Đối thoại với con người và chế độ thực dân phong kiến

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 44 - 65)

CHƯƠNG 2 NỘI DUNG, GiỌNG ĐIỆU ĐỐI THOẠI TRONG THƠ NÔM TRÀO PHÚNG NGUYỄN KHUYẾN

2.1. Giọng châm biếm, đả kích, đối thoại trực diện trước hiện thực xã hội và con người đương thời

2.1.2. Đối thoại với con người và chế độ thực dân phong kiến

Khoảng từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, xã hội phong kiến Việt Nam lâm vào sự khủng hoảng trầm trọng, bộc lộ tất cả những khiếm khuyết của nó.

Chưa bao giờ đồng tiền có sức mạnh ghê gớm đến vậy, nó lộng hành và uy hiếp cuộc sống của con người. Với lợi thế của mình, đồng tiền đã làm đổi trắng thay đen, biến con người thành những kẻ táng tận lương tâm làm biết bao điều bạo ngược. Cả một xã hội bát nháo vì tiền, vua chúa quan lại mặc sức ăn chơi, trụy lạc. Mối quan tâm lớn nhất của chúng là vơ vét thật nhiều tiền và vì thế, chúng không từ thủ đoạn bóc lột dân lành; giai cấp thống trị bộc lộ rõ bản chất bạc nhược, chỉ vì tham sống sợ chết mà phản dân hại nước. Điều này tác động sâu sắc đến văn học và là cơ sở để những tác phẩm văn chương mang sức tố cáo ra đời. Nguyễn Khuyến sáng tác những bài thơ Nôm trào phúng để thể hiện rất rõ thái độ căm phẫn với những thế lực xấu xa trong xã hội đã tạo nên cái thể chế thực dân phong kiến đương thời.

Dưới cái nhìn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, chưa bao giờ lại có cảnh tượng nhố nhăng đáng xấu hổ như thế: bọn quan lại lố lăng, kệch cỡm, không từ một thủ đoạn bỉ ổi và đê tiện nào. Với lòng tham không đáy, chúng bằng mọi giá chỉ cốt vơ vét cho đầy túi tham, bất chấp tiếng khen chê của miệng đời. Nguyễn Khuyến đã thẳng thắn tố cáo, lật tẩy bộ mặt tham lam, bất chấp thủ đoạn của bọn quan lại phong kiến và bè lũ thực dân. của chúng, ông không ngần ngại chỉ rõ bản chất đê hèn ghê tởm của lũ cướp nước và bán nước. Điểm giống nhau ở chúng là đều chủ trương vơ vét của dân, chúng đã gây ra bao tội lớn với nhân dân và chắc chắn sẽ chịu tiếng nhuốc nhơ phỉ nhổ của người đời. Thẳng thắn công khai vạch trần bộ mặt gải dối của cái xã hội đang trên đà suy thoái, Nguyễn Khuyến đã hạ bệ sự tôn nghiêm của cái xã hội trong buổi đầu thực dân hoá.

Từng câu hỏi chất vấn của nhà thơ cũng là một lời cảnh báo tuy nhẹ nhàng nhưng thâm thuý sâu cay mà ông chĩa vào bọn người xấu xa, vô liêm sỉ đó.

Cũng qua những vần thơ trào phúng của mình, Nguyễn Khuyến muốn gửi đến thông điệp với con người rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng vì lợi danh mà quên đi danh dự tối thiểu mà con người cần có.

2.1.2.1. Đối thoại với kẻ thù và bọn vua quan bán nước

Với bản chất cương trực đáng quý của một nhà Nho yêu nước, Nguyễn Khuyến vô cùng căm giận và ghê tởm bọn bọn vua quan bán nước và lũ giặc ngoại xâm. Đã có rất nhiều tác phẩm ông viết để châm biếm phê phán bè lũ thực dân với giọng hạ bệ gay gắt, quyết liệt... Đó là những bài thơ ông nhằm vào bọn quan lại bán nước hại dân. Tầng lớp quan lại vốn là đối tượng quen thuộc với các nhà Nho, vì thế những thủ đoạn lươn lẹo của bọn chúng đều không qua khỏi mắt họ.

