CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của mô hình “Một cửa” và VPĐKĐ thành phố Quảng Ngãi
Từ những kết quả nhiên cứu về hoạt động của mô hình “Một cửa”, Văn phòng ĐKQSD đất và các chính sách pháp luật về đất đai, cho thấy những hạn chế về hoạt động của mô hình “Một cửa” và VPĐKĐ do một số nguyên nhân sau:
3.5.1. Chính sách pháp luật đất đai
- Văn bản pháp luật đất đai có quá nhiều văn bản, các văn bản này thường xuyên bị thay đổi, việc cập nhập và tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai của các cơ quan chuyên môn đến các xã, phường và đến các người dân mất một khoảng thời gian khá dài. Hơn nữa, các văn bản qui định còn chung chung, chưa cụ thể và rõ ràng như:
+ Trong các văn bản pháp luật đất đai trước đây, thậm chí luật đất đai năm 2003, 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành không có giải thích từ ngữ với cụm từ
“khai hoang” mà có giải thích cụm từ “lấn, chiếm” nhưng việc xử lý cấp giấy chứng nhận đối với người sử dụng đất có nguồn gốc đất do khai hoang theo qui định tại Điều 97 Nghị định số 181/2014/NĐ-CP của Chính phủ; đất lấn, chiếm xử lý theo Điều 14 ,15 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Điều 22 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP). Luật đất đai năm 2013 và văn bản hướng dẫn không có qui định xử lý cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với đất có nguồn gốc từ đất khai hoang mà có qui định xử lý đối với trường hợp lấn, chiếm. Như vậy, người sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ theo qui định, đất không có nguồn gốc
từ nhận chuyển nhượng, tặng cho, được giao không đúng thẩm quyền thì việc xác nhận đất lấn, chiếm hay đất tự khai hoang là còn lúng túng ở các xã, phường.
+ Luật đất đai năm 2013 qui định hướng mở rộng thời gian đối với người sử dụng đất có hành vi lấn, chiếm đất được xem xét cấp giấy chứng nhận, thời điểm Luật đất đai năm 2003 là trước ngày 1/7/2004, thời điểm Luật đất đai năm 2013 là trước ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, Luật đất đai năm 2013 không mở rộng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với từng khoảng thời gian lấn, chiếm khác nhau mà qui định chung là tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSD đất phải phù hợp với qui hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không qui định thời điểm lấn, chiếm trước hay sau thời điểm quy hoạch, trong khi đó người sử dụng đất lấn, chiếm trước ngày 15/10/1993 và đã xây dựng nhà kiên cố, sử dụng đất ổn định, không tranh chấp, tại thời điểm vi phạm không có văn bản ngăn chặn và không có văn bản xử lý hành vi vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
+ Thực hiện theo Chỉ thị 299/TTg, công tác đo đạc, đăng ký thống kê ruộng đất hoàn thành trong giai đoạn từ năm 1983 – 1985, trong hồ sơ địa chính thời kỳ này có sổ mục kê và sổ đăng ký rộng đất, thậm chí trong khoản năm 1996 – 1997, việc cho đăng ký bổ sung vào sổ đăng ký ruộng đất đối với hộ gia đình, cá nhân vẫn xảy ra. Hơn nữa, việc đăng ký của người sử dụng đất không được địa phương ghi vào Sổ đăng ký ruộng đất mà được cấp giấy Chứng nhận của Hội đồng đăng ký ruộng đất. Theo quy định tại Điều 103 Luật đất đai năm 2013 và Điều 24 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì người đang sử dụng đất có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất được lập trước ngày 15/10/1993 thì được xác định đất ở theo diện tích đăng ký, nhưng đối với những trường hợp đăng ký bổ sung năm 1996 – 1997 và có giấy Chứng nhận của Hội đồng đăng ký của xã, phường thì Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có qui định cụ thể đối với trường hợp này để xác định đất ở.
+ Đối với thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, người đang sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ
được qui định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ và không có hành vi vi phạm về đất đai thì được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, với hạn mức đất ở là bằng hạn mức công nhận đất ở (300m2), nhưng thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Luật đất đai năm 2003 với hạn mức đất ở là bằng hạn mức giao đất ở (100m2). Trường hợp này người sử dụng đất không đủ điều kiện để xác định lại đất ở theo hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Luật đất đai năm 2003, Điều 24 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nghĩa là người sử dụng đất cấp Giấy chứng nhận QSD đất trước đây sẽ thiệt thòi hơn so với thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Luật đất đai năm 2013.
+ Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, qui định tại khoản 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, khoản 3 Điều 100 Luật đất đai năm 2013, tuy nhiên hầu như các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành nhưng việc thi hành quyết định khó thực hiện vì người bị thi hành quyết định cản trở quyết liệt không cho thi hành quyết định. Luật đất đai năm 2003 không có qui định cưỡng chế để thi hành quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa ban hành quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành. Do đó, trong quá trình thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với trường hợp này là rất lúng túng và không thực hiện được.
