Cuộc đời Nguyễn Khuyến và đối thoại trong thơ của ông

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 32 - 39)

CHƯƠNG 1 ĐỐI THOẠI TRONG VĂN HỌC VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, VĂN HỌC THỜI NGUYỄN KHUYẾN

1.3. Khái quát về văn học trào phúng, đối thoại trong thơ trào phúng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX và nhà thơ Nguyễn Khuyến

1.3.2. Cuộc đời Nguyễn Khuyến và đối thoại trong thơ của ông

Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi. Ông sinh ra vào ngày 15/02/1835 (tức là ngày 18 tháng Giêng theo năm Ất Mùi) tại quê ngoại là làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam, ngày nay nằm trong huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê hương của nhà thơ là ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ, hiện nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến, con trai của cụ Nguyễn Tông Khởi và bà Trần Thị Thoan, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho nghèo. Nguyễn Khuyến sớm ý thức được tầm quan trọng của việc học và đã nghiêm túc theo đuổi con đường khoa cử. Cả hai bên gia đình của ông đều có truyền thống khoa bảng. Cha ông đã đỗ tú tài ba lần, trong khi mẹ ông, nguyên là con của Trần Công Trạc, cũng đã đỗ tú tài thời kỳ Lê-Mạc.

Nguyễn Khuyến học cùng cha từ nhỏ đến năm 8 tuổi, sau đó ông cùng gia đình chuyển về quê cha ở Bình Lục để sinh sống. Thuở nhỏ, ai cũng biết Nguyễn Khuyến là người hiếu học và có tư chấ thông minh. Năm 1864, ông đỗ đầu cử nhân. Ông trượt kỳ thi Hội vào năm sau, tức 1865, và quyết định ở lại kinh đô để theo học trường Quốc Tử Giám, sau đó ông tự đổi tên thành Nguyễn Khuyến, tượng trưng cho sự quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa.

Đến năm 1871, ông mới thi đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên. Danh xưng Tam Nguyên Yên Đổ cũng chính thức được bắt đầu từ thời điểm này.

Nguyễn Khuyến được bổ nhiệm làm Đốc học vào năm 1873, sau đó thăng cấp lên làm Án sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, nhà thơ được thăng chức Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vào năm sau, ông bị giáng chức và được điều về Huế, nắm giữ một chức quan nhỏ tại Quốc Sử Quán với nhiệm vụ chăm sóc và quản lý hồ sơ lịch sử quốc gia. Năm 1884, sau khi thành Tây Sơn thất thủ, triều đình Huế và thực dân Pháp mời ông ra làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), Nguyễn Khuyến đã kiên quyết từ chối. Lấy cớ bị mắt đau nặng, ông rời bỏ chức quan và trở về quê Yên Đổ, vì vào thời điểm đó, làm quan đồng nghĩa với việc phục vụ cho triều đình phản động và quân xâm lược. Hành động này là cách thể hiện dứt khoát chính kiến của ông trước con đường bán nước mà nhiều kẻ đứng đầu triều đình đã lựa chọn, đồng thời cũng tạo ra bước ngoặt trong cảm hứng sáng tác của Nguyễn Khuyến.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một vị quan trong sạch, liêm khiết.

Không như những kẻ làm quan thời bấy giờ, ông được người đời ca tụng là người rất có phẩm hạnh trong sáng và vô cùng chính trực. Có rất nhiều giai thoại được truyền tụng kể về đời sống và những gắn bó của ông với nhân dân.

Ra làm quan trong thời kỳ loạn lạc, nước mất, nhà tan, Nguyễn Khuyến hơn ai hết thấm thía nỗi đau xót của một người yêu nước và giàu lòng tự tôn dân tộc. Cũng trong giai đoạn lịch sử này, triều đại nhà Nguyễn đang trải qua giai đoạn suy tàn. Cơ ngơi của nhà Nguyễn đứng trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn, do đó giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.

Ở giai đoạn này, thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ và vào năm 1882, quân đội Pháp đã bắt đầu tiến công vào Hà Nội. Năm 1885, thực dân Pháp một lần nữa tiến công vào kinh thành Huế, dẫn đến sự sụp đổ của triều đình nhà Nguyễn. Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi người dân cùng đứng lên đấu tranh. Phong trào này được nhân dân ủng hộ ở khắp nơi. Tuy nhiên, giống như những phong trào mang tính tự phát khác, cuối cùng Phong trào Cần Vương cũng tan rã. Trong bối cảnh này, Nguyễn Khuyến sống trong sự bất lực khi các phong trào đấu tranh chống thực

dân Pháp lần lượt nổi lên rồi thất bại. Có lẽ vì lý do này, Nguyễn Khuyến luôn cảm thấy bất lực vì không thể thay đổi được thời cuộc nên ông đã xin cáo quan về ở ẩn.

Tam Nguyên Yên Đổ không chỉ là một người mang tinh thần dân tộc to lớn mà ông còn được coi là một biểu tượng tinh thần đáng kính trọng thời điểm đó, cái thời kỳ đất nước bị dày xéo, người dân phải chịu cảnh đói khổ, lầm than.

