Con người được khắc họa qua lời nói, hành động

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 92 - 95)

CHƯƠNG 2: HÀ NỘI QUA NÉT VẼ CỦA NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN TRONG DẰNG DẶC TRIỀN SÔNG MƯA VÀ MÙI TRẦN

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.2. Con người được khắc họa qua lời nói, hành động

Nhà văn cũng rất chú trọng miêu tả con người thông qua lời nói, hành động của nhân vật. Mỗi nhân vật mang vẻ đẹp riêng và đặc trưng đó cũng như vận vào trong bản thân nhân vật, để độc giả đoán trước được tính cách của nhân vật thông qua ngôn từ họ giãi bày và hành động họ thực hiện.

Là một nhà văn từng trải và tinh tế, Đỗ Phấn đi sâu vào từng ngóc ngách tâm trạng và cảm xúc của mỗi nhân vật thông qua việc khắc hoạ lời nói, hành động nhân vật. Trong Dằng dặc triền sông mưa, tác giả cũng khắc hoạ nội tâm có phần non nớt, ngây thơ của các nhân vật trẻ thơ qua ánh nhìn trừu mến, bao dung. Ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật được tác giả đặc biệt chú ý miêu tả nhằm khắc họa tính cách, con người của nhiều nhân vật đa dạng.

Đó là cậu bé An hiếu kì, tò mò khi luôn muốn trải nghiệm những trò chơi, thử nghiệm mới. “Chú cười tủm tỉm, ban ngày đường đông không được chạy nhanh thế, cháu muốn đi nhanh thì dậy thật sớm vào lúc 5 giờ sáng!” [41, tr.8]. Những lời nói, hành động của An cho chúng ta thấy sự ngây thơ, trong trẻo, tính cách hiếu kì, thích trái nghiệm khám phá những điều mới bên trong cậu bé An. Cậu còn là một chú bé thích đọc sách, có lẽ nhờ tấm gương dịch giả của ông nội:

Trên đường ra bờ sông lần nào cậu cũng ghé qua hiệu sách Hà Nội-Huế-Sài Gòn ở góc Tràng Tiền Ngô Quyền. Hiệu sách to nhất thành phố. Sách vở được bày bán theo từng chuyên ngành. Cũng có thêm quầy văn phòng phẩm cho trẻ con ở cạnh quầy sách thiếu nhi. Đó là quầy sách duy nhất cậu tìm đến trong cửa hàng.” [41, tr.20]. Nhà văn Đỗ Phấn rất chú trọng miêu tả lời nói, hành động của nhân vật bằng các từ tượng hình, tượng thanh gợi cảm: “Thằng Toàn là đứa hung hăng. Nó có thể lao vào bất cứ đứa bạn nào đấm đá túi bụi có khi chỉ vì thua một ván bi hoặc bị bạn lừa qua chân quả bóng cao su lúc đá bóng trong sân trường. Nhiều đứa trong trường đã bị nó đấm cho vều môi chảy máu.” [41, tr.23]. Từ đó, thế giới đầy màu sắc của nhân vật hiện lên như những thước phim sống động. Cách dùng nét vẽ chi tiết này giúp tác giả tạo ra những bức chân

dung nhân vật trọn vẹn, chân thực.. Những chân dung như thế trở đi trở lại trong các sáng tác của Đỗ Phấn, thể hiện sự tinh tế tỉ mỉ trong quan sát và miêu tả nhân vật. Nhà văn đã từng bước miêu tả chân dung nhân vật đi từ ngoại hình bên ngoài, để từ đó toát lên phẩm chất bên trong. Đó là cậu bé An hiếu kì, thằng Toàn hung dữ, bé Hoa dịu dàng,... Tình huống truyện trong Dằng dặc triền sông mưa diễn ra đơn giản nhưng khá thú vị, tác giả để cho từng nhân vật trẻ thơ thể hiện tính cách, phẩm chất như vốn dĩ luôn thế thông qua từng tính huống được sắp đặt tưởng chừng như là ngẫu nhiên.

Trong Mùi trần, tác giả sử dụng lời nói và hành động của nhân vật để miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng chi tiết và giàu cảm xúc. Khi Lan bày tỏ với Khoa những cảm xúc thực bên trong, cô đã dùng lời nói mạnh mẽ thể hiện quan điểm, vừa nhẹ nhàng, êm dịu thể hiện tính cách trưởng thành của một người đàn bà đã qua nhiều đau khổ:

“Em thật khác người ! Khoa thốt lên.

Không, em không muốn anh sẽ giống em!

Là như thế nào!

Cả anh và em đều từng bị ràng buộc. Nhưng em đã thoát ra rồi. Anh đừng giống như thế. Chẳng lẽ chúng ta lại them một lần nữa ràng buộc nhau?

