CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Lệ Thủy
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
1) Vị trí địa lý
Lệ Thủy là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, có diện tích tự nhiên 141.611 ha, có tọa độ địa lý 106º25’-106º59’ kinh Đông; 16º55’-17º22’ vĩ Bắc.
Phía Bắc giáp huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Phía Nam giáp huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Phía Đông giáp biển Đông.
Phía Tây giáp giáp tỉnh Savanakhet - Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Lệ Thủy
2) Địa hình, địa mạo
Huyện Lệ Thủy là huyện được hình hành với nhiều dạng địa hình: vùng núi đá vôi, vùng đồi trung du, vùng đồng bằng chiêm trũng và vùng cồn cát ven biển. Về mặt cấu trúc địa chất, đây là vùng trũng của dãy Trường Sơn. Đồng bằng thấp trũng bị kẹp giữa những cồn cát ven biển và vùng đồi núi phía Tây và phía Nam, địa hình nghiêng trung bình 6° theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Địa hình đồi núi chiếm 76% diện tích tự nhiên, toàn huyện có các dạng địa hình sau:
* Vùng núi cao
Kiểu địa hình này chiếm phần nhiều diện tích đất tự nhiên của huyện, có độ cao trung bình 600 - 800 m, một số đỉnh có độ cao trên 1000m (Đèo 1001 ở giáp Quảng Trị), vùng núi có tổng diện tích trên 74.000 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Do địa hình núi cao nằm gần biển, độ chênh cao lớn, độ chia cắt sâu mạnh, nên địa hình có độ dốc lớn. Do hoạt động tạo sơn trong thời kỳ kỷ Đề vôn – Pécmi nên trầm tích biển đã tạo nên nhiều khối núi sa phiến thạch, đá vôi gần Biên giới Việt Lào, thuộc các xã Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ. Vùng núi còn nhiều tiềm năng lớn về rừng tự nhiên có nhiều loại gỗ quý và sự đa dạng sinh học. Trong vùng núi có nhiều thung lũng đất đai khá màu mỡ có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày.
* Vùng gò đồi
Kiểu địa hình này gồm các dãy đồi thấp dọc đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận các xã: Hoa Thủy, Sơn Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Sen Thủy và các đồi cát ven quốc lộ 1A tạo thành hình chữ U bao vây vùng đồng bằng của huyện. Những quả đồi ở vùng đệm này có dạng úp bát, thoải lượn sóng, nhiều cây bụi, độ dốc từ 18 - 20°, độ cao 20 - 30m. Đất đồi trung du chiếm khoảng 21,5% diện tích đất tự nhiên toàn huyện [21].
* Vùng đồng bằng
Vùng đồng bằng Lệ Thủy nằm ở hạ lưu sông Kiến Giang, kẹp giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A, với độ cao trung bình 5m bị uốn lượn theo mức độ thấp dần ra phá Hạc Hải và chịu ảnh hưởng của thủy triều. Địa hình vùng này thấp trũng tương đối bằng phẳng, nhất là các xã vùng giữa hình thành bởi phù sa của sông Kiến Giang và các hồ đập bổ sung nguồn nước như: An Mã, Rào Ngò, Phú Hòa... đảm bảo tưới tiêu, phù sa cho ruộng lúa nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp chính của huyện, hàng năm cung cấp một lượng lớn lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Địa hình này khá thuận lợi cho giao thông cũng như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
* Các thung lũng
Xen giữa vùng đồi núi có các thung lũng như Cẩm Ly, Lèn Bạc nằm giữa dãy đồi Tây Nam xã Sơn Thuỷ và các đồi thấp phía Đông hồ Cẩm Ly. Đây là vùng đất khá bằng phẳng tiếp giáp với vùng đồng bằng qua xã Phú Thủy.
* Vùng cát ven biển
Có diện tích chiếm khoảng 25 - 28% diện tích tự nhiên toàn huyện, có các đồi cát cao khoảng 7 - 10m, cát khô, rời rạc và bị di chuyển do gió là chủ yếu. Nhờ xuất hiện các đùn cát nên đã tạo ra các vùng vịnh, bàu đầm ven biển như các hồ nước ngọt ở Bàu Sen, Bàu Dum xã Sen Thủy nằm giữa các cồn cát, bãi cát là kết quả của các trầm tích cổ chưa bị lấp đầy.