Mặc dù về ở ẩn nơi vùng quê tĩnh lặng, Nguyễn Khuyến vẫn luôn giữ được tinh thần và phẩm chất của một nhà nho yêu nước chân chính và luôn đồng lòng với nhân dân.

Là một nhà nho yêu nước, Nguyễn Khuyến đau đớn xót xa trước cuộc sống đói nghèo lam lũ của nhân dân, nhưng ông càng xót xa hơn khi chứng kiến cảnh đất nước đang ngày càng rơi vào vòng nô lệ, những giá trị truyền thống dần bị rơi vào quên lãng:

"Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười, Sự đời đến thế, thế thời thôi!

Rừng xanh núi đỏ hơn nghìn dặm, Nước độc ma thiêng mấy vạn người.

Khoét rỗng ruột gan trời đất cả, Phá tung phên giậu hạ di rồi.

Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ, Mây trắng về đâu nước chảy xuôi."

(Bài thơ Hoài cổ)

Nguyễn Khuyến đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, có thể kể đến như: "Yên Đổ thi tập", "Quế Sơn thi tập" "Bách Liêu thi văn tập". Bên cạnh đó là những bài văn tế, hát ả đào và nhiều câu đối truyền miệng.

Đặc biệt, với tác phẩm "Quế Sơn thi tập" bao gồm hơn 200 bài thơ được viết bằng chữ Hán và hơn 100 bài thơ được viết bằng chữ Nôm với nhiều thể

loại khác nhau đã khẳng định vị trí quan trọng của Nguyễn Khuyến trong nền văn học Việt Nam.

So với những nhà thơ Nôm thời kỳ đó, Nguyễn Khuyến nổi bật như một hiện tượng độc đáo, Thơ ông kết hợp cả thể loại thơ trào phúng và thơ trữ tình một cách khéo léo. Các tác phẩm thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện sâu sắc triết lý Đông phương và tư tưởng Lão Trang. Có thể nói rằng cả thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến đều đạt được sự thành công đáng kể.

Các sáng tác của ông luôn tạo nên sự xúc động và suy tư cho nhiều thế hệ độc giả, bởi chúng mang trong mình những nỗi lo âu sâu thẳm, cùng với nước mắt và nụ cười, là biểu hiện của nỗi lo lắng và khổ đau của một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Nhắc đến Nguyễn Khuyến, độc giả nghĩ ngay đến một tâm hồn đầy tình yêu và cảm xúc: Đầu tiên là tình yêu sâu đậm với cảnh sắc thiên nhiên của đất nước Việt Nam, tiếp theo là lòng thương cảm trước những đói khổ, lầm than của nhân dân, và còn có tình cảm đáng quý đối với gia đình, bạn bè làng xóm…

Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu như ta không nhắc đến tính đối thoại trong thơ ông: "Tính đối thoại được thể hiện trong thơ chữ Hán, chữ Nôm nói chung và trong thơ Nôm trào phúng nói riêng". Thơ Nôm của ông thường thể hiện tính nghệ thuật thông qua việc mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân, với sự trào phúng và châm biếm.

Có thể nói, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương là hai cây bút hàng đầu của dòng thơ Nôm trào phúng. Nhưng họ cũng đồng thời là những phong cách khác biệt, độc đáo. Nếu Tú Xương ghi dấu ấn riêng bởi những vần thơ trào phúng cay độc, bốp chát thì Nguyễn Khuyến ngược lại khiến người ta thích thú bởi một hồn thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thâm thuý. Thơ Nguyễn Khuyến đậm chất trào lộng, ông có thể chọc cười bất cứ đối tượng nào và ông đã thực sự bộc lộ được tài năng trào phúng bậc thầy của mình. Phải thừa nhận rằng: đối tượng trào phúng trong thơ Yên Đổ hết sức phong phú, đa dạng: từ bọn tham quan chuyên vơ vét cho đầy túi tham đến những kẻ rởm đời hãnh tiến nhố nhăng…

Ông cười cái kệch cỡm bi hài của nền Hán học cuối chiều, cười cả Vua, cả Tây và cười cả chính mình… Đối tượng trào phúng đa dạng phong phú đã khiến cho tiếng cười trong thơ Yên Đổ mang những sắc thái khác nhau. Nhưng thú vị hơn là Nguyễn Khuyến đã mượn tiếng cười làm phương tiện để cất lên những câu hỏi sắc bén, những chất vấn sâu cay với cuộc đời. Trong cái không khí hỗn loạn của thời đại, Nguyễn Khuyến đã lựa chọn mảng đề tài quen thuộc: Nỗi trăn trở trước những đổi thay ghê gớm của dân tộc dưới chế độ thực dân phong kiến.

