1.1. Cơ sở lý luận về đánh giá tiềm năng đất đai và sử dụng đất nông nghiệp bền vững
1.1.3. Khái quát về phát triển bền vững và quan điểm sử dụng đất bền vững
Khái niệm phát triển bền vững được chính thức đưa ra vào năm 1987 trong báo cáo của Ủy ban thế giới về môi trường và sự phát triển (WCED). Theo WCED:
“Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai.
Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: "Phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). (Phạm Thanh Bình, 2016) [122].
Ở Việt Nam vấn đề phát triển bền vững ngày càng được coi trọng. Năm 1992 Việt Nam tham gia Hội nghị Môi trường và Phát triển tại Rio-de-Janero và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển bền vững ở Johannesburg (Nam Phi)… Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn Chương trình nghị sự 21 và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1032/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2005 về việc thành lập Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2008) [107].
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận, thống nhất: Đẩy mạnh công tác bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên là một trong những vấn đề quan trọng. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đảng đã đề ra các mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020 Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Trên đây là những khái niệm chung về phát triển bền vững. Vậy phát triển nông nghiệp bền vững là thế nào?
Theo FAO (1993 và 1994) [118], [119] “Phát triển bền vững trong lĩnh vực nông, lâm, ngư là bảo tồn đất đai, nguồn nước, các nguồn di truyền động thực vật, môi trường không suy thoái, kỹ thuật phù hợp, kinh tế phát triển và xã hội chấp nhận được”.
Ban cố vấn kỹ thuật thuộc nhóm chuyên gia quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp (TAC/CGIAR, 1989), cho rằng “Nông nghiệp bền vững là sự quản lý thành công nguồn nhân lực cho nông nghiệp, để thỏa mãn các nhu cầu thay đổi của con người, trong khi vẫn giữ vững hoặc nâng cao được chất lượng môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Năm 1991, Ủy ban Hợp tác của các tổ chức phát triển phi chính phủ (NGDOs) ở Cộng đồng châu Âu đã đưa ra định nghĩa: Nông nghiệp bền vững được thiết lập nhằm đáp ứng cả nhu cầu của người dân cũng như các mặt hạn chế về tự nhiên và điều kiện sinh thái ở một vùng xác định. Mục đích là đưa năng suất cây trồng lên mức cao trên cơ sở bền vững và lâu dài mà không hủy hoại môi trường sống. Cần ưu tiên xác định và phát triển các nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương như nguồn lực lao động, nước, dinh dưỡng… hơn là dựa vào các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Điều này không bao gồm việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ các nguồn bên ngoài nhưng cần giảm thiểu mức độ của nó để nó không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe và điều kiện kinh tế của cộng đồng. Nông nghiệp chỉ thực sự bền vững khi khía cạnh xã hội và văn hóa của những người sử dụng và thụ hưởng được tập trung một cách đầy đủ và các quyết định đều do họ thực hiện.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ: Một nền nông nghiệp bền vững là nền nông nghiệp phát triển trong dài hạn, tăng cường chất lượng môi trường và các nguồn tài nguyên mà nó phụ thuộc; cung cấp cho nhu cầu lương thực và sợi cơ bản của con người; về mặt kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và toàn xã hội (Robert, A. và KlusonA., 2013),[125].
Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu của con người trong điều kiện hiện tại, tương lai và được xã hội chấp nhận (Vũ Văn Nâm, 2009)[48]
Tóm lại: Điều quan trọng nhất trong sử dụng đất bền vững là biết sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, giữ vững và cải thiện chất lượng môi trường, có hiệu quả kinh tế, năng suất cao và ổn định, tăng cường chất lượng cuộc sống, bình đẳng giữa các
thế hệ và hạn chế rủi ro. Đối với sản xuất nông nghiệp việc sử dụng đất bền vững phải đạt được trên cơ sở đảm bảo khả năng sản xuất ổn định của cây trồng; đảm bảo việc làm, tăng giá trị ngày công, nâng cao thu nhập cho người lao động; chất lượng tài nguyên đất không suy giảm theo thời gian, việc sử dụng đất không ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người và các sinh vật.
