CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Một số đề xuất giải pháp nâng cao hiệu sử dụng đất lâm nghiệp
Việc tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp sau khi giao là đòi hỏi cấp bách không chỉ riêng gì huyện Lệ Thuỷ mà còn cả ở nhiều huyện trung du và miền núi khác. Qua tìm hiểu phân tích và đánh giá hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp sau giao trên địa bàn xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ và Trường Thuỷ với một số đề xuất sau:
3.5.1. Giải pháp về chính sách đất đai.
Chính sách đất đai có vị trí ảnh hưởng rất lớn trong công tác giao đất giao rừng hiện nay. Việc thực hiện chính sách đất đai đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, nguyện vọng của người dân trên địa bàn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, một chính sách đất đai không phù hợp sẽ là một tác động rất lớn phá vỡ di những giá trị trên làm cho đất đai bị thoái hoá, tài nguyên rừng bị suy kiệt...Vì vậy các giải pháp chính sách cần tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Kiện toàn, đổi mới bộ máy quản lý về lâm nghiệp cấp xã, thực hiện tốt mục tiêu xã hội hoá nghề rừng.
- Chỉ đạo quyết liệt các địa phương còn rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, cho thuê tiếp tục thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, đảm bảo mọi diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn đều có chủ quản lý thực sự.
- Đẩy mạnh công tác giao đất, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản, các tổ chức đoàn thể và hộ gia đình, lưu ý cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn đầu tư sản xuất. Giải quyết dứt điểm các tranh chấp về đất lâm nghiệp.
- Thực hiện tốt Quyết định số 178/2001/TTg, ngày 12 tháng 11 năm 2001 và Thông tư liên tịch giữa Bộ NN & PTNT với Bộ Tài chính số 80/2003/TTLT/BNN- BTC ngày 3/9/2003 về việc hướng dẫn thực hiện QĐ 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
- Cần có các chính sách hổ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế một cách lớn hơn, quy mô hơn để đem lại hiệu quả cao.
- Làm mới nội dung giao đất theo hình thức tự nguyện, có nhu cầu thật sự gắn với phong tục, tập quán văn hóa của từng đối tượng được giao
- Hỗ trợ nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án của Nhà nước như chương trình 135 về xoá đói giảm nghèo, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng,... để đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, ổn định kinh tế xã hội vùng cao và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Việc rà soát phải có sự tham gia của người dân. Thu hồi các diện tích đất rừng của các lâm trường gần các khu dân cư để giao lại cho cộng đồng quản lý và sử dụng.
Đảm bảo các tiêu chí phù hợp, đảm bảo diện tích đủ rộng để người dân đầu tư sản xuất, đất phải có chất lượng để sản xuất. Một số diện tích đất rừng có khả năng phòng hộ, đầu nguồn nước, gần khu dân cư cần giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng theo mô hình cộng đồng.
- Tiếp tục hoàn thiện công tác GĐGR trên những diện tích đất chưa giao. Trong thời gian tới UBND huyện, xã cùng với các phòng chức năng cần tiến hành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho người dân yên tâm sản xuất.
Cần xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng rừng, đối với những diện tích đã được giao phải có cơ chế quản lý, phù hợp từ cấp huyện, xã, thôn/bản.
3.5.2. Giải pháp kỹ thuật.
- Tăng cường việc kiểm tra, kiểm định nguồn gốc, chất lượng các cây lâm nghiệp theo quy định của pháp lệnh về giống cây trồng năm 2004 và Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp.
- Khuyến khích người dân tham gia nghiên cứu nhằm khai thác triệt để kiến thức bản địa vào sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là áp dụng các mô hình công nghệ sinh học hiện đại, ưu tiên cho đầu tư sử dụng các loại giống mới nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất và chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
- Áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện đất đai. Chú trọng đến các giải pháp lâm sinh đơn giản, phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ của người dân địa phương.
- Sử dụng các phương pháp gieo tạo cây con hợp lý, đúng kỹ thuật để cây con sau khi trồng cho tỷ lệ sống cao.
- Tổ chức các hộ có kinh nghiệm trồng, chăm sóc tốt để học hỏi lẫn nhau
- Thực hiện các giải pháp lâm sinh tổng hợp nhằm hạn chế tối đa khả năng cháy và lây lan đám cháy khi có lửa rừng xảy ra. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phòng chống cháy như đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, khuyến khích đưa các giống mới, năng suất cao vào sản xuất.
