Tiến bộ xã hội: Khái niệm và nội dung chủ yếu

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 54 - 64)

Chương 2 VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI -

2.1.2. Tiến bộ xã hội: Khái niệm và nội dung chủ yếu

Tiến bộ xã hội có nguồn gốc từ tiếng Latin, nghĩa là vận động tiến về phía trước, đó là một kiểu, khuynh hướng phát triển được đặc trưng bởi những bước chuyển từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn sự phát triển của xã hội và con người.

Trong lịch sử, có nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm TBXH. Kitô giáo cho rằng, không có cái gì gọi là TBXH. Tiến bộ xã hội không tồn tại thực, không có thực. Trái đất sẽ đến ngày tận thế, nhân loại sẽ đến ngày tận số. Cái tồn tại có thực và tồn tại vĩnh viễn là Đấng tối cao. Đây là quan điểm duy tâm, tôn giáo về TBXH. Quan điểm này phủ nhận thực tế khách quan sự phát triển tiến lên (TBXH) của loài người. Đây là quan điểm phản khoa học và phi lịch sử, dẫn đến hậu quả là kích thích những bộ phận người nào đó từ bỏ thế giới hiện thực - thế giới mà con người phải sản xuất, đấu tranh để giành lấy TBXH và khuyên người ta hướng đến một thế giới hư vô, hư ảo. Thực chất của quan điểm này là phủ nhận vai trò của con người. Họ không thể hiểu rằng không có con người và hoạt động thực tiễn của con người thì không có TBXH.

Giai cấp tư sản thời kỳ Phục hưng đã đưa ra quan điểm rằng, chỉ có TBXH tư bản chủ nghĩa mới là TBXH cao nhất và cuối cùng của loài người. Mọi sự phát triển xã hội trước chủ nghĩa tư bản đều không phải là TBXH, là phi lịch sử,

phi lý tính, là bước cản tiến bộ và trình độ phát triển của lịch sử. Sau TBXH tư bản chủ nghĩa không có TBXH nào cao hơn.

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản gắn liền với sự ra đời của nền đại công nghiệp đã thúc đẩy TBXH. C.Mác đã đánh giá rất cao những thành tựu nhân loại đạt được trong thời đại tư bản chủ nghĩa. Xã hội tư bản là bước tiến dài so với xã hội phong kiến trước đó. Song, giai cấp tư sản cho rằng, TBXH tư bản chủ nghĩa là cao nhất của sự TBXH. Quan điểm này là không khoa học, không có sức thuyết phục vì những lý do sau: Một là, trong xã hội tư bản vốn có mâu thuẫn cơ bản - quy định bản chất người bóc lột người của chế độ tư bản chủ nghĩa, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì không thể nói đó là một xã hội tiến bộ cao nhất được. Hai là, sự phát triển của khoa học và công nghệ trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản ngày càng bộc lộ mâu thuẫn mà chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được - điều này tạo tiền đề cho chủ nghĩa xã hội, TBXH chủ nghĩa ra đời. Ba là, đây là quan điểm siêu hình về TBXH, phủ nhận quá khứ và tương lai.

Trong thời kỳ này, lý tưởng giải phóng con người được khơi dậy. Một số nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã có công xây dựng nên lý thuyết có giá trị về tiến bộ lịch sử, như Gi.Vicô cho rằng, sự phát triển của tất cả các dân tộc đều diễn ra theo một chu kỳ gồm 3 giai đoạn: "Thần thánh", "anh hùng" và giai đoạn "mang tính người” - còn gọi là giai đoạn con người [ trích theo 20, tr. 46 - 47]; Gi.Côngđoócxê (J.Condorxet) cho rằng, TBXH tuân theo những quy luật chung của nó, khi con người nắm bắt được những quy luật đó thì sự phát triển xã hội có thể dự báo, thậm chí có thể rút ngắn được. Rutxô cho rằng, sự tiến triển của văn minh đồng thời làm nảy sinh mặt trái của nó là sự bất bình đẳng. Trạng thái bất bình đẳng của xã hội tất yếu sẽ được thay thế bằng trạng thái bình đẳng mới.

