CHƯƠNG 2: HÀ NỘI QUA NÉT VẼ CỦA NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN
2.2. Hà Nội trong Mùi trần
2.2.3. Sự xuống cấp đạo đức và những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa
Hà Nội mặc dù mang nhiều vẻ đẹp đô thị tiềm ẩn, nhưng giữa sự phát triển lớn mạnh, thành phố cũng đang đứng trước nhiều thách thức của sự biến dạng, xa rời vẻ đẹp riêng có. Một trong những vấn đề đặt ra đó là sự xuống cấp và nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa. Trong Mùi trần, Đỗ Phấn đã vạch ra những mặt trái, những góc khuất của cuộc sống mới thông qua hình tượng các nhân vật.
Sự tha hóa, xuống cấp của nhân vật đánh mất nhân cách đều bắt nguồn từ xung đột bi kịch. Trong tác phẩm Mùi Trần của Đỗ Phấn, chúng ta có thể nhìn thấy bi kịch bế tắc của con người dựa trên hai phương diện: khao khát được tự do khám phá và muốn khẳng định bản thân. Nền tảng đầu tiên để tác giả xây
dựng các nhân vật bi kịch bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa sự xung đột lối sống cũ - mới trong đời sống Hà Nội thời chuyển đổi, buộc những người thuộc thế hệ cũ phải thay đổi để thích nghi. Có những nhân vật phải chiến đấu với chính sự tù đọng, lạc lõng trong chính bản thân mình như Hiến. Hiến tự hiểu bản thân không có giá trị gì ngoài cái mã trai phố cổ. “Bên trong cái vẻ chỉn chu công chức ấy tôi chẳng có thứ gì của riêng mình. Gia sản các cụ để lại cũng phải chật vật lắm mới giữ được căn nhà mặt phó. Cửa hàng cho thuê. Tiền chia đều cho mấy anh em. Nhiều lúc tôi nghĩ chính mình là người đã đến gần Chủ nghĩa xã hội nhất. Năng lực chưa dùng hết mà nhu cầu thì chẳng bao nhiêu.” [43, tr.27]. Tác giả nhìn nhận ra những mặt xấu còn tồn đọng trong xã hội. Thế nhưng, khi kể về những điều còn khuất lấp trong xã hội, tác giả lại muốn giúp gắn kết bầu không khí gia đình, để Tết vui hơn, ấm tình thân hơn. Quá trình đô thị hóa đã kéo theo sự thay đổi của nếp sống tầng lớp thị dân. Nhiều bản sắc xưa cũ như “phở không người lái”, đặc sản quê hương đã không còn. Nhiều thứ bị thay đổi, biến tấu trở nên kệch cỡm hoặc hỗn độn, xô bồ.
Mùi trần thể hiện sự trần trụi giữa con người với con người thông qua những câu chuyện dục tính. Họ dễ dàng lao vào nhau bởi khát khao tự do nhưng nhiều người lại sử dụng khát khao đó để biện hộ cho lối sống tự do thoáng, dễ dãi của mình. Liệu Hiến và Lan - hai nhân vật chính trong câu chuyện có thật sự yêu thương nhau, liệu khi Hiến qua đời vì căn bệnh ung thư, Lan sẽ đau khổ hay lại chìm đắm trong cuộc sống mới bên Mỹ quốc cùng vợ chồng con gái? Đỗ Phấn tái dựng hình ảnh con người mới với lối sống lạnh lùng, có phần ích kỉ và chỉ tập trung vào việc xoa dịu nỗi khoái cảm tình dục riêng. Họ đến với nhau chỉ vì những khoái cảm tình dục mạnh mẽ, để rồi khi Hiến bạo bệnh, Lan lại đến thăm qua loa, rồi đi Mỹ quốc sống với con gái. Đỗ Phấn đã miêu tả cụ thể những cuộc ái ân của các nhân vật với tần suất dày đặc để nói lên lối sống chuộng cảm xúc, đề cao tính dục của một bộ phận con người trẻ trong xã hội hiện đại: “Tôi ngắm nhìn bộ ngực trần của nàng lớn đến mức bất ngờ. Nó vung văng đu đưa sang hai bên khiến tôi cứ chìm đắm mỗi ngày trong đó. Tôi ngả lưng xuống giường và mê đi trong hình hài sống động ấy.” [43, tr.235]. Hiến là
một gã công chức nhà nước không có hoài bão, không ý chí vươn lên, sống như một ngọn cây đã chết rễ, không một nơi bám trụ vào. Hiến đã ngoài năm mươi vẫn chẳng vợ con, chỉ có những mối tình chóng váng với đủ loại người. Phương Lan - một diễn viên đã bỏ chồng và có một người con gái, cũng có những mối tình bên lề và sống giữa những trần trụi của dục vọng. Dù cuộc sống riêng đầy mảnh vỡ, họ không che giấu sự xấu xí của bản thân mà phô bày ra để thể hiện những mặt trái của thị dân thành thị.
