CHƯƠNG 1: ĐỖ PHẤN TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI HÀ NỘI
1.2. Đỗ Phấn – nhà văn của Hà Nội
1.2.2. Quan niệm nghệ thuật của Đỗ Phấn
Cho đến nay, khái niệm về “Quan điểm nghệ thuật” vẫn chưa được thống nhất. Theo Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa về quan niệm nghệ thuật như sau:
Quan niệm nghệ thuật là: “Nguyên tắc cắt nghĩa về thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó có khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó, cung cấp một số mô hình nghệ thuật về thế giới có tính chất công cụ để thể hiện cuộc sống”, “cung cấp một điểm xuất phát để tìm hiểu nội dung của tác phẩm văn học cụ thể”, “cung cấp một cơ sở để nghiên cứu sự phát triển, tiến hóa của văn học” [7, tr. 229-230].
Còn theo các tác giả của cuốn Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ thì định nghĩa:“Nói đến quan niệm nghệ thuật là nói đến ý hướng của nhà văn hướng đến thế giới và con người ngay trong khi sáng tạo văn học. Cùng với ý hướng đó, nhà văn bộc lộ thái độ, trình độ nhận thức và cách lí giải của mình đối với thế giới và con người” [11, tr. 211-212]..
Tuy các nhà nghiên cứu có cách lý giải khác nhau, nhưng nhìn chung mọi người đều khẳng định rằng quan niệm nghệ thuật có một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sáng tạo văn chương nghệ thuật. Và khi nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của nhà văn, chúng ta không thể không đề cập đến quan niệm nghệ thuật của họ. Bởi quan niệm nghệ thuật chính là tôn chỉ, định hướng cho ngòi bút sáng tác của họ. Việc nghiên cứu quan điểm của Đỗ Phấn khi sáng tác là một việc làm cần thiết để hiểu rõ hơn những định hướng sáng tác của riêng tác giả và xác định được hướng đi chuẩn xác cho luận văn.
Quan điểm của Đỗ Phấn về sáng tác nghệ thuật và mục đích của tác phẩm văn chương rất rõ ràng. Đỗ Phấn luôn cho rằng văn chương của ông phải xuất phát từ trải nghiệm của chính mình với cảm xúc chân thật của chính mình: "Viết văn là để đi tìm lại thế giới trong tôi. Nghệ thuật chỉ nên bắt đầu từ chính mình, không nên bắt đầu từ đâu cả. Hãy là chính mình” [58]. Ông coi nghiệp viết như một niềm vui của sự dấn thân, để bản thân bứt phá khỏi vòng an toàn của nghệ
thuật và thể loại: "Việc viết với tôi khó khăn hơn vẽ rất nhiều. Và chính vì thế khi viết được vài chữ như mình nghĩ thật sự là một niềm vui khó tả...Niềm vui.
Tôi vui và cũng mong bạn đọc vui với những gì tôi viết ra. Dù sao thì ngôn ngữ loại hình này cũng đông người thưởng thức hơn hội họa. Có rất nhiều điều nếu như nói bằng văn chương chỉ mất vài dòng nhưng với hội họa thì không thuận tiện như vậy. Tất nhiên hai ngôn ngữ là khác nhau nhưng cái đích đến của tôi chỉ có một. Đó là cái đẹp. Tôi băn khoăn nhiều nhất với bức tranh xấu và câu văn dở. Đã xấu và dở thì chẳng nói lên điều gì ngoài việc "nổi tiếng"." [58]. Đỗ Phấn là một nhà văn luôn có tâm thế nghiêm túc với nghề và luôn sáng tạo cách tân trong nghệ thuật để tạo ra cái tôi cá nhân. Ông luôn đòi hỏi mình phải không ngừng nỗ lực vượt lên để chứng minh tài năng của mình nhưng cũng rất biết cách lắng nghe ý kiến từ độc giả.
