Chương 3 VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI
3.2.3. Nguồn lực tài chính hạn chế cản trở thực hiện vai trò của an sinh
Để ASXH được thực hiện tốt thì việc bảo đảm nguồn lực tài chính là rất quan trọng. Nguồn tài chính chi cho ASXH được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như, ngân sách nhà nước, thu từ việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các nguồn lực xã hội khác. Tuy nhiên, những năm qua, nguồn thu tài chính cho ASXH còn thấp nên việc thực hiện các mục tiêu ASXH gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, những năm qua, mặc dù tổng chi tiêu cho ASXH của Nhà nước liên tục tăng hàng năm những vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế, do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn. Chẳng hạn, theo Bộ Tài chính,
tỷ lệ chi ngân sách cho bảo trợ xã hội chỉ chiếm 0,5% trong khi ở nhiều nước tỷ lệ này khoảng 5 - 7% .
Thứ hai, khoảng 50% tài chính cho ASXH trong thời gian qua lấy từ ngân sách nhà nước, đóng góp của khu vực doanh nghiệp và cộng đồng còn hạn chế [17; 145;
146]. Công tác phân bổ nguồn lực tài chính cho ASXH chưa hiệu quả, chưa dựa vào nhu cầu và năng lực của các địa phương. Khả năng giám sát nguồn tài chính thực thi các chính sách, chương trình, dự án còn nhiều hạn chế dẫn đến sự thất thoát về tài chính (bao gồm cả các chương trình của Chính phủ và các chương trình do các tổ chức xã hội thực hiện). Cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực từ người dân, cộng đồng và xã hội cho ASXH còn nhiều bất cập. Chưa có chính sách khuyến khích sự phát triển của các mô hình tài chính vi mô dưới cộng đồng.
Thứ ba, những năm gần đây, do nguồn thu không đảm bảo nên nguy cơ mất an toàn quỹ ASXH xuất hiện. Chẳng hạn, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2009 là 81,8%, năm 2010 là 76,3%; năm 2011 là 77%; năm 2012 là 68,6% và năm 2013 là 76,6% (năm 2010 và năm 2012 tỷ trọng chi so với thu có giảm xuống là do tác động của việc thực hiện quy định về điều chỉnh tăng tỷ lệ đóng góp thêm 2% ở mỗi năm) [14;15]. Nguy cơ về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai gần có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu của TBXH.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số nợ đóng BHXH đến 31/12/2014 là 7.278,8 tỷ đồng, chiếm 4,09% so với tổng số phải thu, bao gồm:
nợ BHXH: 5.577,9 tỷ đồng; nợ BHTN: 336,4 tỷ đồng (trong đó: ngân sách các địa phương chưa chuyển 152 tỷ đồng, chiếm 45,2%) tổng số nợ BHTN); nợ BHYT: 1.364,5 tỷ đồng (trong đó: ngân sách các địa phương chưa chuyển 670,6 tỷ đồng, chiếm 49,2%0 tổng số nợ BHYT) [14; 15]. Nguyên nhân khiến nguy cơ
vỡ quỹ xảy ra là do việc đóng - hưởng BHXH còn mất cân đối, mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng, cụ thể:
Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (từ năm 2012 tổng mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động là 20%, từ năm 2014 trở đi là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH).
Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động (theo kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, con số này mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế).
Sự tuân thủ các quy định về đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu còn chưa hợp lý (75% cho 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam).
Tỷ lệ tính hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%). Tỷ lệ giảm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi chỉ 1% là thấp.
Tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính bình quân trên một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất).
Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu.
Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009
thì số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm (trên thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,2 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi) [71; 139;140;141;142;143;144;
145;146].
