Tự sự đa chủ thể

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 79 - 83)

CHƯƠNG 2: HÀ NỘI QUA NÉT VẼ CỦA NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN

3.1. Nghệ thuật tự sự của dòng kí ức

3.1.1. Tự sự đa chủ thể

Trong sáng tác của Đỗ Phấn mà chúng tôi khảo sát đa phần tác giả đều sử dụng nghệ thuật tự sự đa chủ thể. Đây là cách kể vừa có tiếng nói của nhân vật vừa có tiếng nói của tác giả. Cách kể này sẽ đa dạng hoá chủ thể kể chuyện, câu chuyện xoay quanh nhân vật cũng được miêu tả ở nhiều góc độ hơn.

Khi tự sự theo dòng kí ức, tác giả có thể “ném” vai tự sự cho bất kì một nhân vật nào trong câu chuyện. Trong Dằng dặc triền sông mưa, tác giả mở đầu câu chuyện theo dòng kí ức của nhân vật An xưng “cậu”. Từng kí ức tuổi thơ, những rung cảm, tâm trạng, cảm xúc đầu đời đều được miêu tả qua dòng tự sự của An: “Cậu say mê ngắm nhìn chúng không chán mắt. Thích nhất là chiếc đồng hồ bày trong tủ kính như một quả chuông thủy tinh trong veo nhìn thấy hết cả bánh răng và dây tóc bên trong. Nhìn thấy cả những chuyển động đều đều xoay vòng xuôi ngược của bốn chiếc lục lạc treo bên dưới. Cậu nghe thấy mấy cô bán hàng kháo nhau, đồng hồ này một năm mới phải lên dây một lần. Thật kinh ngạc. Nhưng cũng hơi buồn. Chiếc đồng hồ là hàng mẫu không bán. Nó có mặt trong tủ kính từ lần đầu tiên cậu nhìn thấy nó cách đây đã hai lần lên dây cót rồi.” [41, tr.5]. Tác giả đã miêu tả những cảm xúc nhẹ nhàng của An dành cho các nhân vật khác, như bác tài vui tính tên Hùng: “Bàn tay chú thoăn thoắt trên vô lăng phanh khi chuẩn bị cho tàu rời bến Nhà Rượu. Chân phải đạp xuống bàn chuông nổi gồ dưới sàn tàu như một chiếc nấm nhẵn bóng ánh thép.

Một hồi ngắn nhắc hành khách vào hẳn trong toa. Chiếc cần gạt tốc độ bằng đồng mòn sáng chỗ bàn tay trái chú đặt vào. Chú nhón chân ngồi lên chiếc ghế sắt tròn hàn liền xuống sàn tàu.” [41, tr.8]. Cô giáo Kim đáng sợ trong mặt tụi nhỏ học sinh: “Cô giáo già tên là Kim chắc phải lớn tuổi hơn mẹ cậu. Gương mặt luôn cáu gắt và cú đập thước kẻ bất thình lình lên mặt bàn của cô hình như làm cho vài đứa bạn trong lớp khiếp sợ. Nhưng cậu thì không. Cậu được cô Kim xếp cho ngồi bàn đầu cạnh một bạn gái. Điều đó khiến cậu sợ hơn.” [41, tr.6].

Những người bạn gần gũi, quen thuộc xung quanh An như Hoa, Hải, Toàn,..Ngoài vai trò thuật kể, chủ thể trần thuật trong góc nhìn của nhân vật An còn thể hiện được tinh thần cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia với nhân vật khác trong câu chuyện: “Thật lạ. Thằng Toàn mấy hôm nay như đứa khác. Đến trường rất ngoan ngoãn hiền lành. Nó bám theo cậu như hình với bóng trong tất cả các trò chơi và không gây sự với bất cứ đứa nào trong lớp nữa. Ở nhà, nó có thể còn lễ phép kỉ luật hơn cậu. Đi chơi loanh quanh trong ngày chưa bao giờ cậu phải xin phép bố mẹ. Hình như bố mẹ cũng không bao giờ chờ đợi cậu xin phép.” [41, tr.27] Từng nhân vật hiện hình qua góc nhìn của cậu bé An đều hiện lên thật sống động với từng đặc trưng riêng biệt.