Một trong những nhà triết học trước C.Mác có phân tích một cách đầy đủ nhất về mặt triết học cho lý luận về TBXH là G.Hêghen (1770-1831). Ông cho

rằng, TBXH chính là sự vận động tiến về phía trước của cái kém hoàn thiện đến cái hoàn thiện hơn, TBXH cũng là quá trình đầy mâu thuẫn, quá trình phát triển hợp quy luật. Tuy nhiên, ông lại rơi vào tư biện, khẳng định TBXH là quy luật vận động của ý niệm tuyệt đối.

Khắc phục tính chất duy tâm và siêu hình trong những quan niệm về TBXH của các bậc tiền bối, chỉ ra cách hiểu phiến diện, không hợp lý, thiếu khách quan của các quan niệm đương thời; C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch ra những tiêu chuẩn chung nhất, mang tính khách quan để xác định TBXH. Với học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn khách quan, phổ quát để xác định trình độ tiến bộ của xã hội loài người là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, tiến trình lịch sử xã hội loài người không phải là sự vận động vô hướng theo sự dẫn dắt của cái "tất yếu mù quáng", mà là quá trình vận động có quy luật, theo hướng tiến bộ. Đó là quá trình tất yếu chuyển từ những hình thái kinh tế - xã hội này lên những hình thái kinh tế - xã hội khác, cao hơn, tiến bộ hơn. Tiến bộ xã hội, do vậy, xét cho cùng, là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội theo quá trình lịch sử tự nhiên. Điều này có nghĩa là, mỗi hình thái kinh tế - xã hội cụ thể đều tất nhiên tiến bộ hơn so với các hình thái trước đó và đồng thời, cũng tất nhiên kém tiến bộ hơn so với các hình thái sẽ xuất hiện sau nó. Các lĩnh vực cấu thành mỗi hình thái như quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, chính trị, đạo đức, pháp luật, văn hoá xã hội, ASXH, phúc lợi xã hội,v.v.. cũng bị quy định bởi điều kiện kinh tế - xã hội của từng hình thái nên có trình độ tiến bộ hơn so với xã hội trước đó và kém tiến bộ hơn so với các xã hội sau đó, kể cả lĩnh vực ASXH, phúc lợi xã hội.

Trên cơ sở thừa nhận bản chất của tiến bộ nằm trong sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin quan niệm TBXH là khuynh hướng vận động khách quan theo quy luật dù "có những bước quanh co hoặc thụt lùi tương đối". Do bản chất của quy luật xã hội quy định, nên quá trình phát triển của xã hội loài người bao giờ cũng diễn ra một cách hết sức phong phú, phức tạp và đầy mâu thuẫn, thậm chí có cả những bước thụt lùi, có trường hợp thoái bộ cục bộ vận động một cách quanh co. Tiến bộ xã hội, do vậy,

cần phải được hiểu một cách lịch sử - cụ thể, gắn với hoàn cảnh hiện thực của các xã hội. Như C.Mác đã nói rõ: "Nói chung không nên hiểu khái niệm tiến bộ dưới hình thức trừu tượng thông thường” [94, tr. 889]; không nên hình dung TBXH một cách giản đơn như một quá trình bằng phẳng, đơn tuyến, thẳng tắp, không có những bước quanh co hoặc thụt lùi tương đối. V.I.Lênin cũng cho rằng, nếu coi “lịch sử thế giới tiến lên một cách đều đặn, bằng phẳng, không có - đôi khi - những bước nhảy lùi lớn, thì là không biện chứng, không khoa học, không đúng về mặt lý luận” [83, tr. 8].

