Nghiên cứu về đối thoại trong văn học ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1 ĐỐI THOẠI TRONG VĂN HỌC VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, VĂN HỌC THỜI NGUYỄN KHUYẾN

1.1. Khái quát về đối thoại trong văn học

1.1.2. Nghiên cứu về đối thoại trong văn học ở Việt Nam

Nhắc đến đối thoại trong văn học, người ta thường nghĩ đến M. Bakhtin, tên tuổi của ông gắn liền với lý thuyết đối thoại những năm 20 của thế kỷ XX.

Song, phải đến những năm 60 và 70, công trình của M. Bakhtin mới bắt đầu được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lý thuyết đối

thoại xuất hiện hiện muộn hơn, khoảng những năm cuối thế kỷ XX. Lúc này, lí luận văn học truyền thống đã trải qua giai đoạn bão hòa, vì vậy, việc đưa lý thuyết đối thoại vào Việt Nam cũng rất thích hợp, nó là một hiện tượng mang tính ưu việt dùng để thay thế. Tận dụng cơ hội này, các nhà nghiên cứu văn học trong nước có cơ hội tập trung nghiên cứu và phát triển lí thuyết đối thoại - tư tưởng được cho là tân kỳ so với thời đại. Độc giả không thể phủ nhận rằng: M.

Bakhtin có ảnh hưởng rất to lớn đến nền lí luận phê bình hiện đại, hậu hiện đại trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XX, đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI.

Đáng chú ý nhất là bài viết của Trần Đình Sử M. Bakhtin và thi pháp của Dostoievski, in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1985. Bài viết có thể coi là khởi đầu cho việc giới thiệu công trình công phu, tỉ mỉ Những vấn đề thi pháp Dostoievski của M. Bakhtin được chính Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch và xuất bản năm 1993. Trước đó, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết là bản dịch đầu tiên của Phạm Vinh Cư (1992) ở Việt Nam đã giới thiệu sâu sắc về M. Bakhtin và ông cũng là người đầu tiên tiếp xúc và có công trình tiêu biểu này. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vinh Cư dịch), cùng với Những vấn đề thi pháp của Dostoievski (1993) (Trần Đình Sử dịch, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn giúp dịch chương IV), là những tác phẩm quan trọng bổ sung thêm tính rộng rãi, đa diện. cho hình ảnh văn học dân tộc. Ngoài ra, người tiếp nhận còn được biết đến lý thuyết đối thoại qua một số công trình dịch thuật của Nguyên Ngọc với Công trình nghệ thuật tiểu thuyết của M.Kundera đề cập đến tính đa âm; Mikhail Bakhtin- Nguyên lý đối thoại do Đào Ngọc Chương dịch;

Vũ Ngọc Thăng trong Đi tìm sự thật biết cười (2014); Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào với Bản mệnh của lý thuyết (2006); Lã Nguyên gần đây dành trọn vẹn một phần cho bài viết Vấn đề thể loại lời nói của Bakhtin và các tiểu luận Todorov, J.Kristera, M.L Gasparov về di sản của nhà bác học này trong công trình Lí luận Việt Nam, những vấn đề hiện đại (2012).

Dựa trên quan điểm về lý thuyết đối thoại của M. Bakhtin và quá trình tiếp nhận lý thuyết này về Việt Nam, có thể thấy lí thuyết này được ưa chuộng và được áp dụng rộng rãi chủ yếu ở văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn và tiểu thuyết. Đối thoại trở thành một trong những hình thức ngôn ngữ quan trọng, bên cạnh độc thoại và độc thoại nội tâm. Tuy nhiên, có thể nhận thấy cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào có quy mô rộng lớn về vấn đề khá thú vị này. Hãy cùng khảo sát một số bài nghiên cứu cụ thể: Nguyễn Thị Bình (1998) đã phát hiện sự tương thông trong tư duy về tiểu thuyết của Nguyễn Khải với quan niệm của Bakhtin: "Người đọc nhận thấy ít nhiều ở đây nét độc đáo trong quan niệm văn chương, một quan niệm có cơ sở tư duy tiểu thuyết luôn luôn nhận thức lại, kiến giải lại"; Phạm Xuân Thạch trong Nỗi buồn chiến tranh - viết về chiến tranh thời hậu chiến từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp, đã cho rằng: "Với những đối chiếu mang tính xã hội, vừa mang tính liên văn bản có thể xác lập lại cuộc đối thoại giữa tác phẩm của Bảo Ninh với đời sống văn học đương thời" [42]. Trong Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh một diễn ngôn về lịch sử văn hoá, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã chỉ ra tính đối thoại trong tác phẩm này: "Trên tinh thần đối thoại, Nguyễn Xuân Khánh đã vén tấm màn thâm nghiêm của lịch sử để chiêu tuyết, minh định, làm sống lại những giá trị khuất lấp từ đó lý giải lịch sử bằng cái nhìn khoan dung văn hoá" [21, tr.41].

Có thể khẳng định rằng, các nghiên cứu liên quan đến lý thuyết đối thoại chủ yếu tập trung vào văn bản văn xuôi, và đặc biệt là truyện ngắn và tiểu thuyết. Điểm chung là các tác giả đều xoay quanh việc giải thích các vấn đề liên quan đến khía cạnh quan điểm trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu… vốn là đặc điểm của thi pháp thể loại. Điều này hoàn toàn trùng hợp với quan điểm về nguyên lý đối thoại hiện đại từ Bakhtin đến Todorov… Còn đối với trường hợp của Nguyễn Khuyến, nhà thơ hàng đầu của làng cảnh Việt Nam đồng thời là nhà thơ trào phúng xuất sắc nhất, thì việc va chạm và tiếp cận đến lý thuyết hiện đại về đối thoại là chưa có. Bởi vậy, hoàn toàn có thể nghiên cứu tính đối thoại

trong thơ Nguyễn Khuyến, đặc biệt là qua những bài thơ Nôm trào phúng của ông trên quan điểm về lý thuyết đối thoại truyền thống. Đối thoại trong thơ ông trở thành một lẽ tự nhiên khi tư tưởng nhân văn tiến bộ luôn thường trực, tỏa sáng trong từng lời thơ đau đáu trước cuộc đời. Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Khuyến đã đối chất trực diện trước mọi vấn đề của xã hội và thời đại.

Còn việc đối thoại trong thơ và trong thơ Nôm trào phúng sẽ được chúng tôi bàn kỹ ở phần sau của luận văn.

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)