Chương 3 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
3.2.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, mức độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa bao phủ được các lĩnh vực cần xây dựng
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã được phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực xét về mức độ bao quát, tuy nhiên vẫn chưa bao phủ hết các lĩnh vực cần xây dựng cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay nói cách khác là nhu cầu của các bên liên quan. Ví dụ, theo khung phân loại tiêu chuẩn của ISO, hiện nay còn nhiều nhóm như 03.020 Xã hội học, 03.180 Giáo dục, 27.190 Năng lượng nguồn gốc sinh học và năng lượng thay thế…, các phân nhóm như 01.040.11 Thuật ngữ và định nghĩa về công nghệ chăm sóc sức khỏe, 37.040.10 Thiết bị nhiếp ảnh và máy chiếu… chưa có tiêu chuẩn quốc gia. Thậm chí, một số phân nhóm bao trùm phạm vi rộng cũng thiếu nhiều tiêu chuẩn quốc gia, ví dụ: phân nhóm 65.020.20 Trồng trọt hiện đã có một số tiêu chuẩn quốc gia về giống cây rau, giống cây lương thực nhưng chưa có tiêu chuẩn quốc gia về giống cây dược liệu, trong khi đây là lĩnh vực cần đẩy mạnh để phát triển ngành dược liệu và y học cổ truyền theo định hướng của Chính phủ.
Thứ hai, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tăng nhưng hiệu quả chưa cao Việt Nam hiện nay đang chú trọng nhiều vào việc tăng cường hài hòa tiêu chuẩn về mặt số lượng mà chưa có một định hướng hài hòa tiêu chuẩn hợp lý để hạn chế những tác động tiêu cực do việc hài hòa tiêu chuẩn gây ra, như việc tiêu chuẩn được xây dựng không đáp ứng đầy đủ và phù hợp với yêu cầu thực tế, không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật trong nước. Ví dụ: bộ tiêu chuẩn quốc gia về Thép cốt bê tông (TCVN 1651-1:2008 Thép cốt bê tông - Phần 1: Thép thanh tròn trơn; TCVN 1651-2:2008 Thép cốt bê tông - Phần 2: Thép thanh vằn; TCVN 1651-3:2008 (ISO 6395-3:2007) Thép
113
cốt bê tông - Phần 3: Lưới thép hàn) hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn ISO nhưng chưa phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện có, ví dụ không phù hợp về kí hiệu mác thép, dẫn đến khó thực hiện, áp dụng.
Thứ ba, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia xây dựng theo phương pháp không tương đương vẫn còn cao
Về phương pháp chấp nhận tiêu chuẩn theo nghiệp vụ quốc tế thì Việt Nam chưa áp dụng phương pháp chấp thuận và phương pháp in lại vì gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ. Bên cạnh đó, số lượng tiêu chuẩn quốc gia xây dựng theo phương pháp không tương tương còn chiếm tỷ trọng khá cao trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, và điều này rất dễ tạo thành rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Một ví dụ đối với Nhật Bản, đến năm 2013, tổng số tiêu chuẩn quốc gia (JIS) hiện hành của Nhật Bản là 10399 tiêu chuẩn, số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế là 5725 tiêu chuẩn, trong đó: hoàn toàn tương đương là 40 %, tương đương có sửa đổi là 57 % và không tương đương là 3
%. Trong khi ở Việt Nam, đến năm 2016, tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành là 9550 TCVN, số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế là 5153 TCVN, trong đó hoàn toàn tương đương là 53,96%, tương đương có sửa đổi là 1,50% và không tương đương là 44,54%.
Thứ tư, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa được rà soát theo quy định Theo quy định tại Điều 19, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (2006), Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức rà soát tiêu chuẩn quốc gia định kỳ ba năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày tiêu chuẩn được công bố. Kết quả rà soát là Danh mục các tiêu chuẩn quốc gia cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng chưa được thực hiện theo tinh thần của Luật vì nhiều lý do (kinh phí, con người, cơ sở hạ tầng...). Điều này dẫn đến trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành vẫn tồn tại khá nhiều loại tiêu chuẩn không còn quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ví dụ: TCVN
114
4984:1989 (ST SEV 2039-79) Vật liệu dệt - Xơ bông - Danh mục chỉ tiêu chất lượng; TCVN 3220:1979 Đồ hộp sữa - Danh mục các chỉ tiêu chất lượng;TCVN 4680:1989 Máy kéo nông nghiệp. Danh mục chỉ tiêu chất lượng
…. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quốc gia được ban hành từ năm 1990 trở về trước cũng cần được rà soát tình trạng kỹ thuật hiện hành có còn phù hợp với xu thế thương mại toàn cầu và nền kinh tế hội nhập hay không, ví dụ: những tiêu chuẩn chấp nhận tiêu chuẩn (ST SEV) của Hội đồng tương trợ kinh tế thế giới, tiêu chuẩn quốc gia (GOST) của Liên Xô (cũ).