Khoa ôm mình thật chặt,

Anh biết ơn em rất nhiều!” [43, tr.173]

Đỗ Phấn còn thể hiện sự đồng cảm thiết tha với từng nút thắt cảm xúc mà nhân vật phải trải qua: “Anh dường như không ngủ. Đôi mắt ân cần nhìn ngắm sát vào gương mặt mình,

Có lẽ lần này anh quyết định li dị để ra sống với em thôi!

Mình bịt chặt tay lên miệng anh,

Đừng thế, em biết anh có nỗi bận tâm về chuyện này. Nhưng em muốn nó cứ thế này thôi anh. Chẳng tiến xa nữa làm gì!

Mình ngạc nhiên vì đã nói ra điều đó một cách trơn tru đến thế. Thực ra nó đã nằm trong đầu óc mình khá lâu” [43, tr.171] . Thông qua những đối thoại, hành động của nhân vật người đọc có thể thấy được rõ nét tâm lý của Lan.

Chúng ta hiểu được hoàn cảnh cuộc hôn nhân cũ tan vỡ đã ám ảnh Lan đến cùng cực. Giờ đây, Lan lựa chọn cuộc sống không ràng buộc, đề cao sự tự do đến tuyệt đối. Bên trong quyết định tưởng chừng dễ dãi này còn là khao khát cuộc sống được yêu thương, ổn định và có danh phận của người đàn bà chịu nhiều tổn thương như Lan. Cô có niềm ước muốn mãnh liệt được thoát khỏi sự tù túng, ngột ngạt của quá khứ cũ, nhưng lại chưa đủ dũng cảm đối mặt với điều thật sự mong muốn vì ngại đi vào vết xe đổ năm xưa. Đỗ Phấn đã thể hiện được mảng tâm lý đối lập được tạo nên từ các tình huống oái oăm khiến nhân vật phải quyết định và đưa ra hướng giải quyết cho cuộc đời mình.

Đỗ Phấn cũng đã khắc họa cụ thể sự giằng xé trong tâm khảm của Hiến trong Mùi trần. Tâm trạng của Hiến được miêu tả cụ thể với sự buồn chán đến cùng cực vì cuộc sống tẻ nhạt và cuộc đời không đích đến bằng lời nói và hành động của nhân vật: "Cậu còn đi làm không?

Em xin nghỉ mấy tháng nay rồi!

Sao dại thế, không cố thêm vài năm nữa kiếm cái sổ hưu!

Để làm gì hả chị? Tôi cười.

Thì đó là công lao cả đời mình chứ có lấy của ai đâu!

Nhưng nó sẽ lấy nốt của mình phần đời còn lại! Tôi cười buồn lảng sang chuyện khác…” [43, tr. 242]

Thành công của Đỗ Phấn bộc lộ thông qua việc để nội tâm nhân vật có sự trăn trở, hoài nghi. Hiến không biết phải tiếp tục sống cuộc đời tẻ nhạt này hay phải tranh đấu, vượt thoát khỏi những tẻ nhạt này để vươn tới cuộc sống có ý nghĩa hơn, nhưng rồi sau đó Hiến lại trượt dài trong những cuộc tình ân ái không hồi kết. Tác giả kết hợp giữa khắc họa hành động với trạng thái tâm lý nhân vật để thể hiện sự day dứt trong nội tâm: "Tôi thường ngồi trong góc khuất sau cánh cửa ra vào. Trước mặt tôi chỉ là chai rượu nhỏ, mấy củ lạc luộc, con mực nướng xé nhỏ.”[43, tr.229]. Khi miêu tả tâm lí nhân vật, tác giả tập trung bộc lộ trực tiếp tâm lý nhân vật bắt nguồn từ những suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật, có khi qua những diễn giải, phân tích của nhân vật gắn liền với mỗi hành động.

Đỗ Phấn là nhà văn có nhiều cách tân nghệ thuật đặc sắc trong việc linh

hoạt nắm bắt lối sống, cách nghĩ của con người. Khả năng miêu tả hành động, lời nói để diễn đạt tâm lí, nội tâm nhân vật của ông vô cùng tinh tế khi gắn liền với khả năng sáng tạo tình huống phong phú, đa dạng không bị trùng lặp. Thông qua từng tình huống gợi mở, ông để cho nhân vật tự thể hiện tâm trạng, tính cách trước cuộc đời. Mỗi rung động trong nội tâm của nhân vật đều được Đỗ Phấn “phơi bày” rõ nét trên trang viết của mình, khiến độc giả cùng thổn thức theo từng cung bậc tâm trạng của nhân vật.

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)