Khi chuyển điểm nhìn trần thuật vào nhân vật, tác giả sẽ có nhiều lợi thế để quan sát, giãi bày và thậm chí còn có thể đi vào thế giới nội tâm của nhân vật với từng nếp gấp suy nghĩ và nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui trong đó: “Cũng không khó để nhận ra thay đổi trên gương mặt những người thành phố. Nó đã không còn cái vẻ từ tốn khoan hòa chậm rãi. Nếu không khó đăm đăm thì cũng lại nháo nhác như sợ hãi một cái gì đó. Người ta đi nhanh. Ăn uống nhồm nhoàm. Nói to và văng tục. Ông ổng gọi nhau từ cách cả một đầu đường.” [41, tr.130]. Trước sự đổi thay của thành phố, nhân vật An cũng có những quan điểm, góc nhìn riêng và thông qua điểm nhìn từ nhân vật An, chúng ta có thể thấy tâm tư bên trong của nhân vật rất cụ thể, rõ ràng: “Cậu nhớ quá những ngày câu cá trên sông Bùi cùng với bọn thằng Vọng, thằng Khởi. Nhớ những con cá mòi béo ngậy đầu tiên có hai buồng trứng vàng như múi khế chín. Con cá sẽ về rừng để trở thành chim ngói. Cậu chợt nghĩ giá như đám thằng Vọng về đây thì chắc chắn chúng nó sẽ chẳng bao giờ động đũa vào những con cá này. Hà Nội chẳng thể bằng quê nó được.” [41, tr.134]. Từng niềm vui, nỗi buồn, dòng ý thức của nhân vật được thể hiện vô cùng giàu cảm xúc và đi sâu sát theo mạch sự kiện liên quan đến cuộc đời của nhân vật. Tác giả còn xoay chuyển điểm nhìn, để các nhân vật khác cũng thể hiện ý thức chủ thể trong tự sự. Người trần thuật có sự xen kẽ kể chuyện giữa tác giả và nhân vật, giữa các nhân vật với nhau để tạo nên tổng hoà phát ngôn của nhiều nhân vật. Đó là khi tác giả trao điểm nhìn cho

các nhân vật khác, có khi là Toàn với dòng tự sự riêng về những trò vui trẻ thơ:

Thằng Toàn nhảy chân sáo ra khỏi nhà, thế mà tớ cứ tưởng các cậu không ra ngoài này chơi với tớ? Lòng Toàn bỗng vui hơn hẳn. Toàn ôm theo một quả bóng cao su “Sao vàng” còn mới dẫn hai đứa bạn vượt qua đê xuống một con dốc nhỏ đi vào xóm.” [41, tr.27]. Có khi lại xoay chuyển qua điểm nhìn của người bố đứng trước việc bảo vệ cả gia đình trước bom đạn. Khi bố cậu nghe tin máy bay Mỹ ném bom ngôi làng qua đài tiếng nói Việt Nam, ngay tối hôm ấy bố đã phóng xe máy thẳng từ nơi cơ quan sơ tán về làng. Bố chuyện trò với ông nội đến tận khuya mới vào giường đi ngủ. Sáng hôm sau bố dậy sớm dặn dò cậu rất cẩn thận trước lúc lên cơ quan: “con đi học phải về nhà ngay lập tức khi tan trường. Đưa cả các em cùng về. Có thể chiến tranh còn ác liệt hơn bây giờ, bố mẹ và ông bà đang dự tính cho cả nhà đi sơ tán ở một nơi khác xa hơn nhưng sợ rằng đang dở năm học của các con nên chưa thể đi ngay được. Tuần tới bố sẽ thuê người đến xây cho cả nhà một chiếc hầm trú ẩn bằng gạch chắc chắn hơn.

