Trào phúng sự "tha hóa" của bản thân với những bi kịch nội tâm

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 69 - 76)

CHƯƠNG 2 NỘI DUNG, GiỌNG ĐIỆU ĐỐI THOẠI TRONG THƠ NÔM TRÀO PHÚNG NGUYỄN KHUYẾN

2.2. Giọng hài hước, chua xót tự vấn trong đối thoại với bản thân

2.2.2. Trào phúng sự "tha hóa" của bản thân với những bi kịch nội tâm

"Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang, Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

Cờ đương dở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang.

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhị Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!"

(Tự trào)

Nguyễn Khuyến đã cười cợt, khinh bỉ đến tận cùng cái địa vị mà mình từng ngồi bằng cách tự khắc hoạ chân dung của mình. Ông nhận thức rất rõ mình chẳng qua chỉ là một con người thất bại, dở dang mọi nhẽ, là một kẻ "công chẳng thành mà danh chẳng toại", lời thơ vừa có vẻ thản nhiên vừa xa xót đến thắt lòng. Cười người rồi tự cười mình, khi suy ngẫm về người khác, đôi khi người ta không thể giấu kín được những cảm xúc xót xa và đắng đót trong tâm hồn, Tam Nguyên Yên Đổ cũng vậy. Có lúc, nhà thơ tự so sánh mình với những bậc đại khoa nổi tiếng, nhưng sau đó phải thất vọng trước sự biến đổi khốc liệt của thời cuộc, và tự thấy mình giống như một bức tượng đá vô hồn mà không có sức sống. Ta còn bắt gặp trong thơ ông hình ảnh bề ngoài của một ông già gàn dở, say mèm, nhưng ẩn sau đó là một con người tài năng trí tuệ, con người ấy luôn cảm thấy đau đớn vì sự bất lực của bản thân trước những biến động đảo điên của xã hội.

Có lúc, ông không ngần ngại lên án hành động "chạy làng" hèn yếu, buông bỏ bản thân của chính mình:

"Cờ đang dở cuộc không còn nước Bạc chửa thâu canh đã chạy làng"

(Tự trào)

Chọn cách lui về ở ẩn nhưng rồi cũng chính ông lên án hành động này của mình. Rõ ràng, nhà thơ không có được phong thái nhàn tản ung dung của những bậc tao nhân ở ẩn. Bởi lẽ ông chưa từng nghĩ mình sẽ lấy việc lánh đục về trong để chứng tỏ nhân cách của mình với người, với đời. dùng dắng đấu tranh mãi về việc đi hay ở, để rồi đến khi được về ông lại tự trách mình là kẻ "chạy làng", một kẻ hèn nhát vô trách nhiệm.

Nguyễn Khuyến rơi vào bi kịch khi ông tự thấy mình chẳng khác nào một kẻ tha hoá trước thời cuộc. Ông cảm thấy mình trống rỗng, vô nghĩa, mất phương hướng, ông day dứt khi nghĩ về con người một thời từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, một thời hết mình với nghiệp bút nghiên, ấy thế mà giờ đây đã thoái chí, bị khuất phục trước những đổi thay của cuộc sống mới. Điều này lí

giải vì sao trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ ta thường bắt gặp bi kịch của một con người xộc xệch về hình hài, tinh thần trống rỗng, thậm chí mượn rượu để giải sầu trong những vần thơ quen thuộc của ông: "Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây". Thậm chí con người đáng thương ấy nhiều lúc như biến thành kẻ khác, trở nên vô cảm, mặc kệ sự đời:

"Đắp tay ngoảnh mặt làm ngơ

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây"

(Mẹ Mốc)

Thế nhưng, đằng sau thái độ tưởng như vô cùng dửng dưng bất cần ấy lại thể hiện một quan điểm quyết liệt không chịu dung hoà, không chịu chấp nhận thực tại. Đôi lúc, ông muốn mặc kệ sự đời mà việc đời cứ vấn vít, chẳng thể nguôi ngoai, sự giằng xé này chính là bi kịch của Nguyễn Khuyến:

"Đêm ngày gìn giữ cho ai đó Non nước đầy vơi có biết không?"

(Ông phỗng đá)

Trong những tác phẩm thơ Nôm trào phúng của Nguyễn Khuyến dường như luôn tồn tại song song hai tiếng nói. Tiếng nói thứ nhất luôn khuyến khích con người hãy thản nhiên bất cần, mặc kệ sự đời. Tiếng nói thứ hai lại vang lên văng vẳng như muốn tranh luận, muốn đối thoại, muốn phủ nhận tiếng nói thứ nhất. Hai tiếng nói ấy biểu tượng cho hai con người tưởng như đầy mâu thuẫn nhưng thực chất lại rất thống nhất bởi lẽ trước sau vẫn là một nhân cách cao khiết, đáng trọng dù đôi lúc nhà thơ cố tình bôi nhọ, phủ nhận chính mình. Hai bức chân dung ấy chính là cách để nhà thơ tự đối thoại với chính mình, với thời đại mình bằng hàng loạt những câu thơ có vẻ thản nhiên lạnh lùng nhưng lại khiến người nghe day dứt tận tâm can.

