CHƯƠNG 2: HÀ NỘI QUA NÉT VẼ CỦA NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.1. Con người được khắc họa qua bức chân dung ngoại hình
Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật là một yếu tố quan trọng để người đọc có thể tưởng tượng ra diện mạo nhân vật, thấy được cái nhìn của nhà văn về con người. Khảo sát thế giới văn chương Đỗ Phấn nói chung, ta bắt gặp nhiều kiểu loại con người bình dị trong cuộc sống. Họ có thể chịu nhiều bi kịch, chịu đựng ẩn ức, ám ảnh cá nhân hoặc là người nhân hậu, sống tình cảm, lấp lánh nhân cách sống cao đẹp. Từng nhân vật đều được nhà văn thể hiện rất rõ bằng
nghệ thuật khắc họa ngoại hình sinh động qua các bước phác thảo chân dung, tính cách của nhân vật.
Thông qua các tác phẩm của mình, tác giả Đỗ Phấn đã làm rõ hình ảnh những con người gắn liền với văn hóa vùng miền mà ở mỗi vùng đất, con người lại mang những đặc điểm riêng đặc trưng. Con người ngoại ô trong kí ức của cậu bé An trong Dằng dặc triền sông mưa nổi bật với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với nét đẹp chân chất, mộc mạc. Ẩn dưới tầng sâu tiểu thuyết là bề dày văn hóa của những người con quê hương Bắc Bộ trước giải phóng với không khí cuộc sống sinh hoạt, lao động của núi rừng, đậm dấu ấn dân tộc, đan xen trong các hình ảnh so sánh độc đáo, tự nhiên, giàu hình tượng, làm dậy lên âm sắc, mùi vị riêng của vùng đất thôn quê. Đi từ hình tượng các nhân vật, Đỗ Phấn đã gán thiên nhiên vào bên trong việc miêu tả ngoại hình, tính cách hay sức sống của từng nhân vật. Đặc điểm con người thôn quê còn là tinh thần quyết liệt, không đầu hàng trước số phận, hồn hậu, giàu tình yêu thương. Tình yêu thương giữa người và người được tác giả thể hiện như một đặc trưng của con người thôn quê dân dã, hồn hậu, tươi vui và giàu tình nghĩa.
Quan niệm nghệ thuật về con người đô thị của Đỗ Phấn lại mang màu sắc vừa hoài niệm, cổ xưa của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, vừa hòa quyện trong gam màu hiện đại của những con người thức thời. Cũng như nhiều tác phẩm viết về đô thị khác, nhân vật chủ yếu của Mùi trần là tầng lớp thị dân gồm cả người Hà Nội gốc và dân nhập cư với nhiều cuộc đời, số phận, tính cách cùng xuất hiện. Họ cùng sống, cùng làm việc, vui buồn sướng khổ dựa vào nhau, gắn với nhau, tạo nên một góc Hà thành thu nhỏ trong sáng tác. Con người đô thị theo quan niệm của Đỗ Phấn phải vừa hiện đại, thức thời, đọc nhiều sách báo để nâng cao tri thức, nhưng cũng phải mang vẻ đẹp truyền thống bên trong tâm hồn. Đỗ Phấn thấu hiểu về họ - những con người dù nghèo về vật chất, nhưng giàu có về tâm hồn và luôn giữ gìn nét đẹp truyền thống của vùng đất Hà thành nhiều năm văn hiến. Vì thế, vẻ đẹp của họ đã toát lên bởi cốt cách, nhân sinh quan và thái độ sống cao cả, giàu tình người. Ngoài ra, đặc điểm con người đô thị còn được thể hiện qua nhân vật như Hiến - hình mẫu quy tụ mọi đặc điểm
của người Hà Nội với cách sống, cách nghĩ của người thuộc thế hệ hiện đại, có khi bị coi là cổ hủ và phá cách, nhưng vẫn hướng đến góc nhìn của người con Hà Nội cổ kính, đĩnh đạc, bản lĩnh, truyền thống, giàu tình yêu thương.
