Diện mạo kho tàng dân ca của người Tày

Một phần của tài liệu Lượn slương của người tày dưới góc nhìn văn hóa (Trang 31 - 34)

Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI VÀ KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TÀY

1.2. Khái quát về người Tày ở Việt Nam

1.2.5. Diện mạo kho tàng dân ca của người Tày

Do có chữ viết riêng và ngôn ngữ riêng nên Người Tày có nền văn hóa phát triển lâu đời. Vì thế, họ đã xây dựng được một nền văn nghệ nói chung, nền văn học dân gian nói riêng khá đồ sộ. Văn học dân gian người Tày gồm loại hình tự sự dân gian và trữ tình dân gian. Ở loại hình tự sự dân gian, các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn... đều là những thể loại có nhiều tác phẩm đặc sắc. Bên cạnh đó, nổi bật hơn cả là các tác phẩm thuộc loại hình trữ tình dân gian.

Loại hình trữ tình dân gian phản ánh được những đặc điểm gần gũi và sắc nét nhất đời sống vật chất và tinh thần của người Tày. Đó là những lời ca, tiếng hát được cất vang từ những mái nhà sàn thấp thoáng nấp sau các chân đồi, chân núi, từ cách đồng ruộng lúa xanh ngát, từ nương chè, đồi hồi mến thương...Nam nữ thanh niên người Tày đã hòa lời ca tiếng hát để gửi gắm tâm tư tình cảm với người mình yêu thương và thể hiện tấm lòng với quê hương, làng bản, đất nước. Loại hình trữ tình dân gian của người Tày có hai mảng, đó là dân ca nghi lễ và dân ca sinh hoạt. Then, mo, tào, pựt...là các thể loại của dân ca nghi lễ. Ngoài ra, trong quá trình lao động sản xuất, trong sinh hoạt giao tiếp, người Tày có rất nhiều thể loại dân ca trữ tình. Người Tày có rất nhiều các làn điệu dân ca như lượn, then, quan lang, hát ví, hát ru, hát đồng dao... Hát giao duyên của thanh niên nam nữ có lượn và cọi. Lượn là làn điệu được sử dụng thường xuyên dưới hình thức hát giao duyên nam nữ, được hát trong nhà vào những dịp lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới, khi có khách lạ dừng chân qua đêm ở bản. Lượn gồm: Lượn mời trầu, mời nước, mừng vào nhà mới, mừng hoa, mừng bản, mừng thuyền…Cọi có cọi cây đa, cọi đối đáp, cọi ví… Trong đám cưới có hát quan làng. Tất cả các thể loại của dân ca trữ tình đều tập trung phô diễn tình cảm, ca ngợi cuộc sống, lao động, ca ngợi tình yêu, đề cao tự do...

Người Tày cũng có vốn dân vũ rất phong phú. Các điệu múa tập thể phản ánh đời sống lao động như múa lấy nước, múa làm cỏ, múa trầu…

Như vậy, có thể khẳng định, kho tàng dân ca của người Tày là vô cùng phong phú và đa dạng, góp phần làm cho nền văn hóa của người Tày đậm đà bản sắc so với các dân tộc anh em trong dải đất hình chữ S của Việt Nam.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày một số vấn đề mang tính lý thuyết và thực tiễn có liên quan đến đề tài. Các vấn đề được trình bày gồm: Lí thuyết về văn hóa, nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa; khái niệm, cách phân loại ca dao, dân ca nói chung và ca dao, dân ca dân tộc thiểu số nói riêng. Việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận ở chương 1 chính là cơ sở để nghiên cứu đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật của lượn slương của người Tày dưới góc nhìn văn hóa ở các chương sau. Có thể thấy rằng, ca dao, dân ca là khái niệm dùng để chỉ những sáng tác trữ tình dân gian, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Nếu như ca dao là phần lời thơ dân gian cấu thành nên dân ca; thì dân ca chính là những sáng tác kết hợp phần lời ca dao và phần nhạc trong quá trình diễn xướng. Ca dao, dân ca chia làm ba nhóm: Ca dao, dân ca nghi lễ; ca dao, dân ca lao động; ca dao, dân ca trữ tình. Theo đó, lượn slương là một bộ phận thuộc nhóm dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày. Hòa mình vào mạch nguồn văn hóa dân gian của dân tộc, lượn slương của người Tày ẩn chứa những đặc sắc riêng, phản ánh đời sống tinh thần của những người Tày gắn với nghề nông và núi rừng. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp núi non hùng vĩ, với những đồi nương nhấp nhô và cánh đồng lúa bậc thang chính là không gian văn hóa tuyệt vời cho hoạt động diễn xướng lượn slương. Đó chính là giá trị văn hóa tiềm ẩn đằng sau những làn điệu lượn slương của người Tày.

Bên cạnh đó, chúng tôi khái quát chung về người Tày ở Việt Nam ở các phương diện như đặc điểm tự nhiên, đặc điểm dân cư và cư trú, đặc điểm văn hóa, diện mạo kho tàng dân ca nhằm chỉ ra đặc điểm vùng đất, bối cảnh lịch sử, văn hóa cho sự hình thành, phát triển và tồn tại của kho tàng dân ca. Từ bối cảnh đó, chúng tôi phác họa diện mạo của kho tàng dân ca của người Tày trên những nét lớn nhằm chuẩn bị cho sự phân tích đặc điểm nổi bật của lượn slương – một bộ phận đặc sắc của kho tàng này ở chương sau.

Chương 2

Một phần của tài liệu Lượn slương của người tày dưới góc nhìn văn hóa (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)