CHƯƠNG 3 THỂ THƠ, NGÔN NGỮ VÀ VAI TRÒ CỦA ĐỐI THOẠI
3.1.2. Đối thoại trong hát nói
Hát nói là một thể văn vần có tính cách văn học cao. Nguồn gốc của hát nói là bộ môn nghệ thuật ca trù, qua thời gian, nó trở thành một thể thơ độc đáo không chỉ trong văn học chữ Nôm mà còn trong cả nền văn học Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật ở hát nói là tính cách tự do sáng tạo, không ràng buộc về niêm luật, không hạn chế về số chữ trong câu và số câu trong bài. Hát nói có thể xem là một dạng biến thể của lục bát và song thất lục bát. Sau này, lối thơ tám chữ trong Phong trào thơ Mới cũng phát triển từ hát nói.
Chúng ta có thể gặp trong bài hát nói một câu thơ khá dài đặc trưng cho sự phóng khoáng, số chữ trong câu và số câu trong bài không hạn định như:
"Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao."
(Chơi là lãi – Nguyễn Công Trứ)
hoặc những câu:
"Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, khi trà chuyên năm ba chén, khi Kiều lẩy một đôi câu."
(Anh giả điếc – Nguyễn Khuyến)
"Rồi cũng cờ, cũng biển, cũng võng, cũng lọng, cũng hèo cũng dương mắt ếch, vểnh tai mèo trong cõi tục."
(Thi hỏng – Trần Tế Xương)
Với lối diễn đạt độc đáo này, hát nói như một cánh cửa gợi mở những ý tưởng mới, từ đó nó có dịp phô diễn nét thanh kỳ, giàu sức gợi. Tính tự do phóng khoáng trong hát nói với rất nhiều câu cửa miệng, câu cảm thán, ngôn ngữ đời thường…, đã khiến hát nói trào phúng của Nguyễn Khuyến có rất nhiều lợi thế trong đối thoại. Mỗi lời thơ trong hát nói là một lời đối thoại với nhân thế, thời đại hay với chính bản thân mình của nhà thơ.
Hát nói được sử dụng rộng rãi trong nhiều hình thức sinh hoạt của đời sống, bao gồm trong các hoạt động lễ hội và tôn giáo, trong những sự kiện giải trí, trong các cuộc họp ở các dinh thự, và thậm chí trong môi trường nhà tù. Điều này không chỉ thể hiện tính phổ biến của hát nói, mà còn thể hiện khả năng và tính linh hoạt của thể thơ này trong việc thể hiện cảm xúc và phản ánh xã hội.
Chứa đựng những đặc tính nổi bật của các thể loại mà nó tác động, hát nói dường như, hay diễn đạt theo cách khác nó tập trung chọn lựa những yếu tố tốt nhất, giàu sức biểu cảm nhất đồng thời phù hợp nhất trong việc thể hiện. Điều này tạo nên tính độc đáo và sự phù hợp của hát nói với hầu hết các loại tác phẩm của học giả trong vài thế kỷ qua. Hát nói có khả năng dung nạp và đồng hóa, vì vậy đây là một thể thơ có tính thích ứng cao và rất thuận tiện để thể hiện đa dạng các cung bậc tình cảm của con người. Các thi sĩ xưa mượn hát nói để thể hiện muôn ngàn tâm trạng, muôn vàn biểu đạt tâm hồn, khi thì thể hiện sự hùng tráng trong những câu thơ tràn đầy tráng chí, ca ngợi và tôn vinh "địa linh nhân kiệt", lúc cảm hứng dâng cao ngợi khen đất nước xinh đẹp, tự hào non sông gấm vóc.
Có những lúc, trí tưởng tượng bay bổng trong cuộc tình đẹp đẽ như một giấc mơ mà cũng thấp thoáng mong manh như giấc mơ. Thỉnh thoảng, tâm hồn tan biến
vào vũ trụ, và cũng có khi gửi gắm những khao khát và hoài bão của thời đại.
Hát nói nghiêng về phía bộc lộ một trong những nhu cầu cơ bản và hợp lý của con người là nhu cầu giải trí. Nhưng đặc biệt hơn nữa, rất nhiều nhà thơ đã mượn hát nói để cất lên lời đối thoại với thời đại mà họ đang sống.
Với khả năng dung nạp và biểu cảm cao, có thể giải thích tại sao hát nói luôn là một thể thơ được nhiều thi nhân ưa chuộng, và điều này được thể hiện một cách rõ ràng khi có những tên tuổi lớn như: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Ðà… đã cho ra đời những bài hát nói vô cùng giá trị.
Sáng tác của các tác giả này đã tạo lên một dấu son rực rỡ trong sự nghiệp văn chương của họ cũng như trong kho tàng văn học dân tộc nói chung.
Bài thơ "Ông phỗng đá" là một tác phẩm tiêu biểu cho một kết cấu của thể hát nói. Thể thơ này đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện rất rõ ràng thái độ của Nguyễn Khuyến với cuộc đời, qua đó giúp người đọc nhận thấy rõ hơn vẻ đẹp trong văn hoá ứng xử của Nguyễn Khuyến trước hiện thực:
Bài thơ bắt đầu từ phần Mưỡu (các cặp câu lục bát), phần này diễn tả nỗi hoài nghi rất hóm hỉnh của tác giả:
"Người đâu tên họ là gì
Hỏi ra chích chích, chi chi nực cười.
Vắt tay ngảnh mặt trông trời, Còn toan lo tính sự đời chi đây?"
Nói:
"Thấy lão đá lạ lùng muốn hỏi:
Cớ làm sao lại len lỏi đến đây chi?
Hay mảng vui hoa cỏ nước non này, Chừng cũng muốn dan tay vào hội lạc?"
(Ông phỗng đá)
Để diễn tả tâm lí khoáng đạt ung dung của của một ông lão yên phận mà hưởng thú thanh nhàn, Nguyễn Khuyến đã đã dùng các câu mạo và câu thừa đề, câu phô diễn, câu kết là những câu không hạn định số chữ. Phải chăng đó cũng
là thông điệp mà nhà thơ muốn trao gửi, đối thoại với thời đại "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến"?
Trong bài thơ "Mẹ Mốc", nhà thơ đặt phần Mưỡu ở phía sau. Tuy có sự tráo đổi vị trí của các phần nhưng nội dung bài thơ vẫn được đảm bảo, đó là sự ngợi ca phẩm hạnh của người đàn bà xa chồng. Qua đó, thể hiện rất rõ thái độ của tác giả trước thời cuộc.
Nói: "So danh giá ai bằng mẹ Mốc
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra"
Mưỡu: "Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây, Khôn kia dễ bán dại này!"
(Mẹ Mốc)
Có những bài không có phần Mưỡu, không còn các khổ như quy ước thường thấy, Nguyễn Khuyến đã phá vỡ những trật tự vốn có để dung hợp cả ca dao và tục ngữ nhằm mục đích thể hiện sự thật trần trụi của cuộc đời:
"Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ, Trời sinh ra cũng để mà chơi, Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long đùi âu mới thích,
…Mai sau ngày giỗ có văn Nôm Cha đời con đĩ Cầu Nôm"
(Đĩ cầu Nôm)
Nguyễn Khuyến đã dùng thể hát nói một cách thật độc đáo, ông tập trung vào việc chọn lựa những yếu tố tốt nhất, biểu cảm nhất, và đồng thời phù hợp nhất để bộc lộ thái độ nhân sinh của mình, để cất lên tiếng nói đối thoại với thời đại đầy những nhố nhăng, kệch cỡm mà ông đang sống.