Trong một thời kỳ khủng hoảng về tư tưởng và văn hóa, truyền thống Nho học đang dần suy thoái kể từ thời kỳ cuối triều đại Lê; và nay, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, sự bất lực của nó trở nên rõ rệt hơn. Nguyễn Khuyến thấm thía vô cùng nỗi đau ngấm ngầm đang ngày ngày giằng xé tâm can, vì thế những

tiếng khóc thầm trong tâm hồn của Nguyễn Khuyến đã biến thành những nụ cười vui vẻ trào lộng bên ngoài trong “Tự trào”:

"Cờ đang dở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng."

Vì vậy, dù đã từng đỗ đầu cả ba kì thi, từng làm quan và đã nghỉ hưu, nhưng trong tâm hồn của Nguyễn Khuyến luôn tồn tại một sự tự ti, cảm thấy bất lực về sự vô năng của mình trước hoàn cảnh mất nước và biến đổi của thời đại.

Ông nhận thức rất rõ về sự vô nghĩa của việc làm quan dưới thời kỳ thực dân đô hộ, chức vị chỉ là cái danh phù phiếm. Những nỗi đau này đã trở thành nguồn cảm hứng để Nguyễn Khuyến làm thơ, thể hiện nỗi lòng và đồng thời đối thoại với thời cuộc. Ông thuộc lớp nhà thơ trung đại đầu tiên biết tự chế giễu trước danh tiếng của mình. tự cười trước cái vô tích sự của mình, tiếng là một đại khoa nhưng đang phải sống cuộc đời của một người thừa.

Trong mỗi nụ cười ấy, ta cảm nhận sâu sắc cảm giác đắng cay, chua xót và cũng như mối giằng xé trong tâm hồn của Nguyễn Khuyến. Từ đó, người đọc thấu hiểu hơn tâm hồn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, một người đã dành cả cuộc đời để trăn trở về trách nhiệm cá nhân trước tương lai của đất nước.

"Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang, Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

Cờ đương dở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang.

Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ, Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng."

(Tự trào)

Còn gì trớ trêu cay đắng hơn khi Nguyễn Khuyến ngộ ra rằng bản thân mình cũng chỉ là một "quan nhọ", một "Tiến sĩ giấy", "Quan chèo", "Phỗng đá",

"Lão giả điếc" … nhưng thay vì tiếng khóc, Nguyễn Khuyến đã chuyển hoá ra

bên ngoài thành tiếng cười đầy chua chát. Ông không ngần ngại bóc trần chân tướng con người hoài nghi, bế tắc, thoái chí trong mình:

"Cờ dang dở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng."

(Tự trào)

Ông nhận thấy rất rõ mình là một "hủ nho", chỉ có danh hão, chẳng qua chỉ "hơn đứa ăn mày" và "thực tài kém thằng đi ở". Nguyễn Khuyến luôn cảm thấy thấy hổ thẹn cho chút tài bé nhỏ của mình và nhận ra nó chẳng hề có chút giá trị nào trong cuộc đời thực mà ông đang sống. Toàn bộ vốn liếng tri thức của một vị Tam nguyên "trong đầu chứa trăm vạn quyển sách, trong mắt có núi sông vạn dặm của thiên hạ" với khát vọng trị nước cứu đời bỗng chốc trở nên vô nghĩa trong một thể chế xã hội mới đầy những ung nhọt lai căng. Điều này chính là căn nguyên của những bi kịch luôn ám ảnh dai dẳng trong lòng Nguyễn Khuyến. Và khi con người càng cố vùng vẫy để thoát ra thì bi kịch ấy càng đeo bám không chịu buông rời. Rốt cuộc, dù gắng sức đến đâu thì ông vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của thói đời ô trọc. Ông đã theo dấu các bậc danh nho, tìm về với "vườn bùi chốn cũ", với thiên nhiên hoang sơ … nhưng ngay cả khi đã lựa chọn cho mình con đường thanh sạch ấy ông cũng không sao thoát khỏi sự truy nã của kẻ thù, hay chính là sự truy nã của lương tâm mình. Mặc dù tự cho mình là "dũng thoái" nhưng rồi ông vẫn không ngừng đau khổ, không ngừng bất lực dày vò chính mình.

Đọc thơ ông, người ta thấy ông lên án nhiều loại người ngây ngây, dại dại; lên án những kẻ lạnh lùng vô cảm đứng ngoài nỗi đau dân tộc:

"Đêm ngày gìn giữ cho ai đó Non nước đầy vơi có biết không?"