Vì là một nhà văn viết về hiện thực cuộc đời nên ngòi viết của ông luôn hướng về sự thật với những chất liệu hiện thực cuộc sống ngồn ngộn trong các tác phẩm:"Đối thoại với nhân vật cụ thể cho cảm giác câu chuyện có thật. Đối thoại với những thứ khác cho cảm giác câu chuyện hư cấu hoàn toàn. Có vẻ như tôi đã từng có thời gian rất dài bị đọc những loại văn chương áp đặt hiện thực đến phát chán. Văn chương như thế thường làm tôi nghi ngờ cả những sự thật mười mươi." [58]. Xuất phát từ nỗ lực muốn ghi dấu lại các sự kiện, câu chuyện đã diễn ra, tác giả luôn hướng ngòi viết của mình tái hiện, ghi chép lại từng mảnh ghép của đời sống:"Với tôi, người viết chuyên nghiệp phải trả lời được hai câu hỏi. Có thể viết được về nhiều vấn đề hay không? Có sống được bằng ngòi bút của mình hay không? Tôi không tin vào những lý luận cao đạo cho rằng nhà văn không nhất thiết và không nên sống bằng ngòi bút miễn là mang trong mình một lý tưởng thẩm mĩ và nhân văn cao đẹp. Người viết như tôi chỉ có thể viết về rất ít vấn đề của cuộc sống trong một không gian đô thị hẹp hòi. Như thế là không chuyên nghiệp."[58]
Ông luôn xem được sống và viết về nhiều vấn đề trong cuộc sống là nhiệm vụ cấp thiết của nhà văn. Đối với nhà văn, hiện thực đời sống là mỏ quặng vô cùng quý giá: "Có thể câu chuyện và nhân vật rất khác nhau nhưng vấn đề tôi muốn nói hình như chỉ có một. Đó là sự tha hóa của đô thị, hệ lụy của sự phát triển thiếu kiểm soát. Nếu hiểu rằng tôi chỉ viết một cuốn sách thôi thì
cũng không có gì sai." [58]. Vì vậy, Đỗ Phấn cố gắng tập trung và nỗ lực hết mình để ghi chép được những câu chuyện xung quanh bản thân bằng sức lực bền bỉ, bút lực dẻo dai. Đề tài Hà Nội và cuộc sống hiện thực tồn tại bên trong nó cũng là điểm dừng chân để Đỗ Phấn liên tục khai thác các vấn đề mới mẻ:
"Tôi có thể in bao nhiêu cuốn sách viết về đô thị đi chăng nữa thì cũng chỉ là viết về một cái đô thị của chính mình, với sự chuyển biến không ngừng của nó, trong đó cái hay ho nhiều mà cái suy đồi, tha hóa cũng không ít”[59].Quan điểm nhân sinh xuất phát từ văn chương không còn là một điều mới mẻ, thế nhưng qua ngòi viết mang đậm hơi thở hiện thực của Đỗ Phấn, cùng những vấn đề thế sự được chắt lọc qua lăng kính văn xuôi phi hư cấu, cảm hứng của nhà văn đã kết tinh thành những tác phẩm đặc sắc hòa vào dòng văn học hiện đại.
Quan điểm sáng tác mang tính nhân văn còn xoay quanh việc đúc kết về những vấn đề trong xã hội ở khía cạnh mới mẻ, thú vị: "Chủ đề xuyên suốt cuốn sách Chảy qua bóng tối là luôn so sánh giữa hai trạng thái thị giác của con người. Người mù có vẻ ít ảo tưởng hơn người sáng mắt. Hoặc đã sống trong tưởng tượng rồi thì ảo tưởng là thứ không cần thiết." [58]. Tác giả rất trân quý những số phận con người được gặp gỡ trong hành trình khám phá con người hiện đại. Bằng chứng là Đỗ Phấn đã tạo ra những con người và đồng cảm với nỗi cô đơn bên trong họ như nhân vật Vũ (Vắng mặt), Văn (Rừng người), Thành (Gần như là sống), con người tha hóa Nhung, Huyền (Rừng người), Nhàn (Chảy qua bóng tối)... Bằng sự rung động tinh tế với cuộc đời, tác giả luôn dành cho từng số phận con người sự thương cảm sâu sắc. Đối với Đỗ Phấn, động lực thôi thúc ông phải tiếp tục sáng tác là vì trách nhiệm của người cầm bút phải phản ánh được hiện thực. Đỗ Phấn cho rằng người viết văn cần phải có sự thúc đẩy.
