Chương 3: THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH
3.4. Đánh giá chung về thực trạng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
3.3.1. Ưu điểm
Đội ngũ CBQLGD huyện Bình Liêu có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, yêu ngành, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công tác, cần cù chịu khó, có ý chí vượt lên mọi khó khăn gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết CBQLGD có uy tín đối với đội ngũ giáo viên và nhân viên nhà trường, cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương.
CBQLGD luôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tận tụy, sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội;
giữ gìn tư cách đạo đức, nhân cách và hình mẫu “mô phạm” của người thầy; nghiêm
túc chấp hành quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp; có ý thức thực hiện cuộc vận động
“hai không” trong giáo dục với bốn nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh ngồi nhầm lớp”.
CBQLGD cơ bản đủ về số lượng, cơ bản đảm bảo về chất lượng (hiện đang thiếu so với biên chế là do đang trong giai đoạn sắp xếp loại cơ cấu tổ chức của tỉnh). Trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Đội ngũ CBQLGD đã nắm vững được những nội dung cơ bản của công tác quản lý. Thực hiện đầy đủ các nội dung trong quản lý giảng dạy, giáo dục và tổ chức các mặt hoạt động khác của nhàtrường.
Tất cả các CBQLGD đều trải qua công việc giảng dạy, thời gian làm giáo viên đứng lớp đủ theo quy định khi được bổ nhiệm, có nhiều năm công tác trong ngành.
Họ đã từng trải qua những khó khăn, thuận lợi tại các cơ sở giáo dục, nên đội ngũ hoàn toàn thấu hiểu những khó khăn vất vả và các quy định của ngành, chính sách của Trung ương và địa phương.
3.3.2. Những hạn chế, tồn tại
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQLGD trên địa bàn huyện Bình Liêu vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định:
Bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; trình độ chuyên môn của một bộ phận nhà giáo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo định hướng phát triển năng lực. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong quản lý, dạy và học của nhiều giáo viên còn hạn chế, nhất là ở những giáo viên lớn tuổi. Năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới.
Công tác quy hoạch chưa được chú ý đầy đủ, nghĩa là chưa chú ý nhiều đến mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với công tác phát triển nhà trường, trong đó có công tác quy hoạch cán bộ.
Công tác luân chuyển cán bộ diễn ra chậm, số lượng luân chuyển còn ít và chưa được thực hiện một cách nền nếp, thường xuyên; còn tâm lý ngại luân chuyển từ trường này sang trường khác, ngại đi xa không muốn thích ứng với môi trường mới.
Có những trường hợp không thực hiện đúng theo quy định, có nghĩa là vẫn có cán bộ QLGD làm hiệu trưởng hoặc hiệu phó ở một trường trong 02 nhiệm kỳ liên tục
Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ có lúc chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch cán bộ, trong thực hiện chưa chú ý đến đổi mới nội dung và phương pháp.
Các hình thức bồi dưỡng chưa đa dạng, việc tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ và giáo viên còn hạn chế. Ý thức tự bồi dưỡng, tự học tập để chuẩn hóa trình độ của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa thật tốt.
Ngoài chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước, ở địa phương chưa có nguồn để động viên khuyến khích đội ngũ như đã nêu ở trên nên chưa tạo được động lực để tập hợp, thu hút người có tài, có tâm huyết phát huy hết năng lực phục vụ.
Công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo và CBQLGD các cấp có nơi chưa thực chất, chưa phản ánh đúng năng lực gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ theo vị trí việc làm. Nội dung đánh giá còn thiếu tính cụ thể, hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, còn nặng về định tính, ít định lượng, biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến.
Công tác kiểm tra, giám sát và các biện pháp xử lý khắc phục những hạn chế của đội ngũ CBQL chưa kịp thời; chế độ khen thưởng, động viên khuyến khích CBQL dám đột phá, sáng tạo chưa được quan tâm thỏa đáng.
3.3.3. Nguyên nhân
* Nguyên nhân chủ quan
Cán bộ quản lý còn hạn chế về nhận thức quản lý giáo dục theo hướng đổi mới, tính quản lý theo kế hoạch chưa cao, còn theo nếp quản lý hành chính là chủ yếu. Hiệu trưởng chưa được cập nhật được công tác quản lý thường xuyên, ít có điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản lý nên trong công tác quản lý có các biện pháp chưa thật tác động tích cực đến hoạt động giáo dục. Hiệu trưởng các trường chưa có biện pháp đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp quản lí.
Chính sách đãi ngộ CBQLGD đến nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới; Thể chế, chính sách làm nản lòng tất cả mọi người, những người năng động sáng tạo, những người lao động có phẩm chất và năng lực. Vẫn còn tình trạng bình quân, đẳng cấp, thậm chí nâng đỡ cán bộ yếu kém, nản chí... Chính sách tiền lương, nhà ở còn lạc hậu, bất cập...
Công tác thi đua, khen thưởng chậm đổi mới, còn mang “bệnh thành tích”, khen thưởng tràn lan, chưa thực chất, ít có tác động (thậm chí có trường hợp gây phản tác dụng); chưa thực sự trở thành động lực khuyến khích sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ. Nhìn chung, thu nhập của CBQLGD chưa đạt mức trung bình của xã hội, chưa thực sự trở thành động lực làm việc của CBQLGD và chưa góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu cải cách nền HCNN. Động lực thúc đẩy, môi trường công tác chưa thực sự thuận lợi để CBQL dám nghĩ, dám làm, độc lập quyết định những vấn đề của nhà trường mà còn phụ thuộc vào yếu tố chỉ đạo của cấp trên quản lý.
Điều kiện, phương tiện làm việc tại các xã hiện nay còn nghèo nàn, lạc hậu.
Trang thiết bị phục vụ công việc của CBQLGD chủ yếu thiếu ở điện thoại, máy tính, tủ đựng hồ sơ, hệ thống số liệu, thông tin cơ sở...
* Nguyên nhân khách quan:
- Yếu tố chính sách: sự dao động trước những khó khăn về kinh tế xã hội;
trước yêu cầu của xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh đáp ứng sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Biểu hiện rõ nhất là vẫn còn hiện tượng chưa thực sự yên tâm, tự tin vượt khó; giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu ý chí cách mạng tiến công, chưa tích cực tham gia vào việc đấu tranh khắc phục những tiêu cực trong đơn vị và xã hội; lơ là trước những âm mưu, thủ đoạn phá hoại về chính trị, tư tưởng, thậm chí thờ ơ với việc phòng, chống văn hoá xấu độc của các thế lực thù địch ở địa phương, cơ sở.
- Sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn: Là địa bàn vùng cao, điều kiện tự nhiên - xã hội có những khó khăn đặc thù, những năm gần đây, Bình Liêu luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBQLGD từ huyện đến cơ sở.
Tuy nhiên, đặc thù địa phương gắn với nhiều dân tộc thiểu số, nhiều văn hoá địa phương vì vậy trong xử lý công việc của đội ngũ CBQLGD gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp… nên ảnh hưởng đến động lực làm việc của CBQLGD.
Chương 4