(Ông phỗng đá)

Nhưng rồi quay đi quay lại, hoá ra ông phỗng đá ấy lại chính là cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

"Cõi hoá cùng đi lại,

Không chừng bác cũng ta."

(An ủi ông lão đá)

Còn gì đau xót hơn khi con người một thời từng hết lòng tâm huyết với nghiệp bút nghiên, đứng trên đỉnh cao của danh vọng giờ dường như đã khuất phục trước điều kiện sống mới. Trong con mắt của chính nhà thơ, ông giờ chỉ là con người nhếch nhác, xộc xệch về hình hài, trống rỗng về tinh thần, hình tượng ấy trở đi trở lại trong thơ ca như một bi kịch tinh thần lúc nào cũng ám ảnh, day dứt.

Nguyễn Khuyến không lảng tránh mà mạnh mẽ lên tiếng phủ nhận, bỡn cợt chính mình, ông cay đắng thừa nhận rằng mình cũng chẳng đứng cao hơn những cái tầm thường đáng khinh kia. Tự trào mình: Khi tự nhận là ông say, khi lại là ông loà, lúc trong vai anh giả điếc, khi lại là lão đá, là thứ đồ chơi… Nhìn chung là những người yếu đuối, khổ đau, bất lực...Nguyễn Khuyến đã hé mở cho chúng ta nghe thấy, chứng kiến thấy một cuộc tự đối thoại của nhà thơ với chính mình. Nhưng phải chăng, sự phản tỉnh đầy tinh thần trách nhiệm ấy là để khẳng định tiếng nói của chính nhà thơ - người luôn hướng tới cái tốt đẹp, cái cao cả?

Thơ Nôm trào phúng của Nguyễn Khuyến chứa đựng những vẻ đẹp đặc trưng riêng: trước hết đó là những vần thơ tự trào chính bản thân mình rồi sau đó mới đến tiếng cười trào phúng hết sức thâm thuý sâu cay trước những hiện tượng lố lăng kệch cỡm của xã hội giao thời. Nhưng đằng sau mỗi bài thơ lại là tiếng nói đối thoại đầy trăn trở trước những nỗi đau đớn lòng mà ông đã chứng kiến, đã trải qua. Có thể nói mỗi tác phẩm thơ Nôm trào phúng của ông là một câu hỏi lớn mang tính thời đại.

Tiểu kết Chương 2

Trong Chương 2 của luận văn, bằng những nghiên cứu cụ thể, nghiêm túc, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu tính đối thoại trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến trên những phương diện chính:

Một là giọng châm biếm, đả kích trực diện trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến trong đối thoại hướng ngoại hướng tới những đổi thay ghê gớm của lịch sử dân tộc và hiện thực về bộ mặt của chế độ thực dân phong kiến. Từ đó chỉ ra nỗi trăn trở day dứt của nhà thơ trước thời đại.

Hai là tìm hiểu giọng hài hước, chua xót tự vấn trong đối thoại với bản thân dựa trên những bài thơ trào phúng về cảnh nghèo và thi trượt, những bài thơ tự trào phúng sự tha hóa của bản thân với những bi kịch nội tâm giằng xé, day dứt.

Qua việc khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trong những sáng tác thơ Nôm trào phúng của mình, Nguyễn Khuyến đã liên tục đặt ra những câu hỏi để bộc lộ khát vọng được trò chuyện, sẻ chia và khát vọng được lý giải. Nhưng với cụ Tam nguyên Yên Đổ, nét đặc sắc trong đối thoại còn nằm ở chỗ ông không chỉ đối thoại với xã hội, với những người xung quanh mình mà còn chất vấn chính mình, không chỉ đặt ra những câu hỏi đơn thuần mà còn nhằm mục đích cảm thán, phủ định, khẳng định thái độ quan điểm của bản thân. Những cuộc đối thoại liên tiếp được đặt ra trong thơ ông phải chăng là những trải nghiệm nhân sinh sâu sắc ở thời đại bể dâu mà ông đã sống, đã chứng kiến, đã đau đớn đến tận cùng?

Thi sĩ Chế Lan Viên cảm thức về những cuộc đối thoại của văn chương:

"Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở kinh tuyến khác/ Trong dân tộc và ngoài dân tộc" ( Đối thoại mới, 1973) Nhưng điều làm nên những cuộc đối thoại lan rộng về không gian và thời gian, không thể không kể đến chất vàng riêng biệt trầm tích trong lịch sử, trong nền văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc. Và thật không quá khi nói rằng những bài thơ Nôm trào phúng của Nguyễn Khuyến đã được nung nấu từ trong lòng đời sống, thừa hưởng dòng máu ngầm chảy nơi hiện thực, vì thế nó bắt trọn tất cả những sự kiện diễn ra của thời đại.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)