Thêm vào đó, hình ảnh Lan nhìn thấy chồng đội tóc giả, tô son, tạo dáng trước gương cũng phản ánh tình trạng nhiều người đàn ông mang trong mình giới tính nữ nhưng lại không dũng cảm công khai mà vẫn cưới vợ sinh con theo ý muốn gia đình. Kéo theo đó là những hệ lụy đau khổ khi hôn nhân không có tình yêu. Họ chỉ giày vò nhau giữa biển đời bạc bẽo. Con người, đặc biệt là người phụ nữ thường rơi vào hoàn cảnh chênh vênh, không có điểm tựa và buộc phải tranh đấu để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Từ đó, vấn đề thân phận của con người, đặc biệt là người phụ nữ được đặt ra dựa trên những số phận bị vùi dập, không có tiếng nói, và đây cũng là số phận của nhiều người phụ nữ trong xã hội mới
Có thể nói, Đỗ Phấn đã góp thêm vào tiếng nói bản sắc giới những sắc màu riêng, làm cho độc giả ý thức được rằng: đã một thời chúng ta để quên phụ nữ, đã đến lúc phụ nữ lên tiếng để bảo vệ cho mình và việc văn chương trở thành một phương tiện thể hiện những góc khuất bên trong của thiên tính nữ. Và Đỗ Phấn phần nào cũng truyền tải ý thức bản sắc giới này vào tuyên ngôn của nhân vật Lan và tạo nên hình tượng con người nổi loạn với hành trình tìm kiếm tự do. Chính sự thất bại trong hôn nhân còn kéo theo những sự suy đồi trong nhận thức của nhân vật Lan. Cô không còn tin vào tình yêu và bắt đầu rơi vào vòng xoáy của những cuộc tình chắp vá. Người phụ nữ của Đỗ Phấn đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc của con người Hà Nội truyền thống. Lan không phải người phụ nữ tần tảo hi sinh như các mẹ các dì ngày xưa, Lan đau khổ trong cuộc hôn nhân đầy nước mắt và khao khát dục vọng. Đó là bi kịch riêng của đời Lan. Dù rất tự lập, mạnh mẽ và cứng cỏi nhưng trong cuộc sống, Lan vấp phải những lằn ranh án ngữ, buộc nhân vật phải bứt phá, vượt thoát. Mặc dù tác giả
đã nắm bắt được những khoảnh khắc tâm trạng của nhân vật nữ một cách nhẹ nhàng, tinh tế, nhưng khi phóng ánh nhìn sâu hơn vào những tình huống đời thường, những câu chuyện đời, những xung đột gắn với số phận buồn khổ của người phụ nữ, sẽ còn rất nhiều hình tượng nổi loạn. Bởi khi con người dù trong hoàn cảnh nào, khi đã bị ép vào bước đường cùng, họ đều tự chọn cho mình lối thoát riêng dẫn dắt câu chuyện đến với những kết thúc bất ngờ.