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới đã trải qua 30 năm (1986 - 2016). Đây là một quá trình cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để và toàn diện, thay đổi cả nhận thức về phát triển lẫn mô hình phát triển, xác lập thể chế, chính sách và cơ chế quản lý mới, nhất là quản lý kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển bằng cách giải phóng lực lượng sản xuất và giải phóng mọi tiềm năng của xã hội ra khỏi những rào cản, những sự kìm hãm gây ách tắc, trì trệ để phát triển. Từ đó, tạo ra những biến đổi to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam theo hướng TBXH.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đã thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội một cách khoa học. Trong quan điểm của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không giải quyết vấn đề TBXH một cách riêng lẻ mà luôn gắn TBXH với công bằng xã hội.

Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta cho rằng “mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội” [54, tr. 201] thực sự là bước tiến lớn về lý luận của Đảng ta.

Để đạt được mục tiêu này, dĩ nhiên, sự tăng trưởng về mặt kinh tế, sự tiến bộ về mặt kinh tế - kỹ thuật là hết sức quan trọng và không thể thiếu được. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng có tăng trưởng về mặt kinh tế, sự tiến bộ về mặt kỹ thuật và

công nghệ không thôi thì chưa đủ đảm bảo để làm cho đất nước ta trở nên văn minh hơn, nhân dân ta trở lên hạnh phúc hơn. Sự tiến bộ về mặt kinh tế không thể nào tách rời sự tiến bộ về mặt văn hoá - xã hội, về sự phát triển con người với hệ thống chính sách xã hội hợp thực tiễn và khoa học của nó. Bởi vậy, tiến bộ về mặt văn hoá - xã hội cần được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”[54, tr. 358]; “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế” [54, tr. 639]. Các chính sách kinh tế và chính sách xã hội đều có cùng mục đích và mục tiêu vì con người và xã hội của những người lao động theo hướng TBXH.

Văn kiện Đại hội XI tiếp tục phát triển những vấn đề lý luận về TBXH, công bằng xã hội, ASXH: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân” [54, tr. 801].

Như vậy, TBXH mà Đảng ta hướng tới trong các nghị quyết thời kỳ đổi mới nêu trên phải là sự tiến bộ toàn diện, chứ không chỉ là sự tiến bộ, tăng trưởng đơn thuần về mặt kinh tế. Tiến bộ xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thể hiện ở LLSX phát triển với trình độ khoa học và công nghệ ngày càng cao với quan hệ sản xuất phù hợp, tiến bộ, hiệu quả.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, có chất lượng cao và bền vững gắn kết thực hiện TBXH và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, giải quyết việc làm, khuyến khích làm giầu hợp pháp, xoá đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống ASXH; đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu của những công trình trước đây, theo chúng tôi, tiến bộ xã hội là sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội, là sự thay đổi về cấu trúc và trình độ tổ chức xã hội từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn vì phát triển của con người, trong đó, an sinh xã

hội là một trong những thước đo phổ quát về trình độ phát triển của con người và xã hội trong nền sản xuất nói riêng và trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội nói chung.

Tiến bộ xã hội là quá trình phát triển của xã hội loài người từ thấp lên cao, như trên đã nói, từ một hình thái kinh tế - xã hội này lên một hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, đó là quá trình phủ định biện chứng. Quá trình đó bao hàm sự phủ định cái lỗi thời, khẳng định, giữ lại và nhân cao thêm những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, những giá trị mang tính nhân văn cao cả của loài người, nâng cao khả năng thích nghi của con người và của xã hội với môi trường xung quanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của xã hội để trên cơ sở đó, tạo thêm những tiềm năng mới cho sự phát triển tiếp theo của xã hội.