1.1.3.2. Nguyên tắc và tiêu chí sử dụng đất nông nghiệp bền vững
Hội thảo Quốc tế về sử dụng đất bền vững được tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 1981 đã đưa ra năm nguyên tắc có liên quan đến sử dụng đất bền vững là:
Duy trì hoặc nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất;
Giảm mức độ rủi ro với sản xuất;
Bảo vệ tiềm năng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống lại sự thoái hóa chất lượng đất và nước;
Khả thi về mặt kinh tế;
Được xã hội chấp nhận.
Năm nguyên tắc này có thể coi là trụ cột của việc sử dụng đất bền vững. Nếu trong thực tế đạt được cả năm mục tiêu trên thì sẽ đạt được bền vững, còn nếu chỉ đạt một vài mục tiêu thì khả năng bền vững chỉ mang tính bộ phận.
Với năm nguyên tắc này, người sử dụng đất, các nhà lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất phải đạt được sản lượng hoặc lãi suất tối đa, giảm thiểu đầu tư và sức lao động ngoài ra phải bảo vệ môi trường và tài nguyên cho sản xuất lâu dài và cho các thế hệ mai sau.
Cùng với các nguyên tắc sử dụng đất bền vững, FAO (1993) [118] cũng đã đề xuất các chỉ tiêu chung để đánh giá và giám sát việc sử dụng đất bền vững. Các chỉ tiêu này bao gồm: Năng suất cây trồng, cán cân chất dinh dưỡng, sự bảo toàn của độ che phủ đất, chất lượng/số lượng đất, chất lượng/số lượng nước, lợi nhuận của nông trại, sự áp dụng các biện pháp bảo vệ đất.
Các chỉ tiêu này là cơ sở quan trọng để phân tích đánh giá hệ thống sử dụng đất về tính bền vững và thiết lập nền móng cho các chiến lược sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên đất.
Theo Trung tâm Nông nghiệp bền vững, ĐH Savier, Philippines, (1995)[93]
nông nghiệp bền vững được đánh giá dựa theo 7 chỉ tiêu:
(1) Tốt về môi trường sinh thái (5) Khoa học hoàn thiện
(2) Hiệu quả về kinh tế (6) Công nghệ thích hợp
(3) Được xã hội chấp nhận (7) Phát triển tiềm năng con người (4) Nhạy cảm về văn hóa
Bảng 1.1. Các chỉ tiêu đánh giá nông nghiệp bền vững
Khía cạnh: Tự nhiên -Sinh học Khía cạnh: Kinh tế - Xã hội I. Tiêu chí bền vững của hệ sinh thái đồng bằng theo hộ, nông trại
1. Đất
- Tầng canh tác - Tầng dày - Hữu cơ - Lượng giun
1. Đất đai
- Số nông dân có giấy chứng nhận QSDĐ
- Số vụ tranh chấp đất đai - Diện tích đất bị chuyển đổi 2. Đa dạng sinh học
- Giống - Côn trùng - Thu nhập
- Hệ thống động vật - Sử dụng đầu tư nội ngoại
Phân, thuốc
Sử dụng phân hữu cơ - Đầu vào, ra chu trình chất thải - Hệ thống sản phẩm, xu thế năng
suất/vụ
- Khả năng sản xuất của đất
II. Tiêu chí bền vững của hệ sinh thái đồi núi cấp trang trại 1. Độ phì đất
- Cung cấp chất dinh dưỡng - Chất hữu cơ
- Độ chua 2. Mẫu đất
3. Khả năng giữ nước 4. Đa dạng sinh học 5. Năng suất
6. Kinh nghiệm quản lý - Đầu tư ngoài thấp - Nông lân kết hợp - Hệ thâm canh - Kiến thức bản địa - Hệ cây trồng, vật nuôi
1. An toàn lương thực
2. Năng suất, sản phẩm trang trại 3. Hiệu quả kinh tế
- Thu nhập - Thu nhập thuần 4. Kiến thức bản địa 5. Giá trị lợi nhuận 6. Sức khỏe
7. Giáo dục
8. Sự tham gia của các gia đình 9. An toàn về sở hữu
10. Thành viên các tổ chức
11. Khả năng tăng cường của trang trại
(Trung tâm Nông nghiệp bền vững, ĐH Savier, Philippines, (1995)[93]
Theo FAO (1993) [118] một hệ thống sử dụng đất được đánh giá bền vững phải đảm bảo theo các tiêu chí: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững môi trường.