Ngoài các nhân vật chính có những bước tha hoá trong suy nghĩ, tác giả còn tái hiện lại hình ảnh một thành phố nhiều cạm bẫy, có phần sa đoạ với những hình ảnh nhiều góc khuất: “Thành phố đã lên đèn. Phía bên công viên vẫn lấp lánh sắc màu của những cửa hiệu ven đường. Ban ngày hình như vẫn là nơi khiếp sợ của dân phố. Quá nhiều năm nó là mảnh đất hoang. Là nơi lui tới của đám nghiện hút giang hồ. Là nơi xảy ra nhiều vụ án khủng khiếp. Dù cho bây giờ đã được cải tạo chỉnh trang hiện đại thì danh tiếng của nó cũng không thể ngày một ngày hai mà phai nhạt được.” [43, tr.355]. Họ sống cùng nhau trong thành phố muôn màu nhưng không thể phủ nhận những góc khuất khiếp sợ vẫn còn tồn tại bên trong, là mảnh đất hoang, đám nghiện hút, vụ án khủng khiếp khiến con người thành thị mất đi sự an toàn hiếm có.
Trong các tác phẩm khác, Đỗ Phấn cũng miêu tả sự xuống cấp văn hoá của một bộ phận cư dân đô thị khi bị đồng tiền chi phối, nhanh chóng trở nên thực dụng: “Dân phố khi xong việc thường không muốn có những tiếp xúc kéo dài mất thời gian”. Bởi cuộc sống đô thị phức tạp, bận rộn kéo con người ra xa khỏi sự quan tâm, thân thuộc, trở nên xa lạ, thực dụng, vô tâm. “Người thành phố ngày càng trở nên bí ẩn đến mức đáng sợ. Ân nhân của người này lại là tội đồ của người kia”. [43, tr. 278] Không chỉ vậy, Đỗ Phấn còn miêu tả các mối quan hệ trong xã hội hiện đại trở nên tàn nhẫn, không đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất của con người, trở nên tàn nhẫn, xấu xa với nhau giữa cuộc đời bon chen, giả dối: “biến bạn thành thực phẩm” [42, tr.90], hoặc ngập ngụa bon chen, giả dối, phiền lụy, ngờ vực của “những kẻ trơ trẽn đến mức thật thà? Hay giả dối đến độ lì lợm” (Rừng người) [40, tr.12]. Cư dân đô thị không còn mối quan hệ xã hội thân tình mà quy đổi mọi liên hệ bằng tiền tài địa vị: “Hắn kín đáo chìa ra chỉ một loại giấy phép thôi…Cái giấy phép của hắn cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi. Từ rít rịt cotton sang polymer trơn chuội” [42, tr.40].
Nhiều mối quan hệ trong xã hội qua lăng kính miêu tả của Đỗ Phấn đã phản chiếu con người trong xã hội bị tha hoá, xuống cấp và đứng trước những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa bởi danh vọng, tiền tài. Trong Hà Nội thì không có tuyết, tác giả miêu tả mối quan hệ giữa những con người xoay quanh Trung tâm bảo trợ xã hội, chỉ gặp nhau vì cần “Cuối cùng thì chỗ trú ẩn an toàn nhất lại chính là thành phố đông đúc. Chẳng ai quen ai ở đấy. Không cần biết nhau hoặc biết rồi quên” [42, tr.39]. Họ chỉ tập trung “quần quật trong công cuộc mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ, và cả tự hủy” [42, tr.12]. Nhân vật đô thị mới trong sáng tác của nhà văn Đỗ Phấn vừa có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Họ phần lớn là những con người chăm chỉ, siêng năng với cuộc sống mưu sinh nhưng cũng có một bộ phận cư dân thành thị đã bị đồng tiền chi phối mà bị thoái hóa, biến chất. Hình ảnh một thành phố nhiều cạm bẫy, có phần sa đoạ với những hình ảnh nhiều góc khuất, nhiều thứ bị thay đổi, biến tấu trở nên kệch cỡm hoặc hỗn độn, xô bồ hiện lên thật rõ nét trong những trang viết của Đỗ Phấn. Tác giả miêu tả cận cảnh từng dấu hiệu biến đổi của đời sống thị dân để đem đến hồi chuông cảnh tỉnh nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa của người dân Hà Thành.