- UBND thành phố Quảng Ngãi ban hành các văn bản qui phạm pháp luật không đúng thẩm quyền và trái quy định pháp luật; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tự đặt ra các qui định riêng, cụ thể như: Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản là ngôi nhà cấp IV thì phải có đơn cam kết giữa hai bên về tài sản; đối với các thửa đất được tách ra mà không có đường đi thì yêu cầu người sử dụng đất phải có đơn cam kết tự chừa đường 3.0m, các đơn này phải được UBND xã, phường xác nhận; thửa đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSD đất và được xác định mục đích sử dụng là đất ở nhưng không có đường đi thì không được cấp Giấy chứng nhận; trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép thì việc xác định thông tin quy hoạch phải có ý kiến của Phòng Quản lý đô thị, trước khi Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định cho phép chuyển mục đích.
3.5.2. Chức năng, nhiệm vụ
- Theo quy định của pháp luật, khi đã thành lập mô hình “Một cửa” và VPĐKĐ, các thủ tục tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đều thông qua Văn phòng ĐKĐ thực hiện theo cơ chế “Một cửa” quy định tại Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND. Đồng thời, việc sát nhập các VPĐKQSDĐ thành Văn phòng đăng ký đất đai một cấp và 13 đơn vị hành chính vào thành phố Quảng Ngãi, xảy ra tình trạng công việc quá tải so với số lượng biên chế của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh thành phố nói riêng và Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nói chung.
- Hệ thống dữ liệu về đất đai còn quá nhiều lạc hậu, số liệu ở dạng giấy chưa được cập nhập thường xuyên, công tác đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính để quản lý theo công nghệ số chưa được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Trình độ tin học của các cán bộ chuyên môn không đồng đều, năng lực phát triển phần mềm chưa mạnh. Công nghệ số mặc dù được nhắc đến nhưng chưa được khẳng định trong hệ thống quản lý
nhà nước về đất đai, nên làm hạn chế khi thực hiện chức năng cung cấp thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Trước khi thành lập Văn phòng ĐKĐ chi nhánh thành phố thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi, các văn bản của Trung ương cũng như UBND tỉnh Quảng Ngãi không qui định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh, do đó công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố và xác định thẩm quyền giải quyết công việc thường chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm với nhau.
3.5.3. Tổ chức, cơ chế hoạt động
Do đội ngũ cán bộ chuyên môn từ cấp phường đến cấp huyện còn mỏng trong khi phải thực hiện và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau với một khối lượng công việc đồ sộ. Hơn nữa cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm bắt văn bản pháp luật còn hạn chế nên thời gian thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Số lao động hợp đồng thời hạn một năm hoặc theo thời vụ chiếm tỷ lệ lớn nên sự ràng buộc công việc không mang tính ổn định. Việc nhiều, người không đủ, trình độ chuyên môn có phần hạn chế dẫn đến việc tồn đọng hồ sơ, kéo theo sự trì trệ về tiến độ giải quyết là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả hoạt động của VPĐKĐ.
Cơ chế qui định trong công tác phối hợp, xác định trách nhiệm và thẩm quyền của cán bộ thụ lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ của Bộ phận “Một cửa” và Văn phòng đăng ký đất đai, cán bộ địa chính phường và cán bộ thẩm định hồ sơ của Phòng Tài nguyên và Môi trường chưa được cụ thể rõ ràng, do đó đối với những trường hợp cố tình giữ hồ sơ hoặc tự gây khó khăn trong tác phối hợp thì việc xử lý trách nhiệm gặp khó khăn.
3.5.4. Đối tượng giải quyết
Người sử dụng đất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cải cách hành chính.
Thông qua mô hình này, người dân nhận được phục vụ các dịch vụ với chất lượng cao như được sự hướng dẫn, giải thích tận tình và các thủ tục được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên do trình độ hiểu biết về pháp luật đất đai người dân không đều, một số bộ phận chủ sử dụng đất chưa nhiệt tình hợp tác với cán bộ chuyên môn trong việc hoàn thiện giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận.
Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về đất đai được UBND thành phố đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn của thành phố xuống các địa bàn phường, xã giải thích các chính sách pháp luật đất đai. Tuy nhiên, qua các đợt tuyên truyền số lượng người dân tham gia rất hạn chế chủ yếu là cán bộ hưu trí và những người dân đang thực hiện các thủ tục hành chính do vướng mắc, đều
đó cho thấy ý thức tìm hiểu pháp luật của người dân trong lĩnh vực đất đai không cao ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.