CHƯƠNG 2 NỘI DUNG, GiỌNG ĐIỆU ĐỐI THOẠI TRONG THƠ NÔM TRÀO PHÚNG NGUYỄN KHUYẾN
2.2. Giọng hài hước, chua xót tự vấn trong đối thoại với bản thân
2.2.1. Trào phúng đối thoại với cảnh nghèo và thi trượt
Trong Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, tập 2, nhà nghiên cứu Vũ Thanh cho rằng: "Con người chỉ thực sự biết cười khi đã trưởng thành nhưng tiếng cười buổi đầu luôn là cái cười kiêu hãnh, cười thiên hạ, còn chỉ khi đã nếm trải thất bại, nếm trải những đắng cay thực sự của cuộc đời thì người ta mới biết tự cười mình" [44]. Quả đúng như vậy, Nguyễn Khuyến không chỉ cười cợt, trào phúng đám quan lại, nho sỹ, ông còn chế giễu, châm biếm chính mình, trước hết là giễu "cái tội nghèo":
"Chẳng khôn cũng biết một hai điều Chẳng tội gì hơn cái tội nghèo.
Danh giá dường này không nhẽ bán, Nhân duyên đến thế hãy còn theo.
Tấm lòng nhi nữ không là mấy, Bực chí anh hùng lúc túng tiêu.
Có lẽ phong trần đâu thế mãi, Chốn này tình phụ, chốn kia yêu."
(Than nghèo)
Bài thơ thể hiện sự bất lực, chua chát của Nguyễn Khuyến trước cảnh nghèo của người quân tử, tuy chí lớn mà đành buông xuôi phó mặc. Ông như đang trò chuyện chất vấn chính bản thân, tự hỏi và tự đắn đo "Danh giá dường này không nhẽ bán?", và đồng thời tự thú nhận một thực tế đầy chua xót "Bực chí anh hùng lúc túng tiêu".
Ông còn có bài thơ "Than nợ" với hình ảnh một lão nông bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không sao thoát ra được. Nợ nần ngày càng chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, đến độ tác giả phải than, phải kêu lên:
"Quản chi công nợ có là bao, Nay đã nên to đến thế nào.
Lãi mẹ lãi con sinh đẻ mãi,
Chục năm chục bảy tính nhiều sao.
Ra đường kẻ cả dừng chân hỏi Vào cửa người sang ngửa mặt chào.
Quyết chí phen này trang trải sạch, Cho đời rõ mặt cái thằng tao"
(Than nợ)
Nhà thơ cũng biết được thái độ của kẻ cả, và hiểu hơn ai hết tâm trạng của mình khi bị đòi nợ, vì thế, câu thơ cuối bật lên mạnh mẽ và đầy quyết tâm:
"Quyết chí phen này trang trải sạch, cho đời rõ mặt cái thằng tao". Tự trào cảnh nghèo nhưng vẫn khảng khái ung dung, vẫn vênh vang với cõi đời đen bạc. Phải chăng đó chính là những lời chất vấn, đối thoại sâu cay trước những nghịch lý cuộc đời mà ông muốn gửi tới xã hội đương thời?
Nhưng xét cho cùng thì hoàn cảnh gia đình ông cũng không đến nỗi nào.
Chỉ là cảnh hơi thanh bần một chút. Cái cảnh thanh bần ấy được tác giả khắc hoạ một cách khá nhẹ nhàng và hóm hỉnh qua việc thiết đãi bạn đến chơi nhà:
"Đã bấy lâu nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng chợ thời xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đưổi gà.
Cải chửa ra cây cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đơm hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có, Bác đến chơi đây ta với ta."
(Bạn đến chơi nhà)
Bài thơ đối thoại với bạn, giãi bày với bạn về cảnh nghèo của mình bằng giọng điệu trào phúng hóm hỉnh nhưng cũng là để bày tỏ sự quý trọng tình bạn, đề cao giá trị của tình bạn hơn tất cả mọi vật chất tầm thường. Qua bài thơ, Nguyễn Khuyến đã khơi gợi cho chúng ta bao suy tư trăn trở về tình cảm của con người trong cuộc sống hàng ngày với những mối quan hệ thân tình gắn bó:
tình bạn bè, đồng chí, anh em…
Nguyễn Khuyến cũng chính là một trong số rất ít những người trí thức lúc bấy giờ nhận ra sự bất lực và hữu hạn của chính mình cũng như của tầng lớp trí
thức cùng thời trước thực tế lịch sử. Ông nhận thấy sự vô dụng của vốn học vấn được đào tạo và buông lên tiếng than đầy bất lực:
"Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi"
(Tiến sĩ giấy)
Không chỉ cảm thấy đau trước cái học vị tiến sĩ giấy hữu danh vô thực mà nhiều kẻ đang có, Nguyễn Khuyến còn đau cho chính bản thân mình. Đường đường cũng là một vị tiến sỹ, vậy mà đành bất lực buông xuôi trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than cơ cực; đạo lí ngày càng xuống cấp nghêm trọng. Làm tiến sĩ mà không thể mang tài hèn sức mọn phò tá giúp đời thì cũng hơn gì những "tiến sĩ giấy" nhan nhản ngoài đời kia? Tiếng cười của Nguyễn Khuyến giờ đây càng trở nên đau đớn, chua xót khi ông quay về đối thoại với chính mình.
