Đề tài Hà Nội trong văn học hiện đại

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 28 - 32)

CHƯƠNG 1: ĐỖ PHẤN TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI HÀ NỘI

1.1. Đề tài Hà Nội trong lịch sử văn học Việt Nam

1.1.3. Đề tài Hà Nội trong văn học hiện đại

Đề tài Hà Nội trải dài xuyên suốt trong nền văn học dân tộc từ cổ chí kim.

Đến với thời hiện đại, Hà Nội lại xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm của các

tác giả như Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Phấn, Vũ Trọng Phụng,... Các nhà văn, nhà thơ đều cố gắng thể hiện hồn Thăng Long ngàn năm văn hiến và văn hoá đất Hà Nội trong từng sáng tác. Đó còn là các sáng tác Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Phố của Chu Lai, Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thuý, Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều,... Trong số đó, nhà văn Băng Sơn chuyên viết về Hà Nội với các tác phẩm nổi tiếng như Thú ăn chơi người Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Đường vào Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường, Dòng sông Hà Nội, Hà Nội rong ruổi quẩn quanh,....Với khoảng 3.000 tùy bút và đoản văn, Băng Sơn viết nhiều về văn hoá ẩm thực, âm nhạc, về trận chiến đấu đã qua, về con người vùng đất này.

Nhắc đến tác phẩm văn chương viết về Hà Nội, phải kể đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô xuất bản năm 1961, Nguyễn Huy Tưởng đã kể lại trận chiến sinh tử của Hà Nội vào năm 1946 với hình tượng người chiến sĩ, người dân Hà Nội đã kề vai sát cánh chống giặc ngoại xâm.

Vũ Bằng là một trong các tác giả viết nhiều về Hà Nội. Các tác phẩm của ông đều mang dư vị trữ tình, hoài niệm, thân thương. Hà Nội trong cơn lốc sáng tác năm 1954 của Vũ Bằng là tập phóng sự kể về những vấn đề vào năm 1953 - 1954 ở Hà Nội. Tác giả viết nhiều về nghề thuốc, kể những mẩu chuyện đời nhỏ bé nhưng sâu sắc để ca ngợi lương tâm thầy thuốc. Theo Vũ Bằng, Hà Nội có hai hạng người dùng thuốc, một là lam lũ, thiếu ăn thiếu mặc nên có thuốc uống là may mắn, không nề hà chuyện thuốc gì, hai là loại người bịa ra bệnh mà ốm, để được xài tiền dù thuốc thang đắt hơn vàng,... Từ chuyện thuốc thang, thầy lang, Vũ Bằng cho mổ xẻ chuyện lương y như từ mẫu và nhận xét các nhà thuốc Hà Nội hoạt động ra sao...

Trong tác phẩm Ăn tết thuỷ tiên sáng tác năm 1956, tác giả Vũ Bằng đã kể lại câu chuyện về thú chơi hoa thuỷ tiên của người Hà Nội như một truyền thống văn hoá quen thuộc. Thú chơi hoa thuỷ tiên vào dịp tết của người Hà Nội cũng gắn với đặc tính cầu kì, độc nhất của loài cây này. Hoa thuỷ tiên mỗi năm chỉ nở đúng một lần vào dịp tháng Chạp và kéo dài đến qua rằm tháng giêng.

Mỗi tác phẩm hoa thuỷ tiên cũng thể hiện sự cầu kỳ của người Hà Nội khi phải vận dụng cách chăm sóc, ươm giống riêng.

Trong hồi kí Miếng ngon Hà Nội sáng tác năm 1960, Vũ Bằng đã thể hiện tính trào lộng, hóm hỉnh quen thuộc trong cách viết cũ về 15 món ngon nổi tiếng trong kho tàng ẩm thực độc đáo của xứ Bắc Việt. Đó là phở, là rươi là các thứ bánh và không thể thiếu được món “mộc tồn”. Mỗi món ăn đều được tác giả đặc tả chi tiết, sinh động từ việc liệt kê nguyên liệu, cách bài trí, cách ăn, cách thưởng thức của người dân ở vùng đất này.

Thương nhớ mười hai sáng tác năm 1972 là tác phẩm kí mà tác giả Vũ Bằng gieo những con chữ đầu tiên khởi nguồn cho tác phẩm vào những ngày đầu tháng Giêng năm 1960. Trải qua gần mười hai năm dồn nén, ấp ủ nâng niu, năm 1971, Vũ Bằng hoàn thành “đứa con tinh thần” mà như nhà văn Triệu Xuân đã từng ca ngợi “là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương”. Vũ Bằng không chỉ dụng con chữ tài hoa mà mộc mạc, điệu ngông mỉa mai bỗ bã mà lại chân thật, chất phác đặt vào trong ngôn từ tác phẩm, tác giả còn thổi hồn vào từng chương sách bằng tình cảm dành cho quê hương Bắc Việt đặc quánh, nóng hổi và tha thiết. Nỗi nhớ thương quê hương như tràn trề không ngơi nghỉ ở mỗi mảng màu khác nhau về thiên nhiên, phong tục, lễ hội, sản vật... của Hà Nội mà Vũ Bằng thể hiện. Và nổi bật trong tình cảm sóng sánh ấy của tác giả là những triết lí sống, nhân sinh quan cao đẹp của một con người tài hoa điêu luyện trong ngôn từ, vĩ đại về lượng kiến thức sống đồ sộ mà chất phác, bình dị trong phong cách sống, cách cảm và cách giãi bày nỗi thương nhớ quê hương. Tác phẩm Thương nhớ mười hai gồm phần Tự ngôn và mười ba chương sách, trong đó, mười hai chương viết về những hoài niệm, nỗi nhớ sản vật, thiên nhiên, lễ tết, phong tục tập quán,…của từng tháng trong năm ở quê hương Bắc Việt, riêng chương cuối, tác giả Vũ Bằng viết về phong tục ngày Tết quen thuộc của quê hương.