Đây không phải là đề tài mới vì đó cũng là mảng hiện thực mà các nhà thơ đương thời: Nguyễn Thiện Kế, Học Lạc, Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương…

lựa chọn. Tuy nhiên, Nguyễn Khuyến đã khẳng định được vị trí không thể thay thế của mình. Qua mỗi bài thơ trào phúng, Nguyễn Khuyến đều gửi gắm vào đó tiếng nói đối thoại với những "người đương thời" và cả các "tiền nhân" - họ là những nhà văn, nghệ sĩ, triết gia…mà nhiều tác gải khác đã từng đề cập đến ở những phương diện khác nhau của các đề tài quen thuộc đó. Tuy nhiên, còn một phương diện xã hội mà không phải ai cũng dám đề cập đến ngoài Nguyễn Khuyến – đó là những vấn đề ít nhiều mang tính "cấm kỵ" so với truyền thống văn chương Việt Nam, và chắc hẳn chưa phải đã dễ chấp nhận với cả đời sống văn học đương thời: loạn luân, tình dục, cải cách xã hội… Trong rất nhiều tác phẩm của mình, nhà thơ đã trở đi trở lại với những câu hỏi xoáy sâu vào những thói hư tật xấu lố lăng kệch cỡm trong đời sống xã hội. Dù người đời thường né tránh, vì nó quá "nhạy cảm" nhưng Nguyễn Khuyến đã mạnh mẽ và quyết liệt lôi ra ánh sáng trong cuộc đối thoại – đó phải chăng cũng chính là cuộc "đấu khẩu" của Nguyễn Khuyến với thời đại của mình? Chính vì thế, thơ văn Nguyễn Khuyến thường trực những "câu hỏi ngược", tất cả đều liên quan trực tiếp đến những vấn đề lớn của thời đại mà ông đang sống, Đó cũng là những vấn đề lý tưởng, nhân sinh mà thế hệ nhà nho "cuối, lỡ" phải đối mặt trước với vận nước đang trên đà suy yếu. Những câu hỏi mang tính "đối thoại phản đề" này đã phản chiếu cuộc "độc thoại nội tâm" gay gắt, cuộc "tự đối thoại" đầy dằn vặt giằng xé, điều ấy hầu như chưa bao giờ thôi ám ảnh trong thơ ông. Tất cả những trăn trở

day dắt ấy là những lời đối thoại hướng về giang sơn xã tắc nhằm tìm kiếm câu trả lời với khát vọng thái bình mãnh liệt được ẩn giấu trong những mặc cảm giằng xé trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến.

Như vậy, việc lựa chọn đề tài và chủ đề trong thơ không chỉ thể hiện tâm tư và tình cảm tác giả trong quá trình sáng tạo, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức ngôn ngữ trong tác phẩm thơ trào phúng. Điều này góp phần hình thành các mối quan hệ giữa những bài thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến và các bài thơ trào phúng khác cùng đề tài và chủ đề. Chỉ khi ta phân tích một tác phẩm trong mối quan hệ của những tác phẩm khác, chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tính đối thoại trong thơ trào phúng.

Tiểu kết Chương 1

Văn học trào phúng được xem là một thể loại văn học đặc biệt ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử có những điểm riêng biệt. Sự ra đời của văn học trào phúng đánh dấu sự phát triển của một xã hội mới với nhiều biến động, ghi lại một cách trung thực những sự kiện nổi bật của một giai đoạn văn học. Vì vậy, văn học dân tộc nói chung và cụ thể là thơ Nôm trào phúng của Nguyễn Khuyến, đều mang những đặc trưng độc đáo về cả nội dung và phương diện nghệ thuật. Trong đó đối thoại trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến đóng vai trò quan trọng tạo nên giá trị độc đáo riêng và góp phần làm phong phú thêm cho sự phát triển của văn học dân tộc.

Thông qua Chương 1 có thể nhận thấy sự hình thành và phát triển của đối thoại trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX với những dấu hiệu cơ bản. Cùng với sự phát triển của nền văn học dân tộc, thơ Nôm trào phúng đóng một vài trò đặc biệt, đóng góp vào sự thay đổi của tư duy nghệ thuật trong văn học Việt Nam, chuyển dần từ quan niệm có tính truyền thống "văn dĩ tải đạo" hướng tới văn học "là tấm gương phản chiếu thời đại".

Ở Chương 1, chúng tôi đã đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu khái niệm về việc sử dụng đối thoại trong văn học, Chúng tôi đã chứng mình rằng đối thoại là một khía cạnh trong tiến trình phát triển của văn học, đặc biệt giai đoạn văn học

nửa cuối thế kỉ XIX - một giai đoạn có nhiều biến động trong đời sống xã hội.

Đây là điều kiện, là tiền đề để các nhà văn nhà thơ bộc lộ thái độ phản kháng của mình trước xã hội đương thời. Từ đó thúc đẩy và khơi gợi ở con người ý thức phấn đấu hướng tới một xã hội văn minh và tốt đẹp hơn. Với Nguyễn Khuyến, qua những tác phẩm thơ trào phúng đậm tính đối thoại của mình, nhà thơ đã nói lên tiếng nói thầm kín nhưng không kém phần quyết liệt của mình trước những bất công, ô trọc của thói đời đen bạc. Trong Chương 2, chúng tôi sẽ làm rõ hơn những biểu hiện cụ thể của đối thoại trong thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 32 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)