Nội dung cải thiện môi trường đầu tư

Một phần của tài liệu Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh bắc kạn đến năm 2020 (Trang 29 - 33)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.4. Nội dung cải thiện môi trường đầu tư

1.1.4.1. Cải thiện môi trường pháp lý, tạo dựng môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng

Để thu hút đầu tư, trước hết hệ thống luật pháp đầu tư của nước sở tại phải đảm bảo sự an toàn về vốn và cuộc sống cá nhân cho nhà đầu tư nếu hoạt động đầu tư của họ không làm phương hại đến an ninh quốc gia và môi trường cạnh tranh lành mạnh...

Cùng hoạt động trong một môi trường có rất nhiều doanh nghiệp hay dự án vận hành. Có cả những dự án, doanh nghiệp cùng hoạt động trong một ngành. Có những dự án, doanh nghiệp có sản phẩm có thể thay thế cho nhau, hoặc có những dự án, doanh nghiệp sử dụng giống nhau một số yếu tố đầu vào. Vì lẽ đó, giữa các dự án hay các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có thể xảy ra tình trạng tranh giành khách hàng khi tiêu thụ sản phẩm hoặc tranh giành những yếu tố đầu vào. Một thực tế đang tồn tại là các doanh nghiệp, dự án thuộc thành phần kinh tế Nhà nước (hoặc có vốn góp Nhà nước) thường được hưởng những đặc ân và đặc quyền giúp họ luôn chiến thắng trong cạnh tranh, từ đó làm méo mó các quy tắc cạnh tranh, phương hại đến các thành viên khác trên thị trường, không khuyến khích được các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, làm hạn chế nguồn vốn đầu tư.

Vì lí do đó, môi trường pháp lý thuận lợi phải thể hiện được vai trò đảm bảo khả năng thực thi của hệ thống pháp luật thông qua việc bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của các pháp nhân đối với tài sản của họ. Trong bối cảnh sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày càng gia tăng, giá trị tài sản của doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng đặc biệt là các tài sản vô hình như nhãn hiệu, bản quyền, bằng phát minh, sáng chế… do quá trình lao động trí óc tạo ra lại rất dễ bị đánh cắp và vi phạm dưới sức ép cạnh tranh ở trên thị trường. Cho nên, một vấn đề đặt ra cho môi trường pháp lý là việc thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản của doanh nghiệp. Do đó, cần phải xây dựng Luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đưa ra các quy định, chế tài phù hợp để thực hiện quyền này của các doanh nghiệp.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

1.1.4.2. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Bộ máy công quyền với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và cải cách các thủ tục hành chính để hạn chế việc phát sinh các chi phí không chính thức và tiết kiệm thời gian giao dịch cho doanh nghiệp. Bộ máy hành chính hiệu quả không chỉ quyết định sự thành công trong thu hút vốn đầu tư mà trong cả vấn đề sử dụng nguồn vốn. Bộ máy hành chính gọn nhẹ, sáng suốt, các thủ tục hành chính và những quy định pháp lý đơn giản, công khai và nhất quán, được thực hiện bởi những con người có trình độ chuyên môn cao và tôn trọng pháp luật sẽ là những yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư và mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Hiệu lực quản lý nhà nước gắn liền với sự vận hành của bộ máy công quyền đảm bảo việc thực thi các quy định cũng như thủ tục hành chính. Ở mỗi địa phương hay quốc gia khác nhau hiệu lực quản lý Nhà nước là khác nhau sẽ tạo ra những môi trường đầu tư khác nhau. Chính vì thế, ngay trong một quốc gia môi trường đầu tư cũng có sự phân hoá giữa các địa phương và nó cũng là yếu tố quan trọng để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Để đánh giá hiệu quả công tác cải thiện môi trường đầu tư cần có các tiêu chí để đo lường sự thay đổi tích cực về môi trường đầu tư do sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng ở từng địa phương. Những tiêu chí đánh giá này sẽ đánh giá sự nỗ lực của bộ máy hành chính trong việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các tổ chức, cá nhân đến địa phương tiến hành hoạt động đầu tư. Các tiêu chí đó là:

Sự nhạy cảm kinh tế và hiếu khách của lãnh đạo địa phương.