3) Khí hậu
Lệ Thủy nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng của khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh, mưa nhiều; mùa hè nóng, mưa ít có gió Tây Nam thổi mạnh từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm với tốc độ trung bình 20m/s, làm cho nhiệt độ tăng lên, độ ẩm không khí thấp trong những tháng có gió mùa phơn Tây Nam (gió Lào).
Lệ Thủy có nền nhiệt độ khá cao, số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.750,3 giờ; nhiệt độ trung bình năm là 24,60C; lượng mưa trung bình cả năm là 2.159,4 mm;
số ngày mưa trung bình trong năm trên địa bàn là 148 ngày. Tần suất những trận mưa lớn trên 300mm trong 24 giờ có nhiều vào tháng 10, tháng 11. Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 10, tháng 11 với lượng 366 - 596mm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 2, tháng 3.
Độ ẩm không khí hàng năm khá cao (83%), ngay những tháng khô hạn nhất của mùa hè có gió Tây Nam, độ ẩm trung bình vẫn thường xuyên trên 70%.
Bão lụt thường xuất hiện từ tháng 9 - 10, trung bình hàng năm có 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng đến các vùng ven biển gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng. Trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện bão lũ ngày càng nhiều hơn [18].
4) Thủy văn
Sông ngòi Lệ Thủy có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, giao thông thủy và cung cấp nguồn thủy sản cho con người. Lệ Thủy có con sông chính là sông Kiến Giang và các khe suối nhỏ như Rào Con, Rào Ngò, Rào Sen, Phú Hoà, Phú Kỳ, sông Cẩm Ly.
Sông suối ở Lệ Thuỷ có đặc điểm là chiều dài ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn thường gây ra ngập lụt trong mùa mưa. Sự phân bố dòng chảy ở Lệ Thủy theo mùa rõ rệt. Mùa mưa lượng nước rất lớn, chảy tập trung về sông Kiến Giang
thường gây lũ lụt, nhất là các xã vùng trung tâm của huyện. Mùa khô ít mưa, vùng đất thấp ở hạ lưu sông Kiến Giang bị bốc mặn, bốc phèn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể vận dụng đặc điểm này để quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.
5) Các nguồn tài nguyên
* Tài nguyên đất
Đất đai là một nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá nhất của loài người, là lãnh thổ để con người sinh sống và phát triển nhưng đây là nguồn tài nguyên không thể tái tạo được và có giới hạn về không gian.
Khái niệm tài nguyên đất đai ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các đặc tính thổ nhưỡng, mà còn bao hàm một số điều kiện tự nhiên như: địa hình, địa chất, chế độ nước, khí hậu, động thực vật... và các đặc điểm văn hoá - xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng tài nguyên đất.
Về đặc điểm thổ nhưỡng, qua điều tra phân loại ở huyện Lệ Thủy cho thấy toàn huyện có 20 loại đất thuộc 10 nhóm đất với 33 đơn vị đất gồm cồn cát và đất cát biển, đất nhiễm mặn, đất phù sa, đất bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng do ảnh hưởng dốc tụ, đất mùn vàng nhạt trên núi cao, đất xói mòn trơ sỏi đá.
(1). Nhóm đất cát: C (Arenosols): Nhóm đất cát có diện tích 16.168 ha chiếm 11,46% diện tích tự nhiên toàn huyện gồm 2 đơn vị đất là: Cồn cát trắng vàng (Cc) và đất cát biển trung tính ít chua (C) .
+ Cồn cát trắng vàng: Cc (Luvic Arenosols): Cồn cát trắng vàng có diện tích 10.452 ha chiếm 7,41% diện tích tự nhiên. Phân bố dọc theo bờ biển thành những cồn cát cao từ 2 - 3m đến 20m có hình dẻ quạt. Loại đất này hầu như ít sử dụng cho nông nghiệp, chủ yếu là trồng rừng phòng hộ chống cát bay, cát chảy và còn hoang hoá.
+ Đất cát biển trung tính ít chua: C (Eutric Arenosols): Loại đất này có diện tích 5.716 ha chiếm 4,05% diện tích tự nhiên, phân bố ở địa hình thấp hơn và sâu vào trong đất liền. Loại đất này đã được cải tạo trồng lúa ở những nơi thấp chủ động nước và trồng hoa màu ở những nơi cao.
