Đối thoại trước những thay đổi của lịch sử dân tộc

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 39 - 44)

CHƯƠNG 2 NỘI DUNG, GiỌNG ĐIỆU ĐỐI THOẠI TRONG THƠ NÔM TRÀO PHÚNG NGUYỄN KHUYẾN

2.1. Giọng châm biếm, đả kích, đối thoại trực diện trước hiện thực xã hội và con người đương thời

2.1.1. Đối thoại trước những thay đổi của lịch sử dân tộc

Đối thoại trước những thay đổi của thời đại, lịch sử, quê hương:

Thế kỉ XIX là một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến đời sống nhân dân. Nguyên nhân chính là thực dân Pháp xâm lược gây bao đau thương mất mát và biến nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Điều này dẫn đến những biến chuyển và khiến cho đời sống xã hội có sự phân hoá sâu sắc. Mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến và các tầng lớp nhân dân ngày càng lớn đã làm nảy sinh hàng loạt các phong trào yêu của nhân dân ta chống lại đế quốc Pháp. Các phong trào đấu tranh lan rộng và đã chi phối mạnh mẽ mọi mặt của đời sống từ vật chất tới tinh thần, ảnh hưởng ghê gớm tới mọi khía cạnh của đời sống và tất nhiên tác động rõ rệt và trực tiếp tới quá trình phát triển của văn học dân tộc nửa cuối thế kỉ XIX – giai đoạn văn học có nhiều cống hiến cho nền văn học của nước nhà.

Dấu ấn đậm nét nhất của sự thay đổi văn học thời kì này có lẽ được ghi dấu rõ rệt nhất bằng những bài thơ yêu nước của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu và để lại những thành tựu rực rỡ bằng thơ văn của hai tác giả đặc sắc - Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Giai đoạn này nổi bật với tư tưởng của các nhà văn, nhà thơ với những tác phẩm thể hiện rõ nét thái độ của mình trước những đổi thay của dân tộc, của quê hương để rồi từ đó cất lên lời đối thoại với thời đại mình.

Với tính cách của một nhà nho thâm trầm và kín đáo, sáng tác của Nguyễn Khuyến ưa dùng cách nói mát mẻ, nói bóng gió xa xôi. Có lẽ chính điều này góp phần làm nên nét riêng trong tiếng cười trào phúng của ông - không lộ

liễu, bốp chát mà sâu sắc thâm thúy, ý tứ kín đáo, tư tưởng của người viết chỉ thực sự bộc lộ ở sự tổng hợp toàn bài.

Chứng kiến những đổi thay đáng buồn của dân tộc, Nguyễn Khuyến đã đặt ra những câu hỏi đầy vẻ chế giễu mỉa mai nhưng cũng vô cùng chua xót và cay đắng trước cảnh ngộ đất nước đang dần suy tàn:

"Khoét rỗng ruột gan trời đất cả Phá tung phên giậu hạ di rồi Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ?

Mây trắng về đâu nước chảy xuôi?"

(Hoài cổ)

Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã bóc trần tội ác đáng lên án của thực dân Pháp khi chúng đã gây ra những nỗi khổ triền miên cho nhân dân ta. Với tâm huyết của một nhà thơ chân chính, ông đã đau đớn đến tận cùng trước cảnh khổ sở của nhân tình thế thái Từng lời thơ cứ như là những trang nhật ký nóng hổi, đậm chất hiện thực mà cũng xót xa vô hạn. Mỗi bài thơ tựa như một câu hỏi mãi không tìm được câu trả lời cứ như những mũi nhọn châm chích vào da thịt đến rỉ máu.

Là một nhà Nho và cũng là một vị quan, hơn ai hết Nguyễn Khuyến nhận thấy rất rõ cái xấu xa, ô trọc của xã hội đương thời. Đó là một thời đại đáng xấu hổ bởi tất cả những kẻ ăn trên ngồi trốc như vua tới quan đều chỉ là những con rối bị chính quyền thực dân giật dây; chúng hèn nhát, bạc nhược đến mức hoàn toàn trở thành nô lệ dưới sự điều khiển của kẻ thù. Điều này chắc chắn đã khiến những nhà nho yêu nước như ông đau khổ, thất vọng và trong hoàn cảnh ấy, thơ ca là diễn đàn duy nhất để nhà thơ cất lên tiếng nói đấu tranh của chính mình.

Trong một công trình nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Vũ Thanh đã nhận xét: "Nông thôn Việt Nam trong thơ Yên Đổ hiện lên đầy đủ những âm thanh và màu sắc đặc trưng từ ngàn đời, độc đáo mà gần gũi, thân quen mà độc đáo đến lạ kì, Nguyễn Khuyến là một nhà thơ làng cảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nguyễn Khuyến còn là một nhà thơ trào phúng, đả kích đầy tài năng".

