CHƯƠNG 2: HÀ NỘI QUA NÉT VẼ CỦA NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN
2.1. Hà Nội trong Dằng dặc triền sông mưa
2.1.2. Bức tranh đô thị Hà Nội thời bao cấp
Có lẽ hình ảnh Hà Nội xưa luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong suối nguồn sáng tác của các nghệ sĩ, trong đó có Đỗ Phấn. Đỗ Phấn, nhà văn viết về chốn xưa này bằng tình yêu và niềm tự hào sâu sắc. Đặc biệt là khi viết về thời kỳ bao cấp của Việt Nam, Đỗ Phấn đã sử dụng đôi mắt trực diện, thẳng thắn vào hiện thực đời sống và thể hiện qua không gian nhà phố, không gian sông, không gian ngoại thành,…với góc nhìn cô đọng, nhiều màu sắc về Hà Nội xưa.
Thời kỳ bao cấp gắn với hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn của người dân. Nó thể hiện trong bối cảnh sống, lòng kiên nhẫn và sự kháng cự của người dân giữa sự bủa vây cơm áo gạo tiền và những mặt trái, góc khuất trong xã hội.
Đỗ Phấn khẳng định ngọn nguồn cảm xúc của những tác phẩm viết về Hà Nội chính là tình yêu với cuộc sống và con người nơi đây. Nhắc đến thời bao cấp là nhắc đến một thời kỳ lịch sử nghèo đói. Nhờ có vốn sống và kinh nghiệm sống phong phú, nên dẫu cuộc chiến tranh ác liệt gian khổ đã điqua hàng chục năm nhưng khi đọc tác phẩm của ông, độc giả vẫn có thể mường tượng khung cảnh chiến tranh đầy thương xót đó về quá khứ và khung cảnh đời sống con người bị tàn phá được thể hiện một cách chân thật. Đỗ Phấn khắc họa về chiến tranh từ những khoảnh khắc chính ông đã tai nghe mắt thấy, đã đau xót trong từng ngày cùng mọi người đi tản cư trốn chạy: “Cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ có vẻ như đã đến rất gần. Vài hôm lại có tiếng còi báo động từ Hà Nội vọng sang. Chiếc còi như những chiếc loa xếp tròn một vòng trên nóc Nhà hát lớn ấy bây giờ không còn ngân nga mỗi khi tantầm nữa. Nó chỉ thỉnh thoảng rúc lên những hồi báo động gấp gáp thúc giục mọi người xuống hầm trú ẩn. Và kéo lên hồi còi báo yên như một tiếng thở phào ngắnngủi. Cũng có khi nghe tiếng
đạn pháo từ xa vọng lại ì ầm. Nhưng phần lớn những cuộc báo động là không có chuyện gì xảy ra”. [41, tr.42]. Các nhân vật rơi vào bi kịch hiện thực chiến tranh bởi chính sự giày vò, với những chấn thương khủng khiếp trong tâm hồn vì cuộc sống bấp bênh giữa làn bom đạn.
Chưa bao giờ có giọng văn của nhà văn nào như Đỗ Phấn. Khi tái hiện chiến tranh, giọng văn ông mang âm hưởng trầm buồn da diết và bi thương, ám ảnh đến khắc khoải. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là Đỗ Phấn trao sự hoài niệm quá khứ này cho phần lớn các nhân vật của mình là những con người có chiều sâu tâm hồn khắc khoải, day dứt. Nhìn chung, cuộc chiến tranh với sự tàn phá khốc liệt của nó đối với thiên nhiên và cuộc sống con người đã được Đỗ Phấn khắc họa, lột tả rõ nét. Ở đó, dù là thiên nhiên bị tàn phá tan hoang, xơ xác, những ẩn ức ám ảnh trong lòng người tản cư, những nỗi đau thời chiến kéo dài không nguôi nhưng vẫn là những trang viết tái hiện thành công quá khứ hào hùng đáng tự hào của dân tộc. Từ hiện thực chiến tranh này, đã sinh ra biết bao anh hùng áo vải cống hiến, hi sinh vì sự tồn vong của nước nhà.
Tuy nhiên, một góc khuất ấm áp của tình người trong cái đói nghèo vẫn được Đỗ Phấn gìn giữ trong những trang viết của mình. Ông đã tái hiện lại một Hà Nội thời bao cấp rất khác: một Hà Nội nghèo đói nhưng giàu tình nghĩa.