(2). Nhóm đất mặn: M (Salic Fluvisols): Đất mặn được hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, lắng đọng trong môi trường nước mặn. Ở Lệ Thủy có một loại như sau: Đất mặn trung bình và ít: M (Hypo Salic Fluvisols) có diện tích 545 ha chiếm 0,39% diện tích tự nhiên, phân bố ở vùng hạ lưu sông Kiến Giang nhưng ở vị trí xa biển, đã thoát khỏi ảnh hưởng của thủy triều. Hiện nay loại đất đang được sử dụng trồng 1-2 vụ lúa. Tuy nhiên về mùa khô hạn nơi nào chưa chủ động được nước ngọt thì năng suất lúa bị hạn chế do bị bốc mặn.
(3). Nhóm đất phèn: S (Thionic Fluvisols): Có diện tích 2.752 ha chiếm 1,95%
diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Hoa Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy.
(4). Nhóm đất phù sa: P (Fluvisols): Nhóm đất phù sa có diện tích 6.035 ha chiếm 4,28% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung vùng đồng bằng ven biển là sản phẩm phù sa sông Kiến Giang và các sông suối khác. Phân bố nhiều ở: Văn Thủy, Xuân Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy. Đất phù sa chua hầu hết diện tích đã được sử dụng trong nông nghiệp. Ở những nơi cao trồng các loại cây trồng cạn ngắn ngày, ở những nơi thấp trồng 2 vụ lúa cho năng suất trung bình khá.
(5). Nhóm đất gley: GL (Gleysols): Có diện tích 1.327 ha chiếm 0,94% diện tích tự nhiên, phân bố ở xã An Thủy, Phú Thủy.
(6). Nhóm đất mới biến đổi: CM (Cambisols): Đất mới biến đổi có diện tích 1.008 ha chiếm 0,71% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Phong Thủy, Cam Thủy.
Loại đất này thích hợp với lúa và các loại cây ngắn ngày.
(7). Đất có tầng loang lổ: L (Plin thosols): Diện tích 716 ha, chiếm 0,51% diện tích tự nhiên. Phân bố ở Hoa Thủy, Sơn Thủy. Đất có phản ứng chua, thành phần cơ giới nhẹ, độ phì thấp. Hiện nay trên loại đất này sản xuất 1 vụ nhờ nước trời là chính.
(8). Nhóm đất xám: X (Acrisols): Có diện tích lớn nhất huyện 101.169 ha chiếm 71,72% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã phía Tây và phía Nam của huyện.
Phân bố nhiều ở Hoa Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy, Lâm Thủy và Kim Thủy.
Hiện nay trên loại đất này được trồng cây ngắn ngày và trồng keo tràm để cải tạo đất.
(9). Nhóm đất đỏ: Diện tích 1.303 ha, chiếm 0,16% diện tích tự nhiên, phân bố ở xã Kim Thủy, Ngân Thủy. Loại đất này thích hợp với cây công nghiệp dài ngày.
(10). Đất tầng mỏng: E (Leptosols): Diện tích có 6.327 ha chiếm 4,49% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở vùng gò đồi của huyện, thực vật tự nhiên chủ yếu là cỏ và sim mua [18].
* Tài nguyên nước
- Lệ Thủy có sông Kiến Giang và một số sông suối nhỏ khác, thuận lợi cho việc
vận tải thủy và nuôi trồng thủy sản.
- Có các công trình thuỷ lợi và một loạt hồ chứa nhỏ khác như hồ An Mã, Thanh Sơn, Cẩm Ly với dung tích 160 triệu m3 nước, thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ, phân lũ phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và cho công nghiệp trong tương lai.
- Lượng nước sông Kiến Giang tuy khá lớn nhưng việc sử dụng phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt còn bị hạn chế do bị khô hạn và bốc mặn ở hạ lưu (vùng phá Hạc Hải) vào mùa khô và bị ngập lụt vào mùa mưa.
- Nước ngầm ở Lệ Thủy khá phong phú nhưng phân bố không đều và mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa. Vùng đồng bằng có mực nước ngầm nông và dồi dào, vùng đồi núi mực nước ngầm sâu và dễ bị cạn kiệt vào mùa khô.
- Chất lượng nước ở Lệ Thủy nhìn chung khá tốt thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như sinh hoạt của nhân dân. Riêng với các xã Lộc Thủy, An Thủy, Sơn Thủy, Hoa Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy do đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô còn khó khăn [18].
