Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI VÀ KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TÀY
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.2. Lí thuyết nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá
Có nhiều định nghĩa khác nhau về “văn hóa”, tùy theo mục đích nghiên cứu mà có những cách hiểu khách nhau; chúng tôi khảo sát và thu thập được những khái niệm như sau:
Năm 1970, F.Mayor - tổng Giám đốc UNESCO nêu định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất, cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và văn hóa” [8; tr 14].
Ở Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh khi được tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mac-Lênin, Người đã nêu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá...” [25; tr. 4].
Hữu Ngọc lại quan niệm: “Văn hóa là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (kí hiệu) chi phối tư duy, cách ứng xử (người với thiên nhiên, người với người) và các mối quan hệ trong cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng” [17; tr. 6]. Trong khái niệm này, Hữu Ngọc nhấn mạnh mối quan hệ ứng xử giữa con người với cộng đồng, mỗi cộng đồng có một đặc thù văn hóa riêng, cần phải được tôn trọng như nhau.
Đến năm 2002, UNESCO đưa ra nhận định: “Văn hóa nên được coi là một tập hợp của những đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và nó bao gồm, ngoài văn học và nghệ thuật, cả lối sống, cách sống cùng nhau, hệ thống giá trị, truyền thống và niềm tin” [10, tr 9].
Từ một số khái niệm kể trên, có thể nhận thấy, văn hoá là một phạm trù rất rộng. Tùy theo từng hoàn cảnh, nội dung cụ thể, sẽ có một cách hiểu khác nhau về văn hóa. Những quan niệm về văn hóa như trên đều rất quan trọng, là cơ sở đáng tin cậy cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.
1.2.2.2. Lý thuyết nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa
Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, ở Việt Nam và thế giới, việc tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hoá là cách tiếp cận khá phổ biến. Trên thế giới, Mikhail Bakhtin là một trong những người khởi xướng xu hướng tiếp cận văn học bằng phương pháp văn hóa học. Theo Mikhail Bakhtin, “khoa
nghiên cứu văn học cần phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài bối cảnh nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách rời nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được, như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội - kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội - kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung, và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động tới văn học” [8; tr 234].
Trong công trình Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nguyễn Văn Dân cho rằng: “Trong trường hợp của phương pháp văn hóa học áp dụng cho nghiên cứu văn học, có lẽ nói một cách biện chứng hơn thì phải là: Trong khi tiếp cận văn học từ nhiều hướng, ta có thể đặt hiện tượng văn học vào môi trường văn hóa để lý giải và đánh giá giá trị lịch sử của hiện tượng văn học đó. Và điều quan trọng là phải xác định được chính xác các mối liên hệ giữa hiện tượng văn học đó với các tư tưởng và motif văn hóa cụ thể” [6; tr 252].
Theo Trần Nho Thìn, "Phương pháp tiếp cận tác phẩm từ quan điểm văn hóa học ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm văn học đã ra đời, xác lập sự chi phối các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, luật pháp, thẩm mĩ, quan niệm về con người, cũng như sự chi phối các phương diện khác nhau trong đời sống sinh hoạt xã hội sống động hiện thực… Phương pháp này tuy có tính chất tổng hợp, trung gian giữa các phương pháp đọc văn bản khác nhau nhưng vẫn có đặc trưng riêng biệt.
Nó thiên về nhiệm vụ giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nền tảng văn hóa lịch sử của chúng, đồng thời cũng nhấn mạnh đến sự liên tục, đến tính chất mở của chúng trong không gian và thời gian" [6; tr.10].
Cũng theo Trần Nho Thìn thì, “Văn hóa là một hệ thống các phạm trù giá trị hình thành trong các mối quan hệ xác định của con người, những giá trị này hoặc là nội sinh hoặc là ngoại sinh. Chúng hình thành bằng hai con
đường, trước hết là được con người đúc kết thông qua hoạt động thực tiễn của chính mình, thứ hai là hình thành trong quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa” [6; tr 13].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, 1993 khẳng định: “Văn học nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của nền văn hoá dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân - thiện - mĩ”. Như vậy, có thể thấy, văn học phản ánh, biểu hiện văn hoá, là một bộ phận quan trọng của văn hoá; giữa văn hoá và văn học có mối quan hệ gắn bó mật thiết.
Đó vừa là cơ sở lí luận vừa là cơ sở thực tiễn về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học.
Về nội dung phản ánh của văn học, văn học phản ánh tiến trình văn hoá của nhân loại nói chung, trong đó con người và đời sống xã hội là đối tượng trung tâm. Đúng như tác giả Huỳnh Như Phương đã khẳng định: “Văn học là tấm gương của văn hoá” và “Trong tác phẩm văn học, ta tìm thấy hình ảnh của văn hoá qua sự tiếp nhận và tái hiện của nhà văn” [22, tr 20]. Ngoài ra, Nguyễn Duy Bắc cũng cho rằng: “Văn học phản ánh văn hoá, chính là phản ánh, biểu hiện con người mà thực chất là sự phản ánh văn hoá người, năng lực người kết tinh trong các hiện tượng đời sống” [1, tr 158].
Những nội dung thể hiện sự nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, về xã hội, đến quá trình tổ chức đời sống... đều là các vấn đề thuộc về văn hoá. Do đó, văn học đã trực tiếp phản ánh văn hóa.
Trong nghiên cứu khoa học hiện nay, cách tiếp cận liên ngành là xu hướng nghiên cứu đang được áp dụng. Nghiên cứu liên ngành đòi hỏi kiến thức ở nhiều lĩnh vực với cứ liệu của các chuyên ngành khác nhau. Văn học là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hoá là cách tiếp cận liên ngành giữa văn học và văn hoá học. Cụ thể, người
nghiên cứu tìm hiểu văn học từ hiểu biết về văn hoá, về lí thuyết và phương pháp của văn hoá học với sự vận dụng sáng tạo những kiến thức đa ngành.
Khi nói về chức năng của văn học trong sự vận động, phát triển của văn hóa, nhà văn Vũ Bằng đã khẳng định: “Một trong những vấn đề văn hoá phổ cập nhất, đồng thời cũng có tác dụng thâm nhập, tiêm nhiệm nhất, là văn học”
[4, 5] Do vậy, văn học có vai trò to lớn trong việc sáng tạo và phát triển văn hoá. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá là cách tiếp cận văn học cần thiết và có nhiều ý nghĩa. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá là một xu hướng nghiên cứu đang phát triển. Nó không chỉ là xu hướng đáp ứng nhu cầu về mặt phương pháp, kiến thức,… của nhiều người nghiên cứu hiện nay, mà còn là xu hướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá qua văn học của công chúng. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá đã góp phần khẳng định bản sắc văn hoá và sức sống mãnh liệt của văn hoá Việt Nam trong đời sống người Việt nói chung, trong văn học Việt Nam nói riêng. Đây cũng là xu hướng nghiên cứu tác động đến sự phát triển của cả văn hoá lẫn văn học.