Khung cảnh đô thị Hà Nội thời bao cấp trong Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn hiện lên như một vùng hồi ức xưa cũ. Những hình ảnh gợi nhớ một thời Hà Nội ngoại thành bình yên, nghèo nhưng rất đẹp. Những mẩu chuyện về con người, cảnh vật, văn hóa Hà Nội được Đỗ Phấn đưa vào trong trang sách là thước phim quý giá quay lại cuộc sống sinh hoạt của con người Hà thành xưa với từng chi tiết cụ thể. Đó là vòi nước công cộng, cửa hiệu giặt là, chuyện phơi quần áo, nước giải khát, bún đậu mắm tôm, đèn đường, hay cái nồi đất… tất cả đều trở thành chủ đề để Đỗ Phấn tái hiện lại một cách chân thật. Trong tác phẩm Dằng dặc triền sông mưa, Đỗ Phấn tái dựng từng “lát cắt ký ức” ấy thật đủ đầy, chi tiết và gần gũi về Hà Nội một thời chưa xa, hình ảnh con người hiện lên với vẻ đẹp điềm đạm và kín đáo.
Con người Hà Nội xưa khi đi vào tác phẩm của Đỗ Phấn đầu tiên hiện ra với cảnh trí đậm chất Hà Nội như một niềm hoài vọng mơ hồ của tác giả về những phố cổ mái ngói thâm nâu bao năm cổ kính: "Lớp học nằm trong một ngôi nhà mặt phố Hai Bà Trưng. Nền nhà thấp hơn vỉa hè. Ẩm thấp và tối tăm.
Bậc học Vỡ lòng không có trường lớn. Cả thành phố chỉ có những lớp vỡ lòng dân lập như thế. Nằm lẫn lộn trong các khu nhà ở. Lớp của cậu may mắn được tách ra khỏi khu nhà bằng một con ngõ nhỏ ngăn riêng lối đi cho những người sống trên tầng hai. Cũng là mới ngăn trong dịp hè vừa rồi. Tường mới quét trắng xóa vẫn còn hăng mùi vôi sống. Cửa chính nhìn thẳng ra phố. Cửa sau giáp với hàng rào rạp Kim Đồng. Bọn trẻ lớn hơn ở phố thỉnh thoảng vẫn lén chui vào lớp học tìm cách trèo qua tường sang rạp xem phim trốn vé." [41, tr.6].
Chất hoạ trong văn Đỗ Phấn được thể hiện qua những hình ảnh miêu tả sống động, đa dạng. Từng mảng màu của cuộc sống như được sơn phết bằng màu hoạ của thời gian. Cuộc sống của con người Hà Nội hiện lên rõ mồn một. Đó là những khu nhà tập thể, trong những con ngõ nhỏ, những địa danh quen thuộc quanh phố cổ như Hàng Thiếc, Hàng Bạc, phố Hai Bà Trưng, rạp Kim Đồng.
Hình ảnh xe điện quen thuộc: "Chiếc bánh xe quan trọng hơn tất cả những bánh còn lại dưới đường ray? Thiếu nó, tất cả các bánh xe đều ì ra không chịu chạy.
Khi tất cả các bánh xe đều quay, con tàu dập dềnh như nhịp sóng lao đi trên phố. Cậu rất thích cảm giác dập dềnh mạnh mẽ ấy." [41, tr.10]. Hay hình ảnh các hợp tác xã thời bao cấp vẫn luôn in hằn trong trí nhớ Đỗ Phấn: "Hoa kể bố nó làm ở Hợp tác xã chế biến gỗ, chuyên đón cánh buôn bè trên mạn ngược chở gỗ về. Cưa xẻ thành gỗ ván gỗ hộp giao cho các xí nghiệp mộc trong thành phố. Bàn ghế giường tủ chạn bát, cánh cửa xà nhà và cả áo quan nữa cũng phải lấy gỗ từ xưởng cưa xẻ ở đây." [41, tr.11]. Từng hình dáng của Hà Nội xưa cũ đã được tái dựng sống động qua sự miêu tả chân thành của tác giả.
