Điều kiện kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp của hộ gia đình ở huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 41 - 49)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Lệ Thủy

3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

1) Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Được sự quan tâm, giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, chính quyền cơ sở và nhân dân toàn huyện nên kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể đó là:

* Phát triển kinh tế

Tổng thu ngân sách huyện Lệ Thủy tăng dần theo từng năm từ 2011-2013, bảng sau cho thấy rõ sự tăng trưởng đó.

- Năm 2011 tổng thu ngân sách đạt 570.045 triệu đồng, đến năm 2012 tổng thu ngân sách tăng 1,2 lần so với năm 2011 đạt 686.095 triệu đồng và đến năm 2013 tổng thu ngân sách đã đạt được là 797.550 triệu đồng.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp đứng đầu trong các giá trị sản xuất khác: công nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, cụ thể vào năm 2011 giá trị sản xuất nông nghiệp là 1

- Năm 2012, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Lệ Thủy đạt 686.095 triệu đồng, trong đó bao gồm thu trên địa bàn đạt 65.305 triệu đồng; chi ngân sách nhà nước là 1.351.158 triệu đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển là 150.660 triệu đồng.

- Sản lượng lương thực hạt quy ra thóc đạt 92.652 tấn, trong khi năm 2010 chỉ đạt 86.463 tấn.

Bảng 3.1. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế huyện Lệ Thủy

Chỉ tiêu Đơn vị

tính

Năm

2011 2012 2013

Tổng thu ngân sách Triệu đồng 570.045 686.095 797.550

Trong đó thu trên địa bàn nt 84.269 65.305 88.273

Tổng chi ngân sách nt 1.071,024 1.351,158 1.513,334 Giá trị sản xuất công nghiệp nt 245.245 267.562 279.867 Giá trị sản xuất nông nghiệp nt 1.100,884 1.141,852 1.171,766 Giá trị sản xuất lâm nghiệp nt 98.949 140.539 166.444 Giá trị sản xuất thủy sản nt 155.274 170.500 180.735

Tổng sản lượng lương thực Tấn 92.050 92.652 87.820

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản Triệu đồng 390.649 401.574 509.196 (Nguồn: Phòng Thống kê huyện Lệ Thủy) [13]

* Cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế đến năm 2013 đã có những sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.

Tuy vậy, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn khá lớn, trong khi cơ cấu ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chưa chiếm được ưu thế trong tăng trưởng kinh tế; tỷ trọng ngành dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế, là một bước tiến đáng ghi nhận.

2) Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

* Khu vực kinh tế nông nghiệp

- Nông nghiệp: UBND huyện đã ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất; chỉ đạo mở rộng diện tích cánh đồng lớn, áp dụng các mô hình canh tác mới, chuyển đổi một số giống cây trồng để nâng cao giá trị, từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; mạnh dạn đưa giống lúa tiến bộ kỹ thuật và một số giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (tỷ lệ sử dụng giống lúa kỹ thuật đạt gần 80%, trong đó giống chất lượng cao chiếm trên 30% diện tích); chủ động phòng trừ và kiểm soát sâu bệnh, chuột hại nên sản xuất nông nghiệp năm nay đạt kết quả cao cả về số lượng và giá trị.

Tổng diện tích cây trồng là 29.812 ha, so với cùng kỳ bằng 104,77%, trong đó cây lâu năm 5.528 ha, so với cùng kỳ bằng 121,3% (cây cao su 5.107 ha, trong đó cao su tiểu điền 1.728 ha); cây hàng năm 24.284 ha, so với cùng kỳ bằng 101,62% (diện tích lúa 19.608 ha, so với cùng kỳ bằng 101%); năng suất lúa bình quân cả năm đạt 48,39 tạ/ha, so với cùng kỳ bằng 107,9%; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 95.770 tấn, so với cùng kỳ bằng 109,05% (tăng 7.950 tấn). Giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt trên 663 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2013.

