Đối thoại góp phần tạo sự gắn bó trong các mối quan hệ: nhà văn - hiện thực - tác phẩm - bạn đọc

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 98 - 101)

CHƯƠNG 3 THỂ THƠ, NGÔN NGỮ VÀ VAI TRÒ CỦA ĐỐI THOẠI

3.3 Đối thoại trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến góp phần cách tân văn học dân tộc

3.3.4. Đối thoại góp phần tạo sự gắn bó trong các mối quan hệ: nhà văn - hiện thực - tác phẩm - bạn đọc

Độc giả yêu thơ Nôm đều hiểu rằng: Bằng việc sử dụng ngôn ngữ và văn hóa của người Việt Nam một cách đặc trưng, văn chương thường đề cao sự gắn bó đặc biệt giữa nhà văn, hiện thực xã hội, tác phẩm và bạn đọc. Điều này được minh chứng cụ thể qua cách mà những yếu tố này tương tác trong thơ Nôm:

Thứ nhất, đó là sự gắn bó không thể tách rời giữa nhà thơ và hiện xã hội:

Nhà thơ thường đóng vai trò như những người truyền thông xã hội, mượn ngôn ngữ thơ để thể hiện suy tư, đánh giá và phê phán trước những khía cạnh đa dạng khác nhau của hiện thực. Thơ Nôm thường thể hiện sự phản ánh sâu sắc về cuộc sống thường nhật, từ những điều vụn vặt như một trò đùa trẻ con đến những vấn đề lớn hơn như chiến tranh, bất công xã hội, và biến đổi môi trường. Với thơ Nôm trào phúng, việc dùng tiếng cười để đối thoaị, chất vấn xã hội nhằm phê phán tố cáo mạnh mẽ những thói hư tật xấu, những lố lăng rởm đời hãnh tiến càng khiến cho mối quan hệ giữa nghệ sĩ và cuộc đời trở nên chặt chẽ hơn.

Thứ hai, đó là mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn, nhà thơ và tác phẩm: Nhà thơ sử dụng thơ Nôm trào phúng như một phương tiện sáng tạo để diễn đạt tư duy và cảm xúc của họ. Họ tạo ra các tác phẩm thơ với ý định châm biếm, mỉa mai thời cuộc nhưng cũng là để chia sẻ với bạn đọc cái nhìn của mình về thế giới, từ những câu hỏi tưởng như vu vơ đến sâu sắc, thâm thuý về đời sống xã hội đã giúp nhà thơ bày tỏ quan niệm, thái độ sống của mình một cách rõ ràng nhất.

Thứ ba mối liên hệ giữa tác phẩm và thực tế xã hội: Cũng như thơ ca nói chung, thơ Nôm trào phúng thường chứa trong mình thông điệp về xã hội và nhân loại. Các nhà thơ thường mượn thơ để truyền đạt tri thức, lý luận, và suy tư về mặt đạo đức. Các bài thơ có thể khám phá những khía cạnh phức tạp của xã hội, như bất công, đấu tranh giai cấp và tình thần đoàn kết… theo một cách rất

riêng. Bằng cách liên tục đặt ra những câu hỏi với nhiều tầng lớp trong xã hội, với thể chế phong kiến, thơ Nôm trào phúng đã phát huy được một cách cao nhất vai trò của nó trong việc cảnh tỉnh xã hội, hướng đến một sự phát triển tốt đẹp hơn.

Thứ tư là tác phẩm và bạn đọc: Thơ Nôm trào phúng thường tạo ra một cầu nối rất đỗi tự nhiên giữa nhà văn và bạn đọc thông qua việc thể hiện cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. Các tác phẩm thơ có thể tạo ra sự kết nối tinh thần giữa người viết và người đọc. Đôi khi, những bài thơ trào phúng hóm hỉnh, hài hước tưởng như bông đùa thoáng qua nhưng lại vô cùng thâm thuý và sâu sắc có thể thúc đẩy bạn đọc suy tư, thảo luận, và hành động trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi câu hỏi được đặt ra trong tác phẩm là sự khơi gợi, nhắc nhở ở người đọc một thái độ sống đúng đắn, tích cực.

Thấu hiểu và cảm nhận thơ Nôm trào phúng cần có sự tương tác mật thiết, sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc giữa tác giả và độc giả, và thông qua các đối thoại phức tạp này, thơ Nôm có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để thể hiện, tương tác và chia sẻ kiến thức, ý tưởng và tình cảm trong xã hội Việt Nam, thúc đẩy các mối quan hệ trong đời sống văn học, tạo tiền đề cho văn học hiện đại sau này phát triển.

Mối quan hệ: nhà văn - hiện thực - tác phẩm - bạn đọc trong thơ Nôm trào phúng không phải là mối quan hệ một chiều mà là mối quan hệ đa chiều. Đôi khi nhà trào phúng buộc phải giấu mặt, “đeo mặt nạ” để tránh sự truy cứu, trả đũa của đối tượng bị trào phúng, nhất là đó lại là những kẻ có quyền hành, uy lực trong xã hội. Ngược lại những kẻ này lại rất nể sợ các nhà nho trào phúng, bởi chỉ cần một chữ của họ cũng khiến chúng mất mặt với thiên hạ, uy thế vùi lấp ngàn đời. Bạn đọc thì luôn cổ vũ, truyền bá các bài thơ trào phúng và điều đó càng khiến nhà trào phúng có thêm dũng khí và cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm mới.

Tiểu kết Chương 3

Ở Chương này, chúng tôi đã đi vào tìm hiểu, nghiên cứu tính đối thoại trong thơ Nguyễn Khuyến trên các phương diện thể thơ, ngôn ngữ, qua đó thể hiện tầm quan trọng của việc tính đối thoại trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến cũng như trong thơ Nôm trung đại Việt Nam. Sự lựa chọn thể loại này đã phát huy được tối đa lợi thế của nó trong đối thoại, giúp nhà thơ dễ dàng bộc lộ quan điểm cá nhân trước bức tranh thời đại. Bên cạnh đó, ngôn ngữ được Nguyễn Khuyến lựa chọn đã phát huy được giá trị của nó trong đối thoại, trò chuyện: đó là ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng, là những từ ngữ xưng hô được dùng ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai vốn rất ít được dùng trong văn chương trung đại.

Đối thoại trong thơ Nguyễn Khuyến quả thực được mang màu sắc rất riêng, nó vừa là tiếng nói phản tỉnh thực tại vừa là cảnh tỉnh chính mình. Thơ Nôm của ông có sự kết hợp hài hoà giữa thế mạnh hướng nội trong thơ ca truyền thống và yêu cầu hướng ngoại của văn học trào phúng. Những câu hỏi mang tính đối thoại mà Nguyễn Khyến đặt ra trong thơ thực chất đều là những câu trả lời mang tính khẳng định mạnh mẽ của một quan niệm, một cách nhìn rất đáng trân trọng của một nhà nho yêu nước, thương đời.

Đối thoại trong thơ Nguyễn Khuyến còn góp phần hiện đại hoá văn học trong buổi giao thời, đồng thời tạo được mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn - hiện thực, tác phẩm - người đọc. Có thể nói sự xuất hiện của thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến trong xã hội thị dân buổi giao thời với tiếng nói đối thoại thâm thuý, sâu cay đã góp phần đưa văn học nhà nho bước sang một một thời kì mới của văn học dân tộc, gần gũi với cuộc đời hơn và chở nặng tâm tình của một người nặng lòng với thời thế như Nguyễn Khuyến hơn.

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)