* Tài nguyên rừng
Lệ Thủy có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 108.595 ha, chiếm hơn 76%
tổng diện tích toàn huyện. Rừng có nhiều gỗ quý như: lim, táu, gõ… đặc sản dưới tán rừng khá đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế cao như: song, mây, trầm kỳ… Đặc biệt có hơn 4.000 ha thông nhựa đang thời kỳ khai thác cung cấp nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến Côlôphan và sản phẩm sau Côlôphan (mực in, vécni, sơn bóng...) phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chim thú trong rừng khá phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức cùng với nạn phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc đã khiến diện tích rừng giảm đáng kể, đe dọa môi trường sống của nhiều loài, làm giảm tính đa dạng sinh học.
* Tài nguyên khoáng sản
Huyện Lệ Thủy có trữ lượng đá vôi khá lớn cho phép phát triển ngành công nghiệp và vật liệu xây dựng quy mô lớn là động lực phát triển kinh tế tạo diện mạo mới cho huyện, có suối nước khoáng Bang ở xã Kim Thủy nhiệt độ tại điểm phun đạt 105°C đang được khai thác chế biến làm nước uống có giá trị cao, tốt cho sức khỏe.
Có trữ lượng rất lớn cát trắng với hàm lượng SiO2 cao có thể sản xuất thủy tinh cao cấp phục vụ cho xuất khẩu và sản xuất gạch silicát. Ngoài ra còn có vàng (Au), chì (Pb), kẽm (Zn), titan (Ti)… đặc biệt là vàng có trữ lượng nhỏ và phân bố rải rác các vùng núi dọc khe suối.
* Tài nguyên biển
Lệ Thủy có đường bờ biển dài 30km từ Hồng Thủy đến Ngư Thủy Nam. Với ngư trường rộng hàng trăm hải lý, có nguồn lợi hải sản phong phú và có nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao trong xuất khẩu và tiêu dùng như tôm hùm, mực, cá thu, cá chim... Do nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn nên nhiệt độ nước biển cao, lượng bốc hơi lớn kéo theo độ mặn cao do vậy nơi đây có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề làm muối.
* Tài nguyên nhân văn
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển, dân số vừa là nguồn lực của nền kinh tế, vừa là thị trường tiêu thụ, kích thích các hoạt động kinh tế cung cấp nhiều sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của nhân dân huyện Lệ Thủy.
Ngoài ra dân số còn tác động rất lớn tới môi trường sống, môi trường tự nhiên, tình hình phát triển văn hóa, xã hội...
Theo số liệu niên giám của phòng Thống kê huyện Lệ Thủy, tính đến ngày 31/12/2013 dân số huyện Lệ Thủy là 141.787 người, trong đó nữ chiếm 71.030 người, dân số thành thị thuộc hai thị trấn Kiến Giang và Lệ Ninh là 11.379 người, chiếm khoảng 8,02% tổng số dân toàn huyện. Phần lớn bộ phận dân cư huyện Lệ Thủy là người Kinh đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển kinh tế, văn hoá của huyện. Có 4 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Mông Khơ me (Vân Kiều, Ma Coong, Khua) và nhóm ngôn ngữ Việt Mường (A rem). Các dân tộc này có quan hệ gần nhau, sống tập trung ở 3 xã miền núi: Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy.
Dân cư huyện Lệ Thủy phân bố không đều giữa các xã, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn vùng giữa và phân bố rải rác hơn ở các xã vùng trung du, miền núi. Theo số liệu điều tra niên giám thống kê huyện năm 2013, mật độ dân số cao nhất của huyện là ở thị trấn Kiến Giang là 2.064,54 người/km2, ở thị trấn Lệ Ninh là 432,43 người/km2, trong khi ở xã Trường Thuỷ là 78,41 người/km2, xã Ngân Thủy với 10,76 người/km2 và xã Kim Thủy là 7,42 người/km2.
Nguồn nhân lực: tính đến năm 2013, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện là 82.952 người, trong đó có 81.139 người tham gia vào các ngành kinh tế quốc dân. Đây là một nguồn nhân lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, xã hội huyện nhà.
6) Thực trạng môi trường
Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố hữu sinh, vô sinh có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Ngày nay phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển kinh tế - xã hội tạo nguồn lực để bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường tạo ra tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tiếp theo.
Môi trường ở Lệ Thủy ngày càng chịu nhiều sức ép do sự phát triển kinh tế, đô thị hoá, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, các chất ô nhiễm có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản có chiều hướng gia tăng.