Với giọng văn nhẹ nhàng bình thản nhưng thấm thía, Đỗ Phấn luôn mang đến cho người đọc nỗi cảm thương cho những số phận tha hoá trong cuộc sống Hà Nội thời kì đổi mới. Đỗ Phấn không ngại nhìn thẳng vào hiện thực của đời sống bề bộn với quá nhiều góc khuất đen tối, bóc trần nó theo từng mảng một nhằm phơi bày cuộc sống nhiều bi kịch, đau thương của con người. Tuy nhiên người đọc có thể cảm nhận được đằng sau giọng văn lên án, bóc trần mạnh mẽ đó lại là cái nhìn nhân văn đầy thấu cảm của nhà văn. Bởi lẽ nhà văn hiểu được tất cả những con người đó họ chỉ vì lý do nào đó mà đã không giữ được những phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Họ đã trở nên tha hóa “bất đắc dĩ” trong hoàn cảnh cuộc sống đầy rẫy sự khó khăn, vô cảm và đơn độc của xã hội nhiều biến động.
Khi so sánh Đỗ Phấn với các nhà văn khác, độc giả có thể thấy sự khác biệt lớn nhất nằm ở cách viết, góc nhìn và tâm thế sáng tác của tác giả. Vẻ đẹp con người Hà Nội trong tác phẩm Đỗ Phấn được đặt trong sự phong phú của đời sống sinh hoạt, phong tục, lễ hội, ẩm thực, sự nhạy cảm, tinh tế trong đời sống cảm xúc, tâm hồn, sự ứng xử linh hoạt khiến họ lựa chọn lối sống cân bằng, thiên về nội tâm, vừa siêng năng cần mẫn vừa biết hưởng thụ cuộc sống
với vẻ đẹp của đất trời. Mỗi nhà văn đều có cách tiếp cận Hà Nội một cách riêng và cùng nhau làm đầy đặn nét đặc trưng của mảnh đất kinh kì. Tuy nhiên, Hà Nội trong sáng tác của Đỗ Phấn mang nét đẹp riêng. Đó chính là cái nhìn tinh tế, sự am hiểu của người trong cuộc và sự thể hiện Hà Nội một cách sinh động, truyền cảm bằng cảm nhận cá nhân, mang tính chủ quan và góc nhìn hoài niệm của tác giả.
Tiểu kết chương 2
Bức tranh Hà Nội qua nét vẽ của nhà văn Đỗ Phấn trong Dằng dặc triền sông mưa và Mùi trần vô cùng chân thật và nhiều dư âm. Chương 2 đã làm rõ các vấn đề liên quan đến phương diện nội dung khai thác của Đỗ Phấn xoay quanh chủ đề Hà Nội. Hà Nội xưa trong kí ức qua Dằng dặc triền sông mưa được thể hiện qua chất Hà Nội thanh lịch, chỉn chu, đề cao nguồn cội và bản sắc dân tộc trong sinh hoạt đời thường. Đỗ Phấn cũng tái hiện lại trong Dằng dặc triền sông mưa hình ảnh một Hà Nội thời bao cấp gần gũi, giản dị và quen thuộc. Thông qua đó, Hà Nội với những nét đẹp văn hóa cổ truyền trong ngày lễ tết và những thói quen sinh hoạt đời thường cũng hiện lên sinh động và hoài niệm. Đặc biệt là bức tranh đô thị đang chuyển mình trong Mùi trần cũng được miêu tả cụ thể qua hình ảnh con người với những quan niệm mới. Tác giả cũng day dứt, đăm chiêu khi vạch trần sự xuống cấp, tha hoá của một bộ phận con người với những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa trong Mùi trần. Bối cảnh xã hội trong hai tác phẩm khác nhau, một bên là kí ức tuổi thơ trong thời chiến, là hỉnh ảnh cố đô thời bao cấp còn nhiều bất cập, còn một bên là hình ảnh Hà Nội đang chuyển mình trong cơn bão táp của nền kinh tế thị trường. Từ đó, hai bức tranh trong hai tác phẩm thể hiện trọn vẹn góc nhìn tổng quan của tác giả về Hà Nội. Nhà văn hướng đến Hà Nội và các vấn đề của con người thời đại với góc nhìn đồng cảm, nhân văn đầy sâu sắc. Dù nên thơ, lãng mạn hay đời thường, trần tục, hình ảnh Hà Nội đều được khắc hoạ bằng những nét vẽ phác thảo tinh tế của Đỗ Phấn.
CHƯƠNG 3:NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN ĐỀ TÀI HÀ NỘI TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN CỦA ĐỒ PHẤN