Tô Hoài cũng viết nhiều về Hà Nội với hàng loạt các tác phẩm như Người ven thành, Những ngõ phố, người đường phố, Quê nhà, Chuyện cũ Hà Nội...

trong những năm từ 1950 – 1980. Trong các tác phẩm này, Tô Hoài viết nhiều

về con người ở xung quanh đất Thăng Long và những đổi thay trước sự tác động của các sự kiện xã hội. Ông viết về hình ảnh Hà Nội nghèo bên lề ánh sáng đô thị với những mảnh đất mưu sinh, bình dân trong các làng quê ngoại ô. Con người hiện lên trong khung cảnh đó cũng trôi nổi trong những biến loạn, ganh đua của cuộc đời. Thế hệ con người thị dân Hà Nội hiện lên trong các tác phẩm của Tô Hoài đầy rẫy số phận cùng cực, nghèo nàn, mang dáng dấp bi hài của trò diễn chua xót. Tuy nhiên, khi khắc hoạ hình ảnh những con người riêng tư thuộc đất Hà Nội như nữ sĩ Vân Đài, ông lại dạt dào cảm xúc ca ngợi: “Người giữ căng tin là chị Vân Đài...Cử chỉ và phong thái Hà Nội thuở nào, con người của phòng khách, của các thứ salông đài các và sang trọng xưa kia. Mặc dầu vẫn bộ áo đại cán kaki màu “be” may đồng loạt trên Thái Nguyên, nhưng quần áo là thẳng nếp. Mái tóc hoa râm, vẻ yểu điệu thanh xuân không còn nữa, nhưng cách thức nhấc, đặt chiếc phin và tách cà phê vừa như hững hờ lại thật như ý tứ. Ôi, điếu thuốc lá – chỉ là điếu thuốc lá mà nói là cầm thì không đủ nghĩa, điếu thuốc lá như một búp ngọc lan chín trắng mịn giữa những ngón tay một thời ngà ngọc của chị” [19, tr.29]. Từng câu chuyện, số phận con người Hà Nội được Tô Hoài miêu tả vô cùng chân thật và sống động.

Bóng nước Hồ Gươm xuất bản 1976 của Chu Thiên là tiểu thuyết lịch sử.

Tác phẩm đã thể hiện lịch sử văn hoá, dân tộc qua các câu chuyện từ thời Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi,... gắn liền với nỗ lực gìn giữ và xây dựng đất nước của đất nước.

Mùa lá rụng trong vườn xuất bản năm 1985 của Ma Văn Kháng lại thuộc thể loại tiểu thuyết, kể về cuộc sống của một gia đình truyền thống Hà Nội với nhân vật chính là ông Bằng - một nhân viên bưu điện đã về hưu. Câu chuyện đặt trong bối cảnh đất nước đã có sự thay da đổi thịt sau chiến tranh. Tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong thời đại mới cũng gây ra những biến động lớn đối với cuộc sống của con người.

Cửa hiệu giặt là xuất bản năm 2014 của Đỗ Bích Thuý đã khắc hoạ một bức tranh về cuộc sống bình dị của những con người tại Hà Nội. Không gian phố xá đô thị và các nhân vật trong tác phẩm đều là nguyên mẫu người Hà Nội

mà tác giả gặp ngoài đời. Mỗi tác giả lại khái quát một vấn đề khác nhau về mảnh đất kinh kì nhưng đều tạo nên bức tranh chung tổng hợp về văn hoá Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Ngoài ra, còn có một số tản văn đương đại viết về đề tài Hà Nội của một số tác giả. Trong đó tác giả Nguyễn Trương Quý là một ví dụ tiêu biểu với hàng loạt tản văn viết về Hà Nội: Tự nhiên như người Hà Nội (2004); Ăn phở rất khó thấy ngon (2008); Hà Nội là Hà Nội (2010); Xe máy tiếu ngạo (2012), Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013), Còn ai hát về Hà Nội (2013), Hà Nội bảo thế là thường (2020),..Nhà văn Trần Chiến cùng tản văn đặc sắc A đây rồi Hà Nội 7 món (2020). Băng Sơn, Mai Thục với một số tản văn nhẹ nhàng như Thú ăn chơi người Hà Nội, Thú lang thang người Hà Nội, Tinh hoa Hà Nội, Hương đất Hà thành...

Các tác giả hiện đại giới thiệu về Hà Nội thể hiện tình yêu đối với Hà Nội bằng sự cảm nhận tinh tế, thể hiện không gian nghệ thuật tràn ngập tình cảm yêu thương mãnh liệt dành cho Hà Nội thương nhớ. Những tác phẩm viết về Hà Nội đã cho thấy Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác của nhiều tác giả hiện đại. Có lẽ bởi đó là quê hương yêu dấu mà các tác giả đã sống và chiến đấu, nhiều năm tưởng nhớ, yêu thương nên họ dành nhiều trang viết, nhiều suy nghĩ cảm xúc cho Hà Nội. Hà Nội được tác giả khơi gợi từ nhiều khía cạnh phong phú như địa danh, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, con người văn hóa,... Mỗi tác phẩm lại thể hiện một nét đẹp riêng vốn có của Hà Nội và cái nhìn riêng đầy tính nghệ thuật của từng tác giả.

Một phần của tài liệu Đề tài hà nội trong văn xuôi đỗ phấn (qua dằng dặc triền sông mưa và mùi trần) (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)