Ngoại hình tác động đến ý nghĩa và việc thể hiện nội dung tác phẩm thông qua việc thể hiện từng kiểu loại nhân vật gắn với sự thay đổi sắc diện cũng như tâm tư tình cảm bên trong của họ. Ngoại hình nhân vật còn là điểm chạm đầu tiên để độc giả được tiếp xúc với nhân vật và đưa ra những góc nhìn đánh giá chủ quan trước nhất. Đối với Đỗ Phấn, khi khắc họa mỗi kiểu nhân vật khác nhau, do gắn với đặc thù công việc, môi trường, lứa tuổi sẽ có bút pháp thể hiện khác nhau. Chẳng hạn, nhân vật trẻ em trong Dằng dặc triền sông mưa được tác giả miêu tả thông qua những nét phác thảo vô cùng giản dị, chân quê, mộc mạc: “Con bé Hoa lớn phổng lên. Nó có thể còn cao hơn cậu. Mớ tóc hung hung của nó buộc sau gáy vắt vẻo gọn gàng bằng một sợi len đỏ. Không còn bù xù nham nhở như hồi học vỡ lòng. Chiếc áo sơ mi chấm hoa cổ tròn xắn lên đến khuỷu lộ ra cổ tay đầy đặn. Bàn tay nó trắng hồng không còn dấu vết của những chiếc móng tay dài cáu ghét.” [41, tr.21]. Cô bé Hoa hiện lên với vẻ đẹp giản dị của con gái thôn quê, mớ tóc hung và chiếc sơ mi hoa. Đó là hình ảnh của những đứa trẻ mới lớn với nét ngoại hình quen thuộc, bình dị, gần gũi gợi nhắc cho người đọc hình ảnh đã qua của đồng bào, đồng cảm hơn với những sự kiện trong đời mà nhân vật phải trải qua, khiến câu chuyện thêm phần chân thật.
Ngôn từ giàu hình ảnh còn giúp Đỗ Phấn miêu tả ngoại hình con người và hành động các nhân vật nữ một cách tỉ mỉ, chi tiết, như thể nhà văn đang vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh người thật, việc thật: “Chị Chanh lớn hơn thằng Bính đến mười tuổi. Nhưng gương mặt thì không lẫn vào đâu được. Cái quai hàm bạnh và hai lỗ mũi hếch ngược lên trời hệt như thằng Bính. Cái trán ngắn ngủn và cặp lông mày rậm hơi cụp xuống ngơ ngác bên trên đôi gò má cao gân guốc. Thằng Bính trông khỏe mạnh nhanh nhẹn không đến nỗi nào nhưng tất cả những nét trên gương mặt nó đem phóng to đặt lên đầu một cô gái thì lại là chuyện khác. Chị Chanh có tướng đàn ông. Hai cánh tay chắc nịch với bàn tay mũm mĩm ngắn. Ngay cả cặp vai ngang to bè lực lưỡng của chị cũng hoàn toàn
giống như cặp vai lão Khỉnh.” [41, tr.60]. Tác giả chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong ngoại hình nhân vật: từ cái trán ngắn, gương mặt to, hai cánh tay, bàn tay, đôi vai,…Mọi chi tiết đều được góc nhìn hoạ sĩ của Đỗ Phấn vẽ lại trên trang giấy bằng ngòi bút tả thực sinh động cụ thể. Từ góc nhìn của nhân vật An, tác giả miêu tả ngoại hình của các nhân vật khác xoay quanh cuộc đời cậu bé bằng góc nhìn chi tiết đến độ độc giả cũng như đang nhập vào nhân vật tôi, tưởng tượng ra được bối cảnh, không gian, âm thanh, tiếng nói và hình ảnh nhân vật đó một cách chân thật.