Bằng cảm quan đối thoại, Nguyễn Khuyến đã nhận thức rất rõ rằng ở thời kì này, quan lại bị tha hoá một cách thảm hại. Vì thế, đằng sau mỗi bài thơ trào phúng tưởng như chỉ là những tiếng cười mỉa mai ấy là những câu hỏi sâu cay được đặt ra đối với từng "ông quan" đang trên đường tha hóa.

"Cướp của đánh người quân tệ nhỉ, Thân già da cóc có đau không?"

(Hỏi thăm quan Tuần mất cướp)

Tình huống mỉa mai "quan tuần mất cướp" đã cho thấy sự bất lực, đáng thương và đáng cười của ông quan này. Khai thác "tai nạn" bất thường, vô lí xảy ra với một ông quan tỉnh, Nguyễn Khuyến có dịp chê cười những ông quan xấu tương tự – vừa giàu có kếch sù vừa keo kiệt, bủn xỉn; làm quan nhiều quyền lực nhưng đến cái thân mình cũng không đảm bảo được an toàn.

Lại có lần ông chế giễu trực tiếp Đốc học Hà Nam qua những câu hỏi sâu cay, thâm thuý:

"Ai bảo ông dại với ông điên

Ông dại sao ông biết lấy tiền

Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp

Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên"

Đọc thơ Nôm trào phúng Nguyễn Khuyến, độc giả cảm nhận rất rõ nỗi buồn thời thế: cái nhố nhăng của xã hội, cái dốt nát vô sỉ của bè lũ quan lại làm tay sai cho giặc và bọn thực dân xâm lược. Tiếng cười trong thơ ông trở thành thứ vũ khí lợi hại quất thẳng vào chế độ phong kiến đang trên đà băng hoại:

"Tiên là ý chú muốn vòi xu Từ vàng sao chẳng từ luôn bạc?

Không khéo mà roi nó phết cho!"

(Bồ tiên thi)

Nguyễn Khuyến còn mỉa mai chất vấn đốc học Hà Nam – một kẻ giả danh nhà Nho làm tay sai cho giặc mà sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của nhân dân:

"Bổng lộc như ông không mấy nhỉ Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây"

(Mừng đốc học Hà Nam)

Cả một xã hội bát nháo với những con người biến chất sống vì mình, người có tài thì không được trọng dụng, kẻ bất tài nhưng có địa vị, ô lọng thì được dung túng trở thành kẻ cầm quyền. Xã hội đảo điên khiến cho các giá trị trở nên hỗn loạn, điều này khiến nhà thơ phải đặt ra câu hỏi lớn:

"Nghĩ rằng ông dại với ông điên Điên dại sao ông biết lấy tiền?"

(Tặng đốc học Hà Nam)

Mỗi lời thơ là một câu hỏi gay gắt hướng vào những đối tượng cụ thể nhằm khẳng định và lật tẩy thói tham nhũng xấu xa của chúng, đồng thời cũng là lời đối thoại trực tiếp của ông với xã hội.

Vẫn bằng giọng điệu thâm thuý sâu cay đậm chất Nho gia, ông đã vạch mặt chỉ tên đối tượng dù chỉ bằng cách nói có vẻ mềm mỏng từ tốn, lấp lửng, nhưng ngẫm kĩ thì thật đau:

"Cướp của đánh người quân tệ nhỉ, Thân già da cóc có đau không?"

(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)

Tỏ ra quan tâm bằng những lời hỏi thăm, lo lắng, nhưng bằng việc sử dụng những cụm từ: Tệ nhỉ, thành ngữ thân già da cóc…lại đầy mỉa mai châm chọc. Dưới hình thức lời hỏi thăm nhưng không dùng với mục đích cần câu trả

lời từ người được hỏi, Nguyến Khuyến trên cơ sở đó đã bộc lộ rất rõ cái nhìn khinh miệt của mình với tên quan tuần bệ rạc kệch cỡm kia.