Biểu đồ 3.1. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (%)

+ Số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm: Tổng đàn gia súc, gia cầm có đến thời điểm 01/10/2014: Đàn trâu 7.566 con, tăng 14,72%; đàn bò 12.070 con, tăng 14,9% (đàn bò lai chiếm hơn 40% tổng đàn); đàn lợn 63.074 con, tăng 5,16% (đàn lợn có trên 50% máu ngoại chiếm hơn 75% tổng đàn); tổng đàn gia cầm 743.180 con, tăng 3,36%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 15.069 tấn, tăng 4,94% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt trên 567 tỷ đồng, tăng 4,93% so với năm 2013; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 47% trong nội bộ ngành nông nghiệp.

- Lâm nghiệp: Công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt chăm sóc, phục hồi diện tích rừng trồng, cao su bị thiệt hại sau cơn Bão số 10. Dự ước đến cuối năm trồng mới được 1.000 ha/KH 700 ha rừng tập trung; diện tích rừng chăm sóc 9.020 ha, khoanh nuôi 3.000 ha, bảo vệ 30.000 ha.

Tiến hành khai thác, tận thu gỗ rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 65.300 m3, khai thác nhựa thông đạt 1.000 tấn. Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt trên 179,7 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.

Chỉ đạo ngăn chặn, xử lý kịp thời việc lấn chiếm đất rừng và tăng cường tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; trong năm, đã bắt giữ, xử lý 232 vụ vi phạm lâm luật, tăng 6 vụ so với năm 2013, tịch thu trên 245 m3 gỗ các loại, thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.570 triệu đồng. Chỉ đạo rà soát các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ trên địa bàn và đã xử lý buộc tháo dỡ 49 cơ sở hoạt động trái phép.

- Thủy sản: Công tác nuôi trồng, khai thác thủy sản được chỉ đạo tích cực;

các hộ đã đầu tư ao hồ, thức ăn, quy trình kỹ thuật để nuôi trồng, đầu tư phương tiện, mua sắm, cải tiến ngư lưới cụ để đánh bắt thủy sản nên năng suất, sản lượng đạt khá. Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 7.453 tấn, so với cùng kỳ bằng 111,27%

(sản lượng khai thác 4.677 tấn, nuôi trồng 2.776 tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.616,6 ha, so với cùng kỳ bằng 113,34%. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt trên 201,1 tỷ đồng, tăng 11,27% so với năm 2013.

Bảng 3.2. Giá trị và tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp qua từng năm

Chỉ tiêu Tổng số

Lĩnh vực

Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ A. Giá hiện hành (triệu đồng)

Năm 2010 1.096.149 620.893 460.787 14.469

Năm 2011 1.504.512 803.729 682.498 18.285

Năm 2012 1.497.805 773.353 699.901 24.551

Chỉ tiêu Tổng số

Lĩnh vực

Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ B. Tốc độ phát triển (%)

Năm 2010 102,85 105,99 98,28 130,41

Năm 2011 100,43 100,17 100,33 115,02

Năm 2012 103,72 102,47 105,53 100,16

(Nguồn: Phòng Thống kê huyện Lệ Thủy) [13]

* Khu vực kinh tế công nghiệp

Hiện nay, toàn huyện có 3.398 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 6.900 lao động. Giá trị sản xuất ước đạt 266,5 tỷ đồng, trong đó công nghiệp ngoài nhà nước đạt 148,46 tỷ đồng, tăng 11,38% so với năm 2013.

Phối hợp với ngành điện tiếp tục đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện cho các xã đảm bảo độ an toàn ngày càng cao; đến nay, tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 97,08%, hộ dùng điện lưới quốc gia đạt 99,09%.

3) Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

- Theo Chi cục Thống kê huyện thì dân số huyện Lệ Thủy năm 2010 là 140.527 người. Đến năm 2012 là 141.380 người, trong đó nữ 70.820 người chiếm 50,09%. Tỷ lệ tăng dân số năm 2010 là 1,025% đến năm 2012 là 1,026%. Mật độ dân số năm 2012 là 99,84 người/km2. Trong đó, mật độ dân số cao nhất là 2.055,10 người/km2 (thị trấn Kiến Giang), mật độ dân số thấp nhất là 5,34 người/km2 (xã Lâm Thủy).