Đóng góp to lớn của Nguyễn Khuyến qua mảng thơ Nôm trào phúng là dùng tiếng cười để đả kích, hạ bệ bọn quan lại xấu xa giả dối và giễu nại chính bản thân mình. Điều này đã khẳng đinh rằng Nguyễn Khuyến không chỉ là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà ông còn là một cây bút trào phúng xuất sắc. Người đọc ấn tượng với tiếng cười mang bản sắc riêng trong thơ ông: nhẹ nhàng, sâu sắc, thâm thúy. Và hơn hết, sau mỗi vần thơ trào phúng Nguyễn Khuyến viết lên đều là những nỗi niềm thời thế của một nhà nho yêu nước chân chính. Tuy về ở ẩn nhưng tấm lòng Nguyễn Khuyến luôn thiết tha gắn bó với đời, với người. Cùng với Trần Tế Xương Xương, Nguyễn Khuyến xứng đáng là đại diện tiêu biểu nhất cho nền thơ ca trung đại, đặc biệt là mảng thơ Nôm trào phúng.
Nhà thơ cất tiếng cười chế giễu, mỉa mai với người, với đời dường như cũng chưa đủ, Nguyễn Khuyến còn giễu nhại chính bản thân mình, ông cười mình có tài mà vô dụng, có tài mà quẩn quanh bế tắc. Nỗi ngậm ngùi, chua xót trong Tiến sĩ giấy cũng chính là yếu tố tự trào mà nhà thơ muốn thể hiện. Đường đường là một "Tam nguyên", từng vinh quy bái tổ rất vẻ vang, nhưng trớ trêu
thay vì thời thế mà đành khoanh tay bất lực nhìn vận nước đang trên đà suy yếu;
ngẫm ra mình cũng chỉ là "Tiến sĩ giấy" với chút danh hão mà thôi. Tiếng cười thốt lên nghe mới chua xót, tội nghiệp ám ảnh làm sao. Thậm chí đã không ít lần Nguyễn Khuyến tự lấy mình ra để chất vấn, để chế giễu cái bất lực, bạc nhược một cách thẳng thắn:
"Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ?
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng."
Nguyễn Khuyến chua chát nhận ra khi bản thân không thể góp sức phò vua, không đóng góp được chút gì cho dân, cho nước, thì lúc này bia xanh, bảng vàng trở nên vô nghĩa. Sử dụng điệp ngữ "mình" trở đi trở lại cũng là để thể hiện niềm day dứt khôn nguôi, Nguyễn Khuyến đã xoáy sâu vào bản thân mình, soi xét trước sau để mà chế giễu, mà mỉa mai, ông như thấm thía đến tận cùng nỗi ô nhục bởi thấy cuộc đời mình chẳng khác nào trò lố thảm hại. Đối thoại với chính mình, cười nhạo, tố cáo chính mình là biểu hiện sâu sắc nhất nhưng cũng xót xa cay đắng nhất của cái cười trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến.
Nỗi hổ thẹn vì ơn vua, nợ nước chưa có dịp báo đền, khát vọng lập công danh để lại tiếng thơm với đời còn dang dở khiến ông "Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời". Đó là nỗi thẹn, nỗi buồn của một nhân cách lớn.
Bằng tiếng cười trào phúng rất đặc trưng của mình, những sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến đã thể hiện tính khái quát rất cao bởi lẽ hầu như đã điểm mặt đủ mọi đối tượng xấu xa thấp hèn, mọi hiện tượng đáng phê phán trong xã hội đương thời. Tiếng cười trong thơ Nguyến Khuyến xét trên phương diện này quả là như một thứ vũ khí sắc bén lợi hại chuyển tải những ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tiếng nói đối thoại thơ trào phúng của ông được bắt nguồn từ nổi đau nhân thế cộng với tấm lòng trong sạch, cao khiết của một bậc đại nho luôn đau đáu hướng về dân về nước bằng thứ tình cảm kín đáo, thâm trầm. Nhưng có lẽ chính sự hoà quyện giữa nỗi đau về thời thế và cái tâm trong sáng của bậc đại nho đã khiến tiếng cười trào phúng của Nguyễn Khuyến mang một màu sắc riêng không bị trộn lẫn với bất kì ai. Nguyễn Khuyến đã mạnh mẽ, quyết liệt phê
phán thói rởm đời, lố lăng, hãnh tiến của con người trong xã hội buổi giao thời, ông muốn chỉ ra rằng chính nó đã hủy hoại chôn vùi bao giá trị tinh thần tốt đẹp, quý giá của dân tộc. Có lẽ vì hiểu rõ cái cười thâm thuý trong thơ Nguyễn Khuyến mà Xuân Diệu đã cho rằng: "Nguyễn Khuyến dù không cầm gươm chiến đấu dưới là cờ phấn nghĩa Cần Vương vẫn đáng được xếp vào hàng những nhà thơ yêu nước".
Giữa muôn vàn những giọng thơ trào phúng cùng thời với mình, Nguyễn Khuyến đã khẳng định vị thế của riêng mình bằng chính tiếng cười và những câu hỏi mang tính thời đại hết sức nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm thúy sâu cay. Tiếng cười đi kèm với lời chất vấn, cảnh tỉnh thể chế xã hội đang trong buổi suy tàn. Đọc thơ ông, người đọc vô cùng tâm đắc và thấm thía cái dụng ý sâu sắc trong từng lời thơ, thấm thía câu hỏi lớn về cuộc đời mà ông luôn đau đớn, trăn trở.