CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ TẠI CÔNG TY XĂNG DẦU BẮC THÁI
3.2. Thực trạng kế toán quản trị chi phí tại Công ty xăng dầu Bắc Thái
3.2.1. Phân loại chi phí kinh doanh tại Công ty Xăng dầu Bắc Thái bao gồm
* Chi phí tiền lương: Được xác định trên cơ sở số sản lượng, lợi nhuận và đơn giá tiền lương của tập đoàn giao hằng năm. Trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao, đơn vị xác định quỹ lương và hạch toán nguồn quỹ lương của đơn vị được giao vào bên có TK 334.
* Chi phí BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ: Là số tiền mà công ty đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT theo quy định của Nhà nước bao gồm BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ. Chỉ hạch toán phần mà công ty đóng góp, không hạch toán phần trách nhiệm của người lao động đóng góp.
* Chi phí CCDC, bao bì: Là các loại tài sản dùng trong kinh doanh nhưng không đủ tiêu chuẩn TSCĐ hiện hành như: Máy tính, bàn ghế, thiết bị điện,...CCDC có giá trị nhỏ được phân bổ vào chi phí một lần ngay khi xuất kho sử dụng hoặc được phân bổ tùy vào tính chất sử dụng.
* Chi phí khấu hao TSCĐ: Là số tiền khấu hao cơ bản TSCĐ được trích vào chi phí kinh doanh trong kỳ. Phương pháp xác định chi phí khấu hao TSCĐ căn cứ vào quy định quản lý, sử dụng và trích khấu hao của nhà nước và tỷ lệ trích khấu hao (hoặc thời gian trích khấu hao TSCĐ) là do tập đoàn quy định trên cơ sở qui định của Nhà nước.
* Chi phí sửa chữa TSCĐ: Bao gồm cả chi phí sửa chữa lớn TSCĐ và chi phí sửa chữa thường xuyên TSCĐ phát sinh trong kỳ thực tế phát sinh. Nếu chi phí sửa chữa phát sinh quá lớn thì được phép phân bổ cho các năm tiếp theo.
* Chi phí nguyên liệu, vật liệu: Là khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu xuất dùng cho sản xuất kinh doanh trong kỳ đuợc tính theo định mức tiêu hao thực tế và giá thành thực tế xuất kho nguyên vật liệu nhưng không được vượt quá định mức (do tập đoàn xăng dầu quy định). Trường hợp vượt định mức phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm, mức độ bồi thường, phần chênh lệch do nguyên nhân khách quan được hạch toán vào giá vốn hàng bán.
* Chi phí bảo quản: Là những chi phí phát sinh trong quá trình bảo quản hàng hóa trong các khâu nhập - xuất - tồn, chứa và bán hàng hóa nhằm giữ gìn phẩm chất mặt hàng xăng dầu, bảo vệ an toàn kho xăng dầu, cảng dầu, đường ống dẫn dầu, cửa hàng xăng dầu, bảo vệ môi trường,...khoản mục chi phí này được tập hợp từ các chi phí sau:
- Chi phí phục vụ quá trình nhập xuất, vệ sinh công nghiệp, phí độc hại, đảm bảo an toàn xăng dầu. Chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường kho cảng xăng dầu.
Chi phí bảo vệ kho tàng, đường ống,...Không hạch toán những chi phí này vào chi phí sửa chữa TSCĐ.
- Chi phí giữ gìn phẩm chất xăng dầu. chi phí chống hao tổn, thất thoát hàng hóa, chi phí chống nóng, vệ sinh kho tàng, súc rửa bồn bể.
* Chi phí vận chuyển: Là chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng
hóa, thành phẩm để tiêu thụ tính từ thời điểm mua từ các đầu mối của tập đoàn đến các địa điểm giao cho khách hàng, vận chuyển tới các cửa hàng bán lẻ, vận chuyển nội bộ khác.
* Chi phí bảo hiểm: Là chi phí tham gia các loại hình bảo hiểm nhằm khắc phục các hậu quả của các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh bao gồm: Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội bộ, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm an toàn cho nguời lao động, bảo hiểm hàng tồn kho,...
* Chi phí hoa hồng, môi giới, hỗ trợ bán hàng: Chi phí hoa hồng trả cho đại lý, và tổng đại lý (theo phương thức đại lý hoa hồng), chi phí môi giới bán
- Chi phí hoa hồng trả cho đại lý, tổng đại lý là số tiền bên nhận đại lý được hưởng do tiêu thụ hàng cho bên giao đại lý.
- Chi phí đầu tư hỗ trợ bán hàng là chi phí đầu tư tiếp thị bán hàng theo quy chế đầu tư hỗ trợ của tập đoàn.
* Chi phí đào tạo tuyển dụng
- Chi phí đào tạo: Bao gồm những khoản chi phí, cho việc đào tạo (trong và ngoài nước), đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động do thay đổi công nghệ hoặc nâng cao trình độ nghiệp vụ để dáp ứng cho công việc mới
- Chi phí tuyển dụng: Là chi phí phát sinh trong quá trình tuyển lao động vào làm việc tại doanh nghiệp như thi tuyển, kiểm tra, thuê khám sức khỏe,..
* Chi phí dịch vụ mua ngoài: Là chi phí phải trả cho người bán và cung cấp dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của đơn vị: Chi phí thuê kiểm toán, chi phí viễn thông, điện thoại, chi phí điện nước, chi phí mua ngoài khác,…
* Chi phí văn phòng và chi phí công tác: Bao gồm các khoản chi phí phục vụ công tác kinh doanh, bảo vệ cơ sở kinh doanh, công tác hành chính văn phòng của bộ máy quản lý như: Văn phòng phẩm, y tế, công tác, vé tàu xe, xăng xe công tác, thuê khách sạn,...Các khoản thưởng cải tiến, sáng kiến kỹ thuật, thưởng tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư.
* Chi phí dự phòng: Chi phí dự phòng bao gồm các khoản trích lập dự phòng theo quy định của nhà nước: trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả, trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc
Không hạch toán vào khoản mục này những khoản dự phòng giảm giá hàng đầu tư ngắn và dài hạn, dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Chi phí theo chế độ cho người lao động: Là các khoản chi phí bao gồm ăn ca, chi cho lao động nữ theo quy định, chi trợ cấp thôi việc, mất việc theo chế độ khám sức khỏe cho CBCNV, chi phí bảo hộ lao động: Chi phí mua BHLĐ và chi bồi dưỡng độc hại,...
* Chi phí tài chính
Chi phí hoạt động tài chính bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán; Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác, khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ, lỗ tỷ giá hối đoái...
* Chi phí quảng cáo, tiếp thị và giao dịch: Là các khoản chi phí phát sinh chi cho việc giao dịch, đối ngoại, tiếp khách, hội họp và chi phí khác
* Thuế, phí và lệ phí: Là các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp theo quy định của nhà nước như thuế môn bài, thuế nhà đất, thuế GTGT không được khấu trừ,.. .các khoản thuế, phí, lệ phí khác phát sinh như thuê kho, cửa hàng bán lẻ,...