Trong quá trình sản xuất vật chất, con người luôn có những mối quan hệ với nhau - các quan hệ sản xuất. Những quan hệ sản xuất này do trình độ phát triển nhất định của LLSX quy định, song quan hệ sản xuất lại có tính độc lập tương đối và tác động trở lại LLSX. Trong đó, ASXH là một thành tố biểu hiện của phân phối sản phẩm xã hội, phúc lợi xã hội, là một thước đo để đánh giá sự tiến bộ của xã hội; đồng thời lại quy định các quan hệ xã hội khác như chính trị, đạo đức, luật pháp, v.v.. trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội. An sinh xã hội là một đảm bảo của xã hội, của cộng đồng để cho mọi người không loại trừ một ai, đặc biệt và trước hết là những người yếu thế, bị rủi ro, bị mất khả năng lao động, bị tàn tật, v.v.. không bị loại ra khỏi sự phát triển tiến bộ chung của xã hội và cộng đồng. Đó chính là một điều kiện, tiêu chí, thước đo thể hiện sự TBXH mà các xã hội trước đây không có được. Đảm bảo đó ngày càng rộng rãi, càng ngày càng chắc chắn, vững chắc, càng được nâng cao chất lượng, làm nên tính chất mới, đặc điểm mới của TBXH trong xã hội hiện đại

Như vậy, xuất phát từ những quan điểm duy vật về lịch sử, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định TBXH có những tiêu chuẩn khách quan và phổ biến của nó và những tiêu chuẩn đó trước hết ở trong lĩnh vực sản xuất vật chất, trong lĩnh vực kinh tế, trong sự phát triển của LLSX lẫn quan hệ sản xuất và trong sự phát triển của bản thân con người.

2.1.2.2. Nội dung của tiến bộ xã hội

Khi phân tích về TBXH không thể không bàn đến những tiêu chuẩn để xác định thế nào TBXH. Khi đánh giá xã hội, người ta cần phải xem xét TBXH trong chỉnh thể của nó, nhưng đồng thời, người ta cũng phải xem xét những mặt, những bộ phận, những lĩnh vực riêng cấu thành xã hội để đánh giá ở đó TBXH có được thực hiện hay không. Do vậy, bên cạnh những tiêu chuẩn chung, phổ quát, bao giờ con người cũng phải dựa vào những tiêu chuẩn cụ thể được xác định bởi các khoa học chuyên ngành cụ thể để xem xét mức độ tiến bộ của các quá trình xã hội trong toàn thể cũng như ở từng bộ phận của nó. Đó là nhóm các tiêu chuẩn kinh tế học, xã hội học và các tiêu chuẩn dựa trên chỉ số phát triển con người do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xướng. Các loại tiêu chuẩn này dùng để đánh giá sự tiến bộ về các mặt cụ thể trong đời sống xã hội của các cộng đồng, các quốc gia.

Tuy nhiên, thông qua những tiêu chuẩn cụ thể dùng để xem xét TBXH trong những lĩnh vực cụ thể của nó, nhìn toàn cục, một xã hội có được coi là TBXH hay không lại là vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, trình độ TBXH ở từng giai đoạn phát triển của lịch sử phụ thuộc vào trình độ phát triển của LLSX. Trong LLSX, con người là nhân tố quyết định. Bằng việc xem xét sự phát triển con người trong hoạt động sản xuất, C.Mác và Ph.Ăngghen coi con người là yếu tố chiếm vị trí hàng đầu, yếu tố quyết định trong LLSX của nhân loại, sự phát triển của con người thể hiện đầy đủ nhất xã hội tiến bộ đến mức nào. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự phát triển toàn diện của con người chính là thước đo trình độ phát triển của xã hội, là tiêu chuẩn tối cao của tiến bộ xã hội.

Theo tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn, cần xem xét tiến bộ xã hội ở các mặt cụ thể sau:

Trên lĩnh vực kinh tế, TBXH được xem xét ở các yếu tố cụ thể, như: Tiến bộ trong lĩnh vực công cụ sản xuất, kỹ thuật và công nghệ; tiến bộ về năng suất lao động, trình độ phân công lao động và chuyên môn hoá trong nền sản xuất, trình độ phát triển sản xuất hàng hoá, trình độ quản lý, quy mô thị trường, v.v.;

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 54 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)