* Bền vững về mặt kinh tế:
- Tổng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích là thước đo quan trọng của hiệu quả kinh tế đối với một hệ thống sử dụng đất. Tổng giá trị trong một giai đoạn hay cả hai chu kỳ phải trên mức bình quân của vùng, nếu dưới mức đó thì nguy cơ sử dụng sẽ không có lãi, hiệu quả vốn đầu tư phải lớn hơn lãi suất tiền vay vốn ngân hàng.
- Tổng giá trị xuất khẩu thu nhập hỗn hợp, hiệu quả đồng vốn và giá trị ngày công lao động là chỉ tiêu cơ bản trong đánh giá hiệu quả kinh tế của các loại sử dụng đất. Các loại sử dụng đất đạt hiệu quả kinh tế cao phải mang lại giá trị cho người sản xuất thông qua các chỉ tiêu trên.
- Giảm rủi ro về sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
* Bền vững về mặt xã hội
- Hệ thống sử dụng đất phải thu hút được lao động, đảm bảo đời sống và phát triển xã hội. Đáp ứng nhu cầu của nông hộ là điều quan tâm trước, nếu muốn họ quan tâm đến lợi ích lâu dài (bảo vệ đất, môi trường, v.v…). Sản phẩm thu được cần thỏa mãn cái ăn, cái mặc và nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân.
- Hệ thống sử dụng đất phải được tổ chức trên đất mà nông dân có quyền thụ hưởng lâu dài, đất rừng đã được giao khoán với lợi ích các bên cụ thể. Loại sử dụng đất phải phù hợp với năng lực của nông hộ về đất đai, nhân lực, vốn, kỹ năng, có khả năng cung cấp sản phẩm hàng hóa, phù hợp với mục tiêu phát triển của đô thị khu vực.
- Hệ thống sử dụng đất phải phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với nền văn hóa dân tộc và tập quán địa phương, tăng cường khả năng tham gia của người dân, đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.
* Bền vững về mặt môi trường
- Hệ thống sử dụng đất phải đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
- Hệ thống sử dụng đất phải đảm bảo hạn chế các quá trình thoái hóa đất do tác động tự nhiên: xói mòn, rửa trôi, hoang mạng hóa, mặn hóa, phèn hóa, lầy hóa.
- Hệ thống sử dụng đất phải đảm bảo ngăn ngừa, giảm nhẹ thiên tai: bão lụt, xói lở, đất trượt, cháy rừng, v.v…
- Hệ thống sử dụng đất phải đảm bảo ngăn ngừa các tác nhân gây ô nhiễm do hoạt động của con người: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân vô cơ không hợp lý.
Từ những nguyên tắc chung trên, áp dụng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam một loại sử dụng đất được xem là bền vững phải đạt được 3 yêu cầu sau:
- Bền vững về kinh tế: Cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường chấp nhận;
- Bền vững về mặt xã hội: Loại sử dụng đất thu hút được lao động, đảm bảo đời sống xã hội phát triển;
- Bền vững về mặt môi trường: Loại sử dụng đất phải bảo vệ được độ màu mỡ của đất, ngăn chặn thoái hóa đất và bảo vệ môi trường sinh thái đất.
Các tiêu chí đánh giá sử dụng đất bền vững là căn cứ để xem xét đánh giá các loại sử dụng đất bền vững hiện tại và tương lai, xác định các loại sử dụng đất phù hợp, đánh giá tiềm năng đất đai và định hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vững.