Nhưng cần hiểu rõ một điều rằng: Nét độc đáo nhất trong tiếng cười trào phúng của nhà thơ Nguyễn Khuyến là sự tâm huyết, cười mà đau đớn, cười ra nước mắt. Mới nghe thì tưởng nhẹ nhàng nhưng bất cứ ai khi đã hiểu đều thấy rằng đằng sau tiếng cười ấy là nỗi chua cay cứ thấm dần, thấm dần khiến người ta thấy ê chề, nhục nhã. Từ đây, tiếng cười không phải là công cụ giải trí mua vui nữa mà là thứ vũ khí sắc bén để phê phán, tố cáo những bất công ngang trái của xã hội xấu xa đen bạc. Với nhà thơ Nguyễn Khuyến, đối tượng cần lên án trước hết chính là bè lũ quan, lại kẻ ăn trên ngồi trốc của chế độ thực dân nửa phong kiến, chúng quả là những kẻ không vô liêm sỉ:

"Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông, Nó lại lôi ông đến giữa đồng.

Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ!

Xương già da cóc có đau không?

Bây giờ trót đã sầy da trán, Ngày trước đi đâu mất mảy lông.

Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa,

Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!"

(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)

Sử dụng hình thức là những lời thăm hỏi rất đỗi quan tâm, thân tình với một vị quan tuần, hắn vừa bị mất cướp lại vừa bị kẻ cướp đánh cho, Nguyễn Khuyến đã hóm hỉnh đến mức khiến tất cả chúng ta bật cười sảng khoái bởi chính giọng điệu "tử tế" ấy. Thực ra, "hỏi thăm" chỉ là cho phải phép, đằng sau đó là sự mỉa mai, nhà thơ đã vi phạm phép lịch sự ở chỗ đã hỏi những điều mà lẽ ra theo phép lịch sự thông thường thì nên tránh hỏi han. hoặc nếu có hỏi thì phải hỏi sao cho tế nhị. Đằng này ông lại hỏi thẳng, hỏi to, hỏi như muốn để cho cả thiên hạ biết chứ tuyệt nhiên đó không phải là sự chia sẻ. Sự đối thoại ở đây mang tính đại chúng, đối thoại với cả xã hội bằng những câu hỏi. Từng lời thơ

khác nào những mũi tên sắc nhọn cứ xoáy vào, cứ chà xát mãi vào một vết thương, vết thương ấy vì thế mà càng đau, càng xót, càng tê tái. Có vẻ như lúc đầu nhà thơ còn tỏ vẻ ỡm ờ, chế giễu nhẹ nhàng nhưng rồi càng về sau thì thể hiện rất rõ thái độ đả kích thật sự. Thì ra, ông quan "đáng kính" ấy hoá ra chẳng hơn gì một thứ đồ dùng rẻ mạt làm trò mua vui để cho bọn cướp mặc sức phỉ báng, hơn thế lại còn bị chúng làm cho tơi tả, "sầy da tróc trán", đau xót biết bao! Bằng giọng điệu đồng cảm, nhà thơ còn hạ cố thông cảm vì tuổi già của tên quan, nhưng rồi phía sau những lời hỏi han quan tâm đáng cảnh giác ấy, Nguyễn Khuyến đã thốt ra lời khuyên thật bất ngờ: "thôi cũng đừng nên ki cóp nữa".

Nghe thật tử tế làm sao! Cảm nhận đúng tinh thần của bài thơ, người đọc hiểu rõ tác giả hỏi han chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phơi bày cho tất cả mọi người thấy sự "xui xẻo" của tên quan để họ mặc sức bông đùa thoải mái qua hình thức đối thoại. Rồi sau đó, chốt lại là thái độ châm biếm, lên án, đả kích gay gắt của thi nhân về cái thói tham lam, keo kiệt, bủn xỉn của cả một hệ thống quan lại ô trọc thời bấy giờ. Đồng tình với quan điểm của người xưa "ki cóp cọp ăn", Nguyễn Khuyến đã mang đến cho ta cái nhìn toàn diện sâu sắc và đầy tỉnh táo về bộ mặt thật đáng khinh bỉ của bọn quan lại đục khoét đương thời, chúng là những "nạn nhân" bị cướp thứ tài sản mà chúng đã đi cướp! Có thể nói, bằng khát vọng cải tạo xã hội, Nguyễn Khuyến đã không ngần ngại dùng một bộ phận rất lớn trong sự nghiệp thơ văn của mình để vạch trần, tố cáo, đả kích những viên quan tham lam, những ông nghè dốt nát – những kẻ coi thường sứ mệnh phụng sự nhân dân, ngược lại chỉ chăm chăm vơ vét hoặc đua đòi danh phận.