Bình tĩnh trải nghiệm, bình tĩnh để hiểu và cảm hết những điều đang diễn ra, những phận người trong cuộc sống, để có thể đưa vào tác phẩm những điều nhân văn, mới mẻ, có ý nghĩa sâu sắc. Điều day dứt nhất của Đỗ Phấn là khi không lột tả hết sự thật cuộc đời chân dung một nhân vật. Bởi khi đã đặt bút viết, ông tôn sùng sự thật và say mê tìm kiếm sự thật.
Là một nhà văn có kỷ luật thép trong nghề viết, đặc biệt là với thể loại văn xuôi, vì thế, Đỗ Phấn luôn trăn trở về hành trình sáng tác của mình. Ông quan niệm nếu tác phẩm không chất lượng, không trọn vẹn, không đủ đầy và
giàu tính xác thực thì ông chấp nhận ngưng việc sáng tác. Viết bằng tất cả sự nhiệt thành, những chất riêng của người chủ thể sáng tạo là điều mà Đỗ Phấn luôn đề cao. Quan điểm nghệ thuật này đã trở thành kim chỉ nam của ông trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Tiểu kết chương 1
Hà Nội là nơi lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc thông qua thời gian dài tích luỹ và lưu truyền. Nền văn hoá cố đô ấy đã trở thành đề tài quan trọng trong văn học dân tộc qua các thời kì. Ở chương 1, người viết đã khái quát về sự phát triển của đề tài Hà Nội qua các thời kỳ từ văn học dân gian, đến văn học trung đại và văn học hiện đại. Đồng thời đã khái quát về sự nghiệp sáng tác của Đỗ Phấn và những tác phẩm tiêu biểu trong hành trình sáng tác bền bỉ của ông để từ đó thấy rõ, dù là tay ngang ở mảng văn chương nhưng Đỗ Phấn vẫn xem đây là một nguồn cảm hứng lớn, một sự nghiệp cần trách nhiệm và nghiêm túc của người cầm bút. Chương 1 cũng đã khái quát về tiểu sử tác giả, hành trình sáng tác văn chương và các quan điểm sáng tác tiến bộ, hiện đại,thiết thực của ông. Cuộc đời tác giả gắn liền với vùng đất kinh kì, thế nên, bên trong tác giả có những thôi thúc riêng phải viết về vùng đất Hà Nội. Hai tác phẩm Dằng dặc triền sông mưa và Mùi trần là hai tác phẩm điển hình viết về đề tài Hà Nội ở hai bối cảnh lịch sử xã hội khác nhau. Qua đó có thể thấy được rõ sự quan tâm của Đỗ Phấn dành cho Hà Nội vô cùng lớn. Chương 1 đã chỉ ra được quan điểm sáng tác văn chương của Đỗ Phấn gắn liền với hiện thực xã hội, ý thức gìn giữ văn hoá dân tộc, luôn tìm tòi phương thức phản ánh đời sống hiện thực đương đại. Đỗ Phấn đã viết về Hà Nội bằng tất cả tình yêu với quê hương và niềm tự hào dân tộc. Những cơ sở lý thuyết đã làm rõ ở chương 1 là tiền đề cần thiết, để trong chương 2 chúng tôi có thể phát hiện và giải mã các điểm sáng về đề tài Hà Nội trong văn chương Đỗ Phấn và chứng minh sáng tác của Đỗ Phấn mang tầm quan trọng sâu sắc trong việc gìn giữ, bảo tồn và truyền đạt văn hoá dân tộc cho thế hệ sau.