Thứ năm, chưa có số liệu công bố chính thức về hiệu quả kinh tế của việc áp dụng tiêu chuẩn đối với nền kinh tế
Tuy lợi ích kinh tế của tiêu chuẩn ngày càng được thừa nhận rộng rãi nhưng kể từ thập niên 80 đến nay Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào đi sâu vào đánh giá hiệu quả kinh tế của tiêu chuẩn. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam năm 2010-2011, kết quả mới chỉ dừng lại ở một số doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực, một loại hình (dây và cáp điện), còn với cấp độ rộng hơn là phạm vi một ngành và toàn bộ nền kinh tế, mới chỉ có đề xuất về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế của tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do tính phức tạp của nghiên cứu và sự hạn chế về nguồn lực, nghiên cứu mở rộng chỉ mới dừng ở mức độ nghiên cứu lý thuyết.
3.2.2.2. Nguyên nhân
Thứ nhất, thiếu Chiến lược phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Phát triển nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế là yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta trong thập kỷ tới. Trong quá trình trên, tiêu chuẩn hoá đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược, hỗ trợ đắc lực cho việc đạt được các mục tiêu chiến lược về kinh tế đã đề ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa xây dựng được Chiến lược phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Chiến lược sẽ là định hướng quan trọng cho phát triển hệ thống tiêu chuẩn
115
quốc gia một cách có hiệu quả nhất, cơ sở quan trọng để hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập và các cam kết của Việt Nam khi thực thi Hiệp định WTO/TBT và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tất cả các hạn chế nêu ở trên. Ví dụ: việc thiếu chiến lược phát triển dẫn đến việc thiếu định hướng cho việc hài hòa tiêu chuẩn dẫn đến việc áp dụng mức độ hài hoà “hoàn toàn tương đương”
quá máy móc khi chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực làm cho một số tiêu chuẩn quốc gia hài hoà không có tính khả thi, thậm chí còn gây khó khăn đối với các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng (hạn chế thứ hai). Mặt khác, việc thiếu định hướng cho việc hài hòa tiêu chuẩn dẫn đến tỷ lệ các tiêu chuẩn xây dựng theo phương pháp không tương đương khá cao (hạn chế thứ ba).
Thứ hai, Cơ chế chính sách về phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam còn bất cập
Sự quan tâm của các Bộ quản lý chuyên ngành còn hạn chế, thể hiện qua việc thiếu các văn bản luật và hướng dẫn thi hành luật về việc định hướng xây dựng và cơ chế chính sách đối với áp dụng tiêu chuẩn quốc gia liên quan. Các luật chuyên ngành và văn bản dưới luật chủ yếu nêu chung chung là đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các đối tượng mà văn bản luật đề cập, nhưng không nêu được định hướng và cơ chế chính sách về tiêu chuẩn hóa liên quan đến chuyên ngành đó. Ví dụ: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật chỉ nêu ”Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật”; Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không nêu định hướng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nhóm cây trồng nào (cây hoa, cây công nghiệp, cây ăn quả...) và chính sách hỗ trợ ra sao. Bên cạnh đó còn thiếu các cơ chế về nguồn lực để thực hiện các hoạt động nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia như rà soát các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa về số nhóm, phân nhóm còn thiếu tiêu chuẩn.
116
Đây là nguyên nhân dẫn đến hạn chế thứ nhất (mức độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa bao phủ được các lĩnh vực cần xây dựng) và hạn chế thứ tư (hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa được rà soát theo quy định).
