CHƯƠNG 3 THỂ THƠ, NGÔN NGỮ VÀ VAI TRÒ CỦA ĐỐI THOẠI
3.2. Ngôn ngữ đối thoại
Ngôn ngữ đối thoại độc đáo trong thơ Nôm trào phúng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ có một màu sắc rất riêng biệt, mang đậm phong cách cá nhân.
Đầu tiên là ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng mang tính đối thoại.
Chúng ta đều biết, sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ là một nghệ thuật đặc sắc của thơ ca, mượn cách diễn đạt này, các nhà thơ có thể bộc lộ những ý tứ sâu xa thầm kín, qua đó gửi gắm những thông điệp thú vị về cuộc sống. Tìm hiểu thế giới thơ Nguyễn Khuyến, ta thấy nhà thơ sử dụng nghệ thuật này vô cùng đặc sắc qua hình thức so sánh, vật hoá nhằm trào phúng chính mình và qua đó trào phúng mọi người. Trong bài Tiến sĩ giấy, ông đã xây dựng một loạt các hình tượng nghệ thuật ẩn dụ đa nghĩa:
"Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, Nét son điểm rõ mặt văn khôi’
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ, Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi."
(Tiến sĩ giấy)
Nhà thơ đã mượn đối tượng để gây cười - một loại đồ chơi dân gian truyền thống: hình nộm ông tiến sĩ được làm bằng giấy thường dành cho trẻ nhỏ chơi, để khéo léo tạo nên hình tượng nghệ thuật đa nghĩa. Đồ chơi ấy gửi gắm tâm nguyện của người nghệ sĩ dân gian: khích lệ trẻ em chăm chỉ, hiếu học để có thể đỗ đạt vinh quang. Thông qua cách miêu tả của nhà thơ, người đọc nhận thấy vẻ ngoài của ông tiến sĩ giấy tương tự như tiến sĩ thật, nhưng ẩn bên trong lại sơ sài, rỗng tuyếch, đó phải chăng là lời đối thoại ngầm mà thi nhân muốn gửi đến mọi người: hãy tỉnh táo nhận thức rõ sự tương phản giữa hình dáng bề ngoài và bản chất ẩn bên trong của đối tượng? Những kẻ được vinh danh tiến sĩ nhưng
thực chất không có học thức, áo mũ màu mè xênh xang nhưng cũng chỉ là con rối dưới sự kiểm soát của thực dân.
Có lần, tác giả so sánh mình với những hình ảnh:
"Đời loạn đi về như hạc độc Tuổi già hình bóng tựa mây côi"
(Cảm hứng)
Đối tượng so sánh đều là những hình ảnh buồn, lẻ loi, cô độc (hạc độc, mây côi) nhằm kín đáo thể hiện cảnh ngộ cá nhân một cách thấm thía. Câu thơ không đơn thuần chỉ là nỗi cô đơn dằng dặc của một kiếp người thấm thía cái vô thường của cuộc đời mà ở phía sau đó còn là một tâm trạng lo lắng khôn nguôi về tình hình xã hội.
Trong bài thơ "Khóc Dương Khuê", mở đầu với cảm xúc đau đớn không dứt của tác giả, khi nhớ đến bạn đã qua đời và bày tỏ điều này bằng một tiếng than chua xót.
"Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta! “ Kết thúc là tiếng khóc:
"Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan"
Nếm trải đủ những sóng gió, thăng trầm của cuộc đời, nay sắp trở thành người "cổ lai hi" (xưa nay hiếm), cụ Yên Đổ làm gì còn đủ lệ để rơi? Mượn hình ảnh so sánh "hạt lệ như sương" để gửi gắm ý nghĩa: Nỗi đau không thể thể hiện ra ngoài, nhưng chắc chắn đã tràn sâu vào tận trái tim của nhà thơ. Dù ông nói rằng mình không khóc, nhưng dường như hai câu cuối chứa đựng đầy những giọt nước mắt nóng hổi và bi thương.
