Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG LƯỢN SLƯƠNG CỦA NGƯỜI TÀY DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
2.1. Phản ánh đặc điểm cư trú
Người Tày cư trú chủ yếu ở khu vực Đông Bắc nước ta, đông nhất ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Họ cư trú thành những bản làng ở ven các chân núi, nơi có các thung lũng màu mỡ, có con suối chảy qua, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp của họ. Người Tày dựng nhà dựa lưng vào sườn núi hoặc được dựng trên những đồi thấp dọc khe suối, có khi nhà được dựng ở giữa cánh đồng. Đặc điểm cư trú này đã được phản ánh khá sinh động trong lượn slương của người Tày.
Chúng tôi đã khảo sát 333 bài lượn slương trong cuốn Lượn Tày của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (Nhiều tác giả), nhà xuất bản Văn hóa dân tộc và tổng hợp được những kết quả như sau:
Các cụm từ “qua đồng, qua ruộng, ruộng mường ta, ruộng to, ruộng lớn, ruộng người” được nhắc đến trong hơn 10 bài lượn đi đường. Qua khảo sát thực tế ở những nơi có người Tày sinh sống như ở huyện Bình Gia và huyện Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, huyện Thạch An, huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng, chúng tôi nhận thấy: những hình ảnh này được sử dụng là để nhấn mạnh đến những cánh đồng nằm sát các dãy đồi, dãy núi – nét đặc trưng của nơi cư trú người Tày. Họ sinh sống, làm nhà ngay cạnh những chân núi, chân đồi để thuận tiện cho canh tác nông nghiệp và cũng là do yếu tố khách quan của địa hình.
Nhiều bài lượn slương nói về niềm vui của người dân ra thăm đồng ruộng, mừng khi lúa gạo được mùa:
Vằn này mà tổng sị chồm tổng Chầm mừa nam bắc khắp tây đông Khẩu nặm sinh thành đa bách cốc
Thứ nhất mì kin đin bản cần Dịch:
“Hôm nay qua đồng anh ngắm đồng Ngắm xem phong cảnh khắp Tây Đông Lúa má xanh tươi bội thu lớn
Sang giàu bậc nhất làng xa gần”
[11, tr. 422]
Hoặc những câu thơ:
Vằn nẩy mà nà sị chổm nà Chồm mừa nam bắc khắp tây va Khẩu nặm sinh thành đa bách cốc Thứ nhất mì kin châu huyện a.
Dịch:
“Hôm nay qua ruộng anh mừng ruộng Mừng năm tới bắc ruộng mường ta Lúa gạo thu về đầy bồ vách
Có ăn bậc nhất châu huyện nhà”
[11, tr. 422]
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy, hình ảnh “con đường” được sử dụng nhiều trong các bài lượn slương. Hình ảnh con đường được nhắc lại nhiều lần (4 lần) như thể hiện cho ý chí, nghị lực của người dân vùng cao khi phải chèo đèo, lội suối. Đồng thời thể hiện sự biết ơn của người dân khi đường được mở rộng để có được cuộc sống sung túc hơn:
Tàng luông thăm thẳm dú tin đông Khẻo tọn tàng luông sle khửn lồng Khẻo tọn tàng luông sle pây ngải Chứ ơn tàng cải đảy chơi xuân.
Dịch :
“Đường cái trải dài dưới chân non Khéo mở đường to để xuống lên Khéo mở đường to đi về dễ
Nhờ ơn đường lớn dạo cảnh xuân”
[11, tr.450]
Tàng luông thăm thẳm bạch vân trùng Mà rà lượn lẹo khảm khau slung Cẩư chắc tán rà mà ngộ nhỉ
Dưởng bặng đao fạ tốc lồng thâng.
Dịch:
“Đường cái dằng dặc mây trắng bay Ta hãy cố vượt qua đèo đây
Ai biết mình ta cùng với bạn
Giống như sao trời rụng chốn này”.
[11, tr.450]
Con đường băng qua sông, vượt qua rừng cũng không ngăn cách được tình cảm thiết tha, chân thành của các đôi trai gái. Những con đường đó đã gắn với tình yêu đôi lứa của họ:
Tặt cằm thương đuổi bạn slim rầu Sloong rầu nhằng lạ cỏi phát tàng Tàng khuổi tàng khau oóc rèng phát Lo tàng ná lọt hết rừ toan.
