Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP LỜI THƠ NGHỆ THUẬT LƯỢN SLƯƠNG CỦA NGƯỜI TÀY DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ
3.2. Không gian, thời gian nghệ thuật
3.2.2. Thời gian nghệ thuật trong lượn slương
Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể cảm nhận được trong tác phẩm nghệ thuật với trường độ ngắn dài, nhịp điệu nhanh chậm và các chiều.
Thời gian nghệ thuật là một hình tượng nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của tác giả nhằm tạo ra cảm xúc thẩm mĩ cho người tiếp nhận.
Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học bởi văn học là nghệ thuật của thời gian. Theo D.X. Likhasop (Nhà thi pháp văn học Nga cổ):
“Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và thay đổi của thế giới trong các hình thức của thời gian xuyên xuốt toàn bộ văn học”. Bản thân thời gian chính là một đối tượng của sự cảm nhận, một chủ đề, đề tài của tác phẩm văn học.
Thời gian trong văn học không chỉ đơn giản là cái dung chứa các quá trình đời sống mà còn là một nhân tố độc lập tham gia vào hành động nghệ thuật, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật.
Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thế hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, kể xuôi hay ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại hay tương lai, có thể chọn độ dài khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
Khi khảo sát 731 bài lượn slương trong cuốn Lượn Tày, chúng tôi nhận thấy, thời gian nghệ thuật của lượn slương khác với thời gian nghệ thuật của các thể loại khác như thần thoại, truyền thuyết, sử thi. Thời gian trong thể loại truyện cổ tích là thời gian phiếm định quá khứ, thường kèm theo mootif “ngày xửa ngày xưa”. Thời gian trong truyền thuyết là thời gian quá khứ xác định.
Nhưng, thời gian của lượn slương là thời gian hiện tại, thời gian diễn ra cuộc diễn xướng, thời gian của hôm nay, bây giờ:
Hôm nay về đây trời tối rồi Khắp làng hỏi trọ mãi không thôi Chủ nhà thương tình mới cho trọ Giờ này chủ bản hỏi gì tôi?”
[11, tr.415]
Hôm nay qua ruộng anh mừng ruộng Mừng nam tới bắc ruộng mường ta Lúa gạo thu về đầy bồ vách
Có ăn bậc nhất châu huyện nhà [11, tr.422]
Hôm nay năm mới đến chơi xuân May cho được gặp hội tùng tùng Ngàn dặm tới đây tôi được dự Trên là mâm cỗ dưới hương xông
[11, tr.536]
Bây giờ còn cùng nhau trước mặt Ngày mai xa rồi cách trời mây
[11, tr.425]
Một dấu hiệu dễ nhận biết để xác định thời gian hiện tại trong lượn slương là ở các từ ngữ chỉ thời gian như: “hôm nay”, “bây giờ”, “năm nay”… Và, cái gọi là hôm nay, là bây giờ ấy, chính là thời gian của diễn xướng, chẳng hạn như khi diễn ra lễ hội của bản làng, khi có sự gặp gỡ giữa chủ nhà và khách như trong các lễ cưới, lẩu then, lễ mừng nhà mới, dịp khách lạ đến chơi.
Cách đặt thời gian hiện tại như vậy khiến cho thời gian nghệ thuật trong các bài lượn slương mang tính phiếm chỉ, phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng nhằm diễn đạt tình cảm, cảm xúc của người tham gia diễn xướng tại thời điểm diễn ra cuộc lượn. Cũng có thể gọi đây là thời gian tâm lý, thời gian này khác với thời gian vật lý, khách quan ở tự nhiên. Cách sử dụng từ ngữ chỉ thời gian như vậy sẽ rất phù hợp với sự thay đổi về tâm lý, các cung bậc cảm xúc của đối tượng diễn xướng trong cuộc lượn. Vì vậy, cũng có thể nói, thời gian là hiện tại nhưng mang tính ước lệ.
Lượn slương thường được diễn ra vào thời gian ban đêm, có lúc tới hai, ba ngày liền. Các cuộc lượn slương thường diễn ra và dịp tết đến, xuân về, dịp lễ hội lồng tồng (xuống đồng) và cả khi nông nhàn. Vì thế, thời gian ban đêm là thời gian thích hợp cho các đôi trai gái tâm tình, bày tỏ tình cảm.
Về đêm, cũng là lúc tâm trạng, cảm xúc của con người tĩnh lặng hơn. Lúc này, sau một ngày lao động miệt mài, hăng say, con người có thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn mọi việc, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến tình yêu đôi lứa.
- Mèng roọng xôi canh fạ chỏi rủng Slao thanh báo quỉ vẻ bồi hồi
Cừn vẳng nhằng tỉnh tua khảm khắc Vằn rủng xam xiết đuổi mèng xôi.
Dịch:
Ve kêu canh tàn trời rạng đông Trai thanh gái lịch vẻ bồi hồi
Đêm khuya sầu lòng vì khảm khắc Ban ngày dạ lòng tiếng ve kêu.
[11, tr. 433]
Như vậy, có thể khẳng định, thời gian nghệ thuật trong lượn slương của người Tày là thời gian hiện tại – thời gian diễn ra cuộc diễn xướng, thông thường được thể hiện qua các từ “hôm nay”, “bây giờ”. Bên cạnh đó, một điểm rất đặc trưng trong thời gian nghệ thuật của lượn slương đó là, các cuộc diễn xướng, các cuộc lượn thường diễn ra vào ban đêm, quanh bếp lửa hồng.
Điều này được thể hiện qua từ ngữ chỉ thời gian “đêm khuya”. Vì thế, lượn slương còn được gọi là lượn canh.