Khi miêu tả người lao động bình dị, Đỗ Phấn luôn quan sát bằng đôi mắt nhân hậu, đặc tả các đặc trưng ngoại hình để thể hiện tính cách và nghề nghiệp của họ. Đó là cô giáo Kim với vẻ ngoài nghiêm nghị, khó tính: “Cô giáo già tên là Kim chắc phải lớn tuổi hơn mẹ cậu. Gương mặt luôn cáu gắt và cú đập thước kẻ bất thình lình lên mặt bàn của cô hình như làm cho vài đứa bạn trong lớp khiếp sợ.” [41, tr.6]. Hay chú Hùng lái tàu luôn chỉn chu về mặt ngoại hình với cách đi đứng bệ vệ: “Cậu đã ao ước ngay từ lần đầu tiên gặp chú Hùng. Người đàn ông cường tráng thanh lịch áo xanh trứng sáo bỏ trong quần ka ki là phẳng phiu. Giày ba ta trắng và đồng hồ Poljot vàng chóe.” [41, tr.8]. Tác giả đã tập trung miêu tả nhân vật lao động với những vết hằn của thời gian nơi khóe mắt, bàn tay hay mái tóc bạc, tạo cảm thông, sự gần gũi khiến giữa người đọc và nhân vật, như thể độc giả đang là An ngắm nhìn những nhân vật xung quanh bằng ánh mắt trìu mến, yêu thương: “Ông nội cắm cúi bên chiếc bàn kê sát cửa sổ trên nhà tam bảo. Kính lúp rất dày. Kính lão đeo trên mắt cũng dày. Ông đọc những quyển sách chữ Hán dày hơn gấp bội những quyển sách thông thường.”
[41, tr.62]. Việc miêu tả nhân vật theo lối cụ thể, đề cao chi tiết là một biện pháp nhằm cá thể hoá nhân vật. Sự cá thể hoá này làm cho giá trị phản ánh của tác phẩm (thường là một nội dung, một giá trị nào đó) trở nên thuyết phục hơn, không chung chung.
Các tác giả còn thông qua miêu tả ngoại hình nhân vật để làm nổi bật tính cách, phẩm chất bên trong. Khi xây dựng nhân vật, có khi nhà văn miêu tả trực tiếp, có khi gián tiếp; nhưng tất cả đều góp phần mô tả nội tâm, tính cách bên
trong của nhân vật. Trong Mùi trần, tác giả khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ qua góc nhìn của nhân vật nam bằng đôi mắt hội hoạ đề cao, ca ngợi vẻ đẹp, đường cong nữ tính. Qua mỗi cuộc tình, Hiến lại làm dày thêm danh sách người tình của mình. Thế nhưng, trong đôi mắt của kẻ ái ân, người phụ nữ nào cũng mang nét đẹp riêng lạ kì. Đó là chị Viên với đường cong của người đàn bà trưởng thành: “Cặp vú hồng hào của chị hiện ra mờ tỏ trong làn tóc ướt. Đầu núm vú rực hồng của chị nhô cao như một nửa quả cau nho nhỏ. Như một chiếc vú xinh xẻo nữa đặt trên chiếc vú lớn tròn căng nhóng nhánh nước.”[43, tr. 92] Tác giả đã dùng đôi mắt hội hoạ để vẽ lại vẻ đẹp tính nữ này của người phụ nữ trong sáng tác.
Đối với Đỗ Phấn, mỗi người phụ nữ đều có nét đẹp riêng, và một khi đã ý thức bản sắc giới, giá trị của mình, họ sẽ có tiếng nói nữ quyền, thiên tính nữ và định hình được cách sống riêng. Tác giả miêu tả từng ngoại hình của người phụ nữ xuất hiện bên Hiến với những nét đặc trưng riêng. Đó là nàng Minh Châu với nét đẹp mơn mởn xuân thì mang vẻ đẹp trí thức phù hợp với nghề nghiệp thư kí công đoàn nhà máy Z500: “Cô gái còn khá trẻ, ăn mặc rất kiểu cách công chức làm thư kí hội nghị.” [43, tr.142]. Hay cô gái phục vụ ở một địa điểm khép kín dành cho khách làng chơi lại mang nét đẹp dạn dĩ: “Cô gái với đôi ngực nở.
