Đánh giá tiềm năng đất tại một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu Đánh giá tiềm năng và định hướng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững huyện chợ đồn tỉnh bắc kạn (Trang 31 - 34)

1.2. Cơ sở thực tiễn về đánh giá tiềm năng đất đai và sử dụng đất bền vững

1.2.1. Đánh giá tiềm năng đất tại một số nước trên thế giới

1.2.1.1. Đánh giá đất đai ở Mỹ

Hệ thống đánh giá phân loại đất đai theo tiềm năng của Hoa Kỳ đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra vào những năm 1961, phương pháp đánh giá phân hạng đất đai có tên: “Đánh giá tiềm năng đất đai”. Cơ sở đánh giá tiềm năng sử dụng đất đai dựa vào các yếu tố hạn chế trong sử dụng đất, được phân ra thành 2 nhóm:

- Nhóm các yếu tố hạn chế vĩnh viễn: bao gồm những hạn chế không dễ thay đổi và cải tạo được như: độ dốc, độ dày tầng đất, lũ lụt và khí hậu khắc nghiệt.

- Nhóm những yếu tố hạn chế tạm thời: có khả năng khắc phục được bằng các biện pháp cải tạo trong quản lý đất đai như độ phì, thành phần dinh dưỡng và những trở ngại về tưới tiêu,…

Nguyên tắc chung của phương pháp là các yếu tố nào có mức độ hạn chế lớn là yếu tố quyết định mức độ thích hợp mà không cần tính đến những khả năng thuận lợi của các yếu tố khác có trong đất. Đánh giá tiềm năng đất đai ở Mỹ được ứng dụng rộng rãi theo 2 phương pháp:

- Phương pháp tổng hợp: Phương pháp này lấy năng suất của cây trồng trong nhiều năm làm tiêu chuẩn (thường là 10 năm). Phương pháp này có chú ý đến việc phân hạng đất đai cho từng loại cây trồng cụ thể, trong đó lấy cây lúa mì làm cây trồng chính và xác định mối tương quan giữa đất đai và giống lúa mì được trồng trên đó để đề ra những biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất.

- Phương pháp đánh giá đất theo từng yếu tố: Phương pháp này dựa vào việc thống kê các yếu tố tự nhiên, yếu tố kinh tế để so sánh dựa vào một mốc lợi nhuận tối đa theo thang điểm 100 hoặc 100% để làm mốc so sánh lợi nhuận ở các loại đất khác nhau.

+ Điều kiện tự nhiên: Độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, độ thẩm thấu, chất lẫn vào, lượng độc tố trong đất, địa hình, mức độ xói mòn và khí hậu.

+ Điều kiện kinh tế - xã hội: năng suất cây trồng chính trong 10 năm, thống kê thu nhập và chi phí.

Phương pháp đánh giá tiềm năng sử dụng đất đai (USDA) tuy không đi sâu vào từng loại sử dụng cụ thể đối với sản xuất nông nghiệp và hiệu quả kinh tế - xã hội, song trong đánh giá rất quan tâm đến những yếu tố hạn chế bất lợi của đất đai và việc xác định các biện pháp bảo vệ đất, đây cũng chính là điểm mạnh của phương pháp đối với mục đích duy trì bảo vệ môi trường và sử dụng đất bền vững (Đỗ Nguyên Hải, 2000) [23].

1.2.1.2. Đánh giá tiềm năng đất đai ở Liên Xô (cũ)

Theo quan điểm đánh giá đất của Docutraep (1846 - 1903) đánh giá tiềm năng đất đai bao gồm 3 bước:

- Đánh giá lớp phủ thổ nhưỡng (so sánh các loại thổ nhưỡng theo tính chất tự nhiên).

- Đánh giá khả năng sản xuất của đất (yếu tố được xem xét kết hợp với yếu tố khí hậu, độ ẩm, địa hình).

- Đánh giá kinh tế đất (chủ yếu là đánh giá khả năng sản xuất hiện tại của đất).

Quan điểm đánh giá đất của Docutraep áp dụng phương pháp cho điểm các yếu tố, đánh giá trên cơ sở thang điểm đã được xây dựng thống nhất. Dựa trên quan điểm khoa học của ông, các thế hệ học trò của ông đã bổ sung, hoàn thiện dần, do đó phương pháp đánh giá đất của Docutraep đã được thừa nhận và phổ biến ra nhiều nước trên thế giới. Ngoài những ưu điểm trên, phương pháp đánh giá đất của Docutraep cũng còn một số hạn chế như quá đề cao khả năng tự nhiên của đất mà chưa xem xét đầy đủ các khía cạnh kinh tế - xã hội của việc sử dụng đất. Mặt khác, phương pháp đánh giá đất đai cho điểm cụ thể chỉ đánh giá được đất hiện tại mà không đánh giá được đất đai trong tương lai, tính linh động kém vì chỉ tiêu đánh giá đất đai ở các vùng cây trồng khác nhau là khác nhau, do đó không thể chuyển đổi việc đánh giá đất đai giữa các vùng khác nhau (Đỗ Nguyên Hải, 2000) [23].