Đúng vậy, sống trong buổi suy tàn của chế độ xã hội đầy bất công oan trái, một con người có khí tiết thanh cao như Yên Đổ đã nhận thấy khá rõ cái xấu xa,

kệch cỡm của xã hội đương thời. Với góc nhìn thế sự, ông lặng lẽ quan sát, bình luận, đối thoại trước những đổi thay của thời đại, lịch sử, quê hương. Ông đã mượn thơ trào phúng để tỏ rõ thái độ của mình trước thực tại đầy mỉa mai cay đắng- đó là sự va chạm giữ văn hoá cổ truyền với một nền văn hoá hoàn toàn xa lạ. Trong bài Tiến sĩ giấy, ông đã đặt ra câu hỏi đau xót cho kẻ sĩ: còn gì là đáng tự hào khi đi thi, làm quan trong thời buổi nước mất nhà tan này?

"Cũng cờ cũng biểu cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai."

(Tiến sĩ giấy)

Nguyễn Khuyến quan niệm: làm quan trong xã hội đương thời đầy rẫy những xấu xa giả dối thì chỉ là những "Tiến sĩ giấy", những "phỗng đá". Điệp từ lặp lại bốn lần trong hai câu thơ trên đã hàm chứa thái độ mỉa mai mà vị Tam nguyên Yên Đổ dành cho những ông tiến sĩ giấy, những kẻ làm quan trong xã hội đương thời đầy giả dối. Quan lại không còn là cha mẹ của dân, không vì dân, thương dân mà ngược lại là những kẻ cướp ngày, những tên bất tài vô dụng.

Nguyễn Khuyến tiếp tục dùng thơ văn để đả kích, mỉa ma, chĩa thẳng vàotầng lớp quan lại đương thời.

"Tôi nghe kẻ cắp nó lèn ông Nó lại lôi ông ra giữa đồng"

(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)

Chất trào lộng toát lên ngay nhan đề bài thơ "Hỏi thăm quan tuần mất cướp" đã làm nổi bật sắc tiếng cười đầy khinh bỉ mỉa mai của Nguyễn Khuyến.

Độc đáo hơn nữa là nhà thơ đã sử dụng những từ ngữ rất thú vị, chẳng hạn như từ "lèn" trong câu thơ đầu tiên, nó chứa đựng thái độ trào phúng rất nổi bật mà Nguyễn Khuyến ưa dùng. Đường đường là quan phủ mà bị kẻ cướp "lèn", đau đớn biết bao! ca dao xưa đã từng nói về vị quan phủ chuyên cướp của dân, chuyên hành hạ dân:

"Con ơi nhớ lấy câu này,

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan."

thì nay vị quan - kẻ cướp kia thật trớ trêu lại gặp một đối thủ khác cao tay hơn. Bởi vậy Nguyễn Khuyến đã sử dụng từ "lèn" thật tinh tế, thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Khó có thể tìm đâu ra một từ nào diễn tả chính xác hơn từ "lèn". Bên cạnh từ "lèn" còn có từ "lôi" cho thấy rất rõ sự mỉa mai, chế giễu của Nguyễn Khuyến.

Với thái độ thẳng thắn không né tránh, trong rất nhiều bài thơ của mình, ông quyết liệt tố cáo tất cả những thói hư tật xấu trong xã hội thực dân gắn với của đủ mọi hạng người; từ bọn quan lại rởm đời mà ông gọi là "Tiến sĩ giấy", là

"phỗng đá" đến những kẻ xấu xa khác … Ông vạch trần thói rởm đời, lố lăng, một sản phẩm đáng xấu hổ của xã hội thực dân. Dưới gót giày của kẻ thù xâm lược, mầm mống tư bản chủ nghĩa theo đó cũng tràn vào nước ta, chúng đã làm biến dạng hoàn toàn hệ tư tưởng của xã hội. Bộ mặt của xã hội phong kiến đã ăn sâu bén rễ từ hàng ngàn năm nay. Chính vì thế, nền tảng tư tưởng và đạo đức truyền thống bị có nguy cơ bị lung lay, bị đe doạ dữ dội. Biết bao giá trị tốt đẹp bị đảo lộn, đồng tiền chiếm vị trí độc tôn, chi phối điều khiển toàn bộ cuộc sống. Đó cũng chính là lí do dẫn đến những cảnh cười ra nước mắt: chẳng hạn như cảnh Hội Tây – trò hề do thực dân Pháp tổ chức đã thu hút mua chuộc người bản xứ tham gia với tâm lí hiếu kì, thích thú, họ tỏ ra vui vẻ đến vô tâm, đến kệch cỡm, họ không hề mảy may ý thức trước nỗi nhục quốc thể.