Hình như cave là loại đàn bà có kĩ thuật mặc quần áo nhanh nhất trên đời. Chỉ chừng hai phút cô gái bước ra ở trong ấy đã hoàn toàn tươi tắn như mới…Đến lúc này tôi mới sực tỉnh quan sát kĩ gương mặt hình như còn quá trẻ.” [43, tr.193]. Nhà văn Đỗ Phấn đã sử dụng nhiều phân cảnh, ngôn từ, hình ảnh miêu tả các nhân vật, vận dụng nhiều hình thức về mở rộng điểm nhìn, lồng ghép nhiều tính từ miêu tả ngoại hình hay hiệu ứng chuyển cảnh để các hình tượng nhân vật cùng tình yêu, tâm trạng, hoàn cảnh của họ được nổi rõ hơn trên nền câu chuyện.
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn được miêu tả không theo lối mòn như mũi dọc dừa, mặt trái xoan, nhưng vẻ đẹp ngoại hình của họ lại tỏa sáng kì lạ. Từng ngoại hình của các nhân vật nữ được miêu tả cụ thể dáng vẻ, nét mặt, hành động khiến cho câu chuyện càng thêm sinh động và độc đáo, đặc
biệt là nhân vật Lan với đặc trưng vết sẹo mổ dài luôn là điều cô tự ti nhất:
“Mình không muốn ai thấy vết mổ sinh con ở cái thời kĩ thuật còn non yếu ấy.
Một vết dài ngoằn ngoèo chân rết giữa bụng hai mươi năm sau vẫn còn rõ nét…” [43, tr.22]. Chỉ bằng vài nét phác họa thông qua vết sẹo, Đỗ Phấn dựng lên chân dung Lan, người phụ nữ hiện đại mạnh mẽ, có những suy nghĩ, quan điểm và góc nhìn riêng về cuộc đời. Không miêu tả chi tiết, tỉ mỉ, ngoại hình nhân vật chính, chỉ bằng một vài chi tiết trong những tình huống cụ thể, nhà văn đã giúp người đọc hình dung về nhân vật. Việc tập trung miêu tả ngoại hình nhân vật trong các phân cảnh này còn giúp lột tả rõ hơn nỗi đau, sự ám ảnh, ẩn ức bên trong của nhân vật.
Trong nhiều phân cảnh, ngòi bút của Đỗ Phấn như chiếc máy quay di động, ghi lại chi tiết từng ngoại hình, hành động của nhân vật, đặc biệt là những nhân vật có hoàn cảnh. Trong các tác phẩm này, hình ảnh nhân vật nữ lại toát lên vẻ đượm buồn cố hữu và khao khát tìm kiếm một điểm tựa giữa cuộc đời nhiều biến cố. Chủ đề này trở đi trở lại các sáng tác của Đỗ Phấn, và tạo thành một đặc trưng phong cách khi khắc họa ngoại hình và tính cách nhân vật. Đó là những con người khắc khoải, có nét buồn trong đôi mắt và âm ỉ cháy ước vọng vượt thoát trong tâm khảm.
Miêu tả hành động và khắc họa một phần tính cách, phẩm chất nhân vật một cách sâu sắc, đa phần Đỗ Phấn đều dành tình yêu thương trừu mến đặc biệt dành cho các nhân vật nữ. Từ cách suy nghĩ, hành động, thái độ của nhân vật, tác giả đã phần nào khắc họa tính cách, ẩn ức, phẩm chất của nhân vật và đó là một thành công lớn của nhà văn. Tác giả còn khắc họa ngoại hình và gắn cho từng nhân vật của mình những hoàn cảnh trớ trêu để nhân vật có thể bộc lộ những suy nghĩ và trăn trở của bản thân. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy từng hình ảnh chân dung nhân vật đã được nhà văn Đỗ Phấn khắc họa chi tiết qua nghệ thuật ngôn từ giàu hình ảnh đặc sắc và tinh tế. Phải chăng đó cũng thể hiện cho nhân sinh quan của tác giả không phải là người buông xuôi theo số phận mặc cho dư luận chà đạp lên sự sống còn, mà đó là cách nhìn, cách nghĩ
của những con người can đảm, biết đấu tranh để tìm lấy hạnh phúc và sự bình yên cho cuộc đời.