Việc cung cấp thông tin đầu tư ban đầu rõ ràng và đáng tin cậy.

Thời gian cấp phép nhanh, các thủ tục đơn giản.

Sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Công việc trả lời nhanh chóng của các cơ quan nhà nước đối với các yêu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Môi trường thân thiện giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Thực hiện đối thoại chính sách thường xuyên và có hiệu quả giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với lãnh đạo.

Khả năng cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh.

1.1.4.3. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, kỹ thuật

Việc phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ là điều kiện để tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai các dự án mà còn là một cơ hội thuận lợi cho những địa phương tiếp nhận đầu tư có thể khai thác lợi ích nhiều hơn, đầy đủ hơn những lợi ích phục vụ nhu cầu xã hội khi vận hành hệ thống này.

Tuy vậy, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, kỹ thuật này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, cho nên địa phương phải huy động cao độ mọi nguồn lực ở bên trong cũng như mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại để thu hút các nguồn lực ở bên ngoài. Chính vì thế để xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, kỹ thuật có trình độ cao đáp ứng đòi hỏi của các dự án đầu tư, địa phương phải tiến hành việc lựa chọn trình độ công nghệ phù hợp với trình độ công nghệ của địa phương và quốc gia đồng thời phải có khả năng bắt kịp với công nghệ tiên tiến ở khu vực và thế giới. Do đó, môi trường khoa học công nghệ của quốc gia cũng như khu vực và thế giới sẽ tác động đến việc lựa chọn công nghệ của địa phương trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư.

1.1.4.4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Muốn trở thành một doanh nghiệp hàng đầu có khả năng chiếm lĩnh được thị trường, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp đó phải có nhiều lao động có tay nghề và những nhà quản lý giỏi. Thực tế chứng minh rằng, chất lượng nguồn nhân lực có tác động rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư của các nước, kể cả những nước nghèo. Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia thấp sẽ hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý yếu kém, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và làm giảm tính cạnh tranh của quốc gia đó. Ngược lại, chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia cao sẽ là điều kiện hàng đầu để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò tích cực trong việc thu hút đầu tư. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư cho hệ thống giáo dục, đào tạo sẽ trở thành một sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ở cả trong nước và ngoài nước. Việc ưu tiên cho giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh để thu hút đầu tư hiện nay.

1.1.4.5. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường xúc tiến đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại vô cùng quan trọng vì nó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đầy đủ các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Để có thể mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại, địa phương cần chủ động tiến hành các hoạt động giao lưu văn hoá, kinh tế, du lịch, giáo dục… thông qua đó để các địa phương hay quốc gia bên ngoài hiểu biết về những lợi thế, tiềm năng và các cơ hội hợp tác kinh doanh. Trên cơ sở đó, sẽ thu hút các nguồn lực thông qua hoạt động đầu tư quốc tế trực tiếp. Nhờ có hoạt động này chủ đầu tư sẽ di chuyển các yếu tố như vốn, công nghệ, nhân lực trình độ cao cùng với kỹ năng quản lý tiến bộ trong quá trình điều hành dự án. Như vậy, các yếu tố này lại có tác động tích cực đến môi trường đầu tư của nó cụ thể là nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề của lao động; nâng cao trình độ công nghệ của nơi tiếp nhận và bản thân địa phương sẽ tiến hành cải cách các điều kiện tiếp nhận dự án …

Vì thế, thiết lập và duy trì tốt các mối quan hệ quốc tế, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển các yếu tố sản xuất phục vụ cho quá trình đầu tư cũng là một biện pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một nhân tố tích cực kích thích cũng như thu hút các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tóm lại, để có được môi trường đầu tư thuận lợi phục vụ tốt hoạt động đầu tư cần tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, công khai; đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

sản xuất, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở sử dụng các nguồn lực bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài thông qua việc mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động xúc tiến đầu tư. Những hành động đó có ý nghĩa to lớn trong việc thu hút vốn đầu tư và cho phép vận hành dự án đầu tư có hiệu quả. Từ đó nâng cao tốc độ phát triển kinh tế, lành mạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư mở rộng.

Một phần của tài liệu Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh bắc kạn đến năm 2020 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)