- Kết hợp trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như : Mì, khoai, sắn… dưới tán rừng Keo, khi rừng chưa khép tán, nhằm hạn chế sự phát triển của cỏ dại, giảm xói mòn, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập. Khi rừng trồng bước vào giai đoạn khép tán tiến hành nuôi thả ong dưới tán, đây cũng là mô hình có triển vọng nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trên diện tích rừng nhận khoán, bảo vệ.
3.5.3. Giải pháp về chính sách đầu tư, vốn.
Trong những năm vừa qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều đến chính sách đầu tư tín dụng cho các hoạt động sản xuất trên nhiều lĩnh vực trong đó có ngành lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Để chính sách đầu tư tín dụng thực sự trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển cần thực hiện tốt những biện pháp sau:
- Mở rộng mức tín dụng, tăng vốn vay trung hạn và dài hạn để đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển sản xuất.
- Cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn và phù hợp với đặc điểm sản xuất lâm nghiệp. Dự án 661 quy định dùng vốn ngân sách để trả công khoán bảo vệ rừng không quá 5 năm, sau 5 năm người nhận khoán được hưởng lợi từ rừng theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg nhưng cho đến nay người dân vẫn chưa tiếp cận được chính sách này.
- Đơn giản hoá các thủ tục vay vốn đối với những hộ nông dân vay vốn đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian hoàn vốn để đảm bảo cho người dân có điều kiện sản xuất kinh doanh.
- Mở rộng hợp tác liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước để thu hút vốn đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp đồng thời khai thác triệt để các nguồn vốn tự có, vốn nhàn rỗi trong nhân dân để phát triển sản xuất.
- Thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng như giảm lãi suất cho vay trồng rừng nguyên liệu từ 0 -5% mức lãi suất chu kỳ đầu, đồng thời tăng mức cho vay và thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ kinh doanh từng loại cây trồng.
UBND huyện cần có chính sách đầu tư, cơ chế hưởng lợi phù hợp hơn để người dân khi nhận đất, nhận rừng họ sẽ đầu tư nguồn lực vào bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ khác như:
- Chính sách giảm thuế trong sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp.
- Chính sách về đào tạo và phát triển nguồn lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông khuyến lâm xã, cán bộ thôn bản.
- Chính sách hỗ trợ giá mua cây giống, phân bón để phát triển sản xuất lâm nghiệp.
- Chính sách về phát triển giáo dục, y tế, thực hiện bình đẳng giới.
Cần có các chính sách về tạo lập vốn kinh doanh rừng theo phương châm huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Chính quyền địa phương phải làm cầu nối giữa người dân với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện.
3.5.4. Giải pháp về giao đất giao rừng
- Để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch 3 loại rừng, sớm quy định chi tiết sử dụng các loại đất, ưu tiên chuyển đổi quỹ đất cho phát triển rừng sản xuất. Thực hiện việc chuyển đổi rừng có giá trị thấp sang trồng lại rừng có năng suất, chất lượng cao.
- Đi đôi với việc giao đất giao rừng cần rà soát lại quỹ đất đang quản lý sử dụng đất lâm nghiệp của các đơn vị nhà nước đóng trên địa bàn. Xác định ranh giới cụ thể, chính xác cả trên bản đồ lẫn thực địa, làm rõ cơ sở pháp lý để tiến đến giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn, rà soát, quy hoạch lại để chuyển một số diện tích sử dụng không hết hoặc sử dụng kém hiệu quả cho địa phương để giao đất, giao rừng để phát
triển sản xuất, ưu tiên cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất, vùng miền núi, dân tộc ít người có nhu cầu. Đảm bảo tất cả các diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ và có cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.
- Đối với diện tích giao lại cho địa phương từ các đơn vị, tổ chức nhà nước và diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao: Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, các nhân có nhu cầu để đầu tư phát triển san xuất kinh doanh lâm nghiệp, hạn mức giao đất đ\ối với hộ gia đình, cá nhân là 30 ha và thời gian giao đất là 50 năm.
- Thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng về sử dụng đất của lâm trường, từ đó xác định rõ diện tích đất giữ lại cho các lâm trường, các công ty lâm nghiệp. Sau đó, rà soát tình trạng thiếu đất của các hộ dân và đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ; bóc tách các phần diện tích đất đang tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ dân nhằm bảo đảm đủ diện tích đất canh tác; tạo quỹ đất dự phòng cần thiết cho cộng đồng…
- Người dân tại chỗ cần được ưu tiên đối với nguồn tài nguyên đất, rừng trước khi thực hiện giao khoán cho các đối tượng bên ngoài cộng đồng….
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