Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP LỜI THƠ NGHỆ THUẬT LƯỢN SLƯƠNG CỦA NGƯỜI TÀY DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ
3.1.2. Biểu tượng mjầu (trầu)
Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng: “Sự tích trầu cau”. Từ đó tục ăn trầu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Cũng giống như các dân tộc khác của Việt Nam, dân tộc Tày cũng rất coi trọng Mjầu (trầu). Điều này được thể hiện rất rõ trong kho
tàng lượn slương của người Tày. Họ dành một chương riêng để nói về trầu cau (chương Xinh mjầu mác - mời trầu cau).
- Khửn rườn xo nẳng tắng nghỉ ngơi Mjầu lọc câu van tọn oóc mởi
Mjầu lộc câu van tọn oóc đại Bàn cồ thanh cảnh cần vui chơi.
Dịch:
Lên nhà xin ngồi ghế nghỉ ngơi Trầu tươi cau ngọt dọn ra mời Trầu tươi cau ngọt dọn ra đãi Bàn cờ bày sẵn đợi người chơi.
[11, tr. 452]
- Nưa đon dài cải tẩư sluôn mòn Lượn thuổn cằm kết, lượn kin mjầu Lượn thuổn cằm kết, lượn thâng mác Phá mác lồng cơi nhằng sliểu mjầu.
Dịch:
Trên bãi cát lớn, dưới vòm dâu Lượn hết lời kết, lượn ăn trầu Lượn hết lời kết, lượn ăn quả Bổ quả vào cơi chỉ thiếu trầu.
[11, tr. 448]
Từ xa xưa, "miếng trầu là đầu câu chuyện" giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui khi khách đến chơi nhà được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ tết miếng trầu mời người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri âm, tri kỷ.
Tem mjầu tặt lả lọt cơi xinh Mẻ pụt tặt mjầu sle hẩư kin Mẻ pụt tặt oóc sle hẩư nhẳm Khôm phết dưởng rừ cựng cổ kin.
Dịch:
Trầu têm đặt rổ lọt cơi xinh Bụt Bà mang trầu ra mời ăn Bụt Bà mang trầu ra để đãi
Đắng cay dường mấy cũng nuốt xong [11, tr. 449]
Miếng trầu còn là biểu tượng cho sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên, tế lễ thần linh….
Như vậy, từ thực tế lối sống, phong tục, văn hóa và qua những lời ca lượn slương mà cha ông để lại, chúng tôi nhận thấy “Mjầu” trong lượn slương của người Tày là biểu tượng cho sự giao tiếp, đối đãi, gắn kết cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong quan niệm của người Tày, “Mjầu” còn là biểu tượng cho ý nguyện kết giao. Trong kho tàng thơ ca dân gian của Việt nam, trầu cau là một sự biểu đạt tình yêu nam nữ một cách tinh tế và ý nhị. Có rất nhiều câu ca dao, bài hát dân ca nói về tình yêu nam nữ qua hình tượng lá trầu, quả cau:
Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
Hoặc:
Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng.
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng.
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.
Với người Tày, têm trầu cẩn thận, đẹp là thể hiện sự chân thành trong tình cảm, thể hiện mong ước của sự kết nối tơ duyên. Trong phong tục cưới hỏi của người Tày, trầu cau lại càng quan trọng. Trước khi tổ chức đám cưới có hẳn một lễ riêng gọi là "lễ ăn hỏi". Lễ này nhà trai mang đến, ngoài các loại quả, bánh, chè, rượu thì không thể thiếu mâm trầu cau. Cau cả buồng quả đều, to tròn, bóng đẹp, lá trầu to xanh mướt xếp lớp lên nhau. Mâm trầu cau bao giờ cũng được phủ khăn đỏ thể hiện sự may mắn và luôn đặt ở vị trí đầu tiên trong các lễ vật ăn hỏi. Sau đám hỏi, nhà gái thường chia trầu cau cho bà con họ mạc, hàng xóm láng giềng, bạn bè như một lời mời, lời cảm ơn đến chung vui cùng gia chủ trong đám cưới của con cháu.
- Tem mjầu tốc tủi lọt cơi mây Bạn hợi mì slim tem hẩư đây Bạn hợi mì slim tem hẩư thật Vằn lăng dú thả nặm tha luây.
Dịch:
- Têm trầu vào túi bày lên cơi Hễ bạn có lòng têm cho đẹp Hễ bạn có lòng têm cho thật Kẻo sau phải đợi nước mắt rơi.
Miếng trầu là cầu nối, là khởi đầu cho những mối quan hệ nghĩa tình tốt đẹp. Trong tiềm thức của người Việt nam từ xa xưa, việc têm trầu còn thể hiện sự khéo léo của người con gái, người phụ nữ. Nhìn cách têm trầu là có thể đoán được tính cách của người con gái. Vì vậy, nếu có lòng thì têm cho đẹp, cho khéo để gửi gắm tất cả sự chân thành của tình cảm, sự khéo léo của đôi bàn tay vào miếng trầu đó.
- Tem mjầu khảu lả lọt cơi va Bạn hợi mì thương tem thật thà Bạn hợi mì thương tem đây hẩư Chắng pền nhân nghịa đảy pây mà.
Dịch:
- Têm trầu vào rổ lọt cơi hoa Bạn có lòng thương têm thật thà Bạn có lòng thương têm cho tốt Mới nên tình nghĩa để lại qua.
[11, tr. 449]
Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, trầu cau trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt và có từ lâu đời ở Việt Nam. Ông bà ta sử dụng trầu cau như một phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp khi xưa nên mới có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau cũng là biểu tượng của tình yêu, hôn nhân mặn nồng, biểu tượng cho sự gắn bó sâu sắc, thủy chung. Bởi, sự kết hợp của trầu, cau, vôi, rễ khi nhai tạo nên một màu nước đỏ thắm gợi sự son sắt, gắn kết, gợi nghĩa tình keo sơn. Do đó, têm trầu đẹp, cẩn thận, khéo léo cũng là một biểu hiện của nghĩa tình thắm thiết giữa con người với con người.
Có thể nói, hình ảnh biểu tượng mjầu không chỉ đóng vai trò nghi thức trong các nghi lễ truyền thống như đám cưới hỏi, các ngày lễ cổ truyền, biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng mà còn trở thành hình ảnh đặc trưng cho văn hóa người Tày.