Con lớn nhất bây giờ phải lo những việc nhà giúp bà nội. Bà cũng yếu nhiều rồi!” [41, tr.48]. Hay là tấm lòng của chị Suốt đảm đang, yêu thương các em:

Chị Suốt không nói chơi. Chị âm thầm xin mẹ cậu một chiếc màn cũ nát. Nói là để mắc lên ngủ cho khỏi muỗi. Nhưng không phải như thế. Chị không mắc chiếc màn ấy bao giờ. Buổi tối chị vẫn ngủ chung màn với con Diệp, con Oanh và bé Yến. Từ hôm bà nội ốm bé Yến sợ không dám ngủ với bà.” [41, tr.54]. Sự luân phiên điểm nhìn trần thuật giữa tác giả và các nhân vật, chồng chéo giữa các điểm nhìn, linh hoạt trong chủ thể trần thuật là một yếu tố quan trọng để người đọc có thể tưởng tượng ra bối cảnh, biến cố, tâm trạng, sự đấu tranh, rung động bên trong và bên ngoài của các nhân vật.

Tác phẩm Mùi trần là sáng tác sử dụng rõ nét nhất nghệ thuật tự sự đa dạng chủ thể trần thuật. Nổi bật trong xuyên suốt câu chuyện kể là ba giọng trần thuật của ba chủ thể khác nhau: tác giả, nhân vật Hiến và nhân vật Lan. Ở mỗi chủ thể, tác giả lại thể hiện tâm sự, cảm xúc, những suy nghĩ bên trong các nhân vật bằng điểm nhìn riêng. Đối với Hiến, nhân vật xưng tôi và kể lại câu chuyện đời mình trong từng sự kiện nổi bật, từ cuộc sống nhàn nhạt, đến việc bỏ việc để

hưởng thụ lối sống tự do hiện đại, đến những cuộc mây mưa với đủ mọi cô gái:

Tôi chưa lấy vợ bởi biết chắc sẽ không có khoản thu nhập nào để lo lắng cho cả một gia đình. Chị em đến với tôi hình như đều căn cứ vào cách ăn mặc và cư xử có phần thoáng đãng ban đầu. Để nhanh chóng thất vọng vào quãng vài tháng sau….” [43, tr.27]. Khi chuyển điểm nhìn qua nhân vật Lan, tác giả lại sử dụng đại từ nhân xưng “mình”: “Những cuộc làm tình đến rã rời thân thể của mình phần lớn là trong bóng tối. Kể cả ban ngày. Dĩ nhiên để đạt được điều đó với một người đàn ông tò mò là không dễ. Mình chia tay lão bồ thứ nhất cũng vì chuyện ấy…” [43, tr.23]. Cả hai nhân vật đều có “đất diễn” để chuyển tải những tâm tư, cảm xúc, suy nghĩ riêng. Nếu không có điểm nhìn trần thuật được xác định thông qua đại từ nhân xưng “tôi/mình” thì câu chuyện có thể sẽ rối rắm, khó hiểu. Và nó cũng chỉ có thể tồn tại đâu đó trong miền nhận thức của tác giả, chưa thể trở thành câu chuyện có đối thoại và thể hiện được tính cách, suy nghĩ của nhân vật trong tác phẩm. Vì vậy, việc chuyển điểm nhìn trần thuật liên tục nhưng vẫn giữ được một mạch trần thuật xuyên suốt giữ một vai trò cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa câu chuyện được kể và người được nghe kể câu chuyện đó, đồng thời nó còn thể hiện phần nào tính cách nhân vật.

