Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN PHÁT HUY VAI TRÒ
4.3.1. Phát triển đồng bộ hệ thống an sinh xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện an sinh xã hội
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, vì con người và TBXH là mục tiêu cơ bản và lâu dài trong hệ thống chính sách, pháp luật ở nước ta hiện nay. Trong những năm tới, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, mức sống chung toàn xã hội tăng. Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình khá vào năm 2020. Điều này tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực để tăng khả năng tích lũy cho người dân, thực hiện các mục tiêu về ASXH và phát triển bền vững.
Các cam kết về phát triển xã hội, trong đó bảo đảm ASXH cho toàn dân trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm và triển khai đến tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương là những yếu tố quyết định để thực hiện các mục tiêu của hệ thống ASXH, hướng tới xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, cùng với việc nâng cao dân trí và sự tham gia của người dân sẽ tạo điều kiện phát triển một hệ thống ASXH cả về bề rộng (phạm vi) lẫn chiều sâu (chất lượng). Chủ trương xã hội hoá cho phép huy động thêm nguồn lực để phát triển hệ thống ASXH để tiến tới xây dựng sàn an sinh xã hội nhằm giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu theo chuẩn quốc gia, đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, chăm sóc y tế, giáo dục, dùng nước sạch và có nhà ở đáp ứng nhu cầu toàn diện và phát triển bền vững.
Thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện là cơ sở để xây dựng và phát triển hệ thống ASXH đa dạng, linh hoạt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về các nhu cầu của con người.
Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tạo điều kiện để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của các nước trong phát triển hệ thống ASXH năng động. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ASXH, các sáng kiến và cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ đảm bảo cho Việt Nam xây dựng một hệ thống ASXH hiện đại, phát triển tương ứng với thực tiễn đất nước, truyền thống văn hóa của dân tộc và tiến tới phù hợp với chuẩn mực quốc tế…
Tất cả những điều kiện thuận lợi trên đây sẽ tạo cơ sở để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH tiến bộ, lành mạnh, thúc đẩy TBXH. Những năm tới, để xây dựng hệ thống ASXH bền vững, trước hết cần chú ý đến những trụ cột của nó, trước hết là BHXH. Xây dựng và phát triển hệ thống BHXH an toàn, bền vững là cơ sở để thúc đẩy TBXH trên các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau (bao gồm hệ thống bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm hưu trí…); trợ giúp xã hội; ưu đãi xã hội; chương trình giảm nghèo...). Nhà nước vừa đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện ASXH, nhưng đồng thời mở rộng xã hội hóa cho phát triển hệ thống ASXH, coi đó là đầu tư cho phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định xã hội và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, hệ thống ASXH ngày càng thể hiện sự đa dạng, tính linh hoạt, góp phần thực hiện tốt vai trò của ASXH đối với sự phát triển xã hội. Mặc dù vậy, trong những năm qua, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ASXH chưa được bao phủ, vai trò của ASXH ở một số lĩnh vực còn yếu. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 144/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành và phát triển hưu trí tự nguyện với mục tiêu xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột.
Quyết định này cũng góp phần xây dựng hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt như tinh thần đã nêu trên. Theo Quyết định 144/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có từ 400 đến 500 doanh nghiệp với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu
trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, chứng khoán khoảng 10 đến 12 nghìn tỷ đồng. Do vậy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH là yêu cầu rất quan trọng nhằm phù hợp với các mục tiêu toàn diện của TBXH.
Thứ hai, hệ thống ASXH đa tầng nhưng phải có trọng tâm, chú trọng xây dựng và hoàn thiện những trụ cột chính của nó là BHXH, BHYT, TGXH, ƯĐXH, để bảo đảm tính bền vững của cả hệ thống ASXH.
Xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội hoàn chỉnh, theo nguyên tắc đóng - hưởng (bao gồm bảo BHXH bắt buộc và tự nguyện, BHYT, BHTN, bảo hiểm nghề nghiệp). Nghiên cứu tách BHXH đối với khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp; bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm tự nguyện khác nhằm mở rộng vững chắc, tiến tới mọi người lao động ở mọi thành phần kinh tế đều được tham gia BHXH; bảo đảm cân đối thu - chi BHXH trên cơ sở mức đóng - hưởng tăng lên theo lộ trình quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, áp dụng các biện pháp đầu tư hiệu quả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo toàn và tăng trưởng bền vững quỹ; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; từng bước cải thiện đời sống của người về hưu theo trình độ phát triển của nền kinh tế”.
Hoàn thiện được hệ thống BHXH theo tinh thần trên đây cũng sẽ góp phần vào việc phát triển hệ thống ASXH bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, vì con người và cho con người.
Hệ thống ASXH có độ bao phủ rộng, đa tầng cũng cần đặc biệt chú ý tới những nhóm yếu thế trong xã hội, như dân tộc thiểu số, bộ phận dân cư mất sinh kế, các đối tượng nhận cứu trợ và trợ giúp xã hội.
Đa dạng hóa các loại hình TGXH, cứu trợ xã hội tự nguyện, nhân đạo và ưu đãi xã hội, chuyển mạnh sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội hoạt động
không vì mục tiêu lợi nhuận và chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng; sửa đổi, bổ sung chế độ trợ cấp xã hội dựa trên cơ sở tăng mức sống tối thiểu của toàn xã hội; tạo cơ hội và ưu tiên cho các đối tượng bảo trợ xã hội tiếp cận nguồn lực kinh tế (trước hết là người còn khả năng lao động), dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng về giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, văn hóa thông tin... thông qua thực hiện các chương trình mục tiêu.
Thứ ba, xây dựng cơ chế để hệ thống ASXH đa tầng hoạt động thông suốt, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở nhau, tác động tiêu cực tới hệ thống chính sách chung của cả hệ thống.
Thứ tư, hệ thống ASXH phải bảo đảm chủ động, tích cực và có tính xã hội hoá cao, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia; đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ASXH. Theo đó, cùng với tăng cường vai trò của Nhà nước, phải huy động mọi nguồn lực của xã hội, nâng cao trách nhiệm và năng lực tự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng; vừa trợ giúp kịp thời, hiệu quả trong việc bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, xây dựng hệ thống ASXH đa tầng phải phù hợp với những tiêu chí chung của ASXH thế giới nhằm tranh thủ kinh nghiệm, sự ủng hộ về các nguồn lực nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống ASXH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp dân cư, thúc đẩy TBXH.