Ngòi bút ttos cáo của Nguyễn Khuyến trở nên đắng nghẹn, chua xót khi chứng kiến cảnh ngày hội:

Bà quan tênh nghếch xem bơi trải Thằng bé lom khom nghé hát chèo Cậy sức cây đu nhiều chị nhún Ham tiền cột mỡ lắm anh leo

Hai từ "tênh nghếch", "lom khom" đã làm bật lên tư thế nực cười kệch cỡm của bà quan (bà đầm Tây). Bên cạch đó là dáng vẻ tội nghiệp đáng thương của thằng bé, đó là sự tương phản đến mức chua xót. Đó là một cảnh tượng đáng xấu hổ, nó đã lột trần thực tại mỉa mai trước cảnh đất nước đang dần rơi vào thế

suy tàn dưới gót giày của bè lũ xâm lược. Nhưng có lẽ chua chát hơn, nhục nhã hơn là những con người đáng thương ấy bị tê liệu về nhận thức, họ hoàn toàn vô tri trước nỗi nhục mất nước; hơn thế chính họ còn bị cuốn hút bởi những trò chơi nhố nhăng vô bổ mà bọn thực dân bày ra. Bằng tiếng cười chua xót, Nguyễn Khuyến đã thẳng thắn chỉ ra rằng: những giá trị tư tưởng và nền tảng đạo đức truyền thống đang bước vào giai đoạn bị mai một, bị lung lay dữ dội.

Dưới sự xâm lăng của bọn thực dân, nhiều giá trị truyền thống đáng quý đang bị đảo lộn, trắng đen không phân biệt, đồng tiền được thể làm mưa làm gió, chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Đó là nguyên do dẫn đến những trò hề phản cảm đang diễn ra trong hội Tây. Niềm vui của người bản xứ khi tham gia những trò lố lăng ấy đã khiến những người giàu lòng tự tôn phải rơi lệ. Câu hỏi cuối bài vang lên phải chăng là lời chất vấn sâu cay dành cho chế độ thực dân với những ung nhọt đang dần lở loét trên một cơ thể già nua cũ kỹ:

"Khen ai khéo vẽ trò vui thế?

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu."

Nguyễn Khuyến dùng lối đối thoại trực tiếp để chất vấn thẳng thắn với thời đại, ông hỏi về tác giả của những trò vui để rồi khẳng định: trò vui đầy mỉa mai ấy đã khiến cho tất cả những người có lương tri cảm thấy nhục nhã, ê chề, cay đắng. Nguyễn Khuyến đã gửi vào trong đó tiếng cười chua chát và những câu hỏi đầy xót xa trước sự bất lực hèn kém của một lớp người tưởng như đỗ đạt thành danh nhưng rốt cuộc là những kẻ vô dụng không đóng góp đượcchút gì dù là nhỏ bé cho đất nước. Bài thơ gợi hình dung nhà thơ như một kẻ hiếu kì đang đứng từ xa nhìn về ngày hội với con mắt khinh bỉ nhưng lại thấm thía rất rõ cái không khí tưng bừng của lễ hội để rồi từ đó tê buốt đến tận tâm can nỗi nhục mất nước và lên tiếng phản tỉnh những con người đang u mê, đang bị mờ mắt bởi những trò mị dân dối trá. Có lẽ đây là một trong số ít những bài bộc lộ trực tiếp thái độ châm biếm của Nguyễn Khuyến trước thói đời ô trọc.

Trong bài thơ chữ Hán “Lời vợ anh phường chèo” được Nguyễn Khuyến dịch ra chữ Nôm, nhà thơ đã nói lên thực trạng đau lòng ấy bằng cách

mượn lời than thở của một người phụ nữ tội nghiệp khi chứng kiến chồng mình làm trò mua vui cho thiên hạ:

"Vua chèo còn chẳng ra gì

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề"

(Lời vợ anh phường chèo)

Hai câu thơ của Nguyễn Khuyến giống như cái tát thẳng vào mặt lũ quan lại kia, rằng chúng chẳng qua chỉ là đám phường chèo, là trò mua vui rẻ của bọn thực dân, là những kẻ bán nước hại dân.

Trước vận nước suy đồi, thơ văn Nguyễn Khuyến thường trực xuất hiện những câu hỏi lớn, đó là những câu hỏi từ xa đến gần xoay quanh những vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc. Những dằn vặt, giằng xé ấy như một sự ám ảnh luôn đeo bám dai dẳng trong thơ ông.

Trong thời kỳ đất nước đứng trước những cuộc biến thiên dâu bể, trải qua nhiều đổi thay lịch sử, ông đã sử dụng thơ Nôm để thể hiện tình cảm, suy nghĩ, tâm trạng của mình về các vấn đề xã hội, đồng thời Nguyễn Khuyến đã sử dụng thơ Nôm trào phúng để châm biếm, đả kích và đối thoại trước những đổi thay của lịch sử dân tộc. Với những bài thơ của mình, ông đã truyền tải thông điệp và khát vọng về một xã hội tốt đẹp hơn.

Có thể thấy, thơ Nôm của Nguyễn Khuyến đã chứng tỏ được vị thế của mình trong nền văn học dân tộc, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu, đặc biệt là trong thời kỳ đổi thay lịch sử của dân tộc. Thông qua những bài thơ trào phúng, châm biếm và đả kích, ông đã lên tiếng bình luận, chất vấn xã hội, qua đó bày tỏ tiếng lòng sâu kín của một nhà Nho yêu nước, đồng thời cũng là một con người nặng lòng với nhân sinh. Thơ Nguyễn Khuyến không chỉ có giá trị văn học mà còn là bản sắc và nhân cách của một thời đại, một dân tộc đang trong quá trình chuyển đổi sang một giai đoạn lịch sử khác.

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)