Bảng 3.3. Dân số và biến động dân số thời kỳ 2010-2012

Năm

Dân số trung bình (người) Tỷ lệ tăng dân số ( o/oo ) Tổng số hộ (hộ)

Tổng Nam Nữ Tỷ lệ

sinh

Tỷ lệ tử

Tỷ lệ tăng tự

nhiên

Tổng Thành thị

Nông thôn 2010 140.527 70.093 70.434 15,30 5,05 10,25 35.448 3.077 32.371 2011 140.948 70.335 70.613 14,85 4,85 10,00 36.031 3.106 32.925 2012 141.380 70.560 70.820 15,39 5,13 10,26 36.545 3.135 33.410 (Nguồn: Phòng Thống kê huyện Lệ Thủy) [13]

4) Tình hình phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn

* Thực trạng phát triển đô thị

Huyện Lệ Thủy có 2 thị trấn là thị trấn Kiến Giang và thị trấn Lệ Ninh có tổng diện tích là 1.450 ha, chiếm 1,02% tổng diện tích tự nhiên của huyện, dân số là 11.345 người, chiếm 8,02% dân số toàn huyện.

Với xu hướng phát triển trong tương lai mở rộng đô thị và không gian đô thị không tránh khỏi việc chuyển đất nông nghiệp sang đất đô thị.

Đất ở thị trấn: Tổng diện tích đất ở năm 2012 tại 2 thị trấn Kiến Giang và Lệ Ninh là 66,63 ha, chiếm 7,88% diện tích đất ở toàn huyện, nhà ở cả hai thị trấn hầu hết là nhà tầng thấp 1 - 2,5 tầng và có diện tích trung bình từ 50 - 70 m2/hộ. Đất ở không tập trung, nhỏ lẻ trong các khu phố.

Cây xanh đô thị chủ yếu được trồng dọc theo hành lang đường giao thông trong các khu phố, chiếm diện tích nhỏ khoảng 5% diện tích đất ở đô thị, cả hai thị trấn đều chưa có công viên cây xanh. Hiện nay, ở các cơ quan, trụ sở làm việc đã phát động nhiều phong trào trồng cây xanh nên khuôn viên các cơ quan, trụ sở làm việc ngày càng có nhiều cây cảnh, cây bóng mát góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm, nâng cao chất lượng không khí đô thị, tạo cảnh quan đẹp.

Hạ tầng giao thông nội thị phần lớn đường được làm mới, đường thị trấn được đặt tên, đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong khu dân cư vẫn có nhiều đoạn đường đã xuống cấp cần được đầu tư mới theo quy hoạch trung tâm của thị trấn.

Hạ tầng cấp thoát nước đô thị: hệ thống thoát nước đô thị hầu hết còn ở dạng tự chảy, chưa đảm bảo yêu cầu về thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Hạ tầng cấp điện và viễn thông đô thị: cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung cấp ổn định.

* Thực trạng phát triển dân cư nông thôn

Do đặc điểm hình thành và lịch sử phát triển, các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện ở tập trung thành thôn, xóm gần các tuyến đường thuận tiện cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. Hầu hết các tuyến giao thông trong các khu dân cư đã được bê tông hóa, nhưng mặt đường đã xuống cấp, nhỏ hẹp nên gây khó khăn cho việc giao lưu hàng hóa và giao thông đi lại của nhân dân. Toàn huyện hiện chưa hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải, thoát nước thải sinh hoạt... chủ yếu là chảy tự do xuống các sông, kênh, rạch thấm vào đất, đã phần nào gây ô nhiễm môi trường sống và đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước.

Đất ở nông thôn năm 2012 có 778,83 ha, bình quân đất ở 59,89 m2/người, nhưng không đều ở các thôn, xã. Trong tương lai, cần có sự điều chỉnh hợp lý các khu dân cư hiện có và hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp làm nhà ở, nhất là những khu đất ruộng cho năng suất cao.

5) Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

* Giao thông

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy có tuyến giao thông Quốc lộ 1A dài 33km, đường Hồ Chí Minh cả hai nhánh Đông và Tây dài 83km, đường sắt Bắc - Nam dài 34km, có tỉnh lộ số 10 và tỉnh lộ 16 dài 73km, đường liên xã dài 147km, đường từ xã xuống thôn dài 96km, đường từ thôn ra đồng dài 156km, đường biển, đường sông khá thuận lợi cho việc giao lưu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá.

