CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của thành phố Quảng Ngãi
3.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật và an ninh – quốc phòng của tỉnh Quảng Ngãi, có vị trí nằm gần trung độ của tỉnh, được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 15003'18" đến 15014'07" vĩ độ Bắc và 108033'39" đến 108046'04" kinh độ Đông. Cách Khu kinh tế và cảng nước sâu Dung Quất khoảng 20 km.
Thành phố Quảng Ngãi có ranh giới hành chính được xác định như sau:
- Phía Đông giáp: Biển Đông;
- Phía Tây giáp: Huyện Sơn Tịnh , huyện Tư Nghĩa;
- Phía Nam giáp: Huyện Tư Nghĩa;
- Phía Bắc giáp: Huyện Sơn Tịnh;
Hình 3.1. Sơ đồ khu vực nghiên cứu
(Nguồn: UBND thành phố Quảng Ngãi)
Trước ngày 01 tháng 4 năm 2014 thành phố có 10 đơn vị hành chính (bao gồm 02 xã: Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng và 08 phường: Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Nghiêm, Lê Hồng Phong, Chánh Lộ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh, Quảng Phú). Thực hiện
Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 12/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa để mở rộng địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi, từ ngày 01/4/2014 UBND thành phố đã tiếp nhận thêm 13 đơn vị hành chính (bao gồm: xã Nghĩa An, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú thuộc huyện Tư Nghĩa; xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, phường Trương Quang Trọng thuộc huyên Sơn Tịnh), nâng tổng số đơn vị hành chính của thành phố lên 23 xã, phường; tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 15.903,97 ha, chiếm 3,09% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.
Thành phố Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, ngoài ra có đường tỉnh lộ 625 đi Thạch Nham kết nối các huyện phía Tây; đường tỉnh lộ 627 nối liền thành phố Quảng Ngãi với các huyện Minh Long, Ba Tơ và tỉnh KomTum, tỉnh Gia Lai; đường tỉnh lộ 626 thành phố Quảng Ngãi đi Cổ Lũy kết nối phần phía Đông ra biển và nối liền với đường chiến lược vùng ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh..., đã tạo cho thành phố Quảng Ngãi nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
3.1.1.2. Địa hình địa mạo
- Địa hình: Do nằm 2 bên sông Trà Khúc nên thành phố Quảng Ngãi có địa hình khá bằng phẳng, ít phức tạp hơn so với các huyện đồng bằng trong tỉnh. Nhìn chung thành phố Quảng Ngãi có dạng địa hình chính là vùng đồng bằng hạ lưu sông Trà Khúc và vùng cồn cát chạy dọc theo bờ biển dài khoảng 15km về phía Đông, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông tạo nên vùng đất bằng nằm giữa phía Đông và phía Tây của thành phố.
- Địa mạo: Theo tài liệu khảo sát của một số công trình cho thấy địa tầng trong khu vực thành phố Quảng Ngãi chủ yếu gồm các lớp: sét pha, cát pha, cát hạt trung, cát hạt to lẫn cuội sỏi, cát hạt to, cường độ chịu lực có thể xây dựng được nhà cao tầng.
3.1.1.3. Khí hậu, thời tiết
Địa bàn thành phố Quảng Ngãi mang đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Với nền nhiệt độ cao, tổng tích ôn và tổng lượng mưa lớn là điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hoá cây trồng. Tuy nhiên, với lượng mưa lớn nhưng phân bố không đều, hàng năm thường có bão, lụt, ngập úng, xâm nhập mặn ở vùng cửa sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của nhân dân, gây khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất đai.
- Nhiệt độ: Trung bình cả năm là 270C, nhiệt độ cao tuyệt đối là 40,50C và thấp tuyệt đối là 12,60C. Các tháng có nhiệt độ cao nhất từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, các tháng có nhiệt độ thấp nhất từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
- Lượng mưa: Lượng mưa trung bình cả năm khoảng 1800 - 2300 mm, tùy từng khu vực và phân bố không đều trong năm. Lượng mưa chỉ kéo dài 4 - 5 tháng (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau) nhưng lượng mưa tập trung chiếm tới 70 - 75% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài 7 - 8 tháng (từ tháng 1 đến tháng 8) lượng mưa chiếm khoảng 20 - 25% lượng mưa cả năm. Trong mùa khô khả năng bốc hơi rất lớn, do vậy thường bị khô hạn cho một số vùng sản xuất nông nghiệp.
- Nắng: Tổng số giờ nắng trong năm vào khoảng 2.000 – 2.200 giờ, từ tháng 3 đến tháng 9 là thời kỳ nắng nhiều, trung bình tháng khoảng 250 giờ nắng. Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau là thời kỳ ít nắng, trung bình tháng khoảng 100 - 180 giờ nắng.
- Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm vào khoảng 82%, những tháng có độ ẩm cao nhất trong năm là từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
- Gió: Thành phố Quảng Ngãi nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa lạnh hướng gió thịnh hành từ Bắc đến Đông Bắc kèm theo không khí lạnh, vào mùa hè chịu sự ảnh hưởng của gió Đông và Đông Nam.
Nhìn chung khí hậu thành phố Quảng Ngãi tương đối thuận lợi, cho phép sản xuất nhiều vụ trong năm vì vậy cây trồng và vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, tập trung vào một vài tháng trong năm, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, đồng bằng hẹp, hàng năm thường có bão, lũ lụt làm cho đất đai bị sa bồi, thủy phá, ngập úng ở vùng đồng bằng ven biển ảnh hưởng đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, gây khó khăn cho việc quản lý sử dụng đất.
3.1.1.4. Thuỷ văn
Thành phố Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng chính của 2 con sông chính là sông Trà Khúc và sông Bàu Giang. Chế độ hải văn chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Chế độ thuỷ triều có khoảng 2/3 ngày trong tháng là nhật triều, còn lại là bán nhật triều.
- Sông Trà Khúc chạy dọc theo trung tâm thành phố. Đây là con sông lớn của tỉnh, lưu lượng nước bình quân 800m3/s, là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho thành phố.
- Sông Bàu Giang ở phía Nam thành phố (là ranh giới giữa thành phố và huyện Tư Nghĩa). Tuy là con sông nhỏ nhưng cũng góp phần quan trọng cung cấp nguồn nước mặt dồi dào cho thành phố.