1.2.1.3. Ở Anh

Anh có hai phương pháp đánh giá đất là dựa vào sức sản xuất tiềm tàng của đất hoặc dựa vào sức sản xuất thực tế của đất.

Phương pháp đánh giá đất căn cứ trên thống kê sức sản xuất thực tế của đất và năng suất bình quân nhiều năm làm chuẩn (10 năm) so sánh với năng suất thực tế trên đất để cho phân hạng. Tuy nhiên phương pháp này còn gặp nhiều khó khăn vì sản lượng, năng suất không những phụ thuộc vào giống cây trồng mà còn phụ thuộc vào khả năng của người sử dụng đất.

Phương pháp đánh giá đất dựa vào thống kê sức sản xuất tiềm tàng của đất, trên cơ sở đó người ta chia đất làm các hạng, mỗi hạng được xem xét bởi những yếu tố hạn chế của đất đối với sản xuất nông nghiệp trong vùng nghiên cứu. Tuy nhiên phương pháp này cũng khó xác định do con người thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh có thể tiềm năng của đất (Bùi Văn Sỹ, 2012) [62].

1.2.1.4. Ở Canada

Ở Canađa việc đánh giá đất dựa vào các tính chất của đất và năng suất ngũ cốc nhiều năm (lấy cây lúa mì làm tiêu chuẩn) và nếu có nhiều loại cây thì dùng hệ số quy đổi ra lúa mì. Trong đánh giá đất các chỉ tiêu thường được chú ý: thành phần cơ giới, cấu trúc đất, mức độ xâm nhập mặn vào đất, xói mòn, đá lẫn,.. Chất lượng đất đai được đánh giá bằng thang điểm 100 theo tiêu chuẩn trồng lúa mì. Trên cơ sở đánh giá phân chia khả năng sử dụng đất theo 7 nhóm: trong đó nhóm cấp I thuận lợi nhất cho sử dụng (ít hoặc hầu như không có yếu tố hạn chế), tới nhóm cấp VII gồm những loại đất không thể sản xuất nông nghiệp được (có nhiều yếu tố hạn chế) (Đỗ Nguyên Hải, 2000) [23].

1.2.1.5. Ấn Độ

Ở Ấn Độ áp dụng phương pháp tham biến để biểu thị mối quan hệ về sức sản xuất của đất với các yếu tố đặc tính đất độ dày, tầng đất, thành phần cơ giới, độ dốc và các yếu tố khác, v.v… dưới dạng phương trình toán học.

Kết quả phân hạng cũng được thể hiện dưới dạng % hoặc cho điểm. Trong phương pháp này, đất đai sản xuất được chia thành 6 nhóm:

- Nhóm siêu tốt: đạt 80 - 100 điểm, có thể trồng bất kỳ loại cây nào cũng cho năng suất cao.

- Nhóm tốt: đạt 60 - 79 điểm, có thể trồng bất kỳ loại cây nào nhưng cho năng suất khá (thấp hơn nhóm siêu tốt).

- Nhóm trung bình: đạt 40 - 59 điểm, đất trồng được một số nhóm cây trồng (cho năng suất trung bình).

- Nhóm nghèo: đạt 20 - 39 điểm, đất chỉ trồng một số loại cây cỏ.

- Nhóm rất nghèo: đạt 10- 19 điểm, đất chỉ làm đồng cỏ chăn thả gia súc.

- Nhóm cuối cùng: đạt < 10 điểm, đất không thể dùng vào sản xuất nông nghiệp được mà phải sử dụng cho các mục đích khác.

Như vậy, các nước trên thế giới đều đã nghiên cứu về đánh giá đất và phân hạng đất đai ở mức vĩ mô tới vi mô, từ đánh giá chung cả nước cho đến chi tiết ở các vùng cụ thể, các loại sử dụng đất đặc thù. Hạng đất phân ra đều thể hiện tính thực tế theo từng điều kiện cụ thể theo mục tiêu đánh giá (Đỗ Nguyên Hải, 2000) [23].

Một phần của tài liệu Đánh giá tiềm năng và định hướng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững huyện chợ đồn tỉnh bắc kạn (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(215 trang)