Với lời chất vấn nhẹ nhàng thâm thuý nhưng hết sức mỉa mai giễu cợt, Tam Nguyên Yên Đổ đã thẳng tay lột tẩy bộ mặt đáng khinh, đáng ghê tởm của những kẻ chuyên đục khoét của dân. Chúng bán rẻ danh dự của bản thân, bất chấp danh dự làm tay sai cho giặc để được hưởng sự nhàn hạ sung sướng.

Biệt tài của Nguyễn Khuyến là đã sử dụng ngôn từ tinh tế, lối diễn đạt hài hước, châm biếm và sâu sắc cùng những câu hỏi mang tính đối thoại, phản tỉnh sâu cay để chỉ trích những hành động bất chính của bọn quan lại và những kẻ

thù đối với dân tộc ta. Mỗi bài thơ ẩn chứa một câu hỏi lớn thâm thuý sâu cay mà ông dành cho thời đại mình nhằm chỉ ra những ung nhọt của nó khiến độc giả thêm ghê tởm và căm phẫn.

2.1.2.2. Đối thoại với thể chế mới do kẻ thù dựng lên:

Nguyễn Khuyến đã hoàn toàn mất niềm tin vào thể chế nhà nước phong kiến, ông khinh thường những tên tham quan coi thường hạnh phúc và tính mạng của nhân dân. Bằng ngòi bút trào phúng đặc sắc của mình, ông chỉ rõ bộ mặt giả dối của chúng, tố cáo những trò rẻ tiền mị dân; trong mắt nhà thơ, chúng là những tên hề đã đánh mất liêm sỉ không hơn không kém. Nguyễn Khuyến sử dụng tiếng cười mỉa mai kín đáo đồng thời cũng là câu hỏi sâu cay nhằm chất vấn xã hội: "Đời trước làm quan cũng thế a?" (Kiều bán mình). Câu hỏi tưởng như bâng quơ ấy chứa đựng bao nỗi chua chát bất lực trước nhân tình thế thái.

Thật tài tình, bằng nhãn quan phân tích thực tại, ông đã phản ánh những hiện tượng xấu xa, tiêu cực đang tồn tại trong đời sống một cách công khai. Nếu thơ Hồ Xuân Hương là cái cười vỗ mặt thì thơ Nguyễn Khuyến là sự phê phán một cách sắc sảo và thâm thuý kiểu nhà nho. Nhưng ngay trong tiếng cười phê phán của Nguyễn Khuyến cũng có nhiều sắc độ: Có tiếng cười nhẹ nhàng với thái độ nhân hậu, khoan dung, khuyên răn. Lại có cái cười châm biếm với ý thức phủ định, lật tẩy và muốn triệt tiêu những thói tật xấu xa. Trong bài Tặng đốc học Hà Nam, ông viết:

"Dấu nhà vừa thoát sừng trâu lỗ, Phép nước xin chừa móng lợn đen.

Chỉ cốt túi mình cho chật nặng, Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen."

Ông khuyên người làm quan coi sóc việc học phải thực sự để tâm tới trách nhiệm với công việc của mình, đừng có chạy theo tiền tài danh vọng mà đánh mất danh dự và liêm sỉ của bản thân. Ông hạ bệ châm chích bọn quan lại, ông mỉa mai lên án kẻ thù xâm lược….Từ quan tới giặc đều bịp bợm xảo trá, chúng bắt tay với nhau dựng lên những trò hề lố lăng để chế nhạo, làm nhục đồng bào,

coi đó là cách để mua vui cho chúng. Thật trớ trêu khi khoa bảng không còn là nơi để vinh danh người mà là phương tiện, là công cụ để phục vụ lợi ích của thực dân. Hình ảnh những anh đồ bệ rạc (Chế ông đồ Cự Lộc, Thầy đồ ve gái goá…) và cả bọn quan tham ăn trên ngồi trốc làm tay sai cho thực dân và tên vua bù nhìn (Kiều bán mình). Trong mắt nhà thơ, chúng là những tên hề trên cái sân khấu cuộc đời kệch cỡm mà bọn thực dân đã dựng lên.

