CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sau khi được giao
3.3.4. Hiệu quả việc bảo vệ môi trường sinh thái
Rừng có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh tế cũng như đời sống xã hội con người, đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng là một chỉ tiêu sinh thái quan trọng trong việc sử dụng đất. Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nội dung hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn sự thoái hóa xói mòn đất, nâng cao chất lượng nguồn tài nguyên đất và nước. Độ che phủ rừng là một tiêu chí dùng để đánh giá tình hình bảo vệ và phát triển rừng cũng như hoạt động bảo vệ môi trường. Độ che phủ rừng cao cho thấy rừng chiếm một tỷ lệ lớn trong phân bố, từ đó rừng có tác động tích cực đến môi trường sinh thái.
1) Bảo vệ rừng - trồng rừng
Qua điều tra về tình hình trồng rừng và bảo vệ rừng ở các xã cho thấy:
- Từ khi được giao đất, giao rừng thì quỹ đất nông lâm nghiệp của từng xã đã được xác định, các địa phương đã từng bước hình thành các khu rừng phòng hộ như Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình các khu rừng sản xuất như các đơn vị kinh tế lâm nghiệp, rừng của hộ gia đình, cá nhân. Các dự án như Chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ về phủ xanh đất trống đồi núi trọc được triển khai trên địa bàn huyện.
- Các địa phương đã xây dựng tổng quan phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020 trong đó có nội dung quan trọng về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đã xác định được cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp hoặc lâm - nông nghiệp hợp lý, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực và tiểu khu vực đảm bảo vừa phát triển sản xuất vừa bảo vệ tốt nhất tài nguyên rừng hiện có.
- Qua kết quả trên cho thấy tác dụng tích cực của công tác giao đất giao rừng tới hộ gia đình. Các hộ gia đình đã chủ động nhận một phần đất chưa sử dụng để cải tạo thành đất sử dụng, cải tạo thành đất nông nghiệp nhờ đó mà diện tích đất nông nghiệp tăng lên, tạo thêm được sản phẩm lương thực, hàng hóa cho xã hội, mức độ che phủ rừng cũng tăng lên nhanh, từ 28,7% năm 1995 lên 51,37% năm 2012 ở các xã Trường Thủy. Độ che phủ rừng ở các xã miền núi cũng tăng lên khi người dân tiến hành khai hoang đất trồng rừng. Năm 2012, độ che phủ rừng của 3 xã miền núi là: Kim Thủy 87,20%, Ngân Thủy 79,51%, Trường Thủy 87,75%, là những xã có độ che phủ rừng lớn nhất của huyện. Các hộ gia đình coi đây là tài sản quý giá của gia đình và địa phương họ, vì vậy mà đất đai đã được thường xuyên cải tạo, chăm sóc làm tăng độ phì nhiêu, màu mỡ, màu xanh của rừng đã hồi phục trở lại trên nhiều diện tích đồi núi trọc.
Có thể thấy việc giao đất giao rừng đã đem lại hiệu quả cao không chỉ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao mức sống cho người dân địa phương mà còn có tác dụng tích cực trong bảo vệ và cải tạo môi trường sống.
Bảng 3.16. Hiệu quả môi trường của công tác giao đất ở huyện Lệ Thủy
TT Nhóm tiêu chí Các chỉ số
1
Quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng ở vùng trung du và miền núi
Độ che phủ rừng ở xã Trường Thuỷ tăng từ 28,7%
năm 1995 lên 51,37% năm 2014.
Năm 2014, độ che phủ rừng 3 xã miền núi Kim Thủy 87,20%, Ngân Thủy 79,51%.
2
Phương pháp trồng rừng đa bảo vệ môi trường sinh thái
Năm 2014 khoảng 72,7% diện tích đất giao đã được trồng mới, phần diện tích chưa trồng mới thì chăm sóc những cây có sẵn không để đất trống gây xói mòn.
Hơn 50% số hộ trồng rừng theo phương thức cuốn chiếu hoặc Nông Lâm kết hợp
(Nguồn: Điều tra, 2014) - Sau khi giao đất giao rừng đã làm giảm đáng kể hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp hàng năm như trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm, người dân đã tự nguyện thâm canh trên đất nông nghiệp được giao để bù lại phần lương thực mà trước kia họ làm rẫy mang lại. Nạn cháy rừng vào mùa khô và làm rẫy gần như không đáng kể.
2) Tác động đến chất lượng nước sinh hoạt
Nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cung cấp cho người dân ở xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ và Trường Thuỷ chủ yếu là nguồn nước từ sông suối và nguồn nước sạch theo chương trình hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ như Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường miền Trung do ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ, dự án tài trợ an sinh xã hội về nước sạch trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là đối với các xã miền núi Kim Thuỷ và Ngân Thuỷ. Nhiều công trình giếng nước, công trình nước sinh hoạt chung đã được hỗ trợ xây dựng mang lại hiệu quả cao cho đời sống sinh hoạt của người dân.
3) Tác động xói mòn đất ở địa phương
Xói mòn là quá trình tác động lên mặt đất làm cho lớp mặt của đất, keo mùn, những tầng đá tơi xốp, các vụn đất và đá sét bị mất đi hoặc trôi theo hướng sườn dốc.
Trước đây khi chưa GĐGR thực bì tại các vùng đất trống chủ yếu là các loài cây bụi, cỏ. Tình hình xói mòn xảy ra khá mạnh, có những nơi lớp đất mặt bị suy thoái nghiêm trọng trơ sỏi đá dẫn đến sạt lỡ nhiều nhiều vùng. Từ khi chương trình GĐGR được triển khai tình trạng xói mòn giảm rỏ rệt.
Qua phỏng vấn các HGH tại các xã. Đa số các hộ được phỏng vấn cho rằng từ khi GĐ, GR đã làm giảm mức độ xói mòn đất ít hơn so với trước chiếm 65%. Có 35%
số hộ cho rằng vẫn thế. Không có ý kiến nào cho rằng mức độ xói mòn mạnh hơn. Về chất lượng đất 58% ý kiến cho rằng chất lượng đất tốt hơn, 37% số hộ cho rằng vẫn thế và 5% cho rằng đất xấu hơn. Đây là những hộ nhận đất ở xa hơn và có độ dốc cao nên chịu ảnh hưởng của xói mòn.
Như vậy đa số các hộ đều cho rằng mức độ xói mòn đất giảm, chất lượng đất tăng so với trước khi GĐGR. Tuy nhiên mức độ tác động còn chưa rõ nét. Trong những năm tới khi rừng phát triển tốt hơn có thể tác động sẽ rõ nét hơn. Đây là tính hiệu khả quan có tác động rất tốt tới môi trường sinh thái cũng như cho sản xuất nông nghiệp.