CHƯƠNG 3 THỂ THƠ, NGÔN NGỮ VÀ VAI TRÒ CỦA ĐỐI THOẠI
3.1.1. Thơ Nôm Đường luật và lợi thế trong đối thoại
Thơ Nôm Đường luật là sự tổng hòa giữa "yếu tố Nôm" (dân giã, giản dị, tự nhiên như lời ăn tiếng nói thường ngày của nhân dân) và "yếu tố Đường luật"
(trang trọng, hàm súc, trang nhã của thơ Đường). Sự hòa quyện của hai yếu tố này khiến cho thể thơ có một vẻ đẹp đặc trưng riêng và làm nổi bật giá trị của từng tác phẩm thơ Nôm Đường luật. Mỗi yếu tố mang giá trị biểu đạt, cảm xúc và thẩm mỹ riêng biệt, và mặc dù có sự kết hợp, chúng cũng tồn tại độc lập, có thể phân biệt để xác định cụ thể từng loại thơ.
Thể loại thơ Nôm Đường luật rất đa dạng và giàu có về nội dung, phản ánh một cách chân thực, toàn diện cuộc sống xã hội cũng như tình cảm con người qua một loạt các chủ đề bao gồm: thiên nhiên, chiến tranh, tình yêu và tình bạn...
Các nhà thơ ở thời kỳ trung đại đã áp dụng thể thơ này như một phương tiện rất hữu hiệu nhằm nói lên tiếng nói thầm kín của riêng mình và thời đại mình. Thơ Nôm Đường luật đặc biệt có lợi thế trong đối thoại, các nhà thơ trào phúng như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… hầu hết đều tập trung khai thác điểm mạnh của các vế đối, các kĩ thuật tạo vần và nhạc điệu, tạo nên sự bùng nổ của các hình ảnh trào phúng, tạo cơ sở làm bật lên tiếng cười để từ đó dễ dàng thể hiện tiếng nói đối thoại với chính mình và thời đại mình.
Đặc sắc đầu tiên của thơ Nôm Đường luật phải kế đến là sử dụng nghệ thuật đối. Với Nguyễn Khuyến, ông đã tận dụng một cách tối ưu các cấu trúc đối, vế đối của thể loại thơ này để thể hiện mâu thuẫn xung đột văn hoá xã hội một cách sâu sắc:
"Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng Nét son điểm rõ mặt văn khôi"
(Tiến sĩ giấy, II)
Bằng cách sử dụng các vế đối: "mảnh giấy" và "thân giáp bảng”; "nét son" và "mặt văn khôi", tác giả đã thể hiện sự độc đáo và phong cách tinh tế.
"Giáp bảng" được hiểu là bảng công bố kết quả thi cử ngày xưa hay còn gọi trang trọng là "bảng rồng", "thân giáp bảng" là người đỗ đạt cao nhưng thực ra có thể chỉ là một mảnh giấy. Thậm chí, chỉ một vài nét son cũng đủ để tạo lên hình ảnh "mặt văn khôi" - người đứng đầu làng văn. Bằng cách đặt những sự vật mang tính đối lập vào một cấu trúc song hành cho thấy rằng, việc tạo ra một ông tiến sĩ giả bằng giấy chả có gì khó khăn, từ đó gửi đến thông điệp ẩn chứa là: cái danh hiệu tiến sĩ trong thời kỳ cuối cùng của thời đại phong kiến và đầu thời đại thực dân ấy trở nên vô nghĩa như một trò cười. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh ông tiến sĩ giấy để phê phán những ông tiến sĩ thực tế ở thời đại đó, và tố cáo bản tính giả dối của họ bằng cách chỉ ra sự tương phản gay gắt giữa hình thức và nội dung, giữa cái hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài và cái trống rỗng vô nghĩa bên trong. Từ đó đặt ra lời phản tỉnh về sự tha hoá, xuống cấp của đạo học lúc bấy giờ.
Vẫn sử dụng những từ ngữ mang tính đối lập, trong "Bồ tiên thi" Nguyễn Khuyến đã phê phán quan huyện Thanh Liêm khéo giở trò, tên tri huyện mở một cuộc thi thơ và ra câu đề là Bồ tiên thi ngầm ý khoe khoang rằng ta đây là người biết thương dân, nhưng thực chất là một kẻ tàn ác:
"Nghênh ngang/ võng lọng/ nhờ/ ông sứ Ngọng nghẹo/ văn chương/ giở giọng Ngô"
(Bồ tiên thi)
Trong bài "Lấy Tây", một lần nữa cụ Tam Nguyên Yên Đổ lại sử dụng phép đối tài nghệ trong thơ Đường luật để kín đáo thể hiện thái độ châm chọc, mỉa mai với bọn thực dân:
"Ba vuông/ phấp phới/ cờ/ bay dọc Một bức/ tung hoành/ váy/ xắn ngang"
(Lấy Tây)
Rất trào lộng khi đối quốc kỳ Pháp với chiếc váy của một cô gái Việt Nam, mang đậm phong cách riêng của một nhà nho thâm thuý. Bằng cách đó, Nguyễn Khuyến đã cất lên lời đối thoại sâu cay với thời đại nhố nhăng bát nháo khiến bất cứ ai cũng phải trăn trở, suy ngẫm.