* Thủy lợi

Lệ Thủy có hệ thống sông ngòi mang nguồn nước tưới tiêu chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và củng cố hệ thống, các công thủy lợi luôn được quan tâm đúng mức. Diện tích tưới cả năm toàn huyện năm 2010 là 14.650 ha, đến năm 2012 là 16.400 ha, trong đó: hồ đập năm 2010 là 1.250 ha; năm 2012 là 825 ha;

bơm điện năm 2010 là 11.000 ha, đến năm 2012 là 12.560 ha; bơm dầu năm 2010 là 1.900 ha, đến năm 2012 là 2.300 ha; tưới khác (chủ yếu là tự chảy) năm 2010 là 500 ha, đến năm 2012 là 400 ha. Diện tích tưới vụ đông xuân (không kể diện tích tái sinh) năm 2010 là 8.680 ha, đến năm 2012 là 8.550 ha; diện tích được tiêu úng năm 2010 là 5.500 ha, tăng lên 5.600 ha năm 2012.

- Trong những năm trở lại đây hệ thống thủy lợi của huyện Lệ Thủy đã được chú trọng đầu tư. Hiện nay huyện có 3 công trình thủy nông là An Mã, Cẩm Ly, Thanh Sơn; 95 trạm bơm điện và 34 hồ đập nhỏ đảm bảo tưới tiêu cho 4.500 - 5.000 ha mỗi vụ chiếm 82% diện tích lúa toàn huyện. Trong 3 năm qua bằng các nguồn vốn đã xây dựng được 300km kênh bê tông, hệ thống đê ngăn mặn cũng được đầu tư đáng kể.

6) Đánh giá chung về điều kiện kinh tế - xã hội

* Thuận lợi

- Lệ Thủy là huyện giàu tài nguyên, khoáng sản đặc biệt là đá vôi với trữ lượng lớn có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Có điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch - dịch vụ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như Bàu Sen, khe nước nóng Suối Bang.

- Huyện có tuyến đường quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh chạy qua cùng với tuyến giao thông đường thủy (sông Kiến Giang) là điều kiện thuận lợi tạo ra nhiều cơ hội trong giao lưu kinh tế, văn hóa, kinh tế chính trị và thu hút đầu tư.

- Đất đai phì nhiêu, khí hậu thuận lợi, nguồn nước dồi dào tạo lợi thế để đa

dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, và cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

- Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 giữ ổn định, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch tạo tiền đề cho phát triển trong giai đoạn tới. Tốc độ tăng giá trị sản xuất khá, đời sống nhân dân được nâng lên.

- Phát huy được thế mạnh về điều kiện sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhờ đó huyện đã đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh.

- Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ tăng khá cao, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện, nhiều tuyến kênh mương, đường giao thông, công trình công cộng được đầu tư, xây dựng nâng cấp. Thu ngân sách đạt khá cao đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Cải cách hành chính, đổi mới cơ chế chính sách quản lý được đẩy mạnh, vai trò quản lý Nhà nước được củng cố và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời kỳ vừa qua.

- Nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong điều kiện đặc thù của huyện đa dạng về văn hoá, tôn giáo được thực hiện tốt, bảo đảm môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

* Khó khăn

- Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ khó đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Vì vậy, cần được đầu tư mở rộng, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường, cũng như các công trình công cộng trên địa bàn trong thời gian tới.

- Hiện tại cảnh quan môi trường đã, đang bị xâm hại do tập quán sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng cần được quan tâm đầu tư đảm bảo môi trường luôn trong sạch, bền vững.

* Những hạn chế cần khắc phục

Thứ nhất, huyện Lệ Thủy hiện tại chưa có nhiều điều kiện thu hút đầu tư từ bên ngoài để tạo đà phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh qui mô lớn và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thứ hai, trong những năm tới cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thứ ba, cần có các chính sách đầu tư các công trình bảo vệ môi trường sống trước những thách thức từ sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp của hộ gia đình ở huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 41 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)