KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2. Thời gian sinh trưởng phát triển của lạc qua các giai đoạn
Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của lạc biến động lớn, từ 85 - 160 ngày. Sự biến động này phụ thuộc vào đặc tính di truyền loại giống và điều kiện môi trường. Trong cùng một điều kiện sống, những giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn sẽ giảm bớt các tác động không tốt của môi trường. Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lạc là quá trình phát triển liên tục kế tiếp nhau, giai đoạn sinh trưởng phát triển trước tạo tiền đề cho giai đoạn kế tiếp sau. Đó là sự biến đổi vật chất trong hạt để nảy mầm hình thành cây con và quá trình tích lũy chất khô, nước để tạo nên các bộ phận của cây như thân, lá, rễ, hoa, quả, hạt... Nghiên cứu chu kỳ sinh trưởng và phát triển cây lạc là cơ sở cho việc bố trí trồng luân canh, xen canh, gối vụ giữa cây lạc với cây trồng khác nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian sinh trưởng và phát triển được tính từ khi gieo đến khi thu hoạch. Khi nghiên cứu về cây lạc, người ta thường chia thời gian sinh trưởng và phát triển thành các giai đoạn: Từ khi gieo tới mọc mầm tối đa, từ gieo tới 3 lá thật, từ gieo tới bắt đầu ra hoa, từ gieo tới kết thúc ra hoa và từ gieo tới khi thu hoạch. Theo dõi thời gian sinh trưởng của cây lạc trong quá trình thí nghiệm chúng tôi thu được số liệu ở bảng 4.2.
Bảng 4.2: Ảnh hưởng của các yếu tố thí nghiệm đến thời gian sinh trưởng phát triển của lạc
Đơn vị tính: ngày
Công thức Từ khi gieo đến...
Mọc 5 - 7 lá Bắt đầu ra hoa Kết thúc ra hoa Thu hoạch
A1B1 (Đ/C) 7 21 33 55 101 A1B2 7 21 31 52 100 A1B3 7 21 31 51 98 A1B4 7 21 31 52 100 A2B1 7 21 32 54 100 A2B2 7 21 31 52 100 A2B3 7 21 31 51 98 A2B4 7 21 31 52 100
Kết quả thí nghiệm đã cho thấy tất cả các công thức thí nghiệm bắt đầu mọc sau khi gieo 7 ngày, sau đó 14 ngày thì xuất hiện 5 - 7 lá (sau gieo 21 ngày). Thời gian sinh trưởng phát triển của lạc từ khi gieo đến khi bắt đầu mọc và 5 - 7 lá giữa các công thức không có sự sai khác. Do ở giai đoạn này bộ rễ còn kém phát triển, sự sinh trưởng phát triển của cây lạc chủ yếu dựa vào nguồn dinh dưỡng tích lũy trong hạt (2 lá mầm), ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, thời gian này chi phối bởi chất lượng hạt giống, ẩm độ đất là chủ yếu.
Ở giai đoạn bắt đầu ra hoa (31 đến 33 ngày sau gieo): đây là thời kỳ bộ rễ phát triển khá hoàn chỉnh, cây sinh trưởng phát triển mạnh, nhu cầu dinh dưỡng tăng lên. Kết quả thí nghiệm đã cho thấy: các công thức bắt đầu ra hoa sau gieo 31 ngày riêng công thức A1B1 (không phun Bo ở thời kỳ 3 - 4 lá) bắt đầu ra hoa sau gieo muộn nhất, 33 ngày. Theo tài liệu nghiên cứu Bo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hoa lạc, do vậy có thể giải thích thời gian ra hoa của các công thức không phun Bo chậm hơn các công thức sử dụng Bo là có cơ sở.
Về thời gian sinh trưởng từ lúc gieo đến kết thúc ra hoa và thu hoạch: các công thức phun Bo nồng độ 0,2% ở cả hai thời kỳ phun đều có thời gian thu hoạch sớm nhất (98 ngày), công thức không phun Bo có thời gian thu hoạch muộn nhất (101 ngày). Như vậy sự biến động thời gian sinh trưởng giữa các công thức phun vi lượng Bo trong thí nghiệm này chỉ xảy ra trong thời kỳ sau 5 - 7 lá cho đến gần thu hoạch. Giai đoạn từ trước ra hoa đến trước thu hoạch cũng là giai đoạn cây lạc thực hiện nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển quan trọng, nên rất có thể thời gian kéo dài trong giai đoạn này sẽ có ảnh hưởng tốt đến năng suất của lạc.