Không gian nghệ thuật trong lượn slương

Một phần của tài liệu Lượn slương của người tày dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 91)

Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP LỜI THƠ NGHỆ THUẬT LƯỢN SLƯƠNG CỦA NGƯỜI TÀY DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ

3.2. Không gian, thời gian nghệ thuật

3.2.1. Không gian nghệ thuật trong lượn slương

Tình yêu thiên nhiên, yêu những phong cảnh đẹp là nét nổi bật trong tính cách của người Việt. Đối với người dân ở làng quê, trong đó có làng quê ở các tỉnh miền núi Đông Bắc của Việt Nam thì phong cảnh thiên nhiên đẹp là ở đó có núi, có sông, sơn thủy hài hòa, sông suối uốn lượn mềm mại. Cảnh đẹp của thiên nhiên, ngoài vẻ đẹp về hình ảnh, màu sắc thì còn ẩn chứa sự no ấm, yên vui, hạnh phúc của con người sống ở vùng quê đó. Thiên nhiên và con người giao hòa, gắn bó khăng khít. Trong thẩm mỹ của người đồng bào Tày cũng vậy, cái đẹp và cái có ích không tách rời nhau, mà sóng đôi, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Vì vậy, trong các bài lượn slương của người Tày, không gian thiên nhiên rất được chú trọng. Không gian đó xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng khi được đặt trong cuộc lượn, nó trở nên đẹp đẽ và có hồn.

Người Tày cư trú chủ yếu ở vùng Đông Bắc của tổ quốc, với địa hình chủ yếu là đồi, núi gập ghềnh, hệ thống sông, suối tương đối nhiều nên không gian nghệ thuật trong lượn slương chủ yếu là không gian thiên nhiên. Trong không gian đó, hình ảnh trăm hoa đua nở, lá cây xanh thắm bạt ngàn núi rừng được hiện lên rất rõ nét:

Chập căn liệu cảnh chổn chang kéo Lừa sluông oóc rập bển dài khao Mong dưm au lừa pây lỉn hội Lừa pây ná đẩy khỏ lừa tẻo.

Dịch:

- “Gặp nhau vãn cảnh chốn lưng đèo Cát trắng thuyền sluông ra đón theo

Mượn được thuyền rồng đi trảy hội Khi đi đã khó, về khó chèo”.

[11, tr. 416]

Bên cạnh đó, không gian thiên nhiên của đèo, núi đồi, sông cũng được nhắc đến trong nhiều bài lượn slương:

Vằn nảy mà tổng sị chồm tổng Chầm mừa nam bắc khắp tây đông Khẩu nặm sinh thành đa bách cốc Thứ nhất mì kin đin bản cần.

Dịch:

Hôm nay qua đồng anh ngắm đồng Ngắm xem phong cảnh khắp tây đông Lúa má xanh tươi bội thu lớn

Sang giàu bậc nhất làng xa gần.

[11, tr. 422]

Có thể khẳng định, không gian thiên nhiên gần gũi, thân thuộc đã trở thành không gian nghệ thuật của lượn slương người Tày. Hình ảnh những con đèo, những cánh đồng, cỏ cây, hoa lá thường ngày khi được đưa vào các cuộc lượn lại trở nên đẹp đẽ, thơ mộng, say đắm lòng người.

3.2.1.2. Không gian sinh hoạt

Cùng là hát đối đáp nhưng không gian diễn xướng ở mỗi dân tộc lại có những nét khác nhau. Ở người Tày có các hình thức lượn trong nhà, lượn ngoài đường, lượn lễ hội. Trong đó, các loại lượn lễ hội, lượn trong nhà phổ biến hơn so với lượn ngoài đường. Tương ứng với các hình thức lượn ấy là các loại không gian khác nhau. Lượn ngoài đường là những cuộc hát mang tính chất tự do, ngẫu hứng, diễn ra trong những dịp gặp nhau không hẹn trước, có không gian là những địa điểm mang tính chất tự nhiên như: quang cảnh hội xuân, bên lề phiên chợ, trên các gò đồi, ven suối, đường lên nương,

về bản… giống trong diễn xướng sli của người Nùng. Khi đó, họ sẽ dùng phuối pác, phuối rọi - lối nói có vần điệu, mang tính hồn nhiên, dân dã cao để trao đổi tình cảm. Lượn lễ hội là hình thức cuộc hát được tổ chức tại không gian lễ hội như lễ hội lồng tồng, lễ hội Nàng Hai, với thời gian là sau phần lễ.

Cuộc lượn có thể kéo dài từ ngày đến đêm tối, song khi đêm tối, không gian của cuộc lượn thường được chuyển vào trong nhà. Lượn trong nhà là cuộc lượn có tính tổ chức cao với lề lối, quy củ khá rõ ràng.

Dân ca bắt nguồn từ đời sống, phản ánh chính đời sống đó. Lượn slương cũng vậy. Không gian nghệ thuật mà bài hát phản ánh cũng chính là không gian diễn xướng. Nếu như những bài lượn slương dùng để hát ngoài đường có không gian nghệ thuật chủ yếu là không gian thiên nhiên thì những bài hát trong nhà và hát ở lễ hội lại chủ yếu là không gian sinh hoạt của đồng bào Tày những dịp lễ hội của bản làng hoặc khi có sự gặp gỡ giữa chủ và khách, như:

lễ cưới, lẩu then, mừng nhà mới, khách lạ đến chơi.

Khửn rườn chồm rườn quảng thậm vui Tính cửa đàn bầu đọng mọi nơi

Tính cửa đàn bầu thêm vui thú

Chà chuyên mjầu lọc oóc khuyên mời.

Dịch:

- “Lên nhà trúng nhà rộng vui thay Dàn nhị réo rắt ở đâu đây

Đàn nhị, đàn bầu càng vui thú Trà chuyên trầu đẹp ra mời ngay”.

[11, tr.451]

Khửn rườn xo nắng tắng nghỉ ngơi Mjầu lọc câu van tọc oóc mời Mjầu lọc câu van tọc oóc đại Bàn cờ thanh cảnh cần vui chơi.

Dịch:

- Lên nhà xin ngồi ghế nghỉ ngơi Trầu tươi cau ngọt dọn ra mời Trầu tươi cau ngọt dọn ra đãi Bàn cờ bày sẵn đợi người chơi.

[11, tr.451]

Không gian sinh hoạt của lượn slương là không gian gần gũi, quen thuộc, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa của người Tày. Đó là không gian bếp lửa ấm cúng trong nhà sàn hoặc là không gian lễ hội khi mùa xuân đến.

Tất cả đều soi chiếu cho văn hóa của người Tày: coi trọng trữ tình, ấm áp tình yêu thương, đoàn kết quây quần bên nhau. Như vậy, không gian nghệ thuật trong lượn slương thể hiện rất đặc sắc qua không gian thiên nhiên và không gian sinh hoạt.

Một phần của tài liệu Lượn slương của người tày dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)