Chương 3 THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ
3.1.2. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ trí thức giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
Một là, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo.
Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo với số tiết qui chuẩn ở từng chức danh là nhiệm vụ quan trọng của trí thức nhà giáo. Sớm nhận thức được trọng trách này, tuyệt đại bộ phận giảng viên đều cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt số giờ chuẩn giảng dạy theo từng chức danh mà Bộ Giáo dục vàĐào tạo đã qui định (Phụ lục 2). Theo số liệu điều tra xã hội học, có 64,1% giảng viên tích cực tham gia vào hoạt động giảng dạy. Ở những mức độ khác nhau, trí thức GDĐH đã tham gia giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên, giúp sinh viên phát huy vai trò chủ động trong học tập và rèn luyện;
hướng dẫn sinhviên thực hiện mục tiêu đào tạo đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ sở GDĐH. Nhiều trí thức GDĐH còn tham gia xây dựng và phát triển ngành học, chương trìnhđào tạo, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và thực hành môn học.
Dù đội ngũ trí thức GDĐH ở nước ta trong nhiều năm qua đã có những nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo nhưng mức độ hoàn thành, nhất là việc thực hiện chương trình đào tạo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiệm vụ biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ trí thức GDĐH chưa được hoàn thành ở mức độ cao. Hiện nay, số giảng viên tham gia giảng dạy nhưng chưa biên soạn được giáo trình, tài liệu tham khảo cho môn học còn khá phổ biến.
Một số môn học thiếu giáo trình chuẩn, tình trạng dạy chay, học chay chưa được khắc phục ở nhiều cơ sở đào tạo. Nguyên nhân của những yếu kém này trước hết phải được nhìn nhận từ hạn chế trong năng lực sáng tạo của đội ngũ các nhà giáo.
Hai là, mức độ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ.
Những năm gần đây, công tác NCKH bước đầu được các trường đại học quan tâm. Ứng với tiêu chuẩn về nhiệm vụ NCKH của nhà giáo giảng dạy ở bậc đại học (Phụ lục 2), phần lớn giảng viên đãhoàn thành số tiết qui chuẩn NCKH theo luật định nhưng trong đó, chiếm tỷ lệ khá cao là những trí thức GDĐH chỉ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu hoặc tham gia các hội thảo khoa học ở cấp trường, khoa, bộ môn mà ít có những công trình nghiên cứu độc lập ở phạm vi chuyên sâu được thẩm định, đánh giá bởi hội đồng khoa học. Trên thực tế, có những tấm gương giảng viên đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ NCKH thông qua việc tham gia chủ trì hay tổ chức, chỉ đạo, thực hiện các chương trình, dự án, đề tài NCKH, chuyển giao kỹ thuật, phát triển công nghệ phục vụ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội -văn hóa - giáo dục của đất nước.
Bên cạnh đó vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ trí thức GDĐH chưa đáp ứng được yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Theo kết quả thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thời điểm năm 2005 ở các trường đại học công lập của Việt Nam chỉ có 17.088 bài báo khoa học được công bố (Phụ lục 8). So với tổng số giảng viên khi đó là 33.969 thì trên thực tế chỉ có 50,3% giảng viên có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí. Điều này chứng tỏ, mức độ thâm nhập thực tiễn, phổ biến kiến thức khoa học phục vụ đời sống còn yếu, năng lực sáng tạo của một bộ lớn trí thức GDĐH còn hạn chế. Hơn nữa, công tác NCKH, chuyển giao công nghệ đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này chưa đồng đều, chỉ mới tập trung ở những trường đại học lớn với số ít cán bộ giảng dạy đầu ngành, có học hàm, học vị.
Ba là, mức độ hoàn thành nhiệm vụ định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Những năm qua, đội ngũ trí thức GDĐH ở nước ta đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy, biểu hiện ở số lượng thạc sĩ, tiến sĩ
không ngừng gia tăng hàng năm. Sự gia tăng tỷ lệ trí thức nhà giáo có trìnhđộ trên đại học là thông số quan trọng khẳng định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sau 12 năm, tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học đã tăng 13,56% (từ 47,69% năm 2001 lên 61,26% năm 2013). Điều đó chứng tỏ mức độ đáp ứng yêu cầu tự học nhằm cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, nâng cao hiểu biết của đội ngũ trí thức GDĐH ở nước ta đang ngày càng được nâng cao, phản ánh nhu cầu học suốt đời để phụng sự tổ quốc, phụng sựnhân dân - giá trị nghề nghiệp cao quí mà phần lớn trí thức nhà giáo đại học ở nước ta đã thực hiện thông qua lao động của mình.
Tuy nhiên, hạn chế lớn có tính phổ biến trong các nhà giáo đại học là chỉ coi trọng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn. Không ít giảng viên chưa thực sự nhận thấy vai trò quan trọng cũng như trách nhiệm của bản thân đối với việc bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ, trong sự gia tăng quan hệ hợp tác và cạnh tranh toàn cầu. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, quan niệm học lấy bằng cấp, chứng chỉ vẫn đang chi phối đến quá trình tu nghiệp, rèn luyện của một bộ phận không nhỏ trí thức nhà giáoở nước ta. Điều này tác động tiêu cực và trở thành nguyên nhân chính dẫn đến những biểu hiện hình thức trong công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của không ít trí thức GDĐH. Có thể xem đây là sự lãng phí rất lớn mà các nhà lãnh đạo, quản lý cũng như mỗi trí thức nhà giáo cần nghiêm túc khắc phục trước yêu cầu thực hiện bước chuyển căn bản từ giáo dục đến tự giáo dục, đáp ứng đòi hỏi sự gia tăng không ngừng hàm lượng chất xám, trí tuệ của kinh tế tri thức.
Bốn là, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ trí thức GDĐH tham gia quản lý hoạt động đào tạo.
Hàng năm, đội ngũ trí thức GDĐH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia công tác tuyển sinh của cơ sở GDĐH cũng như đánh giá kết quả học tập, NCKH, quá trình tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị, tư tưởng
của người học. Một bộ phận trí thức GDĐH đã tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; cải tiến và đề xuất những biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của cơ sở GDĐH. Trí thức nhà giáo làm công tác quản lý đã tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập, NCKH và công nghệ của đội ngũ giảng viên. Nhiều trí thức GDĐH trẻ đã hăng hái, nhiệt tâm với công tác kiêm nhiệm. Phần lớn trí thức nhà giáo lãnh đạo chuyên môn, tham gia công tác đảng, đoàn thể, công tác quản lý ở bộ môn, khoa, phòng, ban thuộc cơ sở GDĐH cũng đã hoàn thành nhiệm vụ ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sự quản lý của đội ngũ trí thức GDĐH còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giảng viên đối với chất lượng lao động của bản thân. Bất cập lớn nhất có thể kể đến là các nhà quản lý GDĐH ở các cơ sở đào tạo còn quá phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp vĩ mô dẫn đến hạn chế tính tự chủ, sáng tạo trong công vụ giáo dục;
chưa có cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.