Trong các sáng tác trào phúng của mình, Nguyễn Khuyến đề cao tính đối thoại bằng cách liên tục đặt ra các câu hỏi đối với chính mình hoặc với đối tượng trong bài thơ trào phúng và với đông đảo người thưởng thức. Câu hỏi luôn là biểu hiện rõ rệt nhất của đối thoại trong văn học - một phương thức đối thoại triệt để của thơ mà văn xuôi chưa chắc đã có lợi thế bằng. Đối thoại trong
thơ Yên Đổ đôi khi không cần sự trả lời bởi bản thân nó đã là một sự khẳng định, một sự kết tội đanh thép trước những phẩm cách tồi tệ, những khuyết điểm và lề thói xấu của con người và xã hội trong thời đại đó. Bởi vì đó là lời đối thoại của người nắm chắc chân lý, lẽ phải và chính nghĩa. Dường như tác giả luôn được xem là đứng ở một vị trí cao hơn so với đối tượng trào phúng trong mọi khía cạnh về tất cả mọi phương diện, chính vì thế mà Nguyễn Khuyến đã công khai chất vấn đối tượng trào phúng một cách ngang nhiên. Thậm chí, ông còn thách thức những kẻ bị châm biếm - điều này thể hiện thông qua việc đặt những câu hỏi chất vấn cho từng ông quan đang trên con đường tha hóa; những câu hỏi đầy trăn trở, bức xúc về nhân tình thế thái; những câu hỏi xen lẫn sự mỉa mai và cay đắng đối với tình cảnh đất nước tiêu tan, dân chúng u mê. Dù ông tập trung vào thực tại hay tự điểm lại mình, bằng cả thơ viết bằng chữ Nôm hay thơ bằng chữ Hán, Nguyễn Khuyến đều thể hiện một niềm đau đớn và sự lo lắng trăn trở trước tình hình đất nước, nhân dân và sự bất lực của chính ông. Tính đối thoại được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn của một nhà nho ngời sáng khí tiết thanh cao luôn đau đáu trước những nguy cơ đe dọa tới số phận của quốc gia, triều đại hoặc sự suy đồi trong đạo đức và giá trị tốt đẹp của xã hội.
Bên cạnh đó thi nhân cũng sử dụng rất trọn vẹn, đặc sắc ngôn ngữ đời thường mang nhiều tính đối thoại. Thơ Nguyễn Khuyến gần gũi với độc giả một phần chính bởi ông đã diễn đạt tư tưởng của mình bằng những lời nói, giọng điệu hàng ngày, lời thơ mộc mạc chân chất, không cần cầu kì, không tô điểm phục sức quá nhiều. Điều này khiến cho những thông điệp mà tác giả gửi gắm trở nên gần gũi, thành thực và vô cùng bình dị. Khảo sát những bài thơ Nôm của ông, ta thấy được ngôn ngữ nhân dân trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến rất phong phú. Lời thơ được khẩu ngữ hoá rất sinh động, những câu hỏi đời thường được vận dụng tự nhiên:
"Xuân về ngày loạn càng lơ láo Người gặp khi cùng cũng ngẩn ngơ"
(Ngày xuân dạy các con)
Câu thơ có sự thoải mái, bộc trực với việc sử dụng từ ngữ đậm chất đời thường khiến những điều tác giả muốn nói trở nên gần gũi, thú vị. Nhà thơ thật
tài nghệ khi điểm nhãn hai câu thơ bằng những từ láy: lơ láo, ngất ngơ… rất khó để tìm thấy từ nào thích hợp và hay hơn. Dường như vào thời kỳ đó, hầu như ai cũng biết một số câu "Kiều". Họ sẽ liên tưởng ngay đến tâm trạng của Từ Hải:
"hàng thần lơ láo phận mình ra chi!" Cuộc đời đã hỗn loạn, cố gắng sức cùng lực kiệt cũng khó xoay chuyển tình thế khó khăn. Thời loạn, vận suy nên ông không thể nâng giọng dạy dỗ con cháu theo cách giáo điều: "Quốc loạn thức trung thần, gia bần tri hiếu tử", mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, kín đáo:
"Lẩn thẩn lấy chi đền chiếc bóng Sao con đàn hát vẫn say sưa?"
Các từ "lẩn thẩn", "say sưa" được đặt vào ý thơ thật tự nhiên, tài tình, ngỡ như chỉ là một lời mắng con nhẹ nhàng ham chơi đàn hát mà quên học hành, bỏ phí "một tấc thời gian một tấc vàng". Nhưng câu cuối gợi nhớ tới một câu thơ của Lý Thương Ẩn: "Thương nữ bất tri vong quốc hận - Cách giang do xướng Hậu đình hoa". Nguyễn Khuyến đã từ quan, sau này con trai ông cũng làm quan, ông lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhắc nhở con không để thời gian trôi qua vô ích, không nên mê mải vào những thú vui rồi hoài phí tuổi trẻ. Đồng thời gắn một mong muốn duy nhất là con chí ít sống có ích, tử tế giữa thời thế đầy nhiễu nhương, xáo trộn là điều quý báu lắm rồi.
Tác giả còn đưa vào thơ những tiếng chửi suồng sã "chém cha", "cha đời"
nhằm phê phán đả kích trực diện đối tượng:
"Chém cha cái kiếp hồng đào Cha đời con đĩ cầu Nôm"
(Đĩ cầu Nôm)
"Đếch thấy hơi hương một tiếng khà"
(Tạ lại người cho hoa trà)
Bên cạnh đó, Nguyễn Khuyến còn linh hoạt sử dụng các thành ngữ dân gian, ca dao, tục ngữ vào các tác phẩm của mình một cách vô cùng tinh tế và thông minh: "Thân lừa da cóc", "lừa nạc bỏ xương", "rừng xanh núi đỏ", "đắp tai cài trốc"… điều này tạo nên một màu sắc đặc biệt trong thơ Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến hay dùng những cụm từ có nghĩa phủ định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân: ích gì, có là bao… nhằm tự phủ định vai trò của mình với thời cuộc, chỉ rõ sự xuống dốc, lạc hậu của hệ tư tưởng phong kiến lỗi thời. Đây đều là những từ ngữ mang tính đối thoại rất cao, nhằm hướng đến việc “chất vấn” các đối tượng mà bài thơ hướng tới:
"Sách vở ích gì cho buổi ấy Aó xiêm nghĩ lại thẹn thân già"
(Ngày xuân dặn các con)
Là người ý thức rất cao về sự tồn tại của bản thân mình, vì vậy việc sử dụng nhiều đại từ trong cách xưng hô để tự gọi mình, tự đối thoại với bản thân mình cũng là nét độc đáo riêng trong thơ Nguyễn Khuyến.
"Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ ngõ chợ lại cùng ta."
(Lên lão)
Có lẽ rằng việc Nguyễn Khuyến xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống đã làm cho ông sử dụng đại từ nhân xưng trong thơ của mình một cách đa dạng và phong phú hơn rất nhiều so với các nhà thơ trước và cùng thời với ông. Với ngôi thứ nhất, ta thấy Nguyễn Khuyến tự xưng: "Tớ", "tôi",
"ta", "mình", "ông", "lão", "bố", "thằng", "tao"…; ngôi thứ hai là: "chú", "bác",
"ông", "lão", "mày", "ngươi"…; ngôi thứ ba như: "kẻ", "mụ", "chàng", "ông",
"thằng", "chú", "nó",… Cùng với việc sử dụng một loạt đại từ nhân xưng khác nhau như thế này đã khiến nhà thơ đạt được mục đích đối thoại với con người, cũng như với thời đại trong thơ mình. Qua đó có thể thấy đối tượng để đối thoại trong thơ ông là hết sức đa dạng, phong phú, một khía cạnh mà thơ ca trung đại
Việt Nam trước đó chưa từng có.
Với vị thế của một nhà nho từng đỗ đầu ba kì thi lớn, Nguyễn Khuyến không dùng những lời sỗ sàng gay gắt trong thơ, ngôn ngữ hóm hỉnh và đa dạng của ông thể hiện nét tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Thơ ông mang đậm phong cách riêng, không bốp chát, hả hê như Hồ Xuân Hương, không sỗ sàng, quyết
liệt như Tú Xương. Cái cười châm biếm của ông đối với kẻ thù tuy có phần cay đắng, nhưng không độc địa cay nghiệt, dù có những lúc ông so sánh cờ nước Pháp với váy phụ nữ:
"Ba vuông phất phới cờ bay dọc Một bức tung hoành váy xắn ngang"
(Lấy Tây)
Khi châm biếm, đùa cợt, chỉ trích thói đời, ông vẫn giữ được cái cười kín đáo, tế nhị mà sâu xa. Chẳng hạn, khi nhắc đến ông Đốc Hà Nam, Nguyễn Khuyến viết:
"Ông về Đốc học bấy lâu nay Gần đó mà tôi vẫn chửa hay Tóc bạc, răng long chừng đã cụ, Khăn thâm, áo thụng cũng ra thầy!"
(Gửi Đốc học Hà Nam)
Cũng trong lời tặng đốc học, Nguyễn Khuyến mặc dù mỉa mai nhưng sắc thái rất nhẹ nhàng, giống như bông đùa vậy. Kín đáo, tế nhị nhưng không kém phần thâm thuý sâu cay có lẽ là một trong những đặc tính nghệ thuật trong thơ ca trào phúng của ông.
Nguyễn Khuyến thể hiện sự tài hoa của mình trong việc sử dụng ngôn từ một cách mạnh mẽ và khéo léo, cũng như khả năng chơi chữ rất tài tình:
"Văn hay chữ tốt ra tuồng
Văn dai như chão chữ vuông như hòm Vẽ thầy như vẽ con tôm
Vẽ tay ngoái cám, vẽ mồm húp tương."
(Ðùa chế ông đồ Cự Lộc)
Hoặc cái dí dỏm của câu đối tết ông viết dùm người làm hàng thịt:
"Tứ thời bát tiết canh chung thủy, Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang."
Lời thơ là sự kết hợp hoà quyện giữa Hán với Nôm, giữa triết học với cuộc sống đời thường; vừa trang trọng vừa cởi mở thân mật. Tất cả những yếu tố này hòa quyện một cách hoàn hảo ở bậc đại quan khi quay về nơi "vườn Bùi chốn cũ". Phong cách độc đáo này còn thể hiện ở nhiều bài thơ trào phúng tiêu biểu: "Ðùa chế ông đồ Cự Lộc", "Than già", "Lấy Tây", "Bạn đến chơi nhà",
"Bóng đè cô đầu", "Tự trào", "Câu đối tết", "Tạ lại người cho hoa trà"… đều là những vần thơ trào phúng độc đáo của Nguyễn Khuyến.