Thứ tư, trong khi các nguồn thu cho ASXH như trên còn thấp thì mức độ xã hội hóa công tác ASXH chưa cao, chưa huy động tốt các nguồn lực xã hội tham gia ASXH và chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực từ người dân, cộng đồng và xã hội cho ASXH còn nhiều bất cập. Chưa có chính sách khuyến khích sử phát triển của các mô hình tài chính vi mô dưới cộng đồng. Do vậy, việc bảo đảm ASXH trên nhiều lĩnh vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp tới các mục tiêu của TBXH.
Thứ năm, khả năng giám sát nguồn tài chính thực thi các chính sách, chương trình, dự án còn nhiều hạn chế dẫn đến sự thất thoát về tài chính (bao gồm cả các chương trình của Chính phủ và các chương trình do các tổ chức xã hội thực hiện).
Tất cả những hạn chế trong nguồn tài chính đã trực tiếp tác động tới độ bao phủ và hiệu quả của ASXH. Do vậy, việc tăng cường nguồn lực tài chính cho ASXH không chỉ đảm bảo thực hiện tốt ASXH mà còn thúc đẩy các mục tiêu của TBXH.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Trong những năm qua, ASXH ở Việt Nam đã có những tác động tích cực tới TBXH. Cụ thể là: Thứ nhất, ASXH góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua phát triển kinh tế, góp phần giải phóng người lao động, tạo thế ổn định về chính trị, văn hóa - xã hội ở nước ta từ 1986 đến nay. Thứ hai, ASXH đã góp phần thực hiện quyền con người - một biểu hiện cao nhất của chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam vì mục TBXH. Thứ ba, ASXH đã góp phần hoàn thiện chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tư, ASXH đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của TBXH ở Việt Nam, như thông qua ASXH, hệ thống giáo dục quốc dân được thay đổi mạnh mẽ, góp phần thay đổi cuộc sống con người, thúc đẩy TBXH; các chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thành tựu của công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã thay đổi căn bản cuộc sống của nhân dân.
Với những tác động tích cực của ASXH đối với các mặt của đời sống xã hội được thể hiện thông qua tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, các quyền của con người ngày càng được thực hiện đầy đủ, các chỉ số về phát triển con người ngày càng được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những năm qua ở một số lĩnh vực ASXH chưa phát huy hết vai trò, nên những thay đổi của đời sống xã hội còn chậm, các mục tiêu của TBXH chưa có sự chuyển biến rõ nét; năng lực xây dựng chính sách ASXH còn hạn chế, nhận thức về vai trò của ASXH đối với TBXH thông qua phát triển kinh tế, góp phần giải phóng người lao động, tạo thế ổn định về chính trị, văn hóa - xã hội còn chưa đầy đủ nên chưa thúc đẩy TBXH tích cực; việc tổ chức thực hiện ở các cấp, nhất là cấp cơ sở còn nhiều bất cập, sự phối hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chính sách thấp;
mức độ xã hội hóa chưa đủ, chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của
cộng đồng xã hội vào việc thực hiện các chính sách ASXH; việc khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tự an sinh còn hạn chế; việc tổng kết, đánh giá để điều chỉnh các chương trình ASXH còn chậm trễ, mức độ bao phủ của ASXH còn thấp; việc huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện ASXH chưa hiệu quả; hệ thống chính sách ASXH ở một số lĩnh vực còn bất bình đẳng nên các mục tiêu của TBXH chậm đạt được.
Hệ thống ASXH ở nước ta thời gian qua đã bộc lộ những bất cập cần phải khắc phục bao gồm: Hệ thống ASXH chưa đồng bộ, mức độ bao phủ thấp đã làm giảm vai trò của ASXH đối với TBXH; thể chế về ASXH có mặt còn bất cập, cản trở TBXH; nguồn lực tài chính hạn chế cản trở thực hiện vai trò của ASXH đối với TBXH. Nếu trong thời gian tới, những bất cập này được khắc phục sẽ tạo ra động lực to lớn để xây dựng một hệ thống ASXH hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội, hướng đến những mục tiêu của TBXH.
Chương 4