Trong Mùi trần, còn xuất hiện điểm nhìn từ phía tác giả khi sử dụng ngôi kể là nàng, hắn, anh, ông ta,…để kể lại một cách khách quan từng sự kiện xoay quanh nhân vật. Ở đây, người kể chuyện ẩn mình trong lời kể khách quan trung tính với điểm nhìn hướng ngoại để nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình qua lời nói, cử chỉ, việc làm và các mối quan hệ ứng xử khác đối với những người xung quanh. Tác giả thường đan xen miêu tả các cuộc hội thoại giữa các nhân vật từ điểm nhìn người kể chuyện là nhân vật đứng bên ngoài, lời đối thoại cũng được dẫn gián tiếp, có khi chỉ để đánh giá, bình luận, nhận xét về một câu chuyện kể:

Thành phố đã lên đèn. Phía bên công viên vẫn lấp lánh sắc màu của những cửa hiệu ven đường. Ban ngày hình như vẫn là nơi khiếp sợ của dân phố. Quá nhiều năm nó là mảnh đất hoang. Là nơi lui tới của đám nghiện hút giang hồ.

Là nơi xảy ra nhiều vụ án khủng khiếp. Dù cho bây giờ đã được cải tạo chỉnh trang hiện đại thì danh tiếng của nó cũng không thể ngày một ngày hai mà phai

nhạt được.” [43, tr.355]. Đôi lúc, dấu ấn khách quan quan này còn được tác giả thể hiện khá độc đáo trong sự dịch chuyển linh hoạt giữa điểm nhìn người kể chuyện với điểm nhìn bên trong của nhân vật chính trong câu chuyện kể. Điểm nhìn của nhân vật Hiến xưng “tôi” đã tạo ra không gian để cho người trong cuộc tự kể lại câu chuyện của mình, cách kể này có giá trị mang lại sức thuyết phục cho những điều được kể, vừa gián tiếp tạo ra ảo giác “như thật” về tính khách quan của câu chuyện đồng thời cũng khắc hoạ được đậm nét dấu ấn chủ quan của nhân vật trong sự tiếp nhận của người đọc. Nếu không có sự linh hoạt biến chuyển điểm nhìn trần thuật, Đỗ Phấn khó lòng miêu tả được từng suy nghĩ của Hiến được cắt nhỏ, đan xen trong tác phẩm một cách tài tình. Ở nhân vật này thì sự vận động của hành động nhân vật không phải diễn ra bên ngoài mà chủ yếu diễn ra ở bên trong thế giới nội tâm. Phải nhìn các nhân vật này dưới nhiều góc độ, nhiều chiều, đặt nhân vật này trong hoàn cảnh cụ thể thì ta mới có thể nhận ra được cái mặt tốt đẹp của nhân vật, sự vỡ ra nhận thức của chính nhân vật.

Khi so sánh với Dằng dặc triền sông mưa, có thể thấy tác phẩm Mùi trần không chỉ khai thác một kết cấu trần thuật xuyên suốt từ điểm nhìn là Hiến, mà còn lan toả ra nhân vật Lan, điểm nhìn người kể chuyện một cách rõ rệt, cụ thể. Còn tác phẩm Dằng dặc triền sông mưa tác giả trung thành với điểm nhìn của An là đa số, không có sự thay đổi đa dạng linh hoạt điểm nhìn như trong Mùi trần.

Từ đó, khảo sát thế giới văn chương của Đỗ Phấn nói chung, ta bắt gặp những con người bình dị trong cuộc sống, họ có thể chịu nhiều bi kịch, mang nhiều ám ảnh cá nhân hoặc là người nhân hậu, sống tình cảm, lấp lánh nhân cách sống cao đẹp. Từng kiểu loại nhân vật đều được nhà văn thể hiện rất rõ bằng nghệ thuật xoay chuyển điểm nhìn, giúp người đọc hôm nay như thấy mình đang tham dự, chứng kiến sự chuyển mình của Hà Nội và cuộc sống của con người vào buổi giao thời hiện đại.

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)