do bởi người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, nhưng việc bảo vệ rừng không đem lại lợi ích cho họ, thì liệu rừng có được quản lý bền vững hay không? Về nguyên tắc, rừng tự nhiên được giao với mục tiêu phòng hộ thì người dân không được phép khai thác mà chỉ được hưởng lợi từ các lâm sản phi gỗ, tuy

nhiên nếu việc quản lý bảo vệ rừng không gắn liền với cải thiện sinh kế cho người nhận rừng thì việc khai thác bất hợp pháp là điều không thể tránh khỏi, như lời khẳng định của một người dân ở xã Hồng Vân: "... nếu trong vài năm tới chúng tôi không được hỗ trợ gì thì chúng tôi sẽ khai thác rừng để bán, bởi vì rừng này là của gia đình chúng tôi".

Đối với loại rừng giao cho cộng đồng quản lý cũng cho kết quả tương tự. Như vậy, cả ba hình thức giao rừng tự nhiên cho dân quản lý chỉ mới dừng lại ở khâu tập huấn cho người dân và chỉ chú trọng đến công tác giao rừng theo chủ trương từ trên đưa xuống, chứ chưa quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho người nhận rừng.

Thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương: Theo quy định của pháp luật hiện hành, chính quyền địa phương cấp xã phải chịu trách nhiệm quản lý diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, nhưng chính quyền cấp xã không phải là chủ rừng. Do vậy, diện tích đất rừng mà các xã đang quản lý chỉ là tạm thời, có thể thay đổi, tùy theo kế hoạch của tỉnh và huyện. Điều này làm cho chính quyến địa phương bị động trong quản lý đất đai, đồng thời nảy sinh mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với các cơ quan quản lý lâm nghiệp trên địa bàn. Theo nhận định của lãnh đạo UBND xã Hồng Hạ: "...Trước đây, xã đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với huyện, tỉnh để giao rừng cho dân quản lý, nhưng không được giao. Đến nay, khi rừng đã nghèo kiệt thì Nhà nước tiến hành giao cho dân. Dân chúng tôi sống gần rừng, nhưng không được hưởng lợi từ rừng, khiến cho rừng ngày càng cạn kiệt".

Cũng tương tự như ở xã Hồng Hạ, chính quyền địa phương xã Hương Nguyên cũng bị động khi tiếp nhận chính sách.

Thiếu sự tin tưởng vào cộng đồng địa phương: Theo cách phân loại rừng của các cơ quan lâm nghiệp, những khu rừng xung yếu và rất xung yếu thường được giao cho các cơ quan lâm nghiệp quản lý. Tại A Lưới, những khu rừng gần cụm dân cư và dọc theo Quốc lộ 49 được xác định là rừng xung yếu, nên được cơ quan lâm nghiệp quản lý nghiêm ngặt. Các nhà quản lý cho rằng, người dân không hề có ý thức về việc bảo vệ rừng, chỉ biết chặt phá rừng để làm nương rẫy, từ đó họ tăng cường công tác giám sát và quản lý nghiêm ngặt những khu rừng được cho là xung yếu này. Người dân bức xúc khi cho rằng, Nhà nước không tin tưởng dân: "Cán bộ kiểm lâm chỉ có 5 người, nhưng quản lý 40.000 ha rừng trên địa bàn 2 xã (Hồng Hạ, Hương Nguyên), làm sao quản lý nổi? Rừng ở đây không phải là rừng của dân mà là rừng của kiểm lâm". Chính vì việc đánh giá thấp ý thức bảo vệ rừng của người dân, thậm chí thành kiến với người dân, đã khiến cho tình trạng xâm lấn rừng ngày càng phổ biến.

Lịch sử đã chứng minh rằng, rừng chỉ được quản lý hiệu quả khi nhận được sự đồng thuận, có sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương. Điều này không chỉ thấy rõ ở các cộng đồng ở miến núi Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới.

Kết quả khảo sát về sự hiểu biết của người dân đối với các chính sách quản lý rừng của nhà nước trên địa bàn 6 xã cho thấy, hơn 41% người dân không biết và cũng không nhớ là mình có ký hợp đồng khi tham gia bảo vệ rừng hay không; trong số 58,9% người dân trả lời "có ký hợp đồng", có đến 75,6% không biết gì về các quyền của người nhận rừng, 59,3% không biết gì về trách nhiệm của mình khi tham gia. Đặc biệt, có đến 81,4% người trả lời không biết gì vẽ sự hưởng lợi từ chương trình và 84,9% không nắm rõ các quy định liên quan đến hợp đổng.

Sự hạn chế này một mặt là do trình độ, nhận thức của chính người dân, nhưng mặt khác, cũng do cách thức truyền tải thông tin của các cán bộ hướng dẫn chưa phù hợp với trình độ và sự hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo phản ánh của người dân thôn A Diên, xã A Ngo: "...nhiều tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Kiểm lâm... về tập huấn cho bà con cách trồng, chăm sóc cây, bảo vệ rừng..., nhưng tập huấn chỉ là đi cho biết thế thôi, chứ mình không làm được như họ dạy. Họ chỉ nói, nên nghe xong là quên".

Giao rừng tự nhiên cho người dân quản lý và sử dụng lâu dài là một trong những hình thức trao quyền hưởng dụng hợp pháp tài nguyên rừng cho người dân.

Trong mô hình quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam, cộng đồng nhận rừng được trao 4 quyền cơ bản đó là quyến tiếp cận, khai thác, quản lý và loại trừ. Nếu người nhận rừng có được 4 quyền trên thì họ mới có động cơ và trách nhiệm để quản lý và bảo vệ rừng.

Đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới, quản lý rừng cộng đồng không hề mới mẻ đối với họ, mà đó là một hình thức quản lý truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là cộng đồng rất mơ hồ về các quyền hưởng dụng đất rừng.

Việc giao rừng ở A Lưới mới chỉ chú trọng đến việc giao trách nhiệm cho cộng đồng, và áp đặt từ trên xuống chứ chưa hề quan tâm đến quyến lợi của cộng đồng, đã khiến cho người dân cảm thấy thờ ơ, mất niềm tin và bất hợp tác trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng tại huyện a lưới tỉnh thừa thiên huế (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)