Dịch:
“Gửi lời thương cho bạn lòng sầu
Hai ta phát đường rừng cho thẳng
Đường sông đường rừng cũng không ngại Mong sao chóng lọt ngắm bóng nhau”
[11, tr.467]
Gắn liền với các bản làng ở những vùng quê vùng núi cao không thể không nhắc đến cây đa đầu làng, nhà sàn dựng bằng gỗ lỉ (cây thuộc họ tẩu, dùng để dựng nhà rất tốt) được lấy tận trong rừng sâu, nong kén với vô số những con tằm đang nhả tơ, lúa chất đầy nhà. Tất cả những hình ảnh này đều phản ánh đặc điểm cư trú của người Tày ở các tỉnh miền núi, gắn liền với đặc điểm về phong tục tập quán, về địa lý và nghề làm nông của người dân nơi đây:
Củ tin thâng cốc lùng hua bản Nâư cẳm mì ẻn nhạn mà nòn Củ tin thâng cốc lùng hua mường Nâư cẳm mì uyên ương khảu tổ.
Dịch:
“Chân bước tới cây đa đầu bản Đêm đêm có én nhạn trọ qua Cất chân đến cây đa đầu mường Đêm đêm có uyên ương đến trọ”
[11, tr. 422]
Mạy khoang cần pjúc tẩư cằn mương Nhất khỏi mà thâng chúc bản rườn Phủ quỷ giàu sang sle bản nảy Mọn là têm đổng, khẩu têm xương.
Dịch:
“Trúc quí người trồng dậy bờ mương Tôi đây trộm đến chúc bản mường Phú quý giàu sang thì đây nhất
Tằm đầy nong kén, lúa đầy nhà.”
[11, tr. 423]
Khu vực sinh sống của người Tày – vùng chân núi thấp ở Đông Bắc không chỉ có rừng núi xanh ngát mà còn có những dòng sông thơ mộng và rất nhiều những dòng suối chạy uốn lượn dưới chân núi, chân đồi. Chẳng hạn, Lạng Sơn là tỉnh tập trung đông đúc đồng bào Tày sinh sống. Nhắc đến Lạng Sơn là du khách thập phương nhớ ngay đến dòng sông Kỳ Cùng, bởi nó gắn liền với lễ hội đến Kỳ Cùng - Tả Phủ vào mùa xuân hằng năm ở thành phố Lạng Sơn. 21 lần hình ảnh dòng sông, con thuyền trôi trên dòng sông đó được nhắc đến trong các bài lượn slương lưu truyền, phổ biến ở đây. Dòng sông là địa điểm hữu tình, không chỉ có ý nghĩa phản ánh đặc điểm cư trú tập trung bên những dòng sông, con suối, tạo cho bản làng của người Tày sự hiền hòa với tiếng nước chảy róc rách, mà còn gắn với các cuộc lượn của người dân, đặc biệt là những đôi trai gái ở lứa tuổi kết duyên mỗi khi mùa xuân về, những lúc nông nhàn:
Chập căn liệu cảnh chốn vườn xuân Lừa sluông oóc rặp bến nậm ngần Mong dưm lừa sluông pây lỉn hội Lưa pây ná đảy khỏ chuyên cần.
Dịch:
“Gặp nhau vãn cảnh chốn vườn xuân Bến gặp thuyền sluông đón vui chung Mượn được thuyền sluông đi trẩy hội Thuyền đi trắc trở khốn người không”
[11, tr. 416]
Sloong rà pỉ noọng kết pền duyên Mà rà pây lỉn chổn đào nguyên Tứ bức mênh mông ngòi nhựng nặm
Nhẳm lừa lồng lỉn hồ bích thiên.
Dịch:
“Hai ta cố kết cho thành duyên Để cùng đi dạo chốn Đào nguyên Bốn bề mênh mông lai láng nước Đi thuyền chơi dạo hồ nước xanh”
[11, tr. 428]
Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra tại trung tâm thành phố Lạng Sơn, ngay bên dòng Kỳ Cùng thơ mộng, là một trong những lễ hội nổi tiếng và đặc sắc nhất Lạng Sơn. Đây là lễ hội của hai đền thờ: Đền Kỳ Cùng thờ Quan lớn Tuần Tranh (thời Vua Hùng Vương thứ 18) và đền Tả Phủ thờ vị phó tướng thời hậu Lê (thế kỷ XVII) là Tả Đô đốc Thân Công Tài:
Pé hồ lồm thỏng nặm mênh mông Lồm phiêu đức phật pjạc mùa đông Chan chứa mênh mông ngòi nhựng nặm Vợt cạ tẻo mừa bấu chắc không
Dịch:
“Bên hồ, gió xoáy nước mênh mông Gió xoáy đưa Phật rẽ sang sông
Bát ngát mênh mông toàn những nước Dẫu muốn ra về chẳng biết chừng”
[11, tr. 429]
Như vậy, trong lượn slương, đặc điểm cư trú của người Tày được hiện lên khá chân thực và sinh động. Đó là những làng bản Tày cư trú tập trung dưới chân những dãy núi thấp, nơi có thung lũng, có những dòng sông, con suối thơ mộng và hiền hòa, nơi có những cánh đồng xanh ngát, những con
đường làng quanh co nối những nếp nhà sàn với nhau. Đây là cảnh quan thường thấy ở những bản Tày trong thực tế.