Đó có thể là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, là cửa hàng mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh, là hàng sách cũ gắn liền với kí ức tuổi thơ:
"Trên đường ra bờ sông lần nào cậu cũng ghé qua hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài
Gòn ở góc Tràng Tiền Ngô Quyền. Hiệu sách to nhất thành phố. Sách vở được bày bán theo từng chuyên ngành. Cũng có thêm quầy văn phòng phẩm cho trẻ con ở cạnh quầy sách thiếu nhi. Đó là quầy sách duy nhất cậu tìm đến trong cửa hàng. Sách người lớn thì nhà cậu có cả một tủ to không bao giờ đọc hết.”... Tất cả đều mới tinh như chưa từng có người đọc." [41, tr.20-21]. Những hình ảnh ấy được thể hiện qua cách miêu tả theo dòng hồi ức của chính mình qua hình ảnh những cậu bé Hà Nội. Đó còn là hình ảnh các vật dụng rất quen thuộc với người dân Hà Nội thời bao cấp: "Chiếc xe Ban-căng rõ ràng không thể to và đẹp như chiếc Java được. Hai bánh to kềnh lộ hết cả nan hoa ra ngoài. Lại không có thùng đồ rộng rãi dưới yên xe. Cũng không có chỗ để chân liền với yếm chắn bùn phía trước. Bé Yến không có chỗ đứng đằng trước nữa rồi. Chiếc xe có bình xăng liền với yên. Bố chất hàng tết lên đấy. Mẹ mua túi hàng tết ở Hà Nội đưa bố mang sang trước. Mẹ còn phải ở lại đợi mua nốt tiêu chuẩn gạo nếp gói bánh. Túi hàng tết gói ni lông..." [41, tr.72]. Những hình ảnh gợi nhắc quê hương, nguồn cội đã trở nên quen thuộc trong tác phẩm của Đỗ Phấn. Những hình ảnh ấy gợi nhớ đến vùng đất ngàn năm văn hiến, nhiều truyền thống nhưng cũng đong đầy yêu thương, gợi nhớ đến một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi thương.
Hà Nội của Đỗ Phấn cũng có những khoảnh khắc nên thơ, trầm mặc. Hà Nội thanh tịnh, bình an, thảnh thơi đến lạ lùng khi "Bố nhóm bếp và đợi cho đến lúc ngọn lửa bén đều lên những thanh củi lớn....Buổi chiều nắng nhạt. Mặt sông cồn cào nước xiết. Dòng nước băng băng xô vào bờ những đám bọt đỏ ngầu.
Nước đã dâng lên gần đến gờ đất lở mọi khi cậu vẫn hay ngồi. Cậu phải lùi sâu vào tìm một chỗ ngồi dưới những bụi cây muồng hoang dại hoa vàng thơm ngái. Bà nội cậu vẫn thường pha trà bằng hạt muồng lâng lâng mùi thơm quen thuộc này. Cụ gọi là trà “Thảo quyết minh”. Uống cho dễ ngủ. Nhưng cậu thì gần như chưa bao giờ trông thấy bà ngủ. Cậu say giấc lúc bà vẫn còn hí hoáy bên rổ kim chỉ. Mở mắt ra thì bà đã đi chợ Hôm mua rau về đến nhà." [41, tr.21]. Cũng từ khung cảnh phố thị thời bao cấp nhỏ hẹp lại gần gũi này, cũng vào thời điểm giao thoa giữa chiến tranh và bao cấp, thời mà “Hà Nội nghèo
nhưng lành lặn”. Có những truyền thống vẫn được giữ gìn, nhưng cùng đầy những vấn đề mới trở nên tha hoá. Trong thời điểm này, người thị dân Hà Nội cũ của Đỗ Phấn vẫn có lúc ngậm ngùi bởi chợt nhận ra Hà Nội với những bãi bồi, những triền đê mượt cỏ ven sông Hồng trong Dằng dặc triền sông mưa đã dần bị thay thế bởi những lối sống cách tân mới mẻ. Bao chuyện đời, chuyện người được tác giả đan cài vào câu chuyện trong Dằng dặc triền sông mưa bằng giọng văn dung dị, nhẹ nhàng. Dường như nhà văn muốn khắc họa lại bức tranh Hà Nội thời bao cấp với những điểm sáng thân thương của con người và “Nỗi tiếc nuối của Đỗ Phấn về một hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ êm đềm sang trọng chưa bao giờ lớn hơn niềm tiếc nuối về một văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Một đứt gãy vĩnh viễn không thể hàn gắn lại được nữa khi mà dân số tăng vọt với cuộc nhập cư ào ạt như bây giờ.” [57]. Đó là hình ảnh Hà Nội của một thời đã xa ở thời điểm cuộc sống có quá nhiều khó khăn trong bối cảnh vừa chiến tranh vừa xây dựng cuộc sống mới với những nét riêng độc đáo, đáng nhớ và đầy kỉ niệm.