Hầu hết những nhà thơ trào phúng nói chung và đặc biệt là Nguyễn Khuyến đều đã tận dụng triệt để nghệ thuật đối trong thơ Đường (đối thanh, đối ý, đối lời) để phơi bày hiện thục, bộc lộ tâm trạng và gửi gắm thông điệp đến người đọc.
Đáng chú ý tiếp theo là giọng điệu đa dạng, phong phú: Có giọng dân gian hóm hỉnh, bông đùa, có giọng trữ tình trầm tư, có giọng trào phúng thâm thuý sâu cay…Với Nguyễn Khuyến, ta nhận thấy thơ ông là sự hòa quyện của hầu hết những giọng điệu này. Khảo sát ở mảng thơ trào phúng, người đọc thấy rất rõ giọng trào phúng đặc sắc trong thơ Yên Đổ. Tiếng cười phê phán của Nguyễn Khuyến cũng có nhiều sắc độ: có tiếng cười nhẹ nhàng, nhân hậu với mục đích khuyên răn, có tiếng cười châm biếm với mục đích hạ bệ, phơi bày
những thói hư và tật xấu của xã hội. Đáng chú ý hơn cả là giọng điệu tự trào sảng khoái nhưng không kém phần xót xa, day dứt.
Có lúc, ông trách móc nhẹ nhàng, tỏ ý khuyên răn:
"Dấu nhà vừa thoát sừng trâu lỗ Phép nước xin chừa móng lợn đen Chỉ cốt túi mình cho thật chặt Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen"
(Tặng đốc học Hà Nam)
Nguyễn Khuyến khuyên người làm quan coi sóc việc học phải thực sự để tâm tới trách nhiệm với công việc của mình, phải giữ được sự trong sạch và liêm sỉ của bản thân, đừng để tiền tài danh vọng làm cho mờ mắt.
Có khi lật tẩy đối tượng bằng giọng mỉa mai thâm thuý nhằm cảnh tỉnh, đối thoại với thực tại như Tiến sĩ giấy, Hội Tây, Kiều bán mình…
"Cậy sức cây đu nhiều chị nhún Tham tiền cột mỡ lắm anh leo Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu"
(Hội Tây)
Hai câu cuối bài thơ này là ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng một cách triệt để các cấu trúc đối trong thơ Đường luật để tạo cuộc đối thoại. Ở đây, rõ ràng là nhà thơ đang đối thoại với ba đối tượng: 1. Thực dân Pháp - kẻ xâm lược đang dựng lên các trò mua vui để ru ngủ dân chúng thuộc địa quên đi thân phận nô lệ, khiến họ an phận không tham gia các phong trào yêu nước để chúng dễ bề cai trị;
2. Triều đình Huế nhu nhược làm tay sai cho kẻ thù; 3. Những người dân Việt tham gia các trò chơi hạ thấp nhân phẩm con người, lãng quên trách nhiệm với đất nước. Tính đối thoại của bài thơ rất rõ rệt và góp phần quan trọng làm nổi bật, sâu sắc hơn mục đích châm biếm, đả kích của bài thơ.
Có những tác phẩm sử dụng sự châm biếm, phê phán với giọng điệu phủ định, kiên quyết thể hiện tinh thần đả kích mạnh mẽ. Đó là những bài chĩa vào
bọn quan lại bán nước hại dân: Bồ tiên thi, Đĩ cầu Nôm... Ông phê phán bọn đĩ vợ bợm, chồng quan - những kẻ vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc bằng tiếng chửi trực diện:
"Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, bàn độc Khá khen thay làm đĩ có tông!
Suốt Nam Bắc, Đông Tây đều biết tiếng Đĩ mười phương chơi cho đủ chín
…Chém cha con đĩ cầu nhôm."
(Đĩ cầu Nôm)
Dễ dàng nhận thấy trong thể loại thơ trào phúng này của Nguyễn Khuyến, những giọng điệu đặc sắc riêng, nhưng ẩn chứa trong giọng điệu trào phúng ấy không chỉ là sự phê phán, châm biếm, đả kích mà còn là nỗi đau trước những hiện thực đáng buồn của đời sống, là tiếng nói đối thoại, chất vấn trước những đổi thay của dân tộc.