Thứ ba, nguồn lực tài chính cho xây dựng tiêu chuẩn quốc gia còn hạn chế và phân tán
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam phát triển chủ yếu theo hướng Top-Down với sự đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý công cho xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, vấn đề xã hội hóa chưa được triển khai rộng rãi. Kinh phí hằng năm cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu được cấp từ ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ từ phía các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước rất khiêm tốn. Ví dụ, Bộ Khoa học và Công nghệ có thể được coi là đơn vị xây dựng tiêu chuẩn quốc gia với số lượng nhiều nhất, trong giai đoạn 2007-2010, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước giành cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phục vụ Đề án triển khai thực hiện hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại xấp xỉ 10 tỷ đồng/năm, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngoài không đáng kể; trong giai đoạn 2011-2016, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước giành cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phục vụ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” xấp xỉ 15-16 tỷ đồng/năm, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngoài khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch [62], kinh phí sự nghiệp khoa học cấp từ ngân sách nhà nước năm 2014 là 41.755 triệu đồng, tuy nhiên phần dành cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chỉ là 1.820 triệu đồng, tương tự năm 2015 là 39.200 triệu đồng, nhưng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chỉ là 2.440 triệu đồng, năm 2016 là 58.890 triệu đồng nhưng kinh phí dành cho xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chỉ là 2.270 triệu đồng.
117
Chính vì vậy, mặc dù các tiêu chuẩn quốc gia được coi là cơ sở phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ quản lý kinh tế-xã hội, hướng dẫn xuất nhập khẩu, thì cần gắn quá trình viết dự thảo tiêu chuẩn với khảo sát thực tế và cả thử nghiệm khi cần thiết, tiêu chuẩn quốc gia xây dựng xong cần được phổ biến và phát hành rộng rãi. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc xây dựng tiêu chuẩn mới chỉ theo hình thức “chay” nghĩa là nghiên cứu tài liệu, chuyển dịch tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc gia mà chưa có khảo nghiệm, thử nghiệm… dẫn đến áp dụng mức độ hài hoà “hoàn toàn tương đương” quá máy móc khi chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
Thứ tư, Nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia còn thiếu và yếu
Với đặc thù của ngành, nhân sự tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu là kiêm nhiệm. Tổng cục TCĐLCL là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia có số lượng nhân viên chính thức hoạt động toàn thời gian cho tiêu chuẩn hóa là 62 người (với 52 Thư ký ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 10 chuyên viên của Vụ Tiêu chuẩn). Trong Phụ lục 5 cũng chỉ ra có 1.368 lượt chuyên gia tham gia vào 126 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nhưng chỉ có 52 thư ký là hoạt động toàn thời gian, các chuyên gia còn lại hoạt động bán thời gian. Đối với các bộ, ngành thì hoàn toàn là kiêm nhiệm. Chính vì vậy, chất lượng nhân sự dành cho hoạt động TCH còn nhiều hạn chế.
Một lý do khác nữa là nhân lực xây dựng tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ TCH do chưa được đào tạo thường xuyên cho các Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; Chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành/chính quy về TCH bắt đầu từ bậc đại học và thậm chí là phổ thông cho các sinh viên.
Thứ năm, sự huy động các bên liên quan trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia còn hạn chế
Sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng TCVN (Bottom- Up) rất thụ động, hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của các bên có
118
liên quan (đặc biệt là doanh nghiệp) trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia vì: Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, sự chia xẻ công việc tự nguyện của các thành phần khác trong xã hội, đặc biệt là từ phía các hội, hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức giáo dục-đào tạo,...; Chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia và đầu tư cho nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn quốc gia; Các hoạt động thông tin-tuyên truyền, giáo dục - đào tạo thường chỉ được tiến hành trong phạm vi hạn chế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao chứ chưa có tính hệ thống, chưa có chương trình mang tính mục tiêu dựa trên sự liên kết, phối hợp giữa các bên có lợi ích liên quan.
Điều này dẫn đến tình trạng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu việc xây dựng các tiêu chuẩn phải dựa trên nhu cầu thị trường với sự tham gia tự nguyện và rộng rãi của các bên có lợi ích liên quan, cụ thể là chưa phản ánh được nhu cầu cần xây dựng tiêu chuẩn nên phần nào dẫn đến hạn chế về quy mô và độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia
Thứ sáu, sự kết nối giữa tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia còn hạn chế Với vai trò là tiền đề kỹ thuật cho tiêu chuẩn quốc gia, tuy nhiên ở Việt Nam, hoạt động TCH ở các doanh nghiệp còn chưa được chú trọng quan tâm nhiều. Do doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ các khía cạnh của hoạt động TCH, chưa nhận thức hết được vai trò và đóng góp của tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, do đó chưa đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho hoạt động này. Ở những doanh nghiệp đã triển khai xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì phần lớn các tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng có chất lượng chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và chưa thực sự là một công cụ quản lý hữu hiệu cho doanh nghiệp, việc tổ chức hoạt động TCH cơ sở còn chưa toàn diện và mang tính hệ thống.
119 Chương 4