Thể chế về an sinh xã hội có mặt còn bất cập, cản trở TBXH

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 110 - 113)

Chương 3 VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI

3.2.2. Thể chế về an sinh xã hội có mặt còn bất cập, cản trở TBXH

Nhiều vấn đề ASXH cần có sự đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước lại có xu hướng xóa bao cấp một cách tràn lan, chưa gắn với lộ trình phát triển và tăng trưởng kinh tế; trong khi đó, một số chính sách ASXH lại có xu hướng bao cấp nặng theo kiểu ban phát, với cơ chế xin - cho, dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào cấp trên, phát sinh tiêu cực (chẳng hạn như: chính sách xóa đói giảm nghèo - nhiều người dân không thích thoát nghèo, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, như không có nhà thì được nhà nước xây; thiếu lương thực thì được Nhà nước cấp; hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa không mất tiền; trợ giá tiền điện; hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách… Ngoài ra còn được hỗ trợ của các nhà hảo tâm… Chính vì được hỗ trợ với tỷ lệ rất lớn, nên người dân chỉ muốn nghèo mà không muốn thoát nghèo).

Hai là, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ASXH chưa nghiêm, sự tuân thủ pháp luật của người lao động và chủ sử dụng lao động không cao dẫn đến

trốn đóng, nợ đọng BHXH. Một số chính sách ASXH như BHXH, BHYT ban hành thiếu chế tài xử phạt; vì thế, dẫn đến tình trạng vi phạm nghiêm trọng trong thực thi chính sách. Tình trạng mượn thẻ BHYT khi khám bệnh, nợ đọng, trốn bảo hiểm... thường xuyên xảy ra. Thực tế ở nhiều địa phương, mượn thẻ BHYT, mượn hồ sơ xin việc của người khác… để được giải quyết chế độ khi ốm đau, bệnh tật, giải quyết việc làm, đến khi người cho mượn bị tai nạn lao động, ốm đau, thất nghiệp thì quyền lợi bị mất trắng. Thực trạng này đang diễn ra gây nhiều bức xúc và ngành BHXH đã cảnh báo cho người lao động. Nhiều người không có thẻ BHYT, nhưng muốn khám bệnh với chi phí thấp nên đã tìm mọi cách để "che mắt" cơ quan bảo hiểm.

Hiện nay, việc thực thi chính sách ASXH ở mỗi cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi sự ràng buộc cơ chế quản lý cũ, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cấp, nhiều ngành cùng thực hiện, cùng chịu trách nhiệm, nhưng khi tình huống phát sinh (nhất là tình huống phải khắc phục hậu quả) thì không cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm, nên rất khó qui trách nhiệm. Ví dụ, có những chính sách mới khi thực hiện vẫn chịu sự chi phối bởi hệ thống pháp luật cũ, không còn phù hợp.

Ba là, chính sách nhà nước nhiều khi còn chung chung, vận dụng quá rộng, dẫn đến việc hiểu và thực hiện có sự khác nhau. Một mặt, có tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ hướng dẫn, nghị quyết ban hành nhưng phải chờ chính sách cụ thể hóa của nhà nước... Đây là bất cập không nhỏ làm chậm triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Mặt khác, sự hướng dẫn của các bộ, ngành không đồng bộ, dẫn đến triển khai chậm.

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách BHXH đã từng bước đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động góp phần thực hiện mục tiêu chính sách ASXH của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách, chế độ BHXH cũng bộc lộ những hạn chế,

bất hợp lý đòi hỏi cần phải đánh giá một cách đầy đủ hơn về chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện để có đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bốn là, hiện nay, chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo đang bộc lộ bất cập, sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo (chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn...) là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp đã dẫn đến sự chồng chéo của những chính sách. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách ban hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực (ngành), có chính sách ban hành theo vùng địa lý…

Sự chồng chéo về chính sách tuy không trùng chéo về nguồn lực nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư, trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, như việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ chương trình 135, chương trình 30a, chương trình nông thôn mới,… nhưng không lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình này do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình; địa phương, cơ sở không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu, dẫn đến tình trạng dở dang thi công do thiếu vốn.

Năm là, một số chính sách lao động chưa phù hợp, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn lớn đã ảnh hưởng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động của mỗi cá nhân trong xã hội. Tính đến thời điểm 01/01/2015, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,48 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2014 là 2,45%, trong đó khu vực thành thị là 1,18%; khu vực nông thôn là 3,01%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) năm 2014 là 6,3%, cao hơn mức 6,17% của năm 2013,

trong đó khu vực thành thị là 11,49%, cao hơn mức 11,12% của năm trước; khu vực nông thôn là 4,63%, xấp xỉ tỷ lệ năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của người lớn từ 25 tuổi trở lên năm 2014 là 1,12%, thấp hơn mức 1,21% của năm 2013, trong đó khu vực thành thị là 2,07%, thấp hơn mức 2,29% của năm trước; khu vực nông thôn là 7% - tthấp hơn mức 0,72% của năm 2013 [137; 140; 144; 145; 146].

Trong quá trình đổi mới đất nước, ASXH đã hướng mạnh vào việc góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn còn lớn đã cho thấy những bất cập, hạn chế về vai trò của ASXH đối với TBXH.

Ngoài ra, ASXH chưa trở thành mạng lưới an toàn cho nhóm yếu thế trong xã hội, mức trợ cấp cho nhóm yếu thế, các mức bảo trợ xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của các đối tượng được bảo trợ. Hệ thống ASXH cũng chưa điều tiết được việc thụ hưởng lợi ích giữa nhóm giàu, nhóm nghèo và các nhóm yếu thế trong xã hội. Tình trạng bất công trong thụ hưởng ASXH vẫn còn tồn tại ở một số lĩnh vực, tạo ra những bất ổn về xã hội, cản trở sự phát triển hài hòa của xã hội.

Khắc phục được những bất cập trên đây không những phát huy tốt vai trò của ASXH mà còn trực tiếp thúc đẩy TBXH ở nước ta trong những năm tới.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 110 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)