Nguyễn Khuyến cũng nhận thấy rất rõ sự chi phối đáng sợ của đồng tiền với đời sống con người. Đồng tiền làm cho họ tha hoá, sẵn sàng bán rẻ danh dự, phẩm giá của bản thân, mặc kệ mọi tiếng khen chê ở đời. Những kẻ có học như ông Đốc hay anh tiến sĩ cũng chỉ là con rối trong xã hội mà đồng tiền chiếm vị trí độc tôn. Đối diện với sự thực ấy, nhà thơ chỉ còn biết ngậm ngùi đau xót:

"Sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già."

(Ngày xuân dặn các con)

Chứng kiến cảnh tượng đất nước đổi thay, những nét đẹp văn hoá Việt bị chà đạp, vùng vẫy trong vòng xoáy luẩn quẩn của các yếu tố ngoại lai, Nguyễn Khuyến không khỏi xót xa căm phẫn. Ông bất lực bế tắc khi nhận thấy sự mai một của những giá trị văn hoá truyền thống, tất cả đang dần mất đi, thay vào đó là những nhố nhăng hỗn độn của thể chế mới. Ông cất lên lời tự vấn chính mình một cách đầy đau xót và buông lời chất vấn sâu cay với chế độ thực dân phong kiến. Qua đó, ta thấy rõ một nhân cách đáng trọng- cao khiết thanh sạch, hết lòng vì nước vì dân.

2.1.2.3. Đối thoại với những thay đổi, xuống cấp của khoa cử, Nho học Nguyễn Khuyến là một nhà Nho chân chính, đồng thời cũng là một nhà thơ lớn. Tư tưởng của ông thấm nhuần đạo đức Nho gia. Với ông, học hành đỗ đạt là để "thờ vua giúp nước", thực hiện nghĩa vụ của kẻ sĩ trung thành với vua và giúp íc cho đời. Vì thế, Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một vị quan một đời thanh bạch thích lánh đục về trong. Làm kẻ sĩ trong cảnh ngộ nhân dân lầm than, đất nước đang từng bước rơi vào tay giặc, những ngọn lửa đấu tranh lần lượt bị

dập tắt … ông xiết bao day dứt trăn trở, day dứt trước sự xuống cấp của nền Nho học. Xã hội phong kiến đang trên đà suy vi, những kì thi tuyển chọn người tài như những tia nắng cuối ngày khiến một người chính trực như ông vô cùng đau xót. Ông viết về Tiến sĩ giấy nhưng thực chất là để cất tiếng chửi với những tiến sĩ thật, đỗ đạt trong thời kỳ vong quốc. Chúng là tiến sĩ thật nhưng đầu óc rỗng tếch, áo quần, mũ mão không tương xứng với tài năng, giống như hình nộm tiến sĩ giấy:

"Mày râu mặt đó chừng bao tuổi, Giấy má nhà bay đáng mấy xu?"

Câu hỏi quặn xoáy vào lương tâm của kẻ sĩ khi chứng kiến hiện thực xuống cấp trầm trọng của nền Nho học, điều này đã khiến ông không ít lần ngậm ngùi chua chát và buộc phải thốt lên:

"Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt, Ngước nhìn sông núi những buồn đau."

Nguyễn Khuyến thường sử dụng những lời hỏi của mình như một phương tiện để đối thoại, để bộc lộ sự mỉa mai với chế độ xã hội. Dễ dàng nhận thấy đằng sau những tiếng cười mát, chửi mát, u mua… là những làn roi quất mạnh, những câu hỏi xoáy, những chất vấn đối thoại nảy lửa dành cho xã hội thực dân phong kiến đang trên đà suy vi.

Nguyễn Khuyến đã mượn hình thức đối thoại với chính mình để bày tỏ nỗi đau vì sự bất lực, bế tắc. Hơn ai hết, ông nhận thấy rất rõ mình không thể làm gì có ích cho đời, không có khả năng xoay chuyển thời cuộc, nên đã từ quan về nơi thôn dã, ông chọn vườn Bùi, xã Yên Đổ làm nơi lánh đục về trong. Dù vậy, với lòng yêu nước thương dân và khát vọng của kẻ sĩ, ông vẫn thấy trong lòng áy náy vì chưa thể mang tài hèn sức mọn để được phò tá minh quân:

"Ơn vua chửa chút báo đền,

Cúi trông hổ đất, ngẩng lên thẹn trời."

Một phần của tài liệu Đối thoại trong thơ nôm trào phúng của nguyễn khuyến (Trang 44 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)