Chương 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH
4.2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
4.2.2. Đổi mới công tác bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao năng lực theo hướng chuẩn hóa
Tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm CBQL là công việc rất quan trọng nhằm lựa chọn được những người có đủ đức, đủ tài để phát triển đội ngũ CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tổ chức đổi mới bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm CBQLGD một cách chặt chẽ, kỹ càng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Thực hiện tốt nội dung này không những có tác động tới tinh thần, tâm lý của bản thân người được bổ nhiệm, luân chuyển mà còn tác động tới cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường có Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm, luân chuyển; là sợi dây đoàn kết đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường và đặc biệt đó còn là điều kiện để bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục của địa phương phát triển.
*) Công tác tuyển chọn:
Tuyển chọn CBQL là hoạt động xem xét, so sánh trong đội ngũ cán bộ trong quy hoạch để lấy cán bộ có khả năng đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn của ngành.
Đây là khâu rất quan trọng, then chốt trong công tác lựa chọn để tuyển chọn được đúng người có năng lực, phù hợp vị trí thì mới bổ nhiệm.
Tuyển chọn cần nhận biết những tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực nào đã đạt so với chuẩn, những năng lực nào còn hạn chế và có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng được tiêu chuẩn. Tuyển chọn đi đôi với công tác đánh giá, đánh giá chính xác, khách quan thì sẽ tuyển chọn đúng người.
Để tuyển chọn có hiệu quả cần chú ý đến các tiêu chí về năng lực quản lý vì lâu nay công tác tuyển chọn chỉ chú ý đến trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị, quản lý giáo dục.
*) Công tác bổ nhiệm
Thực hiện có hiệu quả việc công khai các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm CBQL theo quy định của ngành.
Ví dụ tiêu chuẩn bổ nhiệm mới Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng: Có trình độ chuẩn được đào tạo là có bằng Đại học sư phạm trở lên; có ít nhất 5 năm công tác liên tục trong giáo dục, trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm có thể có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít hơn quy định (do cấp trên có thẩm quyền quyết đinh); Phải có trong quy hoạch chức danh đó (lưu ý: Bổ nhiệm chức danh nào phải được quy hoạch chức danh đó hoặc chức danh cao hơn, không bổ nhiệm vào vị trí chức danh cao hơn chức danh quy hoạch); bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng từ nguồn Phó Hiệu trưởng có kinh nghiệm quản lý ít nhất 3 năm tại một trường. Mặt khác cần có sự quan tâm thích đáng đối với đội ngũ nguồn kế cận CBQL còn trẻ, có đủ sức khỏe, được đào tạo căn bản, đã trải qua thực tiễn (có
quá trình giảng dạy, làm công tác đoàn, phụ trách tổ chuyên môn..) là người có phẩm chất, năng lực tốt.
Thường xuyên quan tâm và thực hiện nghiêm túc xử lý các thông tin phản hồi (nếu có) trong quá trình thực hiện các khâu bổ nhiệm, đề nghị lấy ý kiến các bên liên quan trong công tác thực hiện bổ nhiệm, tiếp thu các ý kiến hoặc giải thích với các tổ chức, cá nhân có ý kiến để có sự đồng thuận về bổ nhiệm.
*) Luân chuyển cán bộ quản lý
Trong khi chưa có chính sách hỗ trợ về việc luân chuyển CBQL, thì công tác tư tưởng phải được quan tâm nhằm góp phần nâng cao bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự tin tưởng của cán bộ luân chuyển, sự ủng hộ của nơi đến, tạo ra bầu không khí đoàn kết tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau là một việc hết sức cần thiết. Cán bộ quản lý nhân sự giáo dục cần quán triệt tư tưởng, nhận thức, giải đáp trúng những vấn đề mà người luân chuyển suy tư: trình độ đào tạo có đáp ứng được nhiệm vụ không, có giữ được ổn định gia đình, thu nhập có ảnh hưởng không, nơi công tác mới có thuận lợi và khó khăn gì. Đồng thời cũng phải chú ý tới đặc điểm về giới, người dân tộc thiểu số của CBQL luân chuyển.
Việc luân chuyển cán bộ chỉ thực sự tốt ở nơi đã minh bạch theo các tiêu chuẩn chính sau: tiêu chuẩn công việc, tiêu chuẩn cán bộ ứng với vị trí luân chuyển.
Mỗi cán bộ luân chuyển cũng cần nâng cao nhận thức về nghề, vị trí của mình trong sự nghiệp giáo dục, luân chuyển sẽ là việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy mỗi CBQL ý thức hơn với nhiệm vụ phát triển giáo dục. Cần công khai hóa thời gian luân chuyển để bảo đảm tính khách quan, công bằng không tùy tiện, lạm dụng cá nhân, cũng là để CBQL luân chuyển có hướng giải quyết các công việc ở đơn vị và gia đình. Trong trường hợp cần thiết phải xây dựng quy chế đánh giá CBQL sau luân chuyển nhằm đạt tới ba mục tiêu: Mức độ rèn luyện, trưởng thành của CBQL được luân chuyển; kết quả đóng góp vào nơi luân chuyển; đánh giá về mức độ thành công của trường để rút kinh nghiệm.
*) Miễn nhiệm cán bộ quản lý
Để thực hiện miễn miễn nhiệm cần phải chú ý tới nhiều vấn đề liên quan, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới hai vấn đề quan trọng như sau:
- Cần làm tốt công tác đánh giá CBQL theo từng năm học, theo nhiệm kỳ 5 năm. Đánh giá đội ngũ CBQL đương chức căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chuẩn đã triển khai thực hiện; các quy định của tỉnh, của huyện về đánh giá và miễn nhiệm CBQL.
- Thực hiện chế độ bổ nhiệm có thời hạn. Hết thời hạn giữ chức vụ, cấp có thẩm quyền căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBQL và yêu cầu công tác xem xét quyết định có tiếp tục bổ nhiệm CBQLGD đó nữa hay không (thực hiện đầy đủ các bước theo quy định hiện thời). Nếu vì các lý do sức khỏe không đảm đương được nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt chuẩn không đủ điều kiện đào tạo lại, bồi dưỡng thì xem xét điều chỉnh thay thế, không chờ hết thời hạn bổ nhiệm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND huyện thực hiện tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm CBQL đúng tiêu chuẩn, đúng lúc, đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân, đúng quy trình. Công tác luân chuyển dễ mất đi ý nghĩa tích cực của nó nếu như không dựa trên một cơ sở pháp lí, có hiệu lực bắt buộc thi hành.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện biện pháp dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản là: Đảng thống nhất lanh đạo công tác cán bộ; Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với việc thực hiện trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lí cán bộ.
Trên cơ sở hai nguyên tắc trên, UBND huyện tổ chức đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm đội ngũ CBQLGD phải đảm bảo xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Ngàng, của trường, phải căn cứ vào phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, sở trường, sức khỏe, chiều hướng phát triển của từng CBQL, sự ổn định, kế thừa, phát triển của đội ngũ, nguyện vọng, hoàn cảnh cá nhân, giới tính...bảo đảm yêu cầu: “vì việc mà tìm người” chứ đừng nên “vì người mà tìm việc”. Yêu cầu sử dụng cán bộ phải công tâm, khách quan vì tổ chức, không bị chi phối bởi yếu tố chủ quan.