CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC
1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG NỀN KINH TẾ
1.1.1. Thanh toán và các hình thức thanh toán trong nền kinh tế a. Khái niệm thanh toán
Thanh toán được hiểu theo một cách khái quát là việc chi trả bằng tiền giữa các bên trong những quan hệ kinh tế nhất định như thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán tiền lương cho nhân viên, thanh toán nợ,…. Các bên thanh toán có thể là giữa các doanh nghiệp với nhau; giữa doanh nghiệp với ngân hàng, tổ chức tín dụng; giữa doanh nghiệp với người bán, người mua, với nhân viên; giữa đơn vị sử dụng ngân sách với NSNN;….. Tiền ở đây được hiểu là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để nhận hàng hóa hay dịch vụ hoặc trong việc trả nợ,...
b. Các hình thức thanh toán
- Căn cứ vào tính chất trực tiếp hoặc qua trung gian, có thể chia thành:
+ Thanh toán trực tiếp: là hình thức thanh toán trực tiếp giữa người trả và người nhận.
+ Thanh toán qua trung gian thanh toán: là hình thức thanh toán từ người trả đến người nhận thông qua trung gian thanh toán như ngân hàng, kho bạc.
Trung gian thanh toán sẽ thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như: trích tiền từ tài khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và thu khác theo lệnh khách hàng.
- Căn cứ vào đặc điểm thanh toán, có thể chia thành:
+ Thanh toán bằng tiền mặt: là tất cả các hình thức thanh toán mà người trả chi bằng tiền mặt và người hưởng nhận bằng tiền mặt, kể cả thanh toán trực tiếp hay qua trung gian thanh toán.
+ Thanh toán không dùng tiền mặt: là hình thức thanh toán mà không phát sinh sự chuyển giao tiền mặt giữa người trả và người nhận. Khi nhận lệnh thanh toán, trung gian thanh toán trích chuyển tiền từ tài khoản của người chi tiền sang người thụ hưởng.
+ Thanh toán hỗn hợp: là hình thức thanh toán mà người trả có thể sử dụng tiền mặt để chi trả còn người nhận bằng chuyển khoản hoặc ngược lại.
1.1.2. Vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt
Đối với khách hàng, TTKDTM là một hình thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng và an toàn; khi khách hàng có tài khoản giao dịch ở ngân hàng, chỉ cần viết một yêu cầu gửi ngân hàng thì khách hàng có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào hay chuyển tiền đến tài khoản nào cũng được; phương thức này an toàn vì tránh được các rủi ro khi mang theo tiền mặt để giao dịch như mất cắp hay rủi ro về mặt vật lý khiến tiền mặt không sử dụng được. Với hình thức TTKDTM, số tiền giao dịch chính xác hơn so với giao dịch tiền mặt, nhất là đối với các khoản giao dịch có giá trị lớn.
Đối với ngân hàng, TTKDTM là công cụ thanh toán tiện lợi, giúp lưu thông tiền tệ nhanh chóng. TTKDTM tạo điều kiện cho ngân hàng tập trung được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường nguồn vốn để đầu tư. Thông qua việc giám sát tình hình thu chi qua tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng, ngân hàng có thể theo dõi và đánh giá được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó làm căn cứ cho vay hay thu nợ, ngân hàng cũng có thể hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và có
hiệu quả. Ngoài ra, TTKDTM còn tạo nguồn thu nhập cho ngân hàng thông qua việc thu phí thanh toán.
Đối với kho bạc, TTKDTM góp phần quản lý quỹ NSNN hiệu quả, tập trung nhanh chóng, đầy đủ các khoản thu NSNN; chi NSNN kịp thời và trực tiếp đến các đơn vị thụ hưởng ngân sách, góp phần đẩy nhanh thanh toán giữa các đơn vị, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh việc đảm bảo chi NSNN kịp thời, TTKDTM còn giúp kho bạc kiểm soát chi NSNN hiệu quả, an toàn hơn, củng cố kỷ luật trong thanh toán, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản Nhà nước giao cho quản lý.
Đối với tổng thể nền kinh tế, TTKDTM có ý nghĩa rất quan trọng khi hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông, do đó tiết kiệm được chi phí phát hành, lưu thông cho xã hội như chi phí in tiền, chi phí vận chuyển, kiểm đếm, báo quản và tiêu hủy tiền cũ. TTKDTM ra đời và phát triển trên cơ sở sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đây cũng là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất xã hội. TTKDTM còn tạo điều kiện để tập trung nguồn vốn lớn để tái đầu tư vào nền kinh tế. Do vậy mà việc tổ chức tốt công tác thanh toán và TTKDTM có vai trò lớn trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, TTKDTM còn tạo điều kiện cho NHNN tính toán và kiểm soát lượng tiền cung ứng cần thiết cho nền kinh tế, giúp kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Bằng cách khống chế tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tái chiết khấu,… NHNN có thể gián tiếp điều hòa khối cung tiền tệ, đảm bảo cho nền kinh tế ở một mức ổn định. Ngoài ra, TTKDTM là công cụ giúp phát huy vai trò quản lý của Nhà nước khi chỉ đạo thực hiện các chính sách kinh tế được tốt hơn; vai trò kiểm tra của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế tài chính, kiểm soát được nguồn tiền, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phòng chống nạn tham nhũng và tội phạm kinh tế.