Đánh giá chung về thực trạng quy định pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ : Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 97)

tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Thứ nhất, hệ thống quy phạm điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại được bao gồm hệ thống quy phạm pháp luật (bao gồm các quy phạm pháp luật quốc tế và các quy phạm pháp luật trong nước) và hệ thống quy phạm xã hội (quy phạm đạo đức kinh doanh ngân hàng và tập quán thương mại liên quan đến hoat động ngân hàng).

Nội dung quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại được thể hiện rõ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, nhất là cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ khu vực ASEAN và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Kỳ. Quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại được thể hiện thông qua nghĩa vụ của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với hệ thống quy phạm pháp luật trong nước về chống cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng thương mại thì Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành là “hạt nhân trung tâm” của pháp luật chống hành vi không lành mạnh trên thị trường nói chung, thị trường ngân hàng nói riêng. Với tiến trình mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng hiện nay, tình hình cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại sẽ ngày càng gay gắt hơn, trong đó, các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại cũng xuất hiện như một tất yếu khách quan, với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc “nhập khẩu”, cung ứng các dịch vụ ngân hàng mới vào thị trường Việt Nam cũng là điều kiện, tiền đề cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hành vi nói xấu, gièm pha chất lượng dịch vụ ngân hàng của đối thủ cạnh tranh.

Các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, tập quán thương mại trong hoạt động ngân hàng được sử dụng trong trường hợp pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng chưa có quy định hoặc quy định không rõ tiêu chí để xác định tính không lành mạnh trong hoạt động cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn luật bổ sung quan trọng cho những “thiếu khuyết” của các quy phạm pháp luật.

Thứ hai, pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng đã giải quyết được khá nhiều nội dung liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại như:

- Giải quyết mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và Luật các Tổ chức tín dụng khi điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại;

- Thay đổi quan niệm từ cạnh tranh bất hợp pháp sang cạnh tranh không lành mạnh; - Bước đầu xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là hành vi tiêu cực cần ngăn cấm để bảo vệ các chủ thể tham gia thị trường, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

- Đã có quy định thẩm quyền quy định chi tiết hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và biện pháp xử lý đối với những hành vi này.

Thứ ba, mặc dù vậy, pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là:

- Pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng mới chỉ dừng lại ở “nguyên tắc chung” được quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng, nên về bức tranh toàn cảnh pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vẫn “còn trống trải” nên khi áp dụng pháp luật vào giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng quy định chung trong Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết nên không phản ánh hết được nét đặc thù trong quy định pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.

- Pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng chưa có quy định về thẩm quyền và sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước trong thủ tục điều tra xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cũng như chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan này trong điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Nhiệm vụ này hiện nay được giao cho Cục Quản lý Cạnh tranh – cơ quan vừa có chức năng quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng trong thủ tục tố tụng cạnh tranh và chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

- Trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại chưa được quy định rõ ràng và dường như nó thiên về xử phạt vi phạm hành chính, Cục Quản lý Cạnh tranh chưa được giao thẩm quyền giải thích, xác định tính không lành mạnh của hành vi cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, trong khi đó, vai trò của tòa án nhân dân trong giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn rất mờ nhạt; sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại chưa được quy định rõ ràng; chưa có sự phân định thẩm quyền về xử lý giữa Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan quản lý cạnh tranh khi xử lý các hành vi được quy định ở cả Nghị